Quy định phi công nghỉ việc báo trước 120 ngày gây tranh cãi
“Quy định của Bộ Giao thông Vận tải về việc người lao động trình độ cao phải thông báo thời gian nghỉ việc trước 120 ngày là trái luật”, luật sư Phạm Thanh Bình khẳng định.
Bộ Giao thông vừa ban hành thông tư sửa đổi về quy chế an toàn hàng không dân dụng. Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động, bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt. So với dự thảo đưa ra lấy ý kiến cách đây 5 tháng, thời gian báo trước đã giảm xuống 60 ngày.
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu kết thúc vào tháng 6-7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1-2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó. Ngoài ra, khi những lao động này chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động.
Các nhân viên hàng không trình độ cao bao gồm: phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay.
Nhiều hãng hàng không Việt Nam thuê phi công người nước ngoài, các thỏa thuận thường được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Ảnh minh họa.
Trao đổi với VnExpress, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông) cho rằng, phi công là lao động đặc thù và điều 70 của Luật Hàng không cho phép Bộ trưởng Giao thông được quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng nhiều hơn 45 ngày.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Hằng Nga nhận định, Bộ luật Lao động không quy định thời gian người lao động phải báo trước tối đa, chỉ quy định thời gian báo trước tối thiểu là 45 ngày. “Chúng tôi xem xét cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Không thể để doanh nghiệp xáo trộn kinh doanh cũng như người lao động thiệt thòi khi nghỉ việc”, bà Nga nói.
Video đang HOT
Trái với ý kiến của lãnh đạo Vụ Pháp chế, luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc), cho rằng thông tư của Bộ Giao thông là trái Bộ luật Lao động vì bộ luật quy định người lao động chỉ phải báo trước tối đa 45 ngày. “Nếu ngành nào cũng viện cớ đặc thù thì thông tư sẽ đứng trên luật, không thể vin vào lý do ngành đặc thù để trái Bộ luật Lao động”, ông Bình nói.
Luật sư này cũng cho rằng, khi một người lao động nghỉ việc tất nhiên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, song đó là việc mà doanh nghiệp cần giải quyết và tìm cách khắc phục, không thể vin vào đó để làm trái quy định.
Theo một lãnh đạo Vụ Lao động – Tiền Lương, Bộ Lao động, người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về thời gian chấm dứt hợp đồng khi ký hợp đồng lao động, hoặc thông qua tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Vị này cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không nên quy định thời gian chấm dứt hợp đồng của người lao động để tránh can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Nếu đưa ra quy định thì cần áp dụng theo Bộ luật Lao động là người lao động khi nghỉ việc cần báo trước 45 ngày.
Cuối tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo thông tư an toàn hàng không dân dụng và khai khác tàu bay. Dự thảo quy định lao động trình độ cao phải báo trước thời gian nghỉ việc trước 180 ngày. Nhiều chuyên gia đã cho rằng, thời gian báo trước 180 ngày là không phù hợp với Bộ luật Lao động.
Đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Nhiều người đã muốn chấm dứt hợp đồng để chuyển sang hãng khác, gây khó khăn cho công tác điều hành bay của hãng. Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy định về thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng của lao động.
Đoàn Loan
Theo VNE
Chủ công ty biến mất, hàng trăm công nhân bơ vơ
Đang hoạt động bình thường, bỗng một ngày, ông chủ Yu Kiun người Hàn Quốc của Công ty TNHH GMIE (KCN mở rộng Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) mất tích bí ẩn. Hơn 400 công nhân hoang mang không biết lý do vì sao và bao giờ được đi làm trở lại.
Công nhân ngóng chờ ông chủ công ty quay trở lại - Ảnh: Thu Hằng
Lãnh đạo mất hút
Đã 1 tuần nay, hàng trăm công nhân Công ty TNHH GMIE (KCN mở rộng Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đều tập trung trước cổng công ty ngóng chờ lãnh đạo trở về. Thế nhưng mọi sự chờ đợi đều bặt vô âm tín. Quá bức xúc, công nhân đã làm đơn gửi Bộ LĐ-TB-XH, Tổng Liên đoàn lao động VN, Công an tỉnh Bắc Ninh kêu cứu, yêu cầu các cơ quan chức năng truy tìm Tổng giám đốc người Hàn Quốc để đòi quyền lợi.
