“Quốc hội nên có thông điệp cam kết không tham nhũng”
“Ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên gửi 1 thông điệp là 498 đại biểu cùng tuyên bố trước quốc dân đồng bào về quyết tâm cao để đẩy lùi tệ tham nhũng, cam kết không phạm vào tham nhũng” – đại biểu Võ Thị Dung phát biểu trước Quốc hội.
Phiên thảo luận về tình hình tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 sang đến buổi làm việc thứ 2 (chiều 1/11) vẫn không giảm sức nóng với nhiều ý kiến sắc sảo của đại biểu.
Cuộc vận động tiết chế lòng tham
Đại biểu Võ Thị Dung: “Đại biểu nào lỡ tham nhũng hãy tự nhận, xin được tha lỗi”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phản ánh cử tri đang rất bức xúc, bất bình với tệ tham nhũng, vì sao ta càng kêu gọi chống tham nhũng thì nó lại càng nhiều, trầm trọng hơn. Tham nhũng nhiều nhưng phát hiện ít, phát hiện nhiều nhưng xử ít, xử nhẹ, tài sản thất thoát nhiều nhưng thu hồi ít.
Ông Đương đề nghị, trong năm 2013 nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham. “Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước” – đại biểu bày tỏ tâm huyết.
Đại biểu cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Ông Đương phân tích: “Phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn và dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước”.
Nếu không làm được thế thì tới đây cũng nên đưa một số bộ trưởng mà dân đang bức xúc về một số lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm.
Đại biểu TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai khoáng, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng… để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản cho nhà nước.
Một đại biểu khác của TPHCM – bà Võ Thị Dung cũng làm xôn xao hội trường với đề xuất, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên gửi 1 thông điệp đến cử tri và nhân dân cả nước. Cụ thể là 498 đại biểu cùng tuyên bố trước quốc dân đồng bào về quyết tâm cao để đẩy lùi tệ tham nhũng, cam kết không phạm vào tham nhũng.
“Còn những ai đã lỡ tham nhũng thì hãy tự nhận, xin được tha lỗi, sẽ được áp dụng cơ chế không hồi tố nhưng vẫn phải xử lý tài sản bất minh đã có được” – bà Dung kêu gọi.
Kỷ luật thẩm phán tiêu cực trong việc xử án tham nhũng
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) “phê” việc giải quyết án kinh tế, chức vụ, tham nhũng thường kéo dài bất thường. Dù xác nhận việc điều tra án tham nhũng không đơn giản nhưng ông Hiến vẫn bức xúc khi đề cập chuyện, có những vụ án, riêng việc họp liên ngành để thống nhất hướng xử lý cũng mất cả năm mới trả được hồ sơ.
Mặt khác, khi đưa ra xét xử thì tội trạng lại thường nhẹ hơn mức truy tố, án treo tùy tiện.
Ông Hiến nêu dẫn chứng, có vụ án, VKS truy tố về tội tham ô tài sản, lúc xử bị cáo lại được chuyển sang tội cố ý làm trái và 11 bị cáo, trong đó có 7 là quan chức khi đó đều được tòa cho hưởng án treo.
Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp, tòa án thấy VKS truy tố sai mà vẫn xét xử, tòa xử sai VKS cũng không kháng nghị theo thẩm quyền, nghĩa vụ. Thêm cả tình trạng áp dụng pháp luật khác nhau, cùng một hành vi phạm tội trong hai vụ án kinh tế tương đồng, tòa trong Nam xử tội tham ô, ngoài Bắc xử tội cố ý làm trái…
Đại biểu Lê Thị Nga: “Tội phạm tham nhũng rất dễ được hưởng án treo”.
Tán thành những nhận định này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội phân tích, án treo là quy định rất nhân đạo trong BLHS nhưng phải xử đúng.
Bà Nga chỉ ra sơ hở trong quy định hiện nay là chưa lường hết những điểm đặc thù của tội phạm tham nhũng. Chủ thể tham nhũng rất đặc biệt, phải là người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được. Trong khi điều kiện để áp dụng án treo là: bị phạt tù không quá 3 năm, có những tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn là nhân thân tốt. Ngoài ra tại chiếu theo quy định giảm nhẹ với người “có thành tích, phạm tội lần đầu, đã được thưởng huân huy chương”… thì các vị quan chức đều đáp ứng cả, chức càng cao càng nhiều tình tiết giảm nhẹ.
“Mâu thuẫn là ở chỗ, chúng ta vừa muốn trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, đồng thời lại vừa lấy những đặc điểm của họ ra để cho giảm tội, hưởng án treo” – bà Nga cho rằng, vì thế, không thể “vặn” tòa là xử nhiều án treo được vì nếu cả 100 bị cáo tham nhũng có đủ điều kiện thì tòa cũng cho hưởng án treo đủ cả 100 .
