Quốc Vượng – Theo dấu chân một ngày làm phu bốc vác
Sau những “biến cố” trong sự nghiệp bóng đá của mình, tiền vệ trẻ Quốc Vượng trở về quê hương làm công việc bình thường, giản dị là bốc vác hàng hóa.
Cuộc sống vốn không phải câu chuyện cổ tích. Mặc dù đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn trong trại giam để trở về với cuộc sống bình thường, trước mắt Quốc Vượng lại là đầy rẫy những chông gai khác.
Mang trên mình cái tội bán độ, dẫu rằng lỗi lầm đã được trả giá bằng hơn 3 năm cải tạo trong trại giam song con đường quay trở lại với bóng đá của Vượng quá mù mịt. Lang thang từ Thể Công Viettel đến Thanh Hóa rồi Xuân Thành Hà Tĩnh, nhưng Vượng chẳng những không trụ được ở đâu lâu, mà còn dính vào những vụ rắc rối khá ầm ĩ vì tiền bạc.
Tuổi trai sức dài vai rộng, chẳng thể cứ ngồi chơi ăn bám gia đình để chạy theo cái ước mơ gọi là “bóng đá chuyên nghiệp”. Chính vì vậy, Vượng đành tìm cách thỏa mãn đam mê và cũng là để kiếm thêm đồng ra đồng vào từ các sân bóng “phủi”.
Tuy nhiên, đây chỉ có thể xem là công việc tạm thời bởi thu nhập của nó rất bấp bênh. Giờ đã có vợ con chứ không còn một thân một mình như trước nên gánh nặng kinh tế lại càng đè nặng lên vai Quốc Vượng.
Quốc Vượng giờ đã trở thành một công nhân bốc vác
Cũng may là một cơ duyên tình cờ đã đưa Vượng đến với công ty du lịch vận tải Văn Minh (Nghệ An). Một chiều lang thang đi đá bóng “phủi” tại các sân cỏ nhân tạo, Quốc Vượng thấy Công ty Du lịch Văn Minh có đội bóng đá khá hay và có tổ chức quy củ nên anh gặp giám đốc Nguyễn Đàm Văn ngỏ ý xin gia nhập.
Ban đầu nghe Vượng đề nghị, ông Văn còn tưởng tiền vệ nổi tiếng một thủa nói đùa cho vui. Nhưng khi nhận thấy thái độ chân thành trong từng câu giãi bày của Vượng, ông còn đồng ý nhận anh vào làm nhân viên chính thức.
Từ một cầu thủ chuyên nghiệp thu nhập hàng chục triệu đồng nay trở thành anh phu bốc vác ở bến xe với mức lương 6 triệu, Vượng vẫn cảm thấy mình hạnh phúc. Vì ít nhất giờ đây anh có được công việc ổn định, kiếm được những đồng tiền chân chính bằng giọt mồ hôi nước mắt để nuôi vợ nuôi con: Anh chia sẻ: “Ngày trước đi đá bóng có tí tiền thì mình tiêu không nghĩ vì lúc đó còn trẻ, chưa có vợ con để lo toan. Giờ có vợ con, gia đình, mình làm được ít nhưng mình thấy tiêu tiền có ý nghĩa hơn nhiều”.
Trong đời ai cũng phải có lần vấp ngã, dù mức độ nặng, nhẹ, nghiêm trong khác nhau. Song điều quan trọng nhất là họ sẽ đứng dậy như thế nào sau sai lầm. Giờ đây, ánh hào quang quá khứ chỉ còn là kỉ niệm. Những tháng ngày đen tối nơi trại giam cũng đã lùi xa. Trước mắt Vượng là bộn bề cuộc sống mưu sinh nhiều khó nhọc. Cầu chúc cho anh sự bình yên nơi tâm hồn và thành công trên con đường làm lại cuộc đời.
Quốc Vượng đi làm bằng chiếc xe wave giản dị.
Với một bộ đồ mang phong cách thể thao của một cầu thủ bóng đá.
Công việc hàng ngày của Quốc Vượng là xếp hàng hóa cho công ty Du lịch Văn Minh.
Video đang HOT
Vừa đến công ty, anh đã “lao” ngay vào công việc của mình.
Có khách hàng đến, anh lại ghi giấy tờ khách gửi.
Rồi lại chạy ra bê hàng lên cân trọng lượng để tính tiền.
Sau đó xếp vào kho chờ xe đến đưa đi.
Mỗi lúc rãnh khách, Quốc Vượng lại vào làm công việc giấy tờ cũng các đồng nghiệp.
Ký gửi hàng giấy tờ cho khách.
