Quốc tế lo ngại về kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc
Dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay sẽ được sử dụng để huấn luyện và nghiên cứu, nhưng việc lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận đóng tàu sân bay, trong khi có tin nước này sẽ tự đóng thêm 2 tàu nữa, khiến nhiều nước lo ngại.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được cho là được nâng cấp từ một chiếc tàu cũ mua lại của Ukraine.
Hôm qua, tờ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng trên trang nhất bài phân tích khẳng định sự cần thiết phải có tàu sân bay, coi đây vừa là một niềm tự hào, vừa là phương tiện bảo đảm an ninh cho Trung Quốc trong tương lai.
“Cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải gia tăng cường độ. Xây dựng một cường quốc hải quân là một sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, tờ báo viết.
Video đang HOT
Bài báo này xuất hiện chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tìm cách trấn an các nước láng giềng rằng tàu sân bay của nước này, được tân trang, nâng cấp từ một chiếc tàu cũ mua lại của Ukraine, “sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu”.
Trong khi đó, báo chí khu vực và phương Tây dẫn các nguồn thạo tin khẳng định Trung Quốc “có kế hoạch tự đóng thêm 2 tàu sân bay khác”.
Theo giới quan sát, thế thời đã thay đổi khi mà Bắc Kinh liên tục tăng chi phí quốc phòng, xây dựng bộ máy quân sự, trong lúc giới chính trị gia Mỹ tại Washington tranh luận về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Ông Yukio Edano, thư ký nội các Nhật Bản, cho rằng “vấn đề minh bạch hóa liên quan đến chính sách quốc phòng và việc mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc gây ra các lo ngại, không phải chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, thì sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc còn làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang tại châu Á”.
Theo ông Narushige Michishita, giáo sư Viện Nghiên cứu chính sách quốc qua Nhật Bản, thì kế hoạch mà Tokyo tuyên bố năm ngoái, là tăng số tàu ngầm của nước này từ 16 lên 22 chiếc, chủ yếu là để đối phó với sức mạnh hải quân của Trung Quốc.
“Việc Trung Quốc mở rộng và tăng cường hiện đại hoá quân đội là nguyên nhân gây lo ngại”, ông Daniel Pinkston thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul (Hàn Quốc) nói.
Ông Rommel Banlaoi, giám đốc điều hành tại Học viện Philippines nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố, nhận định: việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội đã thúc đẩy chính quyền Manila nâng cao khả năng tuần tra của hải quân Philippines tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.
Trong dự thảo ngân sách 2012 được trình lên Quốc hội trong tuần này, chính phủ Philippines muốn tăng chi phí quân sự lên tới 8 tỷ pesos (tương đương 190 triệu USD) mỗi năm, thay vì 5 tỷ pesos như trước đây.
Theo ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney (Australia), thì kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có thể buộc một số nước châu Á phải trang bị tàu ngầm.
Một số nhà phân tích còn nói đến vai trò của Ấn Độ, một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự. Theo một cựu lãnh đạo hải quân Ấn Độ, thì nếu Trung Quốc từ bỏ khu vực phía tây của Thái Bình Dương, thì vùng biển duy nhất mà Bắc Kinh quan tâm đến, đó là Ấn Độ Dương. Theo hướng này, thì cuộc cạnh tranh với Ấn Độ là tất yếu.
Trong thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã coi hải quân là trọng điểm trong chương trình hiện đại hóa quân đội và việc đóng hàng không mẫu hạm chỉ là một trong số những tín hiệu có thể nhìn thấy được về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc đã liên tục phủ nhận những nhận định cho rằng nỗ lực hiện đại hoá quân đội của nước này “nhằm mục tiêu gì đó ngoài những mục đích tự vệ” và biện minh rằng ngân sách nước này dành cho quân sự ít hơn nhiều so với Mỹ.
Theo Dân Trí