Bà Nông Thị Tám, Chủ tịch Công đoàn công ty, kể: "Trong tháng 5, công ty vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, ngày 30.5công ty còn tăng ca đến 10 giờ tối. Nhưng sang đến ngày 1.6, công ty ra thông báo cho công nhân nghỉ việc vì có khách đến thăm. Rồi đột ngột, 11 giờ 30 ngày 1.6, Trưởng phòng nhân sự và Giám đốc điều hành lại đưa ra một thông báo mới, từ ngày 2.6 tất cả công nhân không phải đến làm việc. Tôi có hỏi lại Giám đốc điều hành và Trưởng phòng nhân sự, họ bảo cứ về nghỉ vô thời hạn. Lý do vì sao họ bảo cũng không biết".
Theo bà Tám, trước khi đóng cửa, phòng nhân sự còn hứa sẽ cố gắng liên lạc với trưởng các bộ phận, nếu có thay đổi gì sẽ thông báo lại. Tuy nhiên, những ngày sau đó, tất cả đều không thấy xuất hiện.
Đáng chú ý, theo các công nhân, khi cho họ nghỉ việc, lãnh đạo công ty đã bí mật lén lút chuyển đồ đạc, thiết bị đi nơi khác. Đến ngày 2.6, khi nhận được tin nghỉ việc vô thời hạn, công nhân mới tá hỏa lao đến đến công ty thì chỉ còn "xưởng không, phòng trống".
Công nhân hoang mang
Chị Hoàng Thị Thùy (quê Bắc Giang), công nhân Phòng kiểm tra lo lắng: "Trong suốt 2 năm làm việc tại đây, công ty không hề có dấu hiệu làm ăn thua lỗ hay phá sản. Hàng tháng công ty vẫn trả lương cơ bản cho công nhân, chưa bao giờ chậm lương dù chỉ một ngày. Bây giờ, không rõ lãnh đạo công ty ở đâu. Họ mà bỏ trốn, mọi chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của chúng tôi không biết sẽ giải quyết thế nào".
Cho đến cuối giờ chiều qua, bà Nông Thị Tám cho hay, cán bộ Sở LĐ-TB-XH, Ban quản lý KCN đã xuống làm công tác tư tưởng cho công nhân nhưng chưa có bất cứ thông tin hay hướng xử lý gì. Bà Tám bức xúc: "Từ bộ phận nhân sự, đến lãnh đạo công ty đều khóa máy và không thể liên lạc được. Suốt 1 tuần nay chúng tôi đội nắng đứng chờ lãnh đạo công ty quay trở lại. Không làm nhanh bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị cắt, chúng tôi vô cùng thiệt thòi "
Trao đổi với Thanh Niên chiều 8.6, ông Đỗ Quang Vui, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Ninh cho biết, đây là sự việc đầu tiên, một chủ doanh nghiệp (DN) nước ngoài "biến mất". Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 3.6, lãnh đạo Sở và lãnh đạo Ban quản lý KCN Quế Võ đã có buổi làm việc với công nhân.
Ông Vui nói: "Hiện tại vẫn chưa rõ "tung tích" chủ DN đang ở đâu, phải chờ bên công an xác minh làm rõ. Nếu giả sử, chủ DN bỏ trốn, những ai có nhu cầu đi làm có thể liên hệ với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, chúng tôi đang kết nối với các DN lân cận để tuyển dụng. Còn, những lao động không có nhu cầu, chúng tôi sẽ giải quyết chế độ BHTN, BHYT theo luật".
Cũng theo ông Vui, công ty GMIE mới chỉ đóng BHXH cho công nhân đến hết tháng 4, hiện vẫn còn nợ BHXH tháng 5. "Chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ để chốt sổ cho người lao động. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ gửi thông báo tới công nhân công ty GMIE và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh", ông Vui khẳng định.
Thu Hằng
Theo Thanhnien
Hàng trăm công nhân ở Bắc Ninh đột ngột mất việc Công ty TNHH GMIE (chuyên sơn và mạ điện thoại, tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) vừa đột ngột tuyên bố cho công nhân "nghỉ việc không thời hạn". Cả tuần qua hàng trăm công nhân (CN) tại Công ty TNHH GMIE bức xúc, lo lắng cho quyền lợi của mình, nhất là về BHXH khi lãnh đạo Công ty tuyên bố...