Quy định mới về thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi,
Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định mới về thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô được áp dụng từ ngày 1/1/2020.
Bổ sung thêm 27 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy xăng và 30 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy điện vào diện ưu đãi thuế. Ảnh: HP
Thêm nhiều linh kiện được ưu đãi thuế
Về bổ sung linh kiện được áp dụng thuế suất 0% thuộc nhóm 98.49, Nghị định số 125 quy định cụ thể các linh kiện, phụ tùng ô tô được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% tại nhóm 98.49. Trước đó, một doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm 27 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy xăng và 30 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy điện vào nhóm 98.49 do trong nước chưa sản xuất được..
Cân nhắc thực tế, khi ban hành, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung 1 mã hàng 3926.30.00 với mô tả chi tiết “Phụ kiện lắp trên thân xe (coachwork) trừ các mặt hàng vít, bu lông, đai ốc, vít đầu vuông, vít treo, đinh tán, chốt hãm, chốt định vị, vòng đệm bằng plastic”. Các mã hàng còn lại không quy định cụ thể là bộ phận, phụ kiện của xe và việc tách riêng theo công dụng sẽ khó có thể kiểm soát nên không bổ sung vào nhóm 98.49. Đồng thời qua rà soát, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung 3 mã hàng dùng cho xe có động cơ vào nhóm 98.49 gồm: mã hàng 8302.30.10 – bản lề để móc khóa (Hasps) dùng cho xe có động cơ; mã hàng 8527.29.00 – máy thu thanh sóng vô tuyến không thể hoạt động khi không có nguồn điện ngoài, loại dùng cho xe có động cơ/loại khác; mã hàng 8527.21.00 – máy thu thanh sóng vô tuyến không thể hoạt động khi không có nguồn điện ngoài, loại dùng cho xe có động cơ/ kết hợp với thiết bị ghi hoặc tái tạo âm thanh vì đây cũng là mặt hàng.
Trong số 30 mã hàng linh kiện ô tô để lắp ráp xe điện gồm linh kiện chuyên dùng cho ô tô điện như động cơ cho xe điện (nhóm 85.01), pin xe điện (nhóm 85.06)…, có 14 mã hàng có thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành là 0% nên không cần bổ sung tại nhóm 98.49; 9 mã hàng là động cơ điện và pin, bộ phận của pin là bộ phận chuyên dùng của xe ô tô điện đã được bổ sung, sửa đổi đưa vào Nghị định số 57/2020/NĐ-CP với mức thuế suất 0%.
Duy trì ưu đãi với linh kiện trong nước chưa sản xuất được
Video đang HOT
Liên quan đến chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện ô tô, trước đây, Phó Thủ tướng Vướng Đình Huệ có ý kiến đề nghị xem xét đánh giá 2 phương án đối với linh kiện ô tô nhập khẩu gồm duy trì Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện trong nước chưa sản xuất được và giảm thuế nhập khẩu để phù hợp với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thực sự, mở rộng quy mô sản xuất, khắc phục được tình trạng doanh nghiệp chỉ hưởng ưu đãi thuế mà không đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Nghị định số 125 ban hành trước đây đã quy định Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó quy định doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện của Chương trình được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Nghị định số 125, một số ý kiến lại đề nghị giảm thuế nhập khẩu toàn bộ linh kiện, phụ tùng ô tô để phù hợp với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Sau khi rà soát, đánh giá Chương trình ưu đãi thực hiện trong thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã trình và được Chính phủ phê duyệt theo hướng tiếp tục duy trì thực hiện theo Chương trình ưu đãi thuế sản xuất lắp ráp ô tô như đã nêu trên và không giảm thuế tất cả các linh kiện ô tô mà không có ràng buộc điều kiện đối với các doanh nghiệp. Lý do được đưa ra là, hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc và linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô được quy định tại 15 Biểu thuế ưu đãi và ưu đãi đặc biệt (bao gồm cả Biểu thuế ASEAN- Hồng Kông sẽ có hiệu lực từ ngày 20/02/2020). Chỉ có Biểu thuế ưu đãi đặc biệt khu vực ASEAN (theo Hiệp định ATIGA) cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô xuống mức 0% (từ năm 2018). Các biểu thuế còn lại cơ bản áp dụng mức thuế bằng mức thuế MFN (mức cao nhất là 70% đối với ô tô chở người và ô tô tải, mức thấp nhất là 47% đối với ô tô chở người và 10% đối với ô tô tải) và sẽ giảm thuế theo lộ trình, 2 Hiệp định EVFTA hoặc CPTPP cam kết xóa bỏ thuế suất theo lộ trình sau 9 đến 13 năm.
