Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Đất đai: Tù mù giá đất
Ngày 19.11, QH đã thảo luận tại hội trường về dự luật Đất đai sửa đổi. Một trong những lý do để đưa Luật Đất đai đem ra sửa đổi lần này là do có những bất ổn trong luật, khiến cho tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện xảy ra khá nhiều trên toàn quốc.
Hơn 70% số vụ khiếu kiện có liên quan đến đất. Ảnh: Bình An
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng dự luật vẫn chưa tạo ra được bước đột phá nên sẽ khó có thể giải quyết được tình trạng tham nhũng, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Thế nào là “phù hợp với giá thị trường”?
Tại phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến ĐB đều khẳng định có tới hơn 70% số vụ khiếu kiện trong thời gian qua đều có liên quan đến đất. ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) phát biểu: “Khiếu kiện gay gắt về đất đai trong thời gian qua chủ yếu là do việc thu hồi đất, định giá đất, giá trị bồi thường như hỗ trợ, bố trí nơi tái định cư không tương xứng, phù hợp hoặc chưa đảm bảo đầy đủ những điều kiện sống và sinh hoạt”.
Theo phân tích của ĐB này thì nguyên nhân là do cơ chế thu hồi, định giá đất không nhất quán, tù mù, thiếu minh bạch. Nhiều ĐB cũng cho rằng, theo luật hiện hành thì khi người dân bị thu hồi đất sẽ được Nhà nước đền bù “sát giá thị trường”, nhưng dự luật mới được sửa đổi bằng quy định “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”, khái niệm mới này cũng không làm sáng tỏ hơn vấn đề giá đất. ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu ý kiến và đặt câu hỏi: “Theo tôi, thay đổi này vẫn không sáng sủa hơn. Bởi lẽ thế nào là phù hợp với giá thị trường? Giá thị trường ở đây là giá thị trường vào thời điểm nào?”.
Ông Sang dẫn chứng: Hiện nay, giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường, nhưng trên thực tế bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 81 triệu đồng/m2 cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi giá chuyển nhượng trên thị trường là vài trăm triệu đồng/m2. Sự chênh lệch ấy cho thấy ngân sách nhà nước đã thất thu và tạo ra cảm nhận cho người bị thu hồi đất là một sự thiệt thòi quá mức. “Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai… Nguyên tắc mơ hồ này cũng là lý do dẫn đến quốc nạn tham nhũng” – ông Sang kết luận. Để giải quyết được sự “tù mù” trong khái niệm “phù hợp với giá thị trường”, các ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) và nhiều ĐB khác đề nghị việc định giá đất muốn đảm bảo sát với giá thị trường thì cần dựa vào giá đất phổ biến trong giao dịch thực tế của người dân và nếu cần thì cần lập một cơ quan tư vấn khảo sát giá độc lập.
Video đang HOT
Dân bị thu hồi đất sống thế nào?
“Dân bị thu hồi hết đất sẽ sống ra sao?” – đó là câu hỏi lớn đã được các vị đại diện cho dân đem ra thảo luận trong phiên họp. ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) phân tích: Điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi, nhưng dự thảo luật lại chưa tính đến. Ông Vinh dẫn chứng: “Một gia đình có 4 nhân khẩu chung sống trong một căn hộ gắn liền với mảnh đất có diện tích khoảng 50m2, khi Nhà nước thu hồi đất họ được bồi thường khoảng 400 triệu đồng và được cấp một mảnh đất định cư gần 100m2 với hạ tầng kỹ thuật tốt, nhưng phải nộp thêm 300 triệu đồng, vậy họ sẽ lấy đâu tiền để xây nhà. Lúc này phương án họ lựa chọn hoặc là phải vay tiền để xây nhà hoặc là phải “bán lúa non” để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền và thu nhập của họ, vô hình trung lại đẩy họ vào cuộc sống khó khăn hơn trước gấp nhiều lần”. “Đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất” – ông Vinh phát biểu.
Cũng chung quan điểm dự luật vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề dẫn đến khiếu kiện, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, quy định về chế độ sở hữu đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu “chưa thực sự cụ thể, chưa có bước đột phá về việc gắn quyền lợi và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đất ở”. Ông Vẻ cho rằng, nếu về đất ở, trên thực tế người sử dụng đất ở đã có đầy đủ các quyền và chế độ sở hữu của mình nhưng chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, cần quy định đất ở là thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Đối với vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hầu hết các ĐB bày tỏ sự đồng tình là thời hạn 50 năm để người dân yên tâm sản xuất. Cũng có nhiều ĐB bày tỏ quan điểm trẻ em sinh ra từ năm 1993 đến nay phải được chia đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng thực tế quỹ đất nông nghiệp hiện nay ngày càng giảm đi do phải sử dụng một phần vào mục đích phi nông nghiệp. Trong khi đó, dân số ngày càng tăng thêm nên để người lao động có việc làm, có thu nhập, bảo đảm cuộc sống là trách nhiệm của gia đình và xã hội để giúp cho người sinh ra từ năm 1993 đến nay không có ruộng, việc làm bảo đảm cuộc sống. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những người này có nghề, có việc làm, hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị để làm dịch vụ bảo đảm đời sống cho bản thân và gia đình.
