‘Quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng như ta không?’
Tại sao hình thức BOT phần nhiều rơi vào dự án giao thông? Vì sao tiếp tục hình thức BT? Cơ chế chia sẻ rủi ro như thế nào?
Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc chiều nay (16/9).
Vấn đề lớn nhất nằm ở đâu
Cho rằng thời gian qua việc thu hút đầu tư đối tác công tư có những đóng góp quan trọng, nhất là việc mở ra nhiều hạ tầng nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến dự án luật.
“ Đề nghị cho biết những hạn chế lớn nhất thời gian qua của hình thức đầu tư này là gì? Điểm nào có thể khắc phục được? Tại sao BOT chỉ thu hút phần nhiều ở lĩnh vực giao thông mà không vào loại dự án khác? Quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng như ở ta vừa qua không? Các nước không dùng hình thức BT nữa và Chính phủ cũng đánh giá vừa qua ta thực hiện có sự nóng vội, tràn lan thì tại sao ta lại tiếp tục làm? Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại sao đặt ra ở hình thức đầu tư này?” – bà Lê Thị Nga nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì nhấn mạnh báo cáo tổng kết hơn 20 năm thực hiện đối tác công tư cần đánh giá rõ mặt được và chưa được để làm cơ sở hoàn thiện dự án luật vì đây là đạo luật tác động chính sách đến kinh tế, xã hội rất lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đã là chính sách kinh tế thì phải đủ rõ, đủ cụ thể, minh bạch và công khai nhưng dự luật còn giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều vấn đề quan trọng, nhiều điểm còn chung chung. Bên cạnh đó, tính thống nhất của hệ thống luật cần làm rõ vì luật này liên quan đến rất nhiều luật khác.
Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa- Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng cũng thắc mắc, vấn đề lớn nhất nằm ở đâu? Luật đặt ra vấn đề nhà nước chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khi nước ta là nước nông nghiệp nhưng chính sách chia sẻ này còn chưa rõ.
Bên cạnh đó, lĩnh vực, quy mô, nguyên tắc bảo đảm quyền lợi quốc gia trong PPP thế nào cần tính toán: “Thực tế có hiện tượng Nhà nước mất quyền chi phối thì giờ giải quyết thế nào? Phần đất là tài sản đưa vào ban đầu phải nhượng lại để bù lỗ, cuối cùng họ lấy luôn phần đất của chúng ta thì giờ xử lý bằng kỹ thuật ra sao?”.
Video đang HOT
Hạn chế chỉ định thầu để tránh “nhóm lợi ích”
Liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế cho rằng, cần thận trọng với việc chỉ định thầu đối với các dự án.
“ Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Một trong những nội dung quan trọng được trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu được quy định tại Điều 76 của dự thảo luật, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh hiện có hai loại ý kiến đồng tình và không đồng tình.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP. Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư.
“ Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Lưu ý bài học từ xây dựng Luật Quy hoạch khi phải sửa gần 40 luật và UBTVQH phải ra một nghị quyết giải thích luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu đụng chạm quá nhiều, gây ách tắc thì cần cân nhắc và yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển một lần nữa nhấn mạnh đây là dự án luật rất khó. Một số câu hỏi đặt ra tại phiên thảo luận, do không đủ thời gian để trả lời trực tiếp nên ông Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ trả lời bằng văn bản.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, tiếp tục rà soát, nhất là về tính đồng bộ của hệ thống luật để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Theo NGỌC THÀNH/VOV.VN
ĐBQH đề xuất công dân đóng "phí chia tay" 3-5 USD cho mỗi lần đi nước ngoài
Tại nghị trường Quốc hội, khi đóng góp về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng cần xem xét thu khoản "phí chia tay" đối với công dân cho mỗi lần xuất cảnh.
Sáng 12/6, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có).
Quốc hội tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ảnh: Ngọc Thắng
Sau đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Tại phần thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) về cơ bản tán đồng với dự thảo mà ban soạn thảo đưa ra. Ngoài ra, ông đưa thêm ý kiến cho rằng cần quy định thêm các hành vi bị cấm khi công dân sang nước ngoài.
"Đề nghị công dân Việt Nam khi ra nước ngoài cấm vi phạm luật pháp, phong tục, tập quán của nước sở tại. Cấm xâm nhập bất hợp pháp biên giới, lãnh hải của nước ngoài", ĐB Nguyễn Quốc Hưng đóng góp ý kiến.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, cũng cần có một hành lang bảo hộ cho công dân khi xuất cảnh: "Ở Điều 5 về quyền nghĩa vụ của công dân, đề nghị công dân có quyền được Nhà nước Việt Nam bảo hộ những quyền hợp pháp của công dân khi ra nước ngoài. Các nước quy định rất rõ về trách nhiệm bảo hộ khi công dân ra nước ngoài. Đề nghị chúng ta phải quy định cụ thể, tránh trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài".
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đoàn Hà Nội. Ảnh Ngọc Thắng
Ông Hưng lấy ví dụ cho thấy sự cần thiết của việc bảo hộ công dân: "Có một số nước khi công dân Việt Nam nhập cảnh vào nước họ phải xếp hàng vào một khu vực khác là hình ảnh phản cảm, rất mong các cơ quan của Việt Nam phải bảo hộ quyền công dân khi ra nước ngoài".
Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, thì ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng công dân cũng có nghĩa vụ riêng của mình khi ra nước ngoài: "Khi công dân ra nước ngoài thì phải nói rõ nghĩa vụ trong luật, là phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hoá của Việt Nam. Mỗi một công dân Việt Nam phải là một đại sứ du lịch, có trách niệm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá con người".
Ông Hưng cho biết, hiện nay, một số nước có thu "phí chia tay" đối với công dân họ mỗi khi xuất cảnh nhằm có thêm nguồn để phát triển du lịch trong nước. "Năm ngoái Quốc hội Nhật Bản ban hành đạo luật mỗi công dân ra nước ngoài phải đóng một loại phí gọi là phí chia tay khi đi du lịch, khoảng 1.000 Yên/người (tương đương 9.3 USD).
Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm thu được khoảng 400 triệu USD từ việc này để thực hiện một số dự án phát triển nền công nghiệp không khói như hoàn thiện dịch vụ xuất nhập cảnh cho công dân tốt hơn hay xây dựng hạ tầng giao thông, du lịch ở một số vùng còn khó khăn".
Từ ví dụ trên, ông Hưng đề xuất: "Mong cơ quan soạn thảo xem xét, ở một số nước áp dụng phí xuất nhập cảnh của công dân. Có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh nên họ áp dụng thu thuế và phí. Vì vậy, tôi xin có một suy nghĩ, nên chăng Việt Nam chúng ta cũng giống một số nước khi công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền "phí chia tay" với khoảng 3 tới 5 USD/người khi xuất cảnh.
Số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân Việt Nam khi ra nước ngoài. Một phần để cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc và những việc khác để đảm bảo việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, hoàn thiện hơn.
Các chiến sĩ khi công dân xuất nhập cảnh thì tươi cười, vui vẻ, ân cần hơn. Một phần nữa cho vào quỹ xúc tiến phát triển du lịch, giúp cho việc quảng bá, đẩy mạnh du lịch nước nhà".
Theo Nguoiduatin
Quốc hội cần có nghị quyết xử lý những vấn đề nóng giữa hai kỳ họp Giữa hai kỳ họp Quốc hội nhiều vấn đề rất nóng nổi lên, cần đưa vào nghị quyết của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Giữa hai kỳ họp Quốc hội nhiều vấn đề rất nóng nổi lên, cần đưa vào nghị quyết...