Mỗi khi khách hàng nhận ra người “tiền vệ trụ” xuất sắc một thời, anh lại cười hiền vui vẻ và thoải mái chia sẻ với công việc hiện tại của mình.
Với anh, ai cũng có một nghề, chỉ cần mình đang không làm phạm pháp thì chẳng có gì phải ái ngại.
Ở công ty anh phải làm 8 tiếng/ngày. Cứ một ngày làm ca chiều, ngày sau lại chuyển sang ca sáng. (ca1: 7h-15h; ca2: 15h-23h).
Hàng ngày Quốc Vượng phải “đánh lộn” với một đống hàng hóa khách gửi, nhưng anh chưa bao giờ thấy chán nản với công việc hiện tại của mình.
Trái lại, anh luôn cảm thấy vui vì công việc cho anh được gần với gia đình để chăm sóc vợ và con hơn.
Làm công việc xếp hàng hóa, anh được nhận lương 6 triệu/1 tháng. So với số tiền chục triệu mà anh được nhận lương trước đây thì quả là rất khó khăn. Nhưng ang luôn thấy vui và hạnh phúc vì số tiền bây giờ anh tiêu có ý nghĩa hơn so với trước.
Cuối tháng nhận lương, anh lại đưa về cho vợ để nuôi con, chứ không “lông bông” như “thời trai trẻ”.
Làm việc tuy vất vả, nhưng nụ cười hiền luôn ở trên khuôn mặt anh. Có lẽ vì anh yêu cuộc sống bình thường giản gị, yêu công việc xếp hàng, tuy vất vả nhưng cho anh thoải mái tâm hồn.
Sau một chuyến hàng vất vả, anh lại ngồi nghỉ và nhớ về đứa con trai cùng vợ đang chờ anh ở nhà.
Rồi khi có xe đến, anh lại tiếp tục công việc cho đến khi chuyến xe cuối cùng vào 23h đêm rời bến, anh lại lặng lẽ trở về với gia đình của mình.
Theo VNE
Tâm thư gửi Quốc Vượng: Đời thay đổi khi ta thay đổi!
"Anh ạ, viết ra được những lời này, em càng cảm thấy kính phục anh và anh trai em- những người luôn có một ý chí và sự lạc quan trong cuộc sống. Hãy vững vàng anh nhé".
LTS: Liên quan đến scandal tiêu cực, dàn xếp tỉ số ở SEA Games 23, Quốc Vượng phải trả một cái giá đắt hơn nhiều so bản án 4 năm tù giam. Tuy nhiên, với tấm lòng hối lỗi chân thành, anh đang làm lại cuộc đời bằng một quyết tâm cao độ và tinh thần lạc quan vượt khó.
Ngày hôm nay, BBT xin được chia sẻ đến các bạn một bức thư đầy ý nghĩa mà một độc giả gửi đến cựu tuyển thủ Việt Nam - Lê Quốc Vượng.
Chia sẻ với thần tượng một thời, một độc giả đã gửi thư về BBT với những lời lẽ vô cùng chân thành gửi đến Quốc Vượng. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
"Kính gửi anh Vượng!
Em không biết tại sao lại viết những dòng này cho anh. Phải chăng là vì anh có nhiều điểm giống với anh họ em! Viết cho anh, em chỉ muốn nói với anh rằng, trời không phụ công người anh ạ, có công mài sắt có ngày nên kim. Bây giờ anh đã làm lại được cuộc đời. Mong và chúc cho anh luôn hạnh phúc.
Anh ạ, từ mấy tuần nay, em luôn theo dõi các bài báo về anh, từ việc anh đi làm lao động tay chân, đi đá bóng phủi, bán vé xe đến chia sẻ của anh trong những tháng ngày tột cùng ân hận, đau khổ. Con tạo xoay vần, cuộc đời có ai tránh được chữ "ngờ". Quãng thời gian anh ở đỉnh vinh quang chói lọi cho tới 3 năm 8 tháng trong đường hầm tăm tối rồi đến những ngày tươi sáng như hôm nay, nó thực giống với anh họ em. Nếu có khác chăng là ở mức độ và thời gian ở mỗi quãng đường. Em muốn chia sẻ với anh về cuộc đời của anh của em. Anh hãy coi như đó là một người cùng cảnh ngộ, anh nhé.
Anh họ em cũng là vận động viên thể thao cấp quốc gia môn bắn súng. Anh được đi thi đấu nhiều kỳ SEA Game, giành được không ít huy chương trong và ngoài nước. Những năm 90, 95 anh là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, khu phố và có khi là cả tỉnh nhà - nơi em sinh sống. Bác gái em cũng từng được Chủ tịch nước mời về Hà Nội nhân dịp ngày 8/3 để gặp mặt và chúc mừng những người mẹ của vận động viên thành tích cao. Bao nhiêu tin tức, hình ảnh của anh trên các báo thể thao, thực sự khiến gia đình tự hào xiết bao.
