Quốc hội lấy ý kiến về điều 10, điều 26 của Luật An ninh mạng
Ngay trước ngày bấm nút thông qua dự thảo Luật an ninh mạng, Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến của đại biểu về 2 điều còn gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật.
Thông tin với phóng viên, một số đại biểu Quốc hội cho biết, sáng qua (11.6), các đại biểu đã được phát phiếu lấy ý kiến về điều 10 – Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, và điều 26 – Bảo đảm thông tin trên không gian mạng.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày, các phiếu đã được thu lại để tổng hợp ý kiến nhằm có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp trước khi dự thảo luật được bấm nút thông qua vào ngày hôm nay (12.6).
Sáng nay (12.6) Dự thảo Luật An ninh mạng sẽ được bấm nút thông qua
Những quy định tại điều 10 và điều 26 của dự thảo luật cho đến trước ngày bấm nút vẫn nhận được khá nhiều ý kiến, trong đó nhiều người cho rằng, Điều 26, dự thảo luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu… Quy định này được coi là không phù hợp, trái với quy định tại Hiến pháp.
Phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang cho rằng Điều 26 của dự thảo luật cần viết rõ ràng hơn. Vì nếu viết chung chung là “khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình”, thì sẽ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.Trước đó, vào ngày 29.5, tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về các quy định tại một số điều, đặc biệt là điều 26 của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ băn khoăn về cac quy định tại Điều 26 dự thảo Luật An ninh mạng (Ảnh VPQH)
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu:”Trong Điều 26 mục 4 khoản d về lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng, còn quá chung chung, cần chi tiết, cụ thể hơn. Ta có thể học tập kinh nghiệp của Philippines, luật năm 2017 quy định cụ thể phân loại dữ liệu thông tin thành 3 cấp: cấp 1 là những thông tin không cần hạn chế, như thông tin thông thường của cá nhân không cần hạn chế; cấp 2 là những thông tin, dữ liệu cần hạn chế, ví dụ như hồ sơ tài chính, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ giáo dục của cá nhân cần có luật quy định để hạn chế thông tin cung cấp; cấp 3 là các dữ liệu mật, tối mật như an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, bí mật thương mại hay các phát minh, sáng chế là những tài liệu cần bảo vệ tuyệt đối an toàn thì luật phải quy định rõ ràng”.
Theo dự kiến, sau khi tiếp thu và điều chỉnh theo ý kiến đa số đại biểu, sáng nay (12.6) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Video đang HOT
Dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 47 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, một số vấn đề chung tiếp tục trình xin ý kiến tại kỳ họp này, gồm: bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Chương II); phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng (Chương III); bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2 và khoản 3 Điều 26).
Theo Danviet
Về dự thảo Luật An ninh mạng: Ảnh hưởng cách mạng công nghiệp 4.0?
Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV. Song một số điều trong dự thảo được đánh giá là có nhiều bất cập, dễ gây ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.
NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Mai Liêm Trực (ảnh) - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông xung quanh vấn đề này.
Dần hoàn thiện song vẫn còn bất cập
Thưa ông, sau 14 lần chỉnh sửa, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang dần hoàn thiện. Song dư luận vẫn cho rằng một số điều trong dự thảo vẫn còn bất cập. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo lần này?
- Trước hết, về phạm vi điều chỉnh, tôi đánh giá nhiều nội dung điều chỉnh về an toàn, an ninh mạng, công nghệ và kỹ thuật trong dự thảo Luật An ninh mạng lần này trùng với Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1.7.2017. Song lại có điểm khác về cách thức quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó gây khó khăn cho người thực thi luật, cho các doanh nghiệp (DN).
Tiếp theo, nhiều nội dung trong dự thảo luật không phù hợp với một số luật đang hiện hành. Đồng thời, không phù hợp với tinh thần của một số hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Ví dụ, quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam. Điều này không có trong quy định, cam kết WTO hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Khoản 4 Điều 34 của dự thảo Luật An ninh mạng quy định "Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo ông, điều này có phù hợp với tinh thần, cam kết WTO, EVFTA hay TPP của Việt Nam về dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường?
Quy định yêu cầu các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam có thể gây khó khăn cho nhiều DN Việt Nam và nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung về dân cư và về căn cước công dân nên việc quy định các DN viễn thông và Internet phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin, tính trung thực của thông tin đăng ký là không khả thi.
- Việc mở cửa thị trường để cung cấp các dịch vụ viễn thông trong nước như cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới luôn là một nội dung quan trọng và nhạy cảm trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) cũng như WTO và các Hiệp định Thương mại tự do sau này.
