Quy định nữ sinh cắt tóc ngắn ‘lộ trán, không che gáy’ gây tranh cãi
Nhiều trường học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cho rằng quy định về tóc, trang phục sẽ khiến học trò, đặc biệt là nữ sinh, học tốt hơn vì không còn cần quan tâm đến vẻ ngoài.
Nữ sinh phải cắt ngắn tóc đủ để “lộ trán, lông mày, 2 tai và cổ áo ở sau gáy”. Đó là quy định được trường THCS số 3 thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) phổ biến tới học sinh cách đây nửa tháng, trước khi các em nhập học.
Một nhân viên của trường nói với The Paper rằng quy định này được phụ huynh và các học sinh thống nhất thực hiện trong 3 năm qua và chưa thấy có vấn đề gì. Lý do đưa ra là việc này sẽ giúp các em đỡ mất thời gian sửa soạn khi đến trường, qua đó có thể đạt điểm cao hơn trong học tập.
Đầu tháng 9, đoạn video ghi lại cảnh phụ huynh cầm kéo cắt tóc con gái cho đúng quy định trước cổng một ngôi trường cũng ở tỉnh Hà Bắc lan truyền trên mạng. Trường này cho biết quy định nhằm giúp nữ sinh tránh lãng phí thời gian vào việc chải chuốt hay cạnh tranh để trông đẹp hơn các bạn.
Nhiều trường học ở Trung Quốc quy định nữ sinh phải cắt tóc ngắn. Ảnh: Sixth Tone.
Tuy nhiên, các quy định này tạo ra không ít luồng tranh cãi, thậm chí phản ứng gay gắt trong cộng đồng mạng. Trong khi một số nhận định điều này là cần thiết để duy trì tính kỷ luật trong nhà trường, nhiều người cho rằng các quy định có thể vi phạm nhân quyền, khiến học sinh gặp bệnh tâm lý hay thậm chí suy nghĩ cực đoan.
“Khuôn” tóc ở trường học
Theo Sixth Tone, Bộ Giáo dục Trung Quốc không có quy định cụ thể nào về kiểu tóc của học sinh, nhưng nhiều trường THCS và THPT đã tự tạo ra các quy tắc rồi áp dụng cho học sinh của mình.
Một số trường quy định về độ dài, một số lại yêu cầu nữ sinh buộc tóc gọn gàng, không cho phép nhuộm hoặc uốn. Nam sinh cũng thường được yêu cầu để tóc ngắn. Bên cạnh đó, nhiều nơi yêu cầu tất cả học sinh phải mặc đồng phục unisex rộng rãi để các lớp học có thể hoàn toàn đồng nhất về ngoại hình.
Một cựu hiệu trưởng trường trung học tư thục ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) nói với Japan Times rằng các quy định về trang phục, đầu tóc cho học sinh là cần thiết. Bởi trường là nơi học tập của học sinh, không phải chỗ để vui chơi, nếu có không các quy định sẽ tạo nên môi trường hỗn loạn, vô kỷ luật.
Bên cạnh đó, các hành vi của học sinh cũng gây ảnh hưởng nhất định lên hình ảnh của nhà trường.
Video đang HOT
Phần lớn trường trung học tại Thái Lan có các quy định về kiểu tóc, trang phục cho học sinh. Ảnh: Bangkok Post.
Một giáo viên khoảng 30 tuổi làm việc tại một trường trung học ở tỉnh Fukuoka cũng đồng ý rằng các quy định chỉ nhằm mục đích có lợi cho học sinh.
“Nhiều học sinh ăn mặc không chỉnh tề đến trường thường thể hiện rất kém, khó thi vào trường đại học hoặc tìm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp”, giáo viên này nhận định.
Trong một cuộc khảo sát các quy định về kiểu tóc do báo Nishinippon Shimbun thực hiện trên 95 trường trung học ở tỉnh Fukuoka, nhiều người cho biết các quy định này được thiết lập để “không ảnh hưởng tiêu cực” đến cơ hội được nhận vào đại học hoặc trong quá trình tìm việc của học sinh.
Một số trường có khóa học đặc biệt còn quy định cả màu sắc của giày và tất, cách để tóc của học sinh, cấm hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc.
