Quốc lộ thành sông sau mưa lớn kéo dài
Trong ba ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa lớn liên tục kéo dài đã khiến nhiều điểm trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh bị nhấn chìm, gây khó khăn cho các phương tiện khi lưu thông qua đây.
Liên tục trong ba ngày qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An mưa lớn kéo dài, lượng mưa quá lớn khiến hệ thống mương thoát nước 2 bên quốc lộ 1A không “xả lũ” kịp, gây ngập nước trầm trọng ở nhiều đoạn đường.
Sau cơn mưa lớn kéo dài chiều ngày 22/8, tại một số đoạn trên quốc lộ 1A như đoạn qua địa bàn xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An), thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu nước mưa đổ dồn ra quốc lộ gây nên tình trạng ngập úng kéo dài, khiến các phương tiện khi lưu thông qua những điểm này gặp rất nhiều khó khăn.
Một người dân ở ngay cạnh quốc lộ 1A đoạn qua cầu Yên Lý, xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An) bức xúc: “Cứ hễ có mưa là đoạn này bị ngập, các xe tải thì chạy ầm ầm khiến nước dội lên tung tóe. Nhiều vụ tai nạn xảy ra cũng chỉ vì đường bị ngập. Lần trước có người chạy xe máy do nước ngập vướng phải hòn đá nên ngã ra đường và bị xe tải chạy phía sau cán chết rất thương tâm”.
Được biết, tại các địa điểm trên cứ mỗi khi mưa xuống là ngập và tồn tại đã nhiều tháng nay nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý.
Nguyễn Duy – Phong Tình
Video đang HOT
Theo Dantri
"Chúng tôi phải nhảy xuống kênh đào Panama để giải thoát cho mình"
"Cuộc sống ở trên tàu quá vất vả, mỗi ngày phải làm việc từ 17 - 18 tiếng, ăn uống lại kham khổ. Có khi phải ăn cả cá ươn dùng để làm mồi câu nên chúng tôi phải nhảy để giải thoát cho mình", thuyền viên trở về chia sẻ.
3 thuyền viên Hồ Thanh Tùng, Đào Ngọc Trung, Trần Văn Dương (từ phải sang trái)
Cả tháng ăn cá ươn
Sáng ngày 20/8/2013, PV Dân trí tới thăm thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long, huyên Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan xuống kênh đào Panama đã về đến gia đình. Theo anh Đào Ngọc Trung (1 trong 4 thuyền viên): "Do cuộc sống, công việc ở trên tàu Cheng Cheng Shipping quá vất vả, mỗi ngày phải làm việc từ 17 - 18 tiếng. Hơn thế nữa ăn uống ở trên tàu cũng quá kham khổ nên khi tàu đi qua kênh đào Panama chúng tôi đã liều mình nhảy xuống biển chủ động gọi cảnh sát biển Panama để được giải cứu".
Cũng theo anh Trung (27 tuổi), do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên tháng 6 năm 2012 anh cùng với người cháu là Trần Văn Dương (21 tuổi) làm thủ tục xin đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan qua một người môi giới ở cùng xã. Sau khi sang tới nơi, anh được cử lên làm đầu bếp ở tàu cá Cheng cheng Shipping, còn người cháu là được cử làm công nhân đánh cá, với mức lương 6.500.000 đồng/tháng. Sau 1 tháng sửa chữa các trang thiết bị, con tàu bắt đầu vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.
Trên tàu ngoài 4 thuyền viên người Việt Nam còn có 16 thuyền viên người Philipinnes, 1 người Indonesia, 4 người Trung quốc gồm thuyền trưởng, máy trưởng, máy phó và cai tàu. Công việc chính của các thuyền viên là đan câu, đánh bắt cá ngừ đại dương. Để có được sản lượng tối đa nhất trong mỗi chuyến vươn khơi, chủ thuyền đều tận dụng hết khả năng, thời gian làm việc của công nhân trên tàu.
"Hàng ngày chúng tôi phải làm việc gần 18 tiếng mỗi ngày và chỉ được ngủ khoảng 5 - 6 tiếng, có hôm câu bị vướng thì thời gian làm việc sẽ phải kéo dài hơn. Từ khi sang đến nơi con tàu vươn khơi suốt 13 tháng, anh em phải lênh đênh trên biển không biết được khi nào tàu sẽ về", thuyền viên Trần Văn Dương chia sẻ.
Vì được cử làm đầu bếp nên anh Đào Ngọc Trung hiểu rõ nhất cảnh ăn uống kham khổ của các thuyền viên trên tàu: "Có khi cả tháng anh em phải ăn con cá "to" bằng 2 ngón tay, đã được ướp đá rất lâu mà người ta dùng làm mồi câu cá ngừ ấy. Có lần đưa thịt lên để nấu thì thịt đã có mùi hôi, thối nên tôi không dám nấu cho mọi người ăn. Rau xanh thì không bao giờ có, chỉ có nấm xào miến làm rau để ăn thôi".
