Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu
Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục bao cấp.
Vừa qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Liên quan đến đề xuất tăng tuổi hưu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cho rằng chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/1961 của Chính phủ, đến giờ đã gần 60 năm. Trong 60 năm qua, tuổi thọ của chúng ta đã tăng từ năm 1960 là 59,04 đến giờ là 76,05. Như vậy, tuổi thọ cao gây áp lực cho toàn bộ hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
“Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tiếp tục bao cấp. Ví dụ một người 55 tuổi về hưu ở tuổi 20, trung bình mỗi năm đóng 4 tháng BHXH thì tổng cộng có 80 tháng tiền lương. Nếu kỳ vọng bình quân sống 21 năm thì hưởng lương hưu là 252 tháng, tính ra tháng lương là 189 tháng. Như vậy, đóng 80 tháng lương mà được hưởng 189 tháng nghĩa là quỹ sẽ bù cho 89 tháng…”, ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng.
Tương tự, về hưu ở tuổi 25, đóng BHXH 100 tháng thì bù 89 tháng, 30 năm đóng được 120 tháng và bù 69 tháng, nếu có 35 năm đóng được 140 tháng thì bù 59 tháng. Nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 có 16 năm tiếp tục sống và hưởng lương hưu thì quỹ phải bù cao nhất là 45 tháng, thấp nhất là bù 4 tháng: “Số tiền bù đó lấy ở đâu…”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Hiện Nhà nước không bù mà số tiền lấy của người đang đóng để bù cho người đang hưởng nên áp lực với quỹ hưu trí vô cùng lớn. “Họ khuyên chúng ta chuyển sang chế độ tài khoản cá nhân thì việc kéo dài thời gian đóng trần tuổi hưu là chính đáng…”, ông Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, mỗi ngày có 300 – 400 doanh nghiệp ra đời, có 250 – 280 doanh nghiệp dừng hoạt động, vậy mỗi năm có 21.600 doanh nghiệp tồn tại và thông thường có khoảng 300.000 lao động được giải quyết bảo hiểm ở đây.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu này đã trao đổi nhiều năm và lần này trong luật sửa đổi cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng. Theo phương án 1, ông Sơn cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng cần quan tâm phân ra nhóm ngành nghề tăng tuổi hưu.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), nêu quan điểm tại buổi thảo luận.
“Chúng ta không nên chỉ giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước năm tuổi mà có thể 5 – 10 tuổi với ngành nghề cụ thể. Có những ngành nghề chúng ta có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ năm tuổi mà có thể 5 – 7 tuổi, cần có danh mục Quốc hội thảo luận, xem xét…”, ông Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo các đại biểu, những vấn đề tâm tư, nguyện vọng của người lao động thì quyền được nghỉ cần có sự liên thông với Luật BHXH, đến ngưỡng nào đó thì quyền được nghỉ này được tiếp cận. Bên cạnh đó, người kéo dài tuổi hưu sẽ bù đắp cho người nghỉ sớm để có sự cân bằng trong quỹ cũng là trách nhiệm. “Chúng tôi cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của ngành bảo hiểm mà trách nhiệm của xã hội, của mọi người tham gia trong quỹ bảo hiểm này”, ông Sơn nói thêm.
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Người lao động sẽ tăng tuổi nghỉ hưu vào năm 2021.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
V.LONG
Theo PLO
Tăng tuổi nghỉ hưu: Làm sao tối ưu hóa lợi ích cộng đồng và người lao động?
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,5 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên. Các nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu, trong tương lai Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Theo lộ trình từ 1-1-2021 tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã chính thức được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với nhiều nội dung gây tranh luận. Mặc dù, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, tăng tuổi hưu là chuyện không thể chậm trễ, nhưng đề xuất này vẫn vấp phải không ít ý kiến phản đối từ phía lao động trực tiếp.
Không tăng tuổi hưu sẽ phải nhập khẩu lao động
Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án điều chỉnh tuổi hưu. Trong đó phương án 1, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả 2 phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021). Tuy nhiên, phương án 1 có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lý giải đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, quy định độ tuổi nghỉ hưu hiện nay đã qua hơn 60 năm áp dụng. Lúc bắt đầu có quy định thì tuổi thọ bình quân người Việt chỉ hơn 45 tuổi, trong khi đó hiện nay đã lên 73,5 tuổi. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất hiện nay. Cho nên, nếu không điều chỉnh tuổi hưu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Giáo viên mầm non phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày với áp lực công việc lớn
Cào bằng có công bằng?
