Quỹ đen của các ông chồng
Đưa chiếc tủ mới mua về nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội, anh Trung thông báo với vợ “giá đắt kinh, những 5 triệu bạc”, trong khi siêu thị niêm yết hơn 3 triệu đồng.
Không may, vài hôm sau vợ anh có việc vào siêu thị này phát hiện giá niêm yết món đồ nội thất mà chồng mua rẻ hơn gần 2 triệu so anh báo, mặt chị tối sầm. Về nhà xem xét lại sổ chi tiêu của tháng qua và nghiên cứu thêm giá cả trên mạng, chị vợ phát hiện thêm anh Trung đã mua đắt một số thứ và phần lớn anh không đưa hóa đơn cho chị. Nhớ ra đầu tháng chồng vừa sắm một đôi giày mới mà không cần xin tiền vợ, chị chắc mẩm anh đã “khai” khống giá một số mặt hàng để lấy tiền thừa tiêu vặt.
Bị vợ bóc mẽ với những dẫn chứng buộc phải “tâm phục khẩu phục”, anh Trung thừa nhận đã kê cao giá những món đồ mua giúp vợ để giữ lại phần chênh lệch. “Lương bao nhiêu về nộp hết cho vợ mà nhiều lúc hết tiền tiêu, anh có xin tiền vợ đâu”, chồng phân bua. Mỗi tuần chị khoán cho anh 300.000 đồng vừa đủ tiền ăn sáng, ăn trưa và xăng xe. Những hôm có sinh nhật của đồng nghiệp hay mọi người rủ nhau đi uống cà phê hoặc ăn sáng, anh Trung đều cảm thấy lúng túng vì không có tiền trong túi.
Thực ra trước đây, chị Thu vợ anh khá thoải mái trong chuyện tiền nong, thậm chí nhiều lúc kiểm tra ví chồng thấy hết tiền chị còn bỏ tiền vào. Từ khi thu nhập của chị giảm vì công việc ít, nhiều lúc đoán là chồng hết tiền nhưng không thấy anh hỏi, chị cũng tảng lờ luôn. Lâu lắm rồi, chị không sắm sửa quần áo, các khoản chi trong gia đình cắt giảm tối đa thì đương nhiên chồng cũng phải biết tiết kiệm.
Video đang HOT
Tìm hiểu thêm, chị vợ còn sốc hơn khi phát hiện chồng thỉnh thoảng xin tạm ứng lương ở công ty để lấy tiền mặt trực tiếp, không chuyển qua ngân hàng. Khoản này anh không công khai với vợ. “Cứ yên tâm tất cả lương thưởng của công ty chồng đều trả vào ATM do vợ giữ, không ngờ ông chồng vẫn lách được”, chị Thu ấm ức. Chồng thì biện minh mỗi lần xin thêm tiền, vợ đưa nhưng cằn nhằn cả ngày khiến anh phát nản.
Ảnh: cache-blog.credit
Cũng danh nghĩa đưa hết tiền cho vợ quản, anh Đức lập quỹ đen bằng cách mỗi ngày tự lấy ra một ít từ tiền bán hàng của gia đình để cất riêng. Vợ chồng anh có một cửa hàng quần áo ở quận Tân Bình, TP HCM. Mọi chi tiêu sắm sửa cho chồng, chị Diệp rất chu toàn. Chị cũng không phải là người quá tiết kiệm, thậm chí ăn uống còn hoang phí, nhưng chị không thích mỗi khi thấy anh tự ý tiêu tiền.
Với cách “giếm” riêng này, thỉnh thoảng cho anh em, bố mẹ của mình cũng như đi nhậu không phải báo cáo với vợ, anh Đức đã có một quỹ riêng tới hơn 100 triệu đồng. Anh gửi tiết kiệm ngân hàng, không lấy sổ tiết kiệm mà giao dịch qua Internet banking và dùng chứng minh nhân dân. Hai tháng trước, vợ chồng anh quyết định đổi nhà từ quận 12 sang quận Tân Bình để tiện việc buôn bán và đi học của con, vay mượn họ hàng mua nhà mới vẫn còn thiếu, anh mang khoản quỹ riêng của mình ra khiến bà xã vừa vui vừa giận.