Việt Nam đã chính thức cam kết trong WTO và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, không có quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, dự thảo quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam là trái với cam kết WTO và EVFTA.
Trong thực tế hoạt động, nếu bên cung cấp dịch vụ qua biên giới có một hình thức "đại diện" nào đó ở nước sở tại thì thuận lợi hơn cho việc hợp tác giữa hai bên. Để xử lý vấn đề này, Thông tư 38/2016 của Bộ Thông tin - Truyền thông hướng dẫn thi hành "Luật An toàn thông tin mạng" có quy định bên cung cấp dịch vụ qua biên giới phải có "đầu mối liên lạc" tại Việt Nam để thường xuyên trao đổi và kịp thời xử lý, gỡ bỏ những thông tin khẩn cấp. Tôi cho rằng như vậy là đủ, vừa đáp ứng cam kết quốc tế, vừa xử lý được vấn đề thực tiễn.
Ngoài ra, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đã ký năm 2016, chương Thương mại Điện tử có quy định "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, người trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết TPP cũng khẳng định trong một cuộc họp tuần qua với chúng tôi rằng nội dung này đã được bàn thảo kỹ trước khi đưa vào cam kết TPP.
Việc dự thảo Luật An ninh mạng quy định phải đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với tinh thần cam kết của Việt Nam trong TPP. Việc giữ những cam kết, thỏa thuận quốc tế cũng phù hợp với chủ chương của Đảng, Nhà nước là Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế để phát triển đất nước.
Nhiều điểm trùng lặp về phạm vi điều chỉnh
Ông có lo ngại việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn?
- Trên Internet, mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, bôi nhọ và vu khống lẫn nhau. Thậm chí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có thể trở thành nạn nhân. Tôi không muốn dùng từ "nói xấu", vì từ này không có trong định nghĩa hành vi vi phạm pháp luật, kể cả hành chính và hình sự nên dễ bị hiểu sai và làm sai.
Để hạn chế những mặt tiêu cực trên Internet vào mạng xã hội, suốt 20 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các DN cung cấp dịch vụ và người sử dụng Internet đều kết hợp 3 giải pháp là giải pháp kỹ thuật (tường lửa, phần mềm ngăn chặn...), giải pháp hành chính pháp lý (văn bản quy phạm pháp luật và quy chế quản lý), và giải pháp tuyên truyền, giáo dục.
Riêng đối với thông tin bôi nhọ, bịa đặt, công kích lãnh đạo và các cơ quan nhà nước thì ngoài 3 giải pháp nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cần thông tin kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch hoạt động của mình. Đồng thời, phản bác những thông tin xuyên tạc.
Một số quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của các DN Việt Nam và cơ hội tiếp cận thông tin của người Việt Nam như thế nào?
Trên Internet, mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, bôi nhọ và vu khống lẫn nhau. Thậm chí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có thể trở thành nạn nhân. Tôi không muốn dùng từ "nói xấu", vì từ này không có trong định nghĩa hành vi vi phạm pháp luật, kể cả hành chính và hình sự nên dễ bị hiểu sai và làm sai.
- Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mỗi việc chỉ một đầu mối quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển và thuận lợi cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua "Luật An toàn Thông tin mạng" (Luật số 86/2015/QH 13). Phạm vi điều chỉnh của luật này đã bao gồm các nội dung về kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo cho an ninh mạng.
Đối chiếu giữa Luật An toàn thông tin mạng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 và dự thảo Luật An ninh mạng, dễ thấy có nhiều điểm trùng lặp về phạm vi điều chỉnh của luật nhưng khác nhau về cách thức quản lý như các vấn đề về "hệ thống thông tin quan trọng quốc gia", "tiêu chuẩn và quy chuẩn", "điều kiện kinh doanh", "ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng"...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức một cuộc hội thảo rộng rãi, mời các DN, hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước về dự thảo này và đã có văn bản góp ý gửi tới Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tôi nhất trí với những góp ý đó, đặc biệt là về những khó khăn cho DN.
Còn việc có thể ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận thông tin của người Việt Nam như thế nào, quả thật tôi không thể hình dung được hết vì còn phụ thuộc vào việc thực thi và ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước, của các DN trong nước và nước ngoài, cũng như người dân.
Nếu luật này ra đời ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của DN và cơ hội tiếp cận thông tin của người dân thì đất nước sẽ tụt hậu, và cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam sẽ trở nên xa vời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Luật An ninh mạng được chỉnh lý trước giờ "bấm nút" thế nào? Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Sing-ga-po. Nếu quy định của Luật An ninh mạng có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán...