‘Quý bà’ tự sát để chiếm vàng của đối tác kêu oan
Cơ quan công tố xác định Hạnh mang toàn bộ tài sản đi buôn bán vàng “ảo” nhưng bị thua lỗ hết nên vờ đặt mua 132 cây vàng rồi tự tử để khỏi trả tiền. Tuy nhiên tại phiên xét xử “quý bà” này liên tục kêu oan.
Ngày 10/1, sau thời gian xét xử căng thẳng và nghị án kéo dài, TAND TP HCM cho rằng, một số tình tiết của vụ án chưa sáng tỏ nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
“Quý bà” sàn vàng tại tòa. Ảnh: Vũ Mai.
Theo cáo trạng, sau nhiều lần qua lại làm ăn có lãi, Hạnh quen với chị Nguyễn Thị Thu Dung – chủ tiệm vàng Kim Mai. Ngày 26/3/2009, biết tiệm vàng này có hình thức mua bán vàng “ảo”, Hạnh đề nghị được tham gia chơi với số tiền ký quỹ 127 lượng vàng. Thấy bà này tỏ vẻ giàu có, chủ tiệm đồng ý và đưa một biên nhận cho Hạnh. Đây là toàn bộ tài sản “quý bà” Hạnh thu gom được của gia đình.
Tuy nhiên, sau nhiều lần giao dịch, Hạnh chỉ lãi được gần 50 triệu đồng còn phần lớn là thua lỗ. Đến cuối tháng 5/2009, Hạnh nghỉ không mua bán vàng “ảo”, chốt quỹ của mình còn lại gần 12.000 USD rồi sai người quen đến lấy về. Do lúc này Hạnh đang đưa mẹ ra Huế chữa bệnh nên không trả lại giấy biên nhận ký quỹ 127 cây vàng trước đây cho chị Dung.
Đầu tháng 6/2009, quá buồn rầu vì thua hết tài sản của gia đình, Hạnh đã viết một lá thư tạ lỗi với mẹ với nội dung: “Khi má nhận được thư này thì con đã chết rồi, con thật bất hiếu. Trong lúc ba vừa mất xong, má bị tai biến, anh thì tâm thần, vậy mà con lấy hết tiền bạc của má và anh chị em đem đi mua bán vàng SJC để thua lỗ quá nhiều. Vì vậy con không muốn sống để hại gia đình mình, con thành thật xin lỗi má và gia đình. Con biết rằng dù chết đi con cũng không rửa hết tội…”.
Ngày 9/6/2009, Hạnh đề nghị được tiếp tục chơi và ký quỹ bằng 11.000 USD nhưng lại thua. Còn lại hơn 160 triệu đồng, người đàn bà này đến lấy về nhưng cũng chưa trả lại tờ biên nhận cũ.
Video đang HOT
Trưa 11/6/2009, Hạnh muốn chiếm đoạt vàng của chị Dung nên gọi đến tiệm đặt mua 132 cây vàng SJC và yêu cầu giao hàng tại ngân hàng Sacombank (quận 3) để bà này rút tiền trả luôn tại đó. Do tin tưởng vào đối tác, chị Dung điều hai nhân viên của mình mang vàng đến.
Tại đây, Hạnh yêu cầu nhận vàng trước rồi sẽ rút tiền thanh toán. Sau khi đếm đủ 132 lượng vàng, Hạnh đưa luôn cho Nguyễn Hưng Trí (cháu ruột) mang đi. Chờ quá lâu mà khách hàng vẫn chưa trả tiền, nhân viên tiệm vàng liền hỏi nhưng bà này yêu cầu phải đợi. Một lúc sau, Hạnh bỏ vào nhà vệ sinh rồi đi ra nằm vật xuống ghế.