Theo chuyên gia tư vấn các vấn đề hôn nhân và gia đình Hồ Thị Tuyết Mai (tổng đài 1088 Bưu điện TP HCM), việc chồng lập quỹ đen có nguyên nhân rất lớn từ cách cư xử của bà vợ. Nhiều ông đã gọi điện đến tổng đài phàn nàn lúc đưa tiền thì vợ cười tươi như hoa, khi muốn lấy tiêu gì mặt vợ lại cau có, khó chịu.
Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân ở Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM cũng cho rằng, lý do quan trọng nhất khiến nam giới có quỹ đen thường bắt nguồn từ cách ứng xử và sử dụng tài chính của vợ. Không phải tất cả đàn ông đều thích lập quỹ đen hay đều có quỹ đen. Nếu người đàn ông cảm thấy không thỏa mãn trong vấn đề chi tiêu, anh ta sẽ tìm cách gây quỹ cho riêng mình.
Các chuyên gia tâm lý đều không đồng tình với cách gây quỹ như của anh Trung. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin, tốt nhất vợ chồng khi chi tiêu gì cần trao đổi thống nhất và đồng thuận cùng nhau. Người vợ cũng không nên chi li quá với chồng”, chuyên gia tâm lý Tuyết Mai khuyên.
Thạc sĩ tâm lý Hồng Quân bổ sung, các bà vợ nếu phát hiện chồng có quỹ đen thì trước hết nên xem xét chồng dùng quỹ vào mục đích gì. Không phải tất cả các quỹ đen của các ông chồng đều phục vụ mục đích xấu, đôi khi chỉ giải quyết nhu cầu gặp mặt bạn bè, cà phê thuốc nước rất đơn giản. Người vợ phải xem xét mục đích đó có chính đáng hay không xét theo tiêu chí chi tiêu chung của xã hội, chứ không phải tiêu chí của vợ.
Chuyên gia tâm lý Tuyết Mai cho biết, có anh chồng lập quỹ đen vì mục đích muốn mua tặng vợ một chiếc vòng cẩm thạch trong ngày kỷ niệm đám cưới, có người lại dành tiền riêng để gửi về biếu bố mẹ bởi không muốn vợ càu nhàu. Những khoản tiền này không nằm trong tiền lương hàng tháng mà đều là thu nhập từ làm thêm của các ông chồng.
“Có nhiều ông chồng công khai lương đưa vợ quản lý nhưng những khoản thưởng thì tiêu riêng. Đàn ông có nhiều tiền nếu bị bạn bè xấu rủ rê có thể sẽ nhiễm những thói hư tật xấu. Vì thế vợ cần phải nhạy bén, không nên quản lý chặt nhưng cũng không nên thả lỏng, cần phải khéo léo”, chuyên gia Tuyết Mai khuyên. Còn thạc sĩ Hồng Quân thì đề nghị: “Nếu chồng dùng quỹ đen vì mục đích không chính đáng thì vấn đề sang một phạm trù khác, vợ chồng cần phải nói chuyện với nhau về cách sống của ông chồng”.
Ông Quân cho rằng bản thân quỹ đen không có tội mà vấn đề là cách ứng xử với cái quỹ đó. Các bà vợ không nên ảo tưởng có thể ngăn chặn được quỹ đen của các ông chồng, bởi nếu muốn lập quỹ thì đàn ông không thiếu gì cách. Trên thực tế các ông không lấy tiền của vợ để lập quỹ mà đó là tiền của anh ta làm ra. “Vấn đề không phải ngăn chặn cái quỹ mà là ngăn chặn những hành vi và ứng xử không chính đáng với quỹ đó”, thạc sĩ Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo VNE