Ở Thái Lan, nhiều năm qua, các trường học cũng thực hiện quy định nghiêm ngặt về độ dài, kiểu tóc cho học sinh nam và nữ. Người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt, bao gồm cả các biện pháp được cho mang tính làm nhục người khác như cắt tóc nơi công cộng.
Các nam sinh Thái Lan thường phải để tóc ngắn, gọn gàng. Ảnh: Bangkok Post.
Theo cuốn sách Very Thai (2005) của Philip Cornwel-Smith và John Goss, kiểu tóc quân đội đã được áp dụng trên toàn quốc sau khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1972 tại Vajiravudh College, một trường nội trú tư nhân dành cho nam sinh ở Bangkok.
Sau nhiều năm, một số quy định dần được nới lỏng song phần lớn học sinh vẫn phải để kiểu tóc theo các tiêu chuẩn nhất định của trường đang theo học.
Xứ Chùa Vàng đã ghi nhận không ít bê bối liên quan đến các quy định hà khắc của nhà trường trong vấn đề này, dẫn đến tổn thương tâm lý và thể chất học sinh. Điển hình là năm 2004, một giáo viên đã cắt đứt dái tai của một học sinh khi cố gắng cắt tóc của em cho đúng độ dài quy định, theo India Express.
Có thể phản tác dụng
Việc kiểm soát tóc của các học sinh, đặc biệt là phía nữ, từ lâu đã nhận không ít lời phàn nàn, chỉ trích, thậm chí gây nên bi kịch. Năm 2012, một nữ sinh 14 tuổi ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) được cho là đã tự sát sau khi trường học yêu cầu em cắt tóc ngắn.
Một bà mẹ 40 tuổi ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) từng chia sẻ sự bất bình trong một bài đăng trên mạng về quy định tóc của trường công lập nơi con trai cô theo học.
Theo đó, một trong các giáo viên đã yêu cầu con trai cô cắt tóc. Sau khi sửa lần 1, giáo viên nói một bên tóc vẫn còn quá dài. Đến lần thứ 3, một giáo viên khác trong trường vẫn cho rằng tóc con trai cô chưa đạt yêu cầu. Cuối cùng, nam sinh phải cạo đầu mới có thể được tất cả giáo viên chấp nhận.
“Cứ mỗi giáo viên lại có cách nhìn khác nhau. Mỗi lần tôi hỏi nên cắt như thế nào thì chỉ nhận được câu trả lời: ‘ Sao cho hợp lý là được’”, bà mẹ kể.
Con trai bà mẹ này sau đó cũng vào được đại học, nhưng cuối cùng chọn bỏ ngang và nói rằng mình không thể tin tưởng vào người lớn nữa.
Một nữ sinh Thái Lan bị giáo viên cắt tóc ngay giữa sân trường vì không để đúng độ dài. Ảnh: Tasty Thailand.
Một cuộc khảo sát trực tuyến của tập đoàn sản phẩm tiêu dùng Procter & Gamble Japan KK cho thấy khoảng 70% giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông hoài nghi các quy định của trường họ về kiểu tóc.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2019 trên 600 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và 400 giáo viên Nhật Bản, 87% tin rằng các quy tắc hiện hành nên được sửa đổi cho phù hợp với thời đại. Trong đó, 69% học sinh nói rằng họ nên được phép để tóc tùy thích.
“Trung học cơ sở và trung học phổ thông là giai đoạn mọi người tìm kiếm bản sắc và giá trị của mình. Các quy tắc chắc chắn hạn chế rất nhiều sự phát triển của những học sinh này và không có lợi cho sự phát triển lòng tự trọng và tính cách độc lập của họ”, Xiao Meili, nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc, bày tỏ.
Cô cho rằng những quy định hà khắc đối với vẻ ngoài là tước đi quyền tự chủ về cơ thể của học sinh và phản ánh việc theo đuổi chủ nghĩa tập thể trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc.
Liu, một học sinh trung học ở Thương Châu, Hà Bắc (Trung Quốc) cho biết trường cô cũng cấm học sinh để tóc quá dài vào trường.