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp kiến nghị xem xét lại quy định về điều kiện để được hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Không thể coi những người phạm tội tham nhũng ngang với những người phạm tội về trật tự trị an khác.
Lý giải vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, tỷ lệ án tham nhũng được “xử treo” đã giảm nhiều những năm qua. Năm 2010, có 36% người phạm tội tham nhũng được cho hưởng án treo, năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn 30,2%.
Ông Bình xác nhận những thông tin như phân tích của bà Nga về việc áp dụng án treo cho người có nhân thân tốt, án dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vấn đề, theo Chánh án Bình là việc áp dụng quy định đúng hay không.
Án treo nhiều mà đúng vẫn tốt, án treo thấp nhưng sai vẫn không tốt. Không thể nói, với tội phạm tham nhũng, không cho hưởng án treo mà chỉ có thể sửa luật để áp dụng điều kiện nghiêm khắc hơn với người phạm tội tham nhũng” – ông Bình phân trần.
Chánh án TAND tối cao cũng thông tin thêm, năm 2010, ngành đã xử lý, không tái bổ nhiệm 6 thẩm phán cho bị cáo hưởng án treo sai quy định, năm 2011 và 2012 đều có 9 thẩm phán “dính” kỷ luật như vậy. Ngoài ra, nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong việc quyết định cho đương sự hưởng án treo, thẩm phán sẽ bị đình chỉ việc xét xử.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Xử tử hình bằng thuốc độc, vướng không chỉ vì thiếu thuốc”
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình (giữa) cùng Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh (phải) trong giờ nghỉ giải lao.
“Chúng tôi đề nghị UB Thường vụ Quốc hội bố trí một cuộc họp để nghe các cơ quan (TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế) báo cáo về những khó khăn của việc thi hành quy định xử tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vấn đề vướng không chỉ vì thiếu thuốc độc.”, Viện trưởng VKSNDTC Trương Hòa Bình nói.
Theo ông Bình, hiện cả nước đã xây dựng được 5 đơn vị để tổ chức thi hành án nhưng việc vận chuyển “tử tù” từ các nơi khác (nhất là khu vực vùng sâu vùng xa) đến để thụ án rất phức tạp. Hầu hết các trường hợp phạm tội bị tuyên phạt tử hình đều là tội phạm có tổ chức, dễ xảy ra việc “đánh tháo” tù nhân trên đường di chuyển.
Ngoài ra, mỗi cuộc xử tử phải kéo theo rất nhiều thành phần đi theo tử tội này đến nơi thi hành để chứng kiến, ký xác nhận theo quy định (đại diện VKS, Tòa án, trại giam…) cũng là điều kiện khó đáp ứng.
Còn về nguồn thuốc độc, theo dự kiến, nguyên liệu sẽ được nhập từ nước ngoài nhưng khi nước bạn biết mục đích Việt Nam nhập thuốc về để xử tử hình thì cũng không thuận lợi.
Đến thời điểm này, Bộ Công an vẫn khẳng định có thể thực hiện được hình thức xử tử hình này nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó khăn.
Theo Dantri
'Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội'
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Sáng 22/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Theo đó, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng".
"Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước", ông Tranh nói.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: N.H.
Nhiều nhược điểm cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng thanh tra Chính phủ nhắc đến như việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp trong khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao...
Để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013, người đứng đầu ngành Thanh tra nêu ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể: cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng xóa bỏ tình trạng "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công... chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.
Ông Huỳnh Phong Tranh cũng nhắc tới việc cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này, nhất là ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm
Tại kỳ họp thứ 4, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội. Vì thế, Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2012, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 130 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý 337 vụ án với hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng và hơn 2.600 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng) ban hành hơn 163.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 324 tỷ đồng (đã thu được 260 tỷ xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 30.000 tỷ đồng kiến nghị xử lý hành chính 520 tập thể, 899 cá nhân chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người.
Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, năm 2012, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số người phạm tội nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
"Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả", ông Hiện nói và cho biết, việc xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị kéo dài.
Trên thực tế, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân.
"Thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phóng chống tham nhũng. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm", người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh.
Theo ông Hiện, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng những lĩnh vực, ngành còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác này.
"Một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện ngại đấu tranh với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức do mình quản lý", ông Hiện nói và cho rằng, những nguyên nhân trên cần được đánh giá làm rõ để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả.
Theo VNE
Tranh luận về 3 'mô hình' Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận 3 phương án sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, phương án cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ. Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật phòng, chống tham nhũng...