Quốc Vượng lý giải chuyện cầu thủ Việt bất chấp để bán độ
‘Họ ngang nhiên nói về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bóng đá bởi nhận thấy việc này rất bình thường trong xã hội’, cựu tiền vệ nói.
Cách đây 9 năm, lứa cầu thủ U23 tài năng của bóng đá Việt Nam do Quốc Vượng cầm đầu đã dính tiêu cực SEA Games 2005. Bản thân Quốc Vượng phải nhận án tù giam cho hành động dại dột của mình. Lúc này, chỉ trong hơn 3 tháng, nỗi đau vốn chưa thể nguôi ngoai của anh lại nhân lên khi chứng kiến liên tiếp vụ tiêu cực của các cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai.
Quốc Vượng từng một thời lầm lỡ. Ảnh: KL.
Quốc Vượng buồn bã nói: “Đầu tiên phải khẳng định rằng tôi không thể đánh giá hay khuyên răn gì ai cả, bởi chính bản thân tôi đã mắc sai lầm và nỗi đau đó sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời. Những gì tôi trải lòng sau đây chỉ với mong muốn duy nhất là góp tiếng nói vào việc làm sạch bóng đá nước nhà, mang tới những trận đấu sạch mà người hâm mộ xứng đáng được hưởng. Mong rằng những cầu thủ đã lỡ dính tiêu cực hãy dừng lại trước khi quá muộn. Và những cầu thủ trẻ, hãy nhìn vào sai lầm của lứa đàn anh đi trước để chơi bóng bằng tất cả đam mê”.
Lý giải về việc các cầu thủ lứa sau vẫn cứ “vô tư” đi vào “vết xe đổ” của lứa trước, bất chấp cái giá phải trả vô cùng đắt, anh chia sẻ: “Theo tôi, không chỉ cầu thủ, mà ở mọi ngành nghề trong xã hội hiện nay, mỗi người đều phải đối diện với cám dỗ của đồng tiền. Ngay cả bà bán rau, ông xe ôm cũng mong muốn kiếm được nhiều tiền để cải thiện đời sống gia đình cơ mà. Ai cũng có muốn có một cuộc sống sung túc và khi có cơ hội kiếm tiền đến bằng cách này cách khác họ không dễ bỏ qua. Thực tế, các cầu thủ vẫn ngang nhiên nói chuyện về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bóng đá quốc tế bởi họ nhận thấy việc này là rất bình thường trong xã hội. Chỉ khi bị cơ quan công an bắt vì tiêu cực, vì đánh bạc họ mới hối hận nhưng đã muộn”.
Video đang HOT
Quốc Vượng thừa nhận thu nhập cầu thủ thời của anh và hiện nay không hề thấp, thậm chí rất cao so với mặt bằng xã hội. Với những cầu thủ gắn “mác” U23 và đội tuyển quốc gia, thu nhập còn lớn hơn nữa: “Với những cầu thủ biết thế nào là đủ, họ sẽ có cuộc sống thoải mái trong xã hội hiện nay. Bản thân tôi lúc này làm nhân viên của công ty du lịch Văn Minh, lương tháng 5-6 triệu đồng nhưng tôi thấy hạnh phúc với điều đó. Nhưng trước đây, nào tôi có nghĩ được như thế. Đời cầu thủ kiếm được nhiều tiền thì tiêu còn nhiều hơn vào những thú vui hậu trường. Chuyện nợ nần chẳng hiếm gặp, tiền đến với mình dễ bao nhiêu thì ra đi càng dễ bấy nhiêu thôi”.
Theo Quốc Vượng, vấn đề của các cầu thủ không phải do bị những thành phần không tốt ngoài xã hội lôi kéo, mà gốc rễ là do nhận thức của họ: “Trước đây, tôi mắc sai lầm không phải vì tiền đâu, mà quan trọng là những mối quan hệ tình cảm ràng buộc ngoài xã hội. Cầu thủ hiện nay khi đã 25-30 tuổi rồi thì không thể nói là vấn đề bạn bè, mà là do nhận thức. Bóng đá Việt Nam nếu muốn phát triển, phải nghiêm túc làm lại từ gốc rễ, từ lứa trẻ, giáo dục đạo đức cho họ, giúp họ hiểu được rằng chỉ cần chơi bóng bằng tất cả đam mê rồi tiền cũng sẽ tới. Đây là công việc cần tới sự chỉ đạo, chiến lược dài hơi từ VFF đến các CLB”.
“Bóng đá Đức mất 10 năm làm lại để có một thế hệ cầu thủ vô địch World Cup 2014 như hiện nay. Vậy bóng đá Việt Nam có thể chấp nhận mất tới 20 năm để cho ra lò một lứa cầu thủ khác, chững chạc hơn về cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức cả trong và ngoài sân cỏ chứ. Tôi chỉ muốn gửi lời nhắn nhủ tới lứa cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay rằng, các em đã nỗ lực tập luyện, phấn đấu để lên đội một rồi, thì hãy tiếp tục cống hiến, chơi bóng bằng tất cả đem mê. Rồi những đồng tiền chân chính sẽ đến, số tiền ấy có khi còn nhiều hơn số tiền có thể kiếm được qua cờ bạc, cá độ… Và quan trọng hơn, khi đó tự bản thân mỗi cầu thủ sẽ biết quý trọng nghề nghiệp của mình, quý trọng từng đồng tiền mà mình làm ra để biết sử dụng đồng tiền đó đúng mục đích”, Quốc Vượng chốt lại.