Chiều muộn mà thấy “quý bà” kia có biểu hiện lạ, nhân viên ngân hàng liền ra hỏi thăm. Nghe Hạnh nói đang chờ nhận tiền gửi từ Khánh Hòa vào, nữ nhân viên liền kiểm tra nhưng không có bất cứ ai gửi tiền đến. Cùng lúc, Hạnh ngất xỉu.
Tá hỏa, nhân viên của chị Dung liền gọi điện về thông báo cho bà chủ rồi tức tốc đưa Hạnh đi cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định Hạnh đã uống thuốc ngủ và thủy ngân để tự tử.
Ngày 17/6/2009, em ruột Hạnh mang 100 cây vàng SJC đến công an quận 3 giao nộp và cho biết Nguyễn Hưng Trí đã mang số vàng trên giao cho gia đình vào tối hôm xảy ra việc Hạnh tự sát.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Hạnh khai do làm ăn thua lỗ nên đã bày trò để chiếm đoạt 132 lượng vàng của chị Dung. Nhưng sau đó người đàn bà này đã thay đổi lời khai và cho rằng đó là 127 cây vàng mình đã gửi Dung vào ngày 26/3/2009, có giấy biên nhận. Hôm ở ngân hàng Sacombank, Dung đã cho người mang số vàng đó đến trả cho mình.
Tại tòa, Hạnh một mực khẳng định mình không hề tự tử mà chỉ “ngất xỉu” suốt từ tháng 6 đến tháng 8/2009 mới tỉnh. Bị cáo cho rằng chưa bao giờ tham gia buôn bán vàng “ảo” với chị Dung mà chỉ gửi chị này 127 cây vàng để lấy lãi. Biên nhận chị Dung ký nhận số vàng trên vẫn còn nằm trong hồ sơ vụ án, nếu có chuyện bị cáo thua hết vàng sao chị Dung không lấy lại tờ biên nhận? Chị Dung bảo lúc đó bị cáo đang đưa mẹ ra Huế trị bệnh nên chưa đòi được nhưng sau đó chính Hạnh đến lấy nốt 160 triệu đồng còn lại mà chủ tiệm vẫn không đòi. Ngoài ra, bị cáo còn cho rằng quá trình điều tra đã bị “ép cung”, biên bản lấy lời khai ban đầu chỉ có dấu lăn tay mà không có chữ ký của mình trong khi có trình độ đại học…
Vũ Mai
Theo VnExpress
'Tú Ông, Tú Bà' nức nở trước vành móng ngựa
Lừa bán chị Tâm sang Trung Quốc làm gái mại dâm từ 12 năm trước, nhóm của Hải, Việt và Hợp không ngờ một ngày nạn nhân về Việt Nam, tố cáo hành vi. Ra trước vành móng ngựa, những kẻ buôn người nức nở kêu oan, bị "đổ vấy, ép cung"...
Chiều ngày 30/12, TAND thành phố Hà Nội mở phiên xử Nguyễn Thị Hợp (32 tuổi), Nguyễn Thị Việt (33 tuổi) đều trú tại xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai và Nguyễn Xuân Hải (57 tuổi, xã Văn Côn, huyện Hoài Đức) về hành vi mua bán người.
Ngày 9/6, chị Tâm quê ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nọi lên trụ sở cảnh sát tố cáo hành vi của nhóm buôn người trên, sau 12 năm lưu lạc ở Trung Quốc. Chị cho biết, sau khi bị bán đã phải trải qua nhiều động mại dâm và cuối cùng là làm vợ của một người đàn ông, có với nhau 3 con trai.
Các bị cáo trong giờ nghị án.
Cảnh sát làm rõ, đầu năm 1998, ông Hải quen với Nguyễn Thị Luận cùng quê, lấy chồng ở Trung Quốc. Người phụ nữ này nhờ ông ta tìm người bán vào ổ mại dâm. Theo thỏa thuận, chị ta sẽ trả cho ông Hải 500.000 đồng một người. Ông Hải đã nói lại cho Hợp và Việt biết rồi hứa trả công 250.000 đồng.
