Quy định Chó thả rông sẽ bị phạt tiền: Kém khả thi
Thông tư về quản lý chó mèo tiến tới thanh toán bệnh dại được Bộ NN&PTNT ban hành hồi tháng 11- 2012, quy định về quản lý chó mèo đã “chết yểu” ngay từ khi ra đời. Trong đó quy định, nuôi chó mèo phải có sổ theo dõi đã gặp phải sự phản ứng của các địa phương về tính khả thi cũng như chẳng mấy nơi thực thi.
Chó thả rông gây nhiều phiền toái tại những nơi đông dân cư
Hiện tại, Cục Thú y lại đang soạn thảo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Trong đó, hàng loạt quy định trong các lĩnh vực này nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 200.000 đồng đến 70 triệu đồng, tùy các hành vi, lĩnh vực vi phạm. Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng cho hành vi chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở trứng gia cầm trong nội thành, nội thị.
Mặc dù đây mới là dự thảo Nghị định, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, một số quy định trong NĐ còn chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi và khó thực hiện.
Lý giải về các quy định trên, đại diện Phòng Pháp chế (Cục Thú y), đơn vị soạn thảo dự thảo NĐ này cho rằng, chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư và khu đô thị là mối nguy hiểm của cộng đồng. Nếu chó dữ cắn người sẽ gây thương tích, thậm chí thương tích nặng nếu chó to tấn công. Nguy hiểm hơn, chó cắn có thể truyền bệnh dại cho người, đe dọa đến tính mạng. Đại diện Cục Thú y đưa dẫn chứng, năm 2012, cả nước đã có 77 người chết vì bệnh dại cùng hàng trăm người bị chó nghi dại cắn.
Video đang HOT
Cùng trao đổi về những quy định tại dự thảo NĐ đưa ra, nguyên Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết, việc xử phạt người thả rông chó như quy định trong dự thảo NĐ nêu trên là hợp lý và nên thực hiện. Song bàn về tính khả thi trong thực tế, ông Quang Anh nhìn nhận, việc áp dụng trên thực tế là không dễ.
Một số quy định về xử phạt hành chính tại dự thảo NĐ này giao quyền và trách nhiệm về địa phương khá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều cho rằng, dù NĐ chưa chính thức được ban hành, thông qua, nhưng nếu để thực hiện là rất khó. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức bày tỏ: “Ở khu vực nông thôn, nhà nào cũng nuôi vài con chó để trông giữ nhà, nhưng cũng không phải nuôi cố định, thay thế thường xuyên. Vì vậy, việc quản lý nhà nào nuôi mấy con chó, thay mới khi nào là rất khó khăn”.
Cũng bởi vậy việc xử phạt chó thả rông ở nơi công cộng gần như bất khả thi. “Ngay cả khi phát hiện chó được thả rông không bảo đảm an toàn ở nơi công cộng thì cũng không có bằng chứng gì để chứng minh, con chó này của nhà ông A, nhà bà B mà xử phạt. Chưa kể, ở nông thôn, hầu hết là nuôi chó thả rông, chỉ xích vào buổi tối”, ông Kiên nói.
Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì bày tỏ, trong khi, Thông tư quy định về nuôi chó mèo phải đăng ký, phải có sổ theo dõi còn gần như chưa được triển khai thì một số quy định tại dự thảo NĐ này là khó thực hiện. Lại thêm một lần, một văn bản nữa của Cục Thú y đưa ra những quy định thiết thực nhưng lại gần như bất khả thi trong thực tế hiện nay. Những văn bản với các quy định mà người soạn thảo xa rời thực tế, thì sớm muộn cũng sẽ “chết yểu”.
Theo ANTD
Phạt người thả rông chó không dễ
Quy định phạt người thả rông chó nơi công cộng, khu đô thị với số tiền từ 200 - 300 ngàn đồng được cho là có sức răn đe, góp phần ngăn ngừa bệnh dại, hạn chế tình trạng chó cắn người..., nhưng lại rất khó đi vào cuộc sống.
