Quốc tế tiếp tục kêu gọi đối thoại về tình hình Ukraine
Tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng sau khi khu vực miền Đông tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập. Trong khi đó các nỗ lực nhằm thúc đẩy đối thoại dân tộc tại quốc gia Đông Âu này dường như vẫn dậm chân tại chỗ, chưa đạt được bước đột phá nào.
Chính quyền lâm thời Ukraine hôm qua (13/5) thông báo đã có 7 binh sĩ nước này thiệt mạng và 7 binh sĩ khác bị thương trong các cuộc đụng độ tại miền Đông. Đây là vụ đụng độ đẫm máu đầu tiên được thông báo kể từ khi các khu vực ở miền Đông Ukraine tổ chức trưng cầu ý dân hồi cuối tuần qua và được xem là một tín hiệu không mấy tích cực đối với tiến trình đối thoại dân tộc mà Nga, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu và các nhà ngoại giao phương Tây đang nỗ lực thúc đẩy.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine
Trong một phát biểu tối qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Yevgen Perebiynis thừa nhận vẫn còn nhiều điểm cần làm sáng tỏ trong lộ trình hòa bình mà Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đưa ra, như vấn đề các cuộc đối thoại bàn tròn dự kiến bắt đầu trong ngày hôm nay (14/5).
“Những gì mà Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đưa ra phần nào phù hợp với những yêu cầu của chúng tôi. Song vẫn còn một số điểm trong lộ trình hòa bình này cần phải được nghiên cứu thêm. Ít nhất là chúng tôi muốn thảo luận vấn đề này thêm một lần nữa” – ông Yevgen Perebiynis cho biết.
Trước đó, tại cuộc điện đàm tối 12/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực trong khuôn khổ lộ trình đã được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu xác định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc giữa chính quyền lâm thời Ukraine và đại diện các khu vực ở Đông – Nam Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (13/5) cũng đã tới thủ đô Kiev nhằm khẳng định sự ủng hộ đối với “cuộc đối thoại bàn tròn” giữa các quan chức chính trị và đại diện các xã hội dân sự tại Ukraine.
Tiến trình đối thoại dân tộc này theo kế hoạch sẽ phải được khởi động vào ngày hôm nay (14/5) và diễn ra dưới sự chủ trì của nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger, người được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu chỉ định và nhận được sự ủng hộ của chính quyền lâm thời Ukraine.
Tới nay, chính quyền lâm thời Ukraine vẫn chưa công bố danh sách những người tham dự. Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Tourtchinov phản đối sự có mặt của các lực lượng đòi li khai ở miền Đông. Theo chính phủ Nga, nếu không có sự tham gia của tất cả các phe phái tại Ukraine, tiến trình này sẽ thất bại.
Trong khi đó, trên mặt trận Ngoại giao, Nga cũng đã bắt đầu có những động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi đưa ra một loạt các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực hợp tác không gian.
Trong một phát biểu mới đây, phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine cho biết, Nga sẽ không chấp nhận đề nghị của Mỹ kéo dài thời hạn sử dụng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2020, đồng thời tuyên bố, từ nay Mỹ sẽ không được sử dụng các động cơ tên lửa của Nga để tiến hành các vụ phóng vệ tinh quân sự.
“Hiện không có sự đảm bảo rằng, các động cơ của chúng tôi chỉ được sử dụng vào các mục đích dân sự, nên chúng tôi sẽ không tiếp tục cung cấp những động cơ này cho Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ không cần phải tham gia các chiến dịch bảo trì đối với những động cơ đã được gửi tới Mỹ” – phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine cho biết.
Video đang HOT
Liên quan tới việc Liên minh châu Âu mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, vào thời điểm hiện nay, Nga không có kế hoạch đáp trả, đồng thời nhấn mạnh, những hành động của Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ chỉ gây hại cho các nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine. Hơn nữa, những lệnh trừng phạt này đã phản ánh một cách tiếp cận “kiệt sức”, không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm sâu sắc hơn những bất đồng và gây ảnh hưởng tới các nỗ lực chung nhằm tìm ra một lối thoát cho tình hình khủng hoảng tại Ukraine.
Theo VOV
Tình hình Ukraine: Trò đuổi bắt bao giờ mới kết thúc?
Những ngày này, tại Ukraine, các bên liên quan vẫn đang chơi những nước cờ tiến thoái vô định, đẩy cục diện quốc gia Đông Âu này vào thế khó đoán định.