Hợp và Việt nhắm đến chị Tâm, người quen. Sáng ngày 1/3/1998, thấy chị Tâm đang trên đường về nhà, bọn họ đã ngỏ ý xin việc làm ở thành phố với mức lương khá khẩm. Lúc đó, chị từ chối vì bố mới mổ dạ dày. Tuy nhiên sau những lời đường mật của Việt và Hợp về tiền lương mỗi tháng được 10 triệu đồng, người phụ nữ chưa một lần ra khỏi làng đã đồng ý.
Đến 19h cùng ngày, chị Tâm chuẩn bị quần áo để đi và có nói cho mẹ. Dù bị mẹ và chị gái can ngăn, nhưng với mức lương cao, có tiền gửi cho bố chữa bệnh, chị Tâm kiên quyết đi. Chị rủ thêm hai người bạn khác. Việt và Hợp giao ba người phụ nữ cho Hải rồi về.
Có mối hàng trong tay, Hải thông báo cho Luận rồi cùng đưa lên Lạng Sơn. Ba người phụ nữ bị bán trao tay cho một người đàn bà tên Hà ở Quảng Đông, Trung Quốc. Cuộc đời tủi nhục trong các động mại dâm của họ ở nơi xứ người bắt đầu ngay sau ngày bị bán. Chị Tâm sau nhiều đoạn trường đã được gả cho một người đàn ông bản xứ.
Trong khi đó, hai ngày sau khi nhận và giao người, Luận quay về quê và trả công cho Hải 1,5 triệu đồng. Phi vụ này, Hợp và Việt mỗi người nhận 350.000 đồng tiền công. Sau khi bị bán 12 năm, chị Tâm về nước với cậu con trai lớn và tố cáo nhóm buôn người.
Trước vành móng ngựa, Hợp và Việt nức nở cho rằng bị oan. "Bị cáo không biết chú Hải làm nghề buôn người, bị cáo ngây thơ vì chỉ nghĩ tìm người cho chú ấy. Nếu biết chú ấy làm vậy là phi pháp, bị cáo không bao giờ giúp sức", cả hai bị cáo trình bày. Hợp và Việt còn tố bị ép cung, mớm cung.
Trước phiên xử diễn ra, chị Tâm đã mang con về Trung Quốc. Chị từng tâm sự, lần về nước vừa rồi là muốn vạch mặt hành vi của Hợp và Việt, Hải. Hiện ở quê chồng, chị vẫn còn hai đứa con nhỏ nên chị không thể ở lại Việt Nam, dù có anh, em. Hôm nay, chị Tâm không có mặt tại phiên tòa, không có người đối chất, cả Việt và Hợp nức nở nói: "Bị cáo không hiểu sao, chị ấy lại đổ vấy cho mình như vậy".
Tại cơ quan điều tra, ông Hải thừa nhận đã ngỏ ý và nói rõ sự việc với Hợp và Việt tìm người sang Trung Quốc. Khi ra đến tòa, cùng với hai bị cáo, ông này chối tội.
Sau khi xem xét, HĐXX hành vi buôn người của các bị cáo không thể chối cãi. Tòa đã tuyên phạt Hải 6 năm tù, hai bị cáo còn lại mỗi người nhận 5 năm tù. Riêng Luận đang bỏ trốn, cơ quan điều tra bắt được sẽ xử lý sau. Cảnh sát cũng sẽ làm rõ người đàn bà tên Hà.
Việt Dũng
Theo Ngôi sao
Thêm nhân chứng tố cáo hiệu phó hôn nữ sinh "Chúng em thấy thầy Huân ép bạn H vào tường và hôn bạn ấy. Bạn H thì cố gắng lắc đầu sang hai bên để tránh, còn hai tay thì đẩy vai thầy Huân ra", một người bạn học cùng trường với nữ sinh H kể lại. Thêm một nhân chứng lên tiếng Rất bức xúc về sự việc đang diễn ra tại...