Theo VNE
Cầu thủ nhúng chàm vì vừa bồng bột, vừa tham
'Họ lóa mắt vì đồng tiền, vừa do nhận thức kém rằng mình làm kín, không ai tìm ra được nên cứ đâm đầu vào con đường sai trái'.
Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến, Phan Lưu Thế Sơn, Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang và Nguyễn Đức Thiện đều là những cầu thủ có thu nhập cao, có vốn liếng tích lũy trước đó, thậm chí có xe hơi, trang trại nhưng họ vẫn sa ngã...
Các cầu thủ Đồng Nai chấp nhận 'làm bẩn mình' vì đồng tiền phi pháp. Ảnh: Kỳ Lân.
"CLB Đồng Nai luôn trả đúng, trả đủ tiền lương, thưởng và thanh toán đúng hẹn tiền lót tay cho các cầu thủ chứ không nợ nần gì. Tôi không hiểu tại sao các cầu thủ này lại làm như vậy. Có thể họ bồng bột, thiếu suy nghĩ và bị cám dỗ bởi ma lực đồng tiền từ lúc nào không hay", ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc điều hành kiêm trưởng đoàn CLB Đồng Nai - cho biết.
Theo khung tài chính của CLB Đồng Nai, một cầu thủ về đội nhận mức lót tay trung bình khoảng 400-500 triệu đồng một năm. Những người có tên tuổi hơn có thể nhận theo mùa giải là 600-700 triệu đồng, lương tháng trung bình khoảng 20-25 triệu đồng, chưa kể thưởng từng trận từ 300-500 triệu đồng cho một trận thắng hoặc hòa tùy sân nhà, sân khách.
6 cầu thủ dính chàm đầu quân cho CLB Đồng Nai từ cuối năm 2013 để chuẩn bị cho mùa 2014 với các bản hợp đồng có thời hạn hai năm. Hữu Phát, Long Giang, Đức Thiện, Kiên Trung thuộc nhóm cầu thủ có mức lót tay khoảng 400-600 triệu đồng mỗi năm, còn Thế Sơn, Niệm Tiến có mức thấp hơn. CLB Đồng Nai không trả một lúc mà trả thành nhiều đợt.
Long Giang khi chuyển từ Tiền Giang về Navibank Sài Gòn với giá 5 tỷ đồng (gồm cả tiền trả cho Tiền Giang để đổi lấy sự tự do) cũng có cho mình một khoản kha khá. Thời gian từ 2011, trung vệ họ Nguyễn thi đấu cho các CLB Bình Định, Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn và nay là Đồng Nai giúp anh tích lũy cho mình số tiền không nhỏ. Năm 2012, Long Giang tự tin sắm cho mình chiếc xe hơi. Là một người biết lo xa, sau đó, anh còn đầu tư trồng nấm tại quê nhà và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho bản thân và gia đình.
Phạm Hữu Phát - người được cho là cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ vừa bị tạm giữ - cũng là cầu thủ tiền tỷ khi anh chuyển từ Đồng Nai ra Khánh Hòa năm 2012. Tiếp đó, anh cùng các đồng đội từ Khánh Hòa chuyển về Hải Phòng. Đầu mùa giải mới, Hữu Phát chuyển về CLB quê hương Đồng Nai với tiền lót tay thuộc hàng "đỉnh" của đội là khoảng 600 triệu đồng một mùa. Tiền vệ đội trưởng được lãnh đạo đội bóng đặt nhiều kỳ vọng và đang chuẩn bị thương thảo để ký thêm hợp đồng dài hạn. Theo kế hoạch của mình, tiền vệ quê Trảng Bom dự kiến sẽ đầu tư lớn để kinh doanh dịch vụ karaoke.
Đức Thiện khi chuyển ra Bình Định năm 2011 cũng có tiền tỷ trong tay. Các cầu thủ còn lại cũng có thu nhập khá cao với hàng trăm triệu mỗi năm, kéo dài suốt nhiều năm chơi bóng. Tuy nhiên, tất cả vẫn không thể cưỡng lại cám dỗ của những đồng tiền phi pháp.
HLV Trần Bình Sự cay đắng vì các học trò vừa bồng bột vừa tham lam. Ảnh: Kỳ Lân.
HLV Trần Bình Sự phân tích: "Tôi nghĩ các cầu thủ này lóa mắt vì đồng tiền, vừa do nhận thức kém rằng mình làm kín, không ai tìm ra được nên cứ đâm đầu vào con đường sai trái".
"Theo thông tin từ cơ quan điều tra, 6 cầu thủ tham gia đánh bạc cá độ với số tiền 400 triệu đồng. Như vậy, nếu chia cho 6, mỗi cầu thủ nhận gần 70 triệu đồng. Trong khi đó, nếu thắng trận, toàn đội nhận được mức thưởng là 500 triệu đồng, chia cho 30 người, cầu thủ loại một nhận 20 triệu tiền thưởng. Rõ ràng, khi so sánh hai con số trên có thể đã khiến các cầu thủ mờ mắt và quyết định làm riêng. Giờ thì hết thật rồi...", ông Sự cay đắng.
Theo VNE
Nhiều báo quốc tế đưa tin vụ 6 cầu thủ Việt bị bắt Các trang báo điện tử của Malaysia, Singapore và New Zealand đưa tin vụ cầu thủ Đồng Nai bị công an triệu tập vì nghi án bán độ. Tờ MalayMail Online đưa tin về vụ việc. Ảnh: CMH. Vụ 6 cầu thủ của Đồng Nai bị cách ly để điều tra nghi án cá độ ngay sau trận đấu với Than Quảng Ninh...