Tiếng nói của Nga còn hay mất?
Vấn đề đầu tiên được phương Tây quan tâm nhất vào thời điểm này, đó là cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực biểu tình đòi ly khai ở đông và đông nam Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ lạc quan về một giải pháp ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi lực lượng ly khai hoãn trưng cầu ý dân ở Đông Ukraine.
Đồng thời, những người biểu tình thân Nga đã bày tỏ rằng họ sẽ xem xét khả năng hoãn cuộc trưng cầu này bởi họ tôn trọng ý kiến của nhà lãnh đạo tối cao nước Nga, ông Vladimir Putin. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của ngày cũ, bởi sang ngày mới, cuộc trưng cầu dân ý vẫn được diễn ra bình thường.
Ngày 8/5, lãnh đạo lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine cho biết họ sẽ không hoãn cuộc trưng cầu ý dân về quy chế tương lai, sẽ tiến hành vào ngày 11/5 tới.
"Đây không phải là quyết định của chúng tôi (của các chính trị gia), đây là quyết định của người dân vùng Donbas. Người dân đang có cơ hội để thực hiện một hành động anh hùng, và chúng tôi không thể để mất cơ hội này." Andrey Purgin, một trong những nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết.
Phiếu bầu cho cuộc trưng cầu ý dân hôm 11/5 tới ở Donetsk đã được in.
Ông Purgin cũng cho biết, quyết định tổ chức trưng cầu ý dân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong hội đồng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Như vậy, sự lạc quan của nước Đức đã chấm hết. Và còn một điều đáng chú ý hơn, tiếng nói của nước Nga trong khu vực này cũng đã chấm hết. Có thể hoài nghi rằng đây là chiêu bài của Moscow, khi Kremlin thể hiện một động thái tích cực công khai, có thể làm dịu đi làn sóng chỉ trích của phương Tây tới nước Nga, nhưng ở phía đằng sau, tình báo Nga vẫn âm thầm tổ chức một cuộc trưng cầu theo đúng kế hoạch.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ với cái nhìn chủ quan và phiến diện, bởi Tổng thống Putin đang ngày càng có uy thế trong nước và quốc tế, lời ông nói ra không phải để dành cho một nước cờ thấp như vậy. Thay vào đó, Putin hoàn toàn có thể yên lặng.
Điều gì sẽ xảy ra khi tiếng nói của nước Nga không được tôn trọng? Như người phát ngôn của Điện Kremlin đã từng nói: "Mọi diễn biến đến giờ phút này đã ngoài tầm kiểm soát." Và nếu đã như vậy, cuộc chơi được trả lại cho người trong cuộc, là chính phủ lâm thời Kiev và những người biểu tình.
Đồng nghĩa với việc, vai trò của những thế lực bên ngoài đã kết thúc. Mọi hành động can thiệp sâu, hay những sự ủng hộ, gây sức ép đều rất có thể trở thành điểm thua trên bàn ngoại giao hay trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nếu như trong phát ngôn của Tổng thống Putin có dụng ý, thì đây mới là cái mà ông nhắm đến: rút toàn bộ sự can thiệp để tránh sa lầy và chịu trừng phạt kinh tế vô nghĩa.
Và bản thân nước Nga cũng đã có hành động tích cực khi tuyên bố sẽ rút quân khỏi biên giới Ukraine.
Chính quyền Kiev vẫn vuốt râu hùm
Trong bối cảnh các nước lớn vẫn đang cò kè bớt một thêm hai về từng bước đi tại Ukraine, chính phủ lâm thời Kiev lại tỏ ra liều lĩnh khi phớt lờ mọi cảnh báo của Tổng thống Putin về việc chấm dứt các hành động quân sự.
Vũ khí, quân đội, và giao tranh vẫn thường trực hiện hữu tại đông nam quốc gia này, đặc biệt tại thành phố Slavyansk, nơi được cho là thủ phủ của người biểu tình ở miền đông nam.
Tuy nhiên, trong một phiên họp chính phủ tại Kiev ngày 7/5, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã đề cập tới vấn đề quy chế của tiếng Nga ở nước này.
Binh sỹ Nga tuần tra ở Perevalnoye, ngoại ô Simferopol ngày 20/3.
Ông Yatsenyuk nói: "Theo khuôn khổ Hiến pháp, nếu việc đưa ra quy chế đặc biệt đối với tiếng Nga và các thứ tiếng khác của những người thiểu số ở Ukraine là cần thiết, tôi cho rằng đó sẽ trở thành chủ đề thảo luận và quyết định ở tầm quốc gia."
