Quy định cứ lái xe có nồng độ cồn là phạt nặng có vượt luật?
Nghị định 100/2019 quy định người điều khiển phương tiện cứ có nồng độ cồn là xử phạt, liệu điều này có vượt luật?
Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến, khoản 8, điều 8 luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá 50 miligram/100 mililit máu hoặc 0,25 miligram/lít khí thở sẽ bị xử phạt. Trong khi đó nghị định số 100/2019/NĐ-CP lại đưa ra quy định khác.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện (kể cả xe đạp, xe máy) cứ có nồng độ cồn là phạt.
Nghị định có vượt luật?
“Nghị định nêu, người tham gia giao thông chỉ cần có nồng độ cồn là xử phạt, dù rằng nồng độ cồn đó không vượt qua mức tối thiểu mà luật Giao thông đường bộ đã ban hành. Trong trường hợp này, nghị định 100/2019/NĐ-CP có vượt luật Giao thông đường bộ?
Người dân chấp hành theo luật hay theo nghị định? Nếu người dân theo luật Giao thông đường bộ mà không chấp nhận bị xử phạt theo nghị định 100/2019/NĐ-CP thì có bị quy kết chống người thi hành công vụ?”, bạn đọc Thanh Bình băn khoăn.
Một bạn đọc khác cho rằng, bất cứ ai uống rượu nhiều hôm trước thì sáng sớm hôm sau tham gia giao thông vẫn có cồn trong máu và khí thở; ăn một số loại hoa quả ( sầu riêng, chuối…) hoặc dùng một số loại thuốc trị bệnh đều có thể có cồn trong khí thở.
Video đang HOT
Chính vì lý do này mà luật Giao thông đường bộ 2008 dựa trên luật của một số quốc gia trên thế giới đưa ra ngưỡng “bao dung” – dưới 0,25 mg/lít khí thở thì không bị phạt, trừ những người mới có bằng thì phải thử thách 1 – 2 năm.
Lý do không đưa nghị định hướng dẫn
Xung quanh thắc mắc trên, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho biết, luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 đã sửa đổi điều 8 luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, nghị định 100/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Giao thông đường bộ trên cơ sở luật Phòng chống tác hại rượu bia (có hiệu lực 1/1/2020) đã điều chỉnh luật Giao thông đường bộ.
Cụ thể, điều 35, luật Phòng chống tác hại rượu bia sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác có nêu: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 điều 8 luật Giao thông đường bộ theo hướng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị xử phạt.
Ông Thạch cho biết, lý do trong nghị định 100/2019/NĐ-CP không dẫn căn cứ theo luật Phòng chống tác hại rượu bia là bởi, nếu hướng dẫn thì phải hướng dẫn thêm nhiều văn bản luật khác căn cứ để đưa ra mức xử phạt.
“Cũng như quy định lái xe sử dụng điện thoại, người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn, luật Giao thông đường bộ không quy định xử phạt nhưng nghị định vẫn hướng dẫn xử phạt theo công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên”, đại diện Tổng cục Đường bộ nói thêm.
Vũ Điệp
Theo vietnamnet.vn
Hơn 1.500 'ma men' bị phạt trong 5 ngày ra quân
Trong 5 ngày đầu thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn tài xế.
Cục CSGT vừa có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động phương tiện công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
Trong 5 ngày đầu ra quân, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội và TPHCM...
Theo Cục CSGT, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ, vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.
Cục CSGT cũng yêu cầu, các địa phương khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực "bảo đảm trật tự, an toàn giao thông", sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát. Dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Huy động các lực lượng CSCĐ, CSTT , công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Một tài xế tại Hà Nội không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội.
Lãnh đạo Cục CSGT cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường.
Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm.
Nếu người vi phạm là Đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
NGUYỄN HOÀN
Theo tienphong.vn
Trưởng phòng CSGT TP.HCM: 'Xử lý nghiêm CSGT uống rượu bia mà vẫn chạy xe' Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) khẳng định kiên quyết không để xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn và xử lý nghiêm CSGT nếu uống rượu bia mà vẫn chạy xe. Ông Phong nói sẽ không để xảy ra tiêu cực, sai phạm khi CSGT kiểm tra nồng độ...