Đối với linh kiện ô tô, chỉ có Biểu thuế nhập khẩu ASEAN và ASEAN-Trung Quốc quy định mức thuế nhập khẩu 0%, các Biểu thuế còn lại cơ bản theo MFN từ 0% đến 30% và sẽ cơ bản xuống 0% vào năm thứ 11. Như vậy, đối với trường hợp nhập khẩu từ các quốc gia ngoài ASEAN thì thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô hiện nay cơ bản thấp hơn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Đối với trường hợp nhập khẩu từ các nước ASEAN, thì thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô bằng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (0%) nên vẫn đảm bảo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện thấp hơn sản phẩm nguyên chiếc theo quy định của Luật thuế Xuất nhập khẩu.
Trước lo ngại về việc Chương trình ưu đãi thuế quan đối với sản xuất, lắp ráp ô tô có khả năng vi phạm cam kết WTO, cơ quan soạn thảo khẳng định không cần lo lắng bởi Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô quy định điều kiện để áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Theo đó bất kỳ doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ đều được phép tham gia Chương trình và được hưởng thuế suất ưu đãi của Chương trình nếu đáp ứng các điều kiện. Mặt khác, Chương trình quy định thuế suất ưu đãi MFN 0% đối với các linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu. Đây là mức ưu đãi hơn so với các mức thuế suất ưu đãi MFN và thuế suất ưu đãi đặc biệt FTA, như vậy được coi là tạo thuận lợi thương mại hơn.
Pháp luật thuế xuất nhập khẩu cũng có quy định các trường hợp miễn thuế theo lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu trong nhiều năm qua (từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay) và Việt Nam cũng đã qua nhiều lần rà soát báo cáo nghĩa vụ thực thi cam kết WTO nhưng không có trường hợp nào coi là vi phạm cam kết. Việc miễn thuế cho linh kiện, phụ tùng sản xuất, lắp ráp ô tô để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu được áp dụng cho các đối tượng đáp ứng (không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài) cũng tương tự các trường hợp miễn thuế quy định tại Luật thuế Xuất nhập khẩu.
Chương trình đã thực hiện hơn 2 năm và chưa nhận được ý kiến phản ứng nào về việc vi phạm nguyên tắc của WTO, các đối tác quan trọng của Việt Nam đối với lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô đều đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình này (hiện nay có 3 tập đoàn (7 doanh nghiệp) và 2 công ty đạt điều kiện của Chương trình và sắp tới sẽ có thêm 5 công ty có khả năng đạt điều kiện. Chương trình chỉ kéo dài 5 năm.
Việc xây dựng chính sách thuế cho ngành công nghiệp ô tô là cần thiết trong bối cảnh hàng rào thuế quan cắt giảm, góp phần an sinh xã hội và phát triển công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để chủ động trong quan hệ thương mại, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì (Bộ Tài chính và các bộ liên quan phối hợp) có trách nhiệm giải trình và thực hiện các biện pháp ứng phó khi có các ý kiến bất lợi từ các đối tác thương mại xảy ra.
Quy định mới về thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô được áp dụng từ ngày 1/1/2020.
Bổ sung ưu đãi thuế cho xe ô tô thân thiện môi trường
Để khuyến khích sản xuất, lắp ráp các loại xe thân thiện môi trường, Chính phủ đã bổ sung các loại xe trên vào đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế.
Khuyến khích sản xuất, lắp ráp các loại xe thân thiện môi trường đang là xu hướng chung của các nước. Ảnh: internet.
Ưu đãi thuế thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu
Ngày 1/9/2016, Chính phủ ra Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan chính thức có hiệu lực. Hơn một năm sau, Nghị định số 125 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ra đời đã ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô trong giai đoạn 2018-2022 tại Điều 7a.
