Quy chế cảng quốc tế Cam Ranh: Sự công khai cần thiết
Việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh một cách rõ ràng một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam.
Chủ trương nhất quán
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh, trong đó quy định rõ phạm vi giới hạn của Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ; quản lý người và các phương tiện của Việt Nam, của nước ngoài vào, rời, hoạt động trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh.
Trao đổi với Đất Việt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV và Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đều đánh giá cao việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh. Theo đó, với việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh một cách rõ ràng, công khai, Chính phủ càng khẳng định chủ trương nhất quán từ trước đến nay của Việt Nam về Cảng quốc tế Cam Ranh – đó là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và pháp luật của Việt Nam.
Cảng quốc tế Cam Ranh có thể đón tàu đến 110.000 tấn
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lưu ý, cảng Cam Ranh rộng hàng chục km2, trong đó có cảng quốc tế và cảng quân sự. Cảng quốc tế Cam Ranh là cảng mở, cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, giao lưu, trong khi cảng quân sự không ai vào được.
“Quan điểm trước sau như một của Việt Nam là không cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh mà Việt Nam hoàn toàn làm chủ. Quốc gia nào có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại Cảng quốc tế Cam Ranh Việt Nam đều hoan nghênh, nhưng nếu có động cơ xấu thì Việt Nam kiên quyết phản đối”, ông nói.
Đề cập đến Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nhắc lại vai trò quan trọng của cảng Cam Ranh nói chung trong sách lược quân sự của Việt Nam.
Cụ thể, cảng Cam Ranh là cảng nước sâu, ít bị bồi lắng vì không có dòng sông lớn nào chảy gần đó. Diện tích của cảng rộng, điều kiện để phòng thủ và bố trí lực lượng rất dễ, cảng hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng thành cảng quân sự cỡ lớn. Trước đây, người Pháp và Mỹ từng xây dựng Cam Ranh thành cảng quân sự lớn, đặc biệt sau khi Việt Nam thống nhất đất nước đã cho Liên Xô đồn trú ở đó gần 20 năm.
“Điều đó nói lên rằng rất nhiều nước lớn muốn được vào cảng Cam Ranh, đặc biệt những nước lớn quan tâm đến Biển Đông. Trước tình huống đó Việt Nam cho ai sử dụng? Chỉ có cách duy nhất là Việt Nam làm chủ và sử dụng, không cho ai thuê căn cứ Cam Ranh cả.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đồng thời liên kết đa phương diện và đa quốc gia. Do đó, ta chủ trương cảng Cam Ranh vẫn là một cảng của Việt Nam, không ai được thuê nhưng không vì thế mà ta bó hẹp lại, thay vào đó chúng ta có phần mở ra.
Video đang HOT
Chẳng hạn, phần sân bay chúng ta đã mở ra cách đây vài chục năm. Sân bay đó hoàn toàn thuộc căn cứ Cam Ranh chứ không phải là sân bay dân sự, nhưng sau đó chúng ta mở ra để làm một sân bay quốc tế lớn phục vụ phát triển kinh tế.
Về phần nước, chúng ta giữ lại phần lớn cho lực lượng Hải quân nhưng cũng chủ trương mở một phần, đó chính là Cảng quốc tế Cam Ranh mà Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý hoạt động. Phần cảng quốc tế này cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu nước ngoài. Khi đi vào Cam Ranh, các tàu này vẫn đi theo cửa Ba Ngòi nhưng không phải vào thẳng bên trong mà có một phần dành riêng cho tàu nước ngoài để họ có thể vào đó sử dụng các dịch vụ mà ta cung cấp. Việt Nam đã hoàn thành cầu cảng đủ cho những tàu cỡ lớn, kể cả tàu sân bay có thể vào được. Việt Nam sẵn sàng mời tàu dân sự, quân sự của các quốc gia, từ Đông Nam Á tới Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… vào Cảng quốc tế Cam Ranh, tuy nhiên, tàu của các nước khi vào đây phải chấp hành đúng luật pháp của Việt Nam.
Chúng ta xây dựng ở Cam Ranh một nhà máy để sửa chữa máy móc, trang thiết bị cho các tàu bị hư hỏng nhưng hiện nay nhà máy này chưa xong, đồng thời phần cung cấp nước ngọt ở Cam Ranh cũng bị hạn chế. Hiện nước ngọt cung cấp cho Cam Ranh chủ yếu từ một hồ tự nhiên do núi lửa sụt xuống tạo thành, khối lượng nước khá lớn nhưng để cung cấp một cách vô hạn thì không được.
Việt Nam có thể cung cấp nước ngọt, dịch vụ hậu cần, giúp đỡ sửa chữa máy móc, trang thiết bị trên các tàu… Những dịch vụ đó rồi đây Việt Nam sẽ làm một cách công bằng, không phân biệt nước lớn nước nhỏ, từ đâu tới, chỉ cần các nước khi vào Cảng quốc tế Cam Ranh phải chấp hành luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm chỉ rõ.
Điều Việt Nam cần lưu ý
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm lưu ý, Việt Nam hoan nghênh tất cả tàu thuyền của các nước vào sử dụng dịch vụ tại Cảng quốc tế Cam Ranh miễn là tuân thủ luật pháp quốc tế và Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi trường hợp các tàu hải quân vào cảng Cam Ranh với mục đích xấu.
“Để quan sát toàn cảng Cam Ranh, các nước có thể dùng các phương tiện vệ tinh, trinh sát hàng không, máy bay dân sự đi ngang cũng có thể chụp ảnh… Ngoài ra, khi tàu của nước ngoài vào Cam Ranh có thể kết hợp hoạt động khác. Tuy nhiên, điều đó chúng ta đã biết rõ.
Nhưng Việt Nam cũng cần phải giáo dục cho người dân sống ở quanh đó ý thức bảo mật quốc gia, đặc biệt những người hoạt động trong khu vực cảng Cam Ranh phải có trách nhiệm giữ bí mật quốc gia.”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Nhìn lại hoạt động tấp nập của Cảng quốc tế Cam Ranh từ khi đi vào hoạt động (3/2016), nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đánh giá, cái lợi lớn nhất của Việt Nam là đã chứng minh được đường lối ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của chúng ta, thể hiện chủ trương của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước có tàu đến Cảng quốc tế Cam Ranh sử dụng dịch vụ và giao lưu được cải thiện, họ nhìn Việt Nam với con mắt tốt đẹp hơn, rộng mở hơn chứ không phải con mắt đề phòng như xưa.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cũng lưu ý thêm, Trung Quốc đang hung hăng ngang ngược ở Biển Đông và họ đi từng bước từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Chính vì thế, Việt Nam cần phải có biện pháp đối phó tăng dần.
Theo Đất Việt
Mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh
Trả lời báo chí quốc tế ngày 4/6 bên lề Đối thoại SangriLa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhắc đến việc mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh.
Một phóng viên Hong Kong (Trung Quốc) hỏi về thông tin Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào cảng Cam Ranh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ rằng Việt Nam không chỉ mời Trung Quốc, mà còn mời tàu của những nước khác đến các cảng kinh tế của Việt Nam, bao gồm cảng Cam Ranh.
Đến nay, tướng Vịnh cho biết đã mời tàu nhiều nước đến cảng Cam Ranh gồm Singapore, Pháp, Nga, Ấn Độ, Australia...
Tàu ngầm Kilo tại căn cứ Cam Ranh
"Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước", tướng Vịnh cho biết.
Một phóng viên Singapore đã hỏi tướng Vịnh rằng Việt Nam có kế hoạch mở cửa các căn cứ quân sự cho nước ngoài sử dụng hay không.
Trong câu trả lời, ông nêu rõ Việt Nam không có các căn cứ quân sự để nước khác sử dụng. Tất cả các căn cứ quân sự đều do Việt Nam quản lý và sử dụng.
Khi những tàu các nước đến thăm đều là các chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ những chương trình hợp tác.
"Chúng tôi đã đón tiếp các tàu nước ngoài đến các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Cam Ranh...".
Việc mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh cũng từng được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhắc tới bên lề giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung diễn ra tại Lạng Sơn và Quảng Tây hồi tháng 3/2016.
Khi đó, dẫn ví dụ về những kế hoạch cụ thể của Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc hợp tác hiệu quả hơn, tướng Vịnh cho biết: "Chúng ta chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng Việt Nam, trong đó có cảng Cam Ranh, hưởng các dịch vụ ở đó giống như các nước khác".
Việc Việt Nam mời Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh nằm trong chủ trương chung của Việt Nam.
Theo đó, từ năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã khẳng định, cảng Cam Ranh là cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng kiểm soát tình hình. Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh.
Chi tỷ đô la xây dựng căn cứ Cam Ranh
Theo báo cáo tổng kết tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư xây dựng Căn cứ quân sự Cam Ranh (2011-2015) được tổ chức tại Lữ đoàn tàu ngầm 189 Quân chủng Hải quân hồi đầu tháng 5/2016, 5 năm qua, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt đầu tư, xây dựng 19 dự án tại căn cứ Cam Ranh, với tổng mức đầu tư là 24.629 tỷ đồng.
Trong đó, 13 dự án đã hoàn thành, sáu dự án đang triển khai.
Trong quá trình thực hiện các dự án tại căn cứ Cam Ranh, trên cơ sở quy mô, yêu cầu của các dự án, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã lựa chọn phương án tổ chức, quản lý dự án phù hợp, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn. Chấp hành nghiêm trình tự thủ tục đầu tư, quản lý chặt chẽ về tiến độ, chất lượng, khối lượng, không để xảy ra thất thoát lãng phí và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thi công.
Các công việc và công trình hoàn thành và bàn giao đều có chất lượng tốt, mỹ quan đẹp, phát huy tốt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, sinh hoạt của bộ đội, khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng Hải quân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh trong thời gian tới, đối với các dự án đang được triển khai, nhà thầu thi công cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vinh dự được tham gia các dự án xây dựng căn cứ Cam Ranh.
Tuyển chọn cán bộ, nhân viên thực hiện dự án có đủ năng lực. Các vật tư có chất liệu không đáp ứng được yêu cầu chất lượng phải kiên quyết loại khỏi công trường. Duy trì đăng ký ghi chép hiện trường đúng quy định. Làm tốt công tác nghiệm thu nội bộ, tránh nghiệm thu hình thức.
Minh Thái(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Sức mạnh dàn chiến hạm Ấn Độ trang bị BrahMos thăm VN Theo Hindustan Times, trong đợt triển khai dài hơn 2 tháng, biên đội tàu chiến gồm 4 chiếc của Ấn Đọ sẽ cập cảng Cam Ranh, Subic, thành phố Sasebo ở Nhật... Hải quân Ấn Độ cho biết, biên đội chiến hạm này gồm: Khinh hạm tàng hình tên lửa dẫn đường INS Satpura và Sahyadri, tàu hậu cần INS Shakti và tàu...