Quốc tế ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên Biển Đông
Các chuyên gia an ninh quốc tế đang bày tỏ quan ngại Trung Quốc sẽ sớm lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, sau khi hoàn tất các hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo phi pháp.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động bồi lấn và xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, giới chức Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Trung Quốc đang không ngừng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông (Ảnh: AP)
Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện Mỹ, nhận định việc xây đảo nhân tạo mới chỉ là bước đi đầu tiên. Tiếp theo, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các bãi đá này, và tuyên bố lập ADIZ để thúc đẩy hơn nữa các tuyên bố chủ quyền của mình.
“Họ đang xây đường băng, và sẽ đưa vũ khí tới đó. Điều tiếp theo bạn sẽ thấy người Trung Quốc làm đó là khi một máy bay Mỹ bay ngang qua, cho dù là máy bay thương mại hay gì đi nữa, họ sẽ yêu cầu “khai báo danh tính” – đồng nghĩa với lập một Vùng nhận dạng phòng không, có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ của họ”, ông McCain phát biểu tại Viện Hudson, tại Washington.
ADIZ là không phận bên trên một vùng đất hay vùng biển nơi một quốc gia thiết lập một khu vực yêu cầu các máy bay đang hướng tới đó phải khai báo danh tính, và quốc gia này sẽ có quyền kiểm soát lộ trình bay đối với máy bay đó vì lợi ích an ninh quốc gia. Một khu vực như vậy có thể mở rộng ra bên ngoài không phận quốc gia để giúp họ có thêm thời gian phản ứng trước các máy bay bị nghi là thù địch.
Hàn Quốc và Nhật đã lập các ADIZ nằm xa bên ngoài không phận chủ quyền của mình, và chồng lấn với nhau. Trung Quốc cũng đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013.
Theo giám đốc điều hành Peter Jennings tại Viện chính sách chiến lược Úc thì tin rằng, Trung Quốc sẽ làm điều tương tự tại Biển Đông, mặc dù nước này có thể trì hoãn cho đến sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 9 tới.
“Sau thời gian đó, và trong lúc Mỹ bận rộn với chiến dịch tranh cử tổng thống, tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ đi bước tiếp theo, nhằm củng cố quyền kiểm soát trong khu vực”, Jennings phát biểu trong hội thảo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).
Rất nhiều học giả khác có chung mối lo ngại như ông McCain và Peter Jennings.
Video đang HOT
Theo VOA, trong một buổi thảo luận mới đây về vai trò của Mỹ với an ninh trên Biển Đông tại một tiểu ban của Hạ viện Mỹ, giáo sư Andrew Erickson đến từ đại học chiến tranh hải quân cho biết ông tin Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm nữa.
Các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông có một đường băng dài 3000m trên bãi đá Chữ Thập, mới được bồi đắp trái phép. Sẽ là hợp lý nhất khi dùng đường băng này để hỗ trợ cho ADIZ của Trung Quốc trong tương lai gần, ông Erickson khẳng định.
Washington từng tuyên bố việc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông sẽ cản trợ tự do đi lại, và cảnh báo Bắc Kinh không đưa ra tuyên bố này. Trước đó, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, và từ chối công nhận bằng cách điều các máy bay quân sự bay qua khu vực này.
Trung Quốc được tin là sắp xây đường băng thứ hai trên bãi đá Subi (Ảnh: DigitalGlobe)
Cho dù không có quy định nào cấm Trung Quốc lập ADIZ, ông Erickson cho rằng điều quan trọng đó là nước này sẽ quản lý ADIZ đó như thế nào.
“Tất cả nằm ở cách họ triển khai ADIZ ở Hoa Đông”, chuyên gia này phân tích. “Quân đội Trung Quốc đã khẳng định các biện pháp phòng thủ khẩn cấp sẽ được triển khai nếu một máy bay đi vào vùng này và từ chối tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc”. Tuyên bố này “rõ ràng đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Bắc Kinh từng tuyên bố có quyền lập ADIZ gần lãnh thổ nước mình, nhưng chưa phải thời điểm thích hợp để làm điều này trên Biển Đông.
Wu Shicun, chủ tịch Viện quốc gia về Biển Đông khẳng định Bắc Kinh sẽ tránh việc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông, để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực và khiến hợp tác quân sự Trung – Mỹ rơi vào bế tắc.
Xuất hiện tại một hội thảo gần đây của CSIS, ông Wu cho rằng Trung Quốc cần đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông, đẩy nhanh quá trình hình thành bộ Quy tắc ứng xử với các nước ASEAN, và đảm bảo các hòn đảo vừa bồi đắp chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Dù vậy, ông Wu cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu Nhật trở thành một nhân tố.
“Nhật muốn cùng Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra chung trên không phận Biển Đông, và mới đây đã chỉ trích hoạt động bồi lấn của Trung Quốc trong khu vực”, ông Wu phân tích. “Nếu một ngày nào đó Nhật cùng Mỹ thực hiện các chuyến bay do thám gần, Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả tương ứng”, ông Wu nói.
Trung Quốc thời gian qua vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản ứng quyết liệt từ các nước láng giềng. Hoạt động bồi lấn và xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh bị lên án mạnh mẽ và các quốc gia trong khu vực cho rằng các cơ sở này có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Thanh Tùng
Theo Dantri/VOA
Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Sức lan tỏa của lẽ phải
Hiện tại, vụ kiện ở Biển Đông chưa tới hồi kết vì Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới đang trong quá trình chờ tiếp nhận phản hồi của Trung Quốc trước khi ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, với sức lan tỏa của lẽ phải, Manila dường như đang chiếm phần ưu thế trước Bắc Kinh.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đang trở thành căn cứ chống lại chính nước này (Ảnh: World Press)
Theo quy định, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trách nhiệm quyết định về thẩm quyền của mình dựa trên cơ sở các sự kiện, bằng chứng và pháp lý được chứng minh một cách công bằng.