Thuyền viên Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) ở xóm Đại Tân, xã Quỳnh Long cho biết: "Tôi cũng đã từng đi biển dài ngày nhưng chưa thấy ở đâu cuộc sống lại kham khổ, vất vả như vậy. Làm việc thời gian quá kéo dài, có những hôm tôi không ăn được cũng phải cố nhịn đói để làm việc. Dùng đũa gắp con cá lên ăn mà nước mắt cứ chảy".
Để cải thiện bữa ăn cho tất cả các thuyền viên ở trên tàu, bản thân anh Trung cùng các thuyền viên người Việt Nam đã phải tự chế câu, mồi để câu cá tươi cho anh em trên tàu cùng ăn. Cũng vì vậy mà các anh được những thuyền viên khác hết sức quý mến.
Gieo mình xuống biển mong được giải cứu
Sau những tháng ngày đằng đẵng lênh đênh trên biển, đầu tháng 8/2013 con tàu dự kiến cập vào cảng ở Panama để đưa 1 thuyền viên người Indonesia lên bờ chữa bệnh. Khi con tàu đi qua kênh đào Panama vào lúc 12 giờ đêm (giờ Panama) 4 thuyền viên đã cùng ôm can, phao nhảy thẳng xuống kênh rồi bơi vào bám lấy cọc tiêu phân luồng, chờ tới sáng thì thấy thuyền của cảnh sát biển Panama đi qua các thuyền viên đã chủ động gọi và được giải cứu.
"Khi đó khoảng 12 giờ đêm, tàu qua lạch (kênh đào Panama) chúng tôi quan sát thấy có đồn của cảnh sát biển cách đó khoảng 500m và có 1 cọc phân tiêu phân luồng nên đã chủ động ôm phao và nhảy xuống. Sau khi nhảy khỏi tàu chúng tôi bơi đến ôm lấy cọc tiêu đợi đến sáng thì thấy cảnh sát biển đi qua và kêu cứu", anh Tùng chia sẻ.
Ôm đứa con nhỏ trong tay anh Trung mới biết mình còn sống.
Mặc dù biết nhảy xuống biển sẽ vô cùng nguy hiểm nhưng bản thân 4 thuyền viên đều quyết gieo mình xuống làn nước mênh mông của biển cả. "Lúc nhảy tôi chẳng nghĩ được gì, chỉ biết rằng rồi mai đây mình sẽ được về cùng với gia đình vợ con nên tôi ôm phao và nhảy xuống", anh Hồ Thanh Tùng chia sẻ thêm.
Sau khi được cảnh sát biển Panama giải cứu vào sáng ngày 14/8, 4 thuyền viên được đại diện của đại sứ quán Việt Nam tại Panama bà Hoàng Kim Anh tiếp xúc và thu xếp chỗ ăn ở và liên hệ để đưa về nước.
Chị Lô Thị Hằng vợ thuyền viên Đào Ngọc Trung ôm đứa con chưa đầy 8 tháng tuổi xúc động: "Gặp được chồng tôi mới hết lo lắng, giờ thì anh ấy sống thật rồi. Từ ngày nhận tin chồng nhảy xuống biển, ngày nào gia đình, bản thân tôi vô cùng hoang mang lo lắng, không sao ngủ được tròn giấc. Từ nay ở nhà vợ chồng đói khổ có nhau thồi, giờ không để anh ấy đi như thế nữa đâu, gia đình ai cũng lo lắm".
Chị Trần Thị Năm vợ thuyền viên Hồ Thanh Tùng cho biết: "Anh ấy đi được 7 tháng, tôi ở nhà mới nhận được 4 tháng tiền lương của chồng. Nghe tin anh ấy nhảy xuống biển mà lòng như lửa đốt suốt ngày, giờ đây đã tay sờ vào người anh ấy, được nghe chồng nói với mọi người tôi mới tin chồng mình đang sống đấy. Mấy ngày vừa quan cứ nghe thông tin trên báo chí mà lòng tôi như lửa đốt, giờ thì an tâm rồi".
Hiện tại sức khỏe của các thuyền viên đã ổn định, họ cũng cho biết rất mong sớm có thể liên hệ với đại diện của công ty đã đưa 4 thuyền viên sang làm việc để có thể trao đổi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên theo 4 thuyền viên từ khi về đến sân bay Nội Bài họ chưa thể gặp được đại diện của công ty.
Phong Tình - Nguyễn Duy
Theo Dantri
4 thuyền viên nhảy xuống kênh đào Panama chưa về nhà "Hiện tại gia đình tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các con. Chỉ thấy người môi giới gọi điện báo tin là nó "vượt" khỏi tàu nên bị bắt", ông Trần Văn Danh - bố thuyền viên Trần Văn Dương chia sẻ. Trước đó Cơ quan Dịch vụ hải quân quốc gia Panama (SENAN) đã thông báo cho đại...