Các Nghị định nêu trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các mức thuế suất được quy định theo nguyên tắc khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu để phục vụ sản xuất, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu theo đúng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quy định tại Nghị định đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho ngươi nôp thuê va thưc hiên cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Trên thực tế, thời gian qua, thuế suất thuế nhập khẩu hầu hết được quy định giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô. Một phần nhờ có chính sách này, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã thuận lợi hơn, tăng trưởng liên tục.
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 21% so với năm 2016; năm 2018 tăng 12,6% so với năm 2017; năm 2019 tăng 7,8% so với năm 2018. Thậm chí, năm 2018 xuất siêu 7,2 tỷ USD; năm 2019 xuất siêu 11,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, việc gia tăng ưu đãi cho linh kiện ô tô nhập khẩu đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành cơ khí khác, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; cũng là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong giai đoạn cam kết về thuế đối với xe ô tô đã cắt giảm (mức thuế suất nhập khẩu đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do ATIGA giảm về 0% từ ngày 1/1/2018).
Xa hơn, điều này góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì sản xuất lắp ráp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đã đóng góp đáng kể cho ngân sách trong giai đoạn vừa qua.
Bổ sung ưu đãi
Tuy nhiên, bất cập không phải không còn. Bộ Tài chính đã chỉ ra một số điểm như: Chưa có quy định ưu đãi cho xe ô tô thân thiện môi trường (xe ô tô điện, xe hybrid) trong khi loại xe thân thiện môi trường là xe có thiết kế hiện đại được các quốc gia trên thế giới ưa chuộng và chuyển dần sang sử dụng để giảm tác động của môi trường.
Hiện nay, một số nhà sản xuất hướng tới đầu tư sản xuất tại Việt Nam, vì vậy, cần thiết bổ sung thêm đối tượng và thủ tục tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là các chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ.
Do đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, trong đó sửa một số nội dung liên quan đến đối tượng tham gia chương trình, điều kiện áp dụng, hồ sơ thủ tục áp dụng ưu đãi với linh kiện ô tô nhập khẩu để bảo đảm phù hợp thực tiễn, minh bạch, rõ ràng trong thực hiện và khuyến khích sản xuất trong nước phát triển trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã cắt giảm về 0%.
Cùng với đó là bổ sung các chủng loại xe thân thiện môi trường gồm xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế.
Do các loại xe này mới xuất hiện trên thị trường, cần có thời gian để doanh nghiệp sản xuất thăm dò thị trường nên Nghị định quy định các loại xe thân thiện môi trường trên không phải đăng ký mẫu xe khi tham gia chương trình ưu đãi.
Về mẫu xe, theo quy định cũ tại Nghị định số 125, doanh nghiệp khi tham gia chương trình ưu đãi được đăng ký một mẫu xe đối với các nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, xe mini buýt, xe buýt/xe khách và 2 mẫu xe đối với nhóm xe tải. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đề nghị cho phép thay đổi mẫu xe để phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh, thị hiếu khách hàng, tăng số lượng mẫu xe cam kết đối với nhóm xe buýt/xe khách, sửa đổi quy định về tiêu chí mẫu xe.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham gia, Nghị định mới được ban hành đã sửa đổi quy định về mẫu xe. Về số lượng mẫu xe đăng ký, doanh nghiệp được đăng ký tối thiểu 1 mẫu xe thuộc nhóm xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7,5 lít/100km; 1 mẫu xe cho nhóm xe mini buýt; 1 hoặc 2 mẫu xe cho nhóm xe buýt/khách; 1 hoặc 2 mẫu xe cho nhóm xe tải EURO 4 và 1 mẫu xe cho nhóm xe tải EURO 5. Việc xác định tiêu chí dưới 7,5 lít/100km căn cứ vào mức tiêu thụ nhiên liệu của chu trình tổ hợp quy định tại Giấy chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu do Cục Đăng kiểm cấp).
Nghị định mới đã quy định trong thời gian thực hiện chương trình ưu đãi thuế, doanh nghiệp được thay đổi mẫu xe đã đăng ký nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện sản lượng riêng tối thiểu cho từng kỳ xét ưu đãi.
Chính thức phê duyệt giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước Sau nhiều ngày chờ đợi, Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...