Theo laodong
Thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thỏa thuận được bồi thường cho dân
Từ đầu năm 2011 đến nay, UBND TP.HCM không chấp thuận cấp phép địa điểm đầu tư cho bất cứ dự án nào nữa. Do đó, đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013, TP tập trung xử lý các dự án đã được cấp phép cho từ năm 2010 trở về trước.
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín trả lời bức xúc của đại biểu (ĐB) và cử tri về quy hoạch, dự án "treo" trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM, sáng nay 5.10.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ các dự án xem lý do vì sao chậm trễ và buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết.
Người dân không thể xây sửa nhà cửa vì dự án "treo" khiến ấp Doi (phường 15, Q.Gò vấp) trở thành khu "ổ chuột" nhếch nhác - Ảnh: Đình Sơn
Đối với những dự án chủ đầu tư đã hoàn thành xong phần thỏa thuận, đền bù cho người dân mà vẫn chưa triển khai, nếu do vướng thủ tục hành chính thì cơ quan chức năng có nhiệm vụ tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Đối với những dự án đã đền bù được trên 50%, UBND sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo đúng cam kết, tiến độ và gia hạn tối đa không quá 12 tháng.
Đối với những dự án không thể thỏa thuận đền bù với người dân thì UBND TP sẽ xem xét hủy bỏ quyết định chấp thuận địa điểm đầu tư dự án.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch, dự án: Theo luật hiện hành, khi có quy hoạch nhưng Nhà nước chưa tổ chức thực hiện thu hồi đất thì người dân có quyền sử dụng đất theo đúng hiện trạng đất lúc đó. "Nếu địa phương nào làm chưa đúng để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì phải sửa chữa ngay. Tôi đề nghị các địa phương làm đúng quy định", ông Tín nói.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề cấp phép xây dựng, UBND TP thừa nhận thực tế đúng như ĐB và cử tri phản ánh là trong khu vực đã có quy hoạch, đã có thỏa thuận địa điểm dự án thì hiện nay đang bị hạn chế xây dựng. Để được cấp phép xây dựng thì phải thỏa mãn điều kiện là phù hợp với quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, TP.HCM chưa thể phủ kín được quy hoạch 1/500 trên toàn TP.
Vì vậy, UBND TP.HCM quyết định cho phép ở các quận nội thành, việc cấp phép xây dựng dựa theo quy chế xây dựng đô thị. Ở các quận, huyện ngoại thành, việc cấp phép xây dựng dựa theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất tính thuế, phí trên đất dự án chủ đầu tư thuê
Ảnh: Nguyên Mi
Để "ngăn ngừa" dự án "treo", ĐB Lâm Thiếu Quân (ảnh) đề xuất tính thuế, phí trên đất dự án mà chủ đầu tư thuê.
Theo ông Quân, thuế này được tính % trên diện tích đất dự án chủ đầu tư được giao theo mỗi năm. Như vậy, buộc chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu chủ đầu tư không có nhu cầu, năng lực xây dựng dự án thì phải giao đất lại (vì giữ đất thì phải chịu thuế) chứ không giữ đất nữa.
Nhà nước giao đất đúng cho nhà đầu tư có năng lực, có nhu cầu, tránh tình trạng lập dự án, nhận đất được giao rồi để đó, chờ sang nhượng dự án để kiếm lời, gây lãng phí nguồn đất đai.
Mức thuế này đồng thời sẽ giúp điều tiết giá đất, tránh việc làm giá đất "ảo" do đầu cơ.
Mặt khác, mức thuế này sẽ giúp địa phương có thêm nguồn thu để duy tu cơ sở hạ tầng của khu vực (đường xá, chiếu sáng, công viên cây xanh,...).
Theo TNO
Mảnh đất xé nát tình thâm Khi miếng đất bỗng chốc có giá trị, mối thâm tình, mạch huyết thống trở nên quá mong manh, nhường chỗ cho sự toan tính, tranh giành... Phòng xử A của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM một ngày cuối tháng 8 diễn ra phiên tòa dân sự xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa những người trong cùng dòng...