Kéo dài tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến hàng triệu lao động và thời gian qua có khá nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận, phản biện về tính hợp lý của đề xuất này. Là người có kinh nghiệm 15 năm trong ngành giáo dục mầm non, bà Đinh Bích Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Triều hữu nghị (Hà Nội) cho hay, hàng ngày mỗi giáo viên mầm non phải có mặt từ 7h - 7h30 và rời trường lúc 17h30.
Người lao động làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng giáo viên mầm non luôn làm việc hơn 10 tiếng/ngày. Cường độ làm việc cao, thời gian làm việc kéo dài, trong suốt 15 năm công tác tại trường, tôi chưa thấy giáo viên nào nghỉ hưu đúng tuổi 55 cả mà toàn về hưu trước tuổi. Cho nên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì giáo viên mầm non sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Không chỉ nghề giáo viên, nhiều công nhân trong lĩnh vực dệt may, sản xuất linh kiện điện tử cũng chia sẻ những khó khăn trong công việc khi tuổi đã cao. Chị Nguyễn Thị Hằng - công nhân may ở Thái Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang có xu hướng sa thải người lao động ở tuổi 40-45 để thay thế người trẻ hơn. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt lao động nữ sẽ không thể nào giữ được việc.
"Tôi năm nay 48 tuổi nhưng làm việc không thể nhanh bằng những lao động trẻ mới vào, nếu tính theo năng suất lao động thì lương không thể cao bằng. Bên cạnh đó, công nhân dệt may trừ thời gian nghỉ giải lao thì phải ngồi hàng giờ liên tục, mờ mắt, chân tay đau mỏi, đường kim mũi chỉ không còn chính xác. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi, người lao động làm sao đủ sức theo đuổi nghề? Không đủ sức khỏe buộc phải nghỉ sớm với lương hưu thấp và tuổi già tiếp tục tìm kế mưu sinh, như vậy quá thiệt thòi" - chị Hằng nói.
Lại cũng có ý kiến phản biện cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề cập đến trường hợp người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này. Vì thế, nhiều người lo ngại, nếu cơ quan soạn thảo không đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng mà tăng đồng loạt, thì công nhân lao động trực tiếp sẽ rất thiệt.
Nâng cao chất lượng hoạch định và thực thi
Nhận định về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình ở cả nam và nữ, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đây là chính sách đã được bàn thảo và được người lao động quan tâm trong nhiều lần sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật. Lắng nghe ý kiến của người lao động qua tiếp xúc, hội thảo cho thấy, lực lượng lao động trực tiếp không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu còn chiếm số lượng lớn. Tỷ lệ này ở các khu vực và ngành nghề khác nhau có con số cụ thể khác nhau, ví dụ như khu vực của công chức, viên chức thì tỷ lệ đồng ý cao hơn.
"Tôi cho rằng, về mặt điều chỉnh chính sách, cần phải đặt ra vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc tăng tuổi hưu không thể áp dụng chung với mọi đối tượng mà phải được cân nhắc xem xét, phân loại ngành. Thực tế, tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng, nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ. Điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, có nơi còn thô sơ, khắc nghiệt, nhiều rủi ro. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động sẽ thấp, điều này gây bất lợi về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội. Đây là những vấn đề mà khi chúng ta xây dựng lộ trình tăng tuổi hưu cần có nghiên cứu, đánh giá để hoạch định các chính sách cho phù hợp" - ông Lê Đình Quảng nêu ý kiến.
Theo các nhà nghiên cứu chính sách, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thường phải xem xét một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Một chính sách khi ban hành chắc chắn không thể làm cho tất cả mọi người thỏa mãn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nếu như phải lấy ý kiến của đối tượng lao động trực tiếp thì chắc chắn không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng sẽ không có việc đồng thuận trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Quy định pháp luật chỉ mang tính định hướng còn việc điều chỉnh như thế nào, tính toán ra sao, các ngành nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi phải được quy định tại các văn bản dưới luật khác như nghị định, thông tư. Vấn đề đặt ra ở đây là, cơ quan soạn thảo cần có những phương án, giải pháp mang tính hài hòa để tránh những băn khoăn, lo lắng cho người lao động khi dự thảo Bộ luật được thông qua.
Theo Baogiaothong
Đang tinh giản biên chế, sao lại tăng tuổi nghỉ hưu? Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu ... Khi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu băn khoăn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là một trong rất nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến đề xuất...