Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 50 lãnh đạo
“Việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn theo 3 hình thức cũ. Đây sẽ là kênh tham khảo để sắp xếp nhân sự”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, đồng thời giải thích về việc để ba mức tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp.
Chiều 17/10, tại buổi họp báo giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, bà Phan Thị Toàn, Phó vụ trưởng Thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 20/10 tại nhà Quốc hội mới.
Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo, 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được đưa ra đánh giá.
“Việc này vẫn thực hiện theo hình thức cũ với 3 mức như nghị quyết 35. Sau đợt đầu lấy phiếu, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao đã phải cố gắng rất nhiều. Tới nay kết quả đã được cử tri ghi nhận là tốt hơn. Tôi cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là tốt. Đây là kênh tham khảo để đánh giá sắp xếp nhân sự”.
Giải thích về việc vẫn để ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, chứ không sửa lại thành hai mức, ông Phúc cho hay, Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. “Thực ra có khác nhau giữa bỏ phiếu và lấy phiếu. Mình lấy phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì dứt khoát chỉ hai mức, nhưng lấy phiếu thì phải ba mức để đánh giá xem uy tín của người đấy như thế nào”, ông Phúc lý giải.
Báo cáo của những người được lấy phiếu có đề cương hướng dẫn cụ thể hơn kỳ họp trước để tránh trường hợp người viết dài, người viết ngắn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham gia lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2013. Ảnh: HH.
Video đang HOT
Trong 33 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó thông qua 18 dự luật, 3 dự thảo nghị quyết. Đây là kỳ họp có số dự án luật được thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.
Các luật dự kiến được thông qua có: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế…
Đặc biệt, Quốc hội sẽ cho ý kiến sau báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa; chủ trương đầu tư xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận, thông qua ba dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Tín nhiệm chỉ nên 'có' hoặc 'không'
Phiếu tín nhiệm cần được lấy 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên có hai mức "tín nhiệm" hoặc "không tín nhiệm".
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" - Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là những quan điểm chiếm đa số trong các ý kiến nêu ra tại phiên thảo luận hôm qua của QH về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
"Cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại"
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), chỉ nên lấy tín nhiệm theo hai mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". "Tôi không thể nào thông suốt được với lời giải thích để ba mức là thể hiện tính thận trọng. Thận trọng là do mỗi chúng ta. Tại sao lại phải phụ thuộc 3 mức là thận trọng còn 2 mức là không thận trọng?", ĐB Cương bày tỏ.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: NQ 35 đang được thực hiện nhưng đột nhiên dừng lại mà không rõ nguyên nhân. "Gần 500 ĐBQH nhận được một bức thư của Chủ tịch QH nhưng cũng không rõ lý do của việc dừng lại này. Các ĐBQH chưa thể hiện ý chí nhưng đã có quyết định sửa là không đúng. Đề nghị cần rút kinh nghiệm qua việc này", ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.
Cũng theo ĐB Thuyền, dự thảo cho thấy "cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại". "Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhân dân rất khen ngợi đây là bước tiến của QH, thể hiện quan điểm của QH để đánh giá cán bộ nhưng lại bỏ cái đó. Còn 3 mức nhân dân rất chê thì giữ lại. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, họ bảo các ông là ĐBQH sao lại dốt thế?", ông Thuyền nói.
Theo ĐB Thuyền, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên lấy hai mức là "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". "Nếu mức tín nhiệm thấp trong khoảng 50% thì cũng cần cho người lấy phiếu có thời gian sửa chữa, điều chỉnh vì lấy phiếu là để thăm dò. Còn nếu tín nhiệm thấp trên 75% thì đồng ý cho họ từ chức nếu tự nguyện hoặc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm ngay", ĐB Thuyền nói.
"Tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm"
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), thực chất việc bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh mà quan trọng hơn là thôi thúc người có trách nhiệm cống hiến nhiều hơn nữa. ĐB Đương cũng đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Sau khi có kết quả, lấy định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp. "Nếu bỏ theo phương án 3 mức thì một người 50% cao, 50% thấp thì đánh giá cán bộ như thế nào? Như vậy là phân tán phiếu dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế", ĐB Đương nói.
Nếu bỏ theo phương án 3 mức thì một người 50% cao, 50% thấp thì đánh giá cán bộ như thế nào? Như vậy là phân tán phiếu dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế
ĐB Đỗ Văn Đương
ĐB Đương cũng đề nghị QH cần phải có phiếu thăm dò về việc duy trì 3 mức tín nhiệm hay 2 mức, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ hay 2 lần/nhiệm kỳ và "mỗi phương án đều phải có 2 phương án để đại biểu QH bấm nút khách quan".
Không đồng tình với thời gian lấy tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ như dự thảo, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt câu hỏi: Mới cách đây một năm Thường vụ QH đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/năm và cho rằng đó là thời gian hợp lý. Các ĐBQH cũng biểu quyết là hợp lý. Sau một năm, đồng ý là cũng cần có xem xét điều chỉnh, nhưng với mức 1 lần/nhiệm kỳ 5 năm thì chưa thuyết phục. "Ở nước ngoài, với cương vị tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm, đánh giá rồi", ĐB Khanh nói.
Nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là giám đốc, lãnh đạo các sở, ngành ở địa phương liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân, là quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Theo ĐB Nam, đây là góp ý của nhiều cử tri nhưng chưa được tiếp thu, chú trọng. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng các chức danh này đều thuộc nhóm đối tượng giám sát của QH, HĐND nên cần đưa vào để các cơ quan quyền lực thực hiện đầy đủ chức năng giám sát của mình.
ĐB Khanh cũng đề xuất có thể đưa thêm phương án vẫn giữ 3 mức nhưng thay là "tín nhiệm, không tín nhiệm, không có ý kiến". Trong trường hợp nếu có ĐB chưa hiểu rõ về một bộ trưởng hoặc một chủ nhiệm ủy ban nào đó thì ĐB có thể không đánh giá.
Theo TNO
Hà Nội có thêm 3 Phó Chủ tịch mới Cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra vào sáng 18/4, đã bầu 3 Phó Chủ tịch UBND mới, gồm ông Lê Hồng Sơn - cán bộ thuộc diện Trung ương luân chuyển về, ông Nguyễn Quốc Hùng và ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra sáng nay với nội dung kiện toàn nhân sự của...