Quốc lộ ‘cong mềm mại’ để tránh nhà thờ họ Đặng ở Hà Tĩnh
Nhiều hộ dân ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã lùi nhà mình vào để nhường đất mở rộng quốc lộ 8B, tuy nhiên nhà thờ họ Đặng vẫn nằm nguyên vị trí khiến tuyến đường bị thu hẹp bất thường đoạn qua đây.
Nhiều người dân ở Hà Tĩnh phản ánh, quốc lộ 8B qua thị trấn Nghi Xuân có đoạn bị thu hẹp bất thường vì vướng một nhà thờ họ.
Tuyến quốc lộ này được triển khai mở rộng từ năm 2010, nhiều hộ dân hai bên đường phải lùi nhà vào để nhường đất làm đường, nhà thờ họ trên cũng nằm trong diện giải phóng mặt bằng nhưng không lùi vào. Hiện tuyến đường dài khoảng 800 m, rộng 24 m (bao gồm vỉa hè) đã hoàn thành, song đoạn đi qua nhà thờ họ bị co lại.
“Mọi người đi qua đều nhìn thấy quốc lộ cong mềm mại để tránh nhà thờ, hàng rào nhà thờ có đoạn lồi ra quốc lộ khoảng 1,7 m, đoạn lồi ngắn nhất là 1,2 m”, một người dân nói và cho biết nhà thờ của dòng họ Đặng là dòng họ lớn ở địa phương, trong đó có ông Đặng Duy Báu (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) và ông Đặng Quốc Khánh (Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Xuân Hải (Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân) thông tin, đoạn đường mở rộng quốc lộ 8B đi qua nhà thờ họ Đặng có tổng số vốn 16 tỷ đồng, quá trình triển khai, UBND huyện đã mời dòng họ, Sở Văn hóa làm việc nhiều lần song không thể tìm ra sự đồng thuận, nên đơn vị đã tiến hành thi công đường “tránh” nhà thờ.
“Nếu xét thực tế thì diện tích đất nhà thờ không còn vì phía sau hẹp. Giải pháp khả dĩ là để nhà thờ tìm được miếng đất khác thay thế, nhưng không đơn giản”, ông Hải nói.
Nhà thờ họ Đặng. Ảnh: Đức Hùng
Ông Đặng Duy Thiện (Chủ tịch Hội đồng dòng tộc họ Đặng, em trai ông Đặng Duy Báu) cho rằng, nhà thờ không phải lấn đường mà “đã có từ trước khi tuyến đường này được xây dựng”. Theo Chủ tịch Hội đồng dòng tộc họ Đặng, các đinh trong dòng họ dù giữ chức vụ gì cũng không có quyền can thiệp vào việc họ.
“Khi làm đường, dòng họ và đại diện chính quyền địa phương đã họp, song không thể thống nhất chuyện di dời. Trong hội đồng gia tộc có nhiều người dứt khoát không đồng ý, bản thân tôi không thể quyết định. Hơn nữa nhà thờ rất thiêng, khi đưa ra quyết định gì cũng phải e dè”, ông Thiện nói và khẳng định nếu nhà nước có quyết định di dời nhà thờ để làm đẹp hành lang đường thì “quan điểm của chúng tôi là lợi ích của dòng tộc nằm dưới lợi ích quốc gia”.
Video đang HOT
Sau khi tuyến đường mở rộng quốc lộ 8B hoàn thành, khuôn viên nhà thờ có chỗ “lồi” ra bên ngoài. Ảnh: Đức Hùng.
Ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó giám đốc sở Văn hóa Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm, Sở là đơn vị quản lý nhà nước, còn quản lý trực tiếp nhà thờ là dòng họ, chính quyền sở tại. Do vậy, khi tu bổ, tôn tạo di tích thì địa phương, dòng họ phải đề xuất phương án, tuy nhiên đến thời điểm này Sở chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào.
“Về cảm quan Sở không biết con đường lồi lõm thế nào, và không thể can thiệp vấn đề đó. Để có hướng xử lý thì trước hết chủ sở hữu di tích và địa phương cần có văn bản, sau đó Sở mới đưa ra ý kiến”, ông Thụy nói.