Trong vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, nếu các bằng chứng pháp lý và lập luận của Manila đủ sức thuyết phục, các quan tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu PCA có đủ thẩm quyền xem xét các nội dung trong đơn kiện của Philippines hay không. Dù kết luận của tòa thế nào, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và quốc tế từ ba khía cạnh: khả năng phán quyết của PCA, phản ứng của Trung Quốc và phản ứng của các nước trong khu vực.
Hiện có 3 khả năng có thể xảy ra:
Một là, PCA tuyên bố có thẩm quyền và tiếp tục mở phiên tòa xem xét nội dung đơn kiện của Philippines
Hai là, PCA chưa đưa ra quyết định về thẩm quyền, mà kết hợp xem xét cả vấn đề nội dung đơn kiện của Philippines rồi mới đưa ra phán quyết.
Ba là, PCA tuyên bố không có thẩm quyền xét xử đơn kiện.
Trong hai trường hợp đầu, phán quyết của tòa sẽ tạo cơ hội thúc đẩy phát triển Luật biển quốc tế, mang lại sức mạnh tâm lý và niềm tin cho các nước vào sự bảo vệ của UNCLOS; đồng thời tạo tiền lệ pháp lý cho các nước noi gương Philippines giải quyết các tranh chấp tương tự trên thế giới.
Tất nhiên, căn cứ vào những phát biểu và hành động của Trung Quốc, nước này sẽ không dễ dàng chấp nhận một phán quyết có lợi cho Philippines. Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách kéo dài vụ kiện và tranh thủ tạo thế đứng của mình ở Biển Đông. Các hoạt động như củng cố đảo nhân tạo, đưa lực lượng chấp pháp và tàu thuyền đánh cá xuống sâu Biển Đông, ép các nước cùng khai thác tài nguyên, thậm chí thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và mở rộng chiếm đóng một số bãi ngầm ở các vùng biển tranh chấp... là những việc được Bắc Kinh đẩy mạnh để tạo ra hiện trạng mới trước khi phán quyết được đưa ra.
Trong trường hợp PCA tuyên bố không có thẩm quyền xét xử đơn kiện, điều mà Trung Quốc mong muốn nhất, nước này sẽ chẳng còn gì để quan ngại. Bắc Kinh sẽ ráo riết thúc đẩy các hoạt động củng cố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Còn đối với Philippines và các nước trong khu vực, UNCLOS sẽ không còn là điểm tựa pháp lý đáng tin cậy, buộc từng nước phải tự củng cố tiềm lực quốc phòng và tìm cách liên minh quân sự để ứng phó với các hành động tiếp theo của Bắc Kinh.
Trên thực tế, mọi việc không diễn ra đơn giản như vậy và cũng sẽ không đi theo dự liệu của Trung Quốc.
Đơn cử một ví dụ. Khi công bố "Tài liệu lập trường về vụ kiện ở Biển Đông", Bắc Kinh hy vọng có thể đạt được ít nhất hai điều: tác động đến việc ra quyết định của PCA về vấn đề thẩm quyền và ảnh hưởng đến các hành động tiếp theo của Manila. Cả hai điều này Trung Quốc đều không đạt được. Thứ nhất, vì các thẩm phán của PCA là những chuyên gia pháp lý hàng đầu, họ hoàn toàn độc lập trong quá trình đưa ra phán xét và không chịu áp lực từ bất kỳ bên nào, dù là nước lớn. Thứ hai, Philippines không hề chùn bước trước những "đòn phản công" của Trung Quốc, cho dù "Tài liệu lập trường" được coi là văn bản chính trị có hàm lượng nghiên cứu cao và được chính phủ Trung Quốc chuẩn bị rất chu đáo.
Khi nhận ra những điều này, tự Trung Quốc cũng thấy rằng nước này khó có thể nhận được một phán quyết có lợi cho mình nếu như không thay đổi cách tiếp cận. Việc "tạo sự đã rồi" ở Biển Đông sẽ hoàn toàn không đơn giản trong bối cảnh Mỹ ngày càng can sự sâu vào khu vực và các nước trong vùng đang có biểu hiện xích lại gần nhau, cùng nhau củng cố tiềm lực quốc phòng. Do vậy, cách lựa chọn duy nhất của Bắc Kinh là nên đặt vụ kiện trong tổng thể quan hệ với Philippines cũng như quan hệ với ASEAN.
Trong các tuyên bố gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện rõ sự thay đổi lập trường khi đồng ý xử lý tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ đa phương cấp khu vực, thay vì chỉ chấp thuận giải quyết song phương với từng nước liên quan như trước đây. Nói cách khác, Trung Quốc giờ đây đã chấp thuận cách tiếp cận "đa phương khi cần thiết" và "khu vực hóa khi thích hợp" để giữ mọi việc trong tầm kiểm soát, từ đó từng bước tháo gỡ vấn đề Biển Đông, mắt xích yếu nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN hiện nay.
Nói theo lời của ông Xue Li, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh cần đưa ra sáng kiến gay từ bây giờ, hơn là chờ đợi cho đến khi buộc phải hành động theo phán quyết không có lợi của Tòa Trọng tài.
Đức Vũ
Theo Dantri
Trung Quốc ngăn máy bay dân dụng Lào vào ADIZ ở Hoa Đông Một máy bay chở khách của Lào đang trên đường tới Vientiane phải quay về nơi xuất phát, sau khi không được Trung Quốc cho phép qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông. Một chiếc Airbus A320 của Lao Airlines. Ảnh: Planespotters Một chuyến bay của hãng Lao Airlines hôm 25/7 phải trở...