"Cho dù còn một số bất đồng nhất định trong vấn đề này giữa các lực lượng chính trị khác nhau, bản hiến pháp dự thảo nên được chuyển cho các đối tác châu Âu để tiếp nhận ý kiến phản hồi và hoàn tất quá trình cải cách hiến pháp ở Ukraine."
Vấn đề về ngôn ngữ là một trong những vấn đề khiến Nga không công nhận chính phủ lầm thời Kiev và cho rằng đây là một chính phủ dung dưỡng mầm mống phát xít và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Việc Kiev đưa ngôn ngữ lên bàn nghị sự cũng đã cho thấy, họ đang dùng chính chiêu bài mà Putin đang áp dụng với phương Tây. Đây chính là điểm mạnh để họ có thể nói với thế giới rằng họ đang rất tích cực trong việc cải thiện đất nước, đẩy mạnh hòa hợp dân tộc. Và bất kỳ hành vi nào trái với hiến pháp của người biểu tình, sẽ là cái cớ khiến Kiev hoàn toàn có thể có quyền đàn áp để bảo vệ hiến pháp.
Đồng thời, mọi quốc gia bên ngoài can thiệp, ủng hộ những hành động vi hiến ấy sẽ dễ dàng bị Kiev chụp mũ và lên án. Quả thực, trò chơi đuổi bắt tại Ukraine vẫn chưa đến hồi kết khi các bên đều đang sử dụng những đòn, miếng của nhau.
Phương Tây tiếp tục làm căng
Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/5 cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn tiến tại Ukraine để xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có hành động tích cực như những gì ông đã tuyên bố hay không?
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn về chính sách đối ngoại của EU Maja Kocijancic nói: "Chúng tôi rất chú ý đến phát biểu của ông Putin về cuộc bầu tổng thống ở Ukraine vào ngày 25/5 tới, về lời kêu gọi hoãn cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực miền Đông Ukraine cũng như tuyên bố rút binh sỹ Nga khỏi khu vực biên giới với Ukraine. Đây là một bước đi có thể giúp giảm leo thang tình hình tại Ukraine và tất nhiên chúng tôi theo dõi sát sao những tiến triển trên thực thế để xem liệu lời nói có đi đôi với hành động hay không."
Tổng thống Nga Putin đích thân giám sát tại buổi tập trận hôm 3/3.
Bà Kocijancic cũng khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của những người ly khai ở miền Đông Ukraine "sẽ không có tính hợp pháp dân chủ và chỉ có thể khiến tình hình tồi tệ hơn."
Ngày 7/5, các chính phủ trong Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm mở rộng tiêu chuẩn pháp lý cho việc trừng phạt những cá nhân và công ty để gây áp lực với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mở đường cho việc đưa ra các danh sách trừng phạt mới vào ngày 12/5 tới.
Đồng thời, EU cũng tuyên bố sẽ không giảm gia tăng sức ép cho đến khi Nga thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine.
Về quân sự, Mỹ và các thành viên NATO của mình cũng đã liên tiếp có các cuộc tập trận quân sự tại các khu vực xung quanh Ukraine và các phần biên giới của Nga. Điều này đã buộc Nga phải đặt quân đội của mình vào tình trạng báo động.
Một điều đáng chú ý hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với ông Putin rằng năng lực hạt nhân của nước này trên đất liền, trên biển và trên không đều đã được đặt ở mức cảnh báo chiến đấu.
"Năng lực hạt nhân của chúng ta đã luôn được cảnh báo chiến đấu, được trang bị thêm hệ thống tên lửa hiện đại cùng những thiết bị quân sự hàng đầu," Bộ trưởng Shoigu nói.
Nước Nga đang cho thấy hai vấn đề, thứ nhất, họ muốn dần rút chân ra khỏi cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sẽ tiếp tục chơi ván bài này theo cách của họ, sao cho lợi ích kinh tế, lợi ích địa chính trị của họ được dung hòa. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai, đừng đẩy Nga vào bước đường cùng. Những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã khẳng định điều này.
Theo Báo Đất Việt
Tổng thống Nga khẳng định quân đội Nga đã rút khỏi biên giới Ukraine Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ Didier Burkhalter tại Thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine. Trong khi cáo buộc Chính quyền Kiev đã khiến cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine, Tổng thống Putin hối thúc Chính quyền nước này ngay lập tức chấm...