“Tôi nghĩ rằng quy định cả việc để kiểu tóc thật quá đáng. Mọi người đều có mong muốn làm đẹp. Học sinh cấp 3 đang trong độ tuổi thanh xuân. Tôi nghĩ rằng những cô gái buộc tóc đuôi ngựa cũng trông rất trẻ trung, gọn gàng. Tại sao trường cứ muốn tất cả nữ sinh trông giống con trai?”, Liu chia sẻ.
Vụ nữ sinh bị đánh dã man, xé áo dài ở Bến Tre: Cả hai từng là bạn thân
Các cá nhân liên quan đều đã bị đình chỉ học tập.
Liên quan đến đoạn clip một nữ sinh bị đánh dã man, xé cả áo dài gây xôn xao cộng đồng mạng tối qua, ngày 29/9, ông Lê Thanh Quang - giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Bến Tre (nơi xảy ra vụ việc) đã có phát biểu chính thức. Theo đó, ông cho biết trung tâm đã có quyết định đình chỉ học tập đối với 4 nữ sinh có liên quan đến vụ việc bạo lực học đường.
Ông Quang xác nhận đây chính là các nữ sinh thuộc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên TP Bến Tre. "Sự việc xảy ra vào giờ ra chơi buổi chiều 28/09, giáo viên đã lên phòng giám thị để uống nước và chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút và nhà trường không kịp can ngăn". Thời điểm này, nữ sinh tên V. học lớp 10A6 qua lớp 10A3 gọi nữ sinh tên N. ra ngoài để "nói chuyện".
Giữa V. và N. vốn là bạn thân hồi học cấp II, nhà ở gần nhau. "Thời gian qua, giữa nữ sinh V. và N. xảy ra xích mích, tách ra không còn chơi chung với nhau nữa. Hai bạn này lên mạng nói xấu nhau rồi hiềm khích bắt đầu từ đó", ông Quang cho biết nguồn cơn của việc nhóm nữ sinh đánh nhau.
N. và V. sau hai tuần học chung tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên TP Bến Tre (học khác lớp) thì xảy ra sự việc. Nạn nhân bị đánh trong clip là nữ sinh tên N.. Em bị nhóm bạn nữ đấm đá túi bụi không thể phản kháng, thậm chí còn bị cầm ghế nhựa, nón bảo hiểm phang nhiều cái vào đầu, xé rách áo dài.
"Chúng tôi đã phải nhờ công an can thiệp để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời chúng tôi sẽ có báo cáo chi tiết vụ việc đến cơ quan chức năng", ông Quang nói. Theo ông, ngay sau khi sự việc xảy ra, trung tâm có mời 4 nữ sinh lên làm việc. Do nạn nhân là nữ sinh N. mặc áo khoác khi lên phòng giám thị để làm việc nên không phát hiện được em này bị xé áo.
Ngay cùng ngày, cả 4 nữ sinh nói trên đã bị yêu cầu viết tường trình và cam kết không tái phạm, đồng thời trung tâm cũng đã báo công an địa phương vào cuộc. Em N. sau khi bị đánh được đưa đi khám nhưng không phát hiện bất thường ngoài vết rạch trên mặt. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, em có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn nên đã được đưa đến bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Hiện em N. đang trong tình trang hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người lạ.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên TP Bến Tre, nơi xảy ra sự việc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Vụ việc đang được các cơ quan hữu quan tiếp tục làm rõ. 4 nữ sinh có liên quan đến vụ bạo hành (bao gồm cả nạn nhân) đã bị tạm đình chỉ học tập.
Nữ sinh 10X gợi cảm: "Xinh đẹp là một loại may mắn" Phan Thị Ngọc Khanh (sinh năm 2001) thu hút sự chú ý của cư dân mạng nhờ nét mặt xinh xắn, gu ăn mặc ấn tượng cùng vóc dáng quyến rũ, gợi cảm. Phan Thị Ngọc Khanh theo học trường ĐH Kinh tế TP. HCM, đồng thời là người mẫu ảnh được nhiều cửa hàng thời trang "chọn mặt gửi vàng". Ngọc Khanh...