Quốc hội Scotland có thể ‘ngáng chân’ nước Anh rời khỏi EU
Nữ Thủ hiến Scotland – bà Nicola Sturgeon cho biết Quốc hội Scotland có thể phủ quyết kết quả Brexit, ngăn Anh rời khỏi EU.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình Chính trị Chủ nhật của đài BBC, bà Nicola Sturgeon cho biết chủ trương của đảng Quốc gia Scotland (SPN) mà bà lãnh đạo cho rằng Quốc hội Scotland nên có quyền tổ chức một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập lần thứ hai. Theo SPN, cuộc bỏ phiếu cần được tổ chức nếu có một sự thay đổi “to lớn và cơ bản” đối với các yếu tố chi phối cuộc bỏ phiếu đòi độc lập vào năm 2014.
Nữ Thủ hiến Scotland – bà Nicola Sturgeon cho biết sẽ tìm cách “phủ quyết” Brexit. Ảnh: Express
Chủ trương này được đưa ra sau khi cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Vương quốc Anh cho kết quả ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Phe Brexit – ủng hộ cuộc chia tay giữa Anh và EU đã giành được thắng lợi sít sao với 52% người bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên tại Scotland, số người bỏ phiếu muốn ở lại EU lại chiếm phần áp đảo, với 62%.
Trả lời kênh truyền hình BBC, bà Sturgeon cho biết: “Vấn đề cần bàn là liệu quyết định tách Anh ra khỏi EU có cần Quốc hội Scotland đưa ra tuyên bố đồng thuận hay không. Nhìn một cách lôgic, tôi cho rằng nếu Anh muốn tách khỏi EU thì buộc phải có sự đồng thuận này. Chính quyền Vương quốc Anh có thể sẽ nhìn nhận rất khác về quan điểm này. Chúng tôi sẽ bàn luận thêm”.
Video đang HOT
Quốc hội Scotland có thể ngáng chân việc Anh rời khỏi EU bằng cách không tuyên bố đồng thuận. Ảnh: SWNS
Bà Strurgeon cũng cho biết sẽ xem xét đề nghị Quốc hội Scotland không thông qua tuyên bố đồng thuận với Brexit. Theo quy định của toàn Vương quốc Anh, nghị viện của Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales phải có sự đồng thuận về việc Anh ra khỏi EU.
Với tỉ lệ áp đảo tại Anh đồng ý tách ra khỏi EU, việc Scotland “ngáng chân” kết quả cuộc trưng cầu dân ý có thể khiến dân Anh phẫn nộ. Tuy nhiên, nữ thủ hiến Scotland cho biết: “Người dân Scotland hiện cũng vô cùng phẫn nộ vì phải đối mặt với viễn cảnh bị tách ra khỏi EU. Điều này đi ngược lại mong muốn của chúng tôi. Tôi không phải là người gây ra tình cảnh hiện nay. Nhưng tôi buộc phải cố gắng tìm ra con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này”.
KIỆT ANH
Theo PLO
Scotland rục rịch trưng cầu dân ý tách khỏi Anh
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết chuyện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Vương quốc Anh là "có khả năng cao".
Theo BBC, bà Nicola Sturgeon thậm chí còn gọi đó là việc "không thể chấp nhận về mặt dân chủ". Cũng theo bà Sturgeon, chính quyền Scotland sẽ bắt đầu xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác về vấn đề Scotland sẽ tách khỏi Vương quốc Anh.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: AFP
Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh ra đi hay ở lại EU, đã có 62% người dân Scotland ủng hộ ở lại và 38% ủng hộ ra đi. Bà cũng nhấn mạnh rằng việc Scotland phải rời khỏi EU là chuyện đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân Scotland.
Nữ thủ hiến của Scotland khẳng định kế hoạch về cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai được tổ chức để người dân Scotland quyết định việc họ ra đi hay ở lại Vương quốc Anh đã có và sẵn sàng chờ được thảo luận.
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu đó chắc chắn sẽ được tiến hành vào một thời điểm thích hợp trong thời gian tới chứ không phải trong hoàn cảnh hiện tại với quá nhiều phức tạp sau Brexit.
Bà Nicola Sturgeon cho biết nội các Scotland sẽ họp trong ngày 25-6 và tới ngày 28-6, bà sẽ thông báo về vấn đề này tới các thành viên trong nghị viện Scotland.
Cũng theo bà Nicola Sturgeon, hiện đang có một sự chia rẽ sâu sắc giữa Scotland và phần còn lại của Vương quốc Anh, điều này khiến bà rất lấy làm tiếc. Việc Scotland phải rời khỏi EU là chuyện đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân Scotland.
"Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra thì nước Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland vẫn luôn là những người hàng xóm thân thiết nhất, những người bạn tốt nhất của chúng tôi, không gì có thể thay đổi điều đó" - bà khẳng định.
NGỌC NHƯ
Theo PLO
Brexit tác động gì đến châu Á? Nỗ lực quốc tế hóa nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ phải lùi bước. Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về rời khỏi EU (Brexit) hay ở lại, các nước châu Á-Thái Bình Dương gần như nhất trí khuyến cáo Anh nên ở lại. Tạp chí The Diplomat (Nhật) lúc đó đã đặt vấn đề: Nước Nhật...