Mức phạt này được nêu rõ trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi vừa được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công bố nhằm lấy ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo dự thảo này, ngoài phạt tiền người thả rông chó, những con chó thả rông sẽ bị buộc phải xích, nhốt, giữ trong chuồng cũi.
Đại diện Phòng Pháp chế (Cục Thú y), đơn vị soạn thảo dự thảo nghị định này cho biết, chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư và khu đô thị là mối nguy hiểm của cộng đồng. Nếu chó dữ cắn người thì gây thương tích, đặc biệt đối với các loại chó to lớn và rất hung dữ, khi tấn công người sẽ gây thương tích nặng. Nguy hiểm hơn, chó cắn có thể truyền bệnh dại cho người, gây tốn kém kinh phí tiêm phòng vắc xin và đe dọa đến tính mạng của nạn nhân.
Sắp tới người thả rông chó sẽ bị phạt - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo đại diện Phòng Pháp chế, chúng ta đã có các quy định cụ thể về việc quản lý chó ở ngoài đường, nơi công cộng như phải đeo rọ mõm cho chó, có xích và có người giám sát. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trên thực tế là chưa nghiêm, chó thả rông vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, phạt những người thả rông chó ở khu vực công cộng, khu đô thị và nơi đông người là việc làm cần thiết, có tác dụng răn đe.
Nguyên Cục trưởng Cục Thú y, ông Bùi Quang Anh cũng cho rằng, việc xử phạt người thả rông chó như quy định trong dự thảo nghị định nêu trên là hợp lý và nên thực hiện.
"Cả nước hiện có 6-7 triệu con chó. Chó thả rông có thể gây bệnh dại. Năm 2012 cả nước đã có trên 70 người chết vì căn bệnh này. Ngoài ra, chó thả rông còn "bậy bạ" ở nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan", ông Quang Anh nói.
Tuy nhiên, ông Quang Anh cho rằng, việc áp dụng trên thực tế là không dễ.
"Quy định này có đi vào cuộc sống được hay không phụ thuộc phần lớn vào các cấp chính quyền địa phương. Với thực tế hiện nay, để tổ chức giám sát, phát hiện và xử phạt hành vi thả rông chó cũng như bắt chó thả rông sẽ là không đơn giản", ông Quang Anh lưu ý.
Ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Oai (Hà Nội) nói rằng, việc xử phạt là rất khó khăn, không chỉ là việc "lấy đâu cho đủ lực lượng" giám sát, phát hiện chó thả rông.
"Ở nông thôn, mỗi nhà nuôi ít nhất 1 con chó, nhà nhiều thì 3-4 con. Người dân lâu nay vẫn có thói quen thả rông chó. Chúng ta đã có quy định nuôi chó phải đăng ký và từng thôn, từng xã phải có sổ theo dõi giám sát đàn chó trên địa bàn nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Quy định xử phạt chắc cũng khó thực hiện trên thực tế", ông An nói.
Một số chuyên gia thú y cho rằng, Việt Nam đã có các quy định xử lý đối với chó thả rông và có chính sách thành lập "đội săn chó thả rông" nhưng đến nay, trên địa bàn cả nước, số "đội bắt chó thả rông" được thành lập mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo các chuyên gia này, các cấp chính quyền địa phương cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh mẽ thì quy định được cho là hợp lý này sẽ đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo TNO
Vật vã gửi trả gái mại dâm về nhà Không còn chức năng lưu giữ đối tượng mại dâm nữa, trung tâm giáo dục xã hội phải tìm đủ mọi cách để gửi chị em về nhà. "Khó quá, hóa liều", nhiều Trung tâm giáo dục xã hội buộc phải thay đổi chiến thuật từ thuyết phục sang "dọa nạt" để chị em mại dâm khai thật địa chỉ, danh tính tại...