Khuôn viên đền thờ chỗ lồi ra lòng đường rộng nhất là 1,7 m, ngắn nhất là 1,2 m. Ảnh: Đức Hùng
Nằm trên quốc lộ 8B, khối 3, thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đền thờ Quan ngự sử thiếu bảo Liêu Quận Công Đặng Sĩ Vinh được UBND Tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2003.
Theo một số tài liệu, đền thờ được xây từ thế kỷ 17, khuôn viên rộng 283 m2, sau này con cháu họ Đặng ở Hà Tĩnh xem đây là nhà thờ dòng họ, thường xuyên lui tới thắp hương.
Đức Hùng
Theo VNE
Người dân đốt hàng chục ngựa giấy mỗi ngày để cầu may
Sau Tết, nhiều người dân đến thắp hương ở đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh) đã chi khoảng 400.000 đồng mua ngựa giấy đốt để cầu may.
Đền ông Hoàng Mười, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) còn được gọi là đền chợ Củi, được tạo lập vào cuối đời nhà Lê. Tại đây, người dân thường bày bán ngựa giấy ở hai bên lối ra vào.
Ông Nguyễn Long Thiên, Trưởng Ban quản lý đền ông Hoàng Mười cho hay, người dân đi lễ ở Đền ngoài thắp hương còn mua ngựa giấy đốt, mục đích là cầu bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
"Đức Quan Hoàng Mười là tướng trận giỏi, do vậy người dân hóa ngựa để ông cùng quân lính củng cố binh lực, đánh giặc ngoại xâm theo tín ngưỡng từ thời trước truyền lại nay", ông Thiên nói.
Ngựa giấy có nhiều kích thước, con bé cao từ 50 cm đến một m, con lớn cao hơn 2 m. Ngựa được làm từ cốt nứa mua sẵn từ những người dân trong xã. Trung bình mỗi con bán với giá từ 200.000 đến 400.000 đồng tùy kích cỡ.
Vào những ngày giỗ Đức Quan Hoàng Mười hoặc dịp lễ Tết, những người buôn bán ở cửa Đền thường nhập cốt nứa về, sau đó tự dán giấy bồi, quét sơn vàng để trang trí ngựa.
Một bộ ngựa giấy phải đi kèm hình nhân, áo, mũ.
Các con ngựa giấy được trang trí cầu kỳ và bắt mắt. Dù giá tiền dưới một triệu đồng, nhưng người dân địa phương cho biết với thu nhập trung bình ở đây thì thông thường "nhà giàu hoặc khách thập phương mới có điều kiện hóa ngựa giấy".
Ngựa giấy sau khi mua sẽ được đưa đến tiền sảnh của Đền để làm lễ. Những ngày đầu năm, cứ đến chiều tối là ngựa giấy được đặt kín lối lên xuống tiền sảnh Đền.
Làm lễ xong, người dân sẽ đưa ngựa giấy đến lò hóa vàng mã được đặt ở phía tây của đền chợ Củi để đốt.
Theo Trưởng ban quản lý Đền, trung bình mỗi ngày người dân đốt khoảng hơn 50 bộ ngựa giấy.
"Chúng tôi đã khuyến cáo người đi lễ không nên đốt ngựa giấy, vì nó ảnh hưởng đến môi trường, song phụ thuộc vào tín ngưỡng và nhu cầu của họ. Để cấm hẳn thì rất khó", ông Thiên nói.
Khi ngựa giấy được hóa, nhiều chủ nhân đã đứng trước đống lửa chắp tay vái lạy để cầu may mắn.
Đức Hùng
Theo VNE
Ông Đinh La Thăng: 'Công trình chống ngập 10.000 tỷ phải xong trước 14 tháng' Để giải quyết ngập cho 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và khu trung tâm, Bí thư Thành ủy TP HCM ra "tối hậu thư" rút ngắn thời gian thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ xuống còn 22 tháng. Chiều 4/2, xuống nơi thi công dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, Bí thư Thành...