Thời gian đó, anh ấy đang ở đỉnh cao danh vọng, nhưng chính cái hào quang đó đã tạo ra một sự kiêu ngạo, ích kỷ và ngông cuồng. Anh ấy đã từng nói với em, khi ở khu tập trung Nhổn, có những lần đồ ăn trên bàn theo các anh là không ngon, mọi người liền đổ luôn đĩa thức ăn đó vào sọt rác và la lối um xùm gọi nhà bếp lên 'nói chuyện', rồi bao lần trốn tập chung đi bar, uống rượu. Chưa đến 20 tuổi, thói ăn chơi ngông nào ở Hà thành anh cũng biết.
Và cái gì nó cũng có giá của nó anh ạ. Những cuộc ăn chơi nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng khiến thể lực và tinh thần của anh sa sút. Phong độ của anh ấy xuống dốc như một chiếc xe không phanh, kèm theo đó là những chuyện về bè cánh trong đội tuyển khiến một ngày anh quyết định từ bỏ tất cả.
Lúc bước chân ra khỏi cổng khu huấn luyện, anh biết mình đã mất hết. Trước mặt anh là một tương lai không xác định, bằng cấp không, nghề nghiệp không. Là thân con trai, lại 24 tuổi rồi, chẳng lẽ bây giờ ăn bám bố mẹ. Từ một tấm gương sáng cho thế hệ sau với biết bao hy vọng, anh trở về vạch xuất phát với cái tuổi đã không còn dành cho sự khởi nghiệp nữa rồi!
Nửa năm sau đó, anh của em thường xuyên ngủ ngày và chơi điện tử suốt đêm. Có lẽ anh sợ sự quan tâm của mọi người. Trong số đó, cũng có người cảm thông và không ít người dè bỉu. Anh ghét ánh mắt thương hại của tất cả mọi người. Sự vệc cứ thế trôi đi...
Đến một ngày, gia đình bác em họp lại và đưa ra những phương án về tương lai của anh: đi làm công nhân hoặc đi học tiếp. Và may mắn là anh chọn đi học lại. Thời gian ôn thi đại học, anh xuống Hà Nội vừa làm thêm vừa học ôn. Công việc anh em làm trong suốt thời gian ôn thi là đi thu cước viễn thông. Anh phải đến từng nhà, canh từng giờ để thu được tiền. Nếu chậm tiến độ thu thì lại bị phạt. Mưa gió, đêm hôm vẫn phải đi.
Năm đó anh đỗ vào đại học thể dục thể thao môn bắn súng. Và thực may mắn vì đồng đội, đàn em năm xưa bây giờ lại là thầy giáo của anh. Chính người này đã giúp đỡ anh rất nhiều. Anh được tạo điều kiện tập luyện lại và giới thiệu đi thi đấu ở các câu lạc bộ.
Trời không phụ công anh, đến khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Lương giảng viên theo hệ số theo em tính thì không bằng một cuộc nhậu của anh ngày trước nhưng nó là mồ hôi công sức, là sự cố gắng đứng lên sau vấp ngã. Em vẫn nhớ khoảnh khắc anh mừng mừng tủi tủi khi cầm tháng lương đầu tiên.
Chuyện mới đây mà đã gần 10 năm. Anh của em giờ đang hoàn thành chương trình cao học, viết một cuốn sách về những gì anh tích lũy được khi thi đấu bắn súng cho sinh viên và hàng ngày giảng dạy cho lớp sinh viên mới. Vẫn còn phải một thời gian nữa, anh của em mới có được mái ấm gia đình hạnh phúc như anh, nhưng em tin là anh em sẽ làm được.
Anh ạ, viết ra được những lời này, em càng cảm thấy kính phục anh và anh trai em- những người luôn có một ý chí và sự lạc quan trong cuộc sống. Hãy vững vàng anh nhé. Em và tất cả mọi người luôn tin tưởng nơi anh.
Em chúc anh và gia đình luôn hạnh phúc!"
Theo VNE
Quốc Vượng Hồi ký cuộc đời (P2): Thoát vòng luẩn quẩn "... Mình nghĩ có buồn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cuộc đời của mình đến đây chưa hẳn đã kết thúc...". LTS: Quá khứ lầm lỗi đã lùi xa, Quốc Vượng đang hạnh phúc với cuộc sống mới, tuy không nhiều tiền nhưng đáng trân trọng. Trong tâm thế ấy, Quốc Vượng không ngại chia sẻ hồi ức về những...