Quốc hội giao “chỉ tiêu” vượt tiến độ cho các Bộ trưởng sau chất vấn
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận nhiệm vụ đến hết năm 2016 phải hoàn thành trồng bù rừng bị mất để làm thủy điện. Bộ trưởng Công Thương được yêu cầu hoàn hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sớm 2 năm… Quốc hội vừa thông qua những nội dung này.
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 vừa được Quốc hội thống nhất thông qua trong phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 9. Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trả lời và giải quyết hơn 2.100 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Quốc hội cũng ghi nhận các giải pháp mà 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn đã cam kết trước Quốc hội khi trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Bộ 4 Bộ trưởng được chọn trả lời chất vấn kỳ này được cho là liên quan đến những lĩnh vực quan hệ chặt chẽ với nhau.
Cụ thể, đối với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Quốc hội yêu cầu có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và bổ sung các chính sách có liên quan để thực hiện tốt hơn việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng.
Vấn đề liên kết “4 nhà” (nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học) được cộng thêm vai trò của ngân hàng (là người đáp ứng vốn cho quá trình sản xuất) trong mối quan hệ này đã được UB Thường vụ Quốc hội giải trình thêm với nhận định, đây là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, giúp cho người nông dân có điều kiện ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.
Quốc hội nhấn mạnh nội dung khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản.
Một mục tiêu “cứng” được đặt ra cho Bộ trưởng Phát là đến hết năm 2016, cơ bản hoàn thành việc trồng bù diện tích rừng bị mất khi thực hiện các dự án thủy điện. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán; nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp còn được nhắc hoàn thiện và tổ chức thực hiện, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm an toàn, tạo niềm tin và động lực cho người dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đối với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Nghị quyết của Quốc hội đề ra yêu cầu tổ chức hệ thống phân phối, thương mại trong nước một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến, đến lưu thông, tiêu dùng; có biện pháp tích cực, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến rõ nét trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, thích ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới.
Video đang HOT
Liên quan đến nhiệm vụ điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, Quốc hội đặt mục tiêu cho Bộ trưởng Công thương đến 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tăng cường quản lý, bảo đảm quy trình vận hành, an toàn hồ, đập.
Theo mục tiêu được Chính phủ phê duyệt trước đó, Bộ công thương cần hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2023. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do nhu cầu của nền kinh tế thị trường và những cam kết của Bộ trưởng Bộ Công thương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước đây, việc yêu cầu đẩy sớm thời gian lên 2 năm (mốc hoàn thành vào năm 2021) là phù hợp.
Về phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân, Quốc hội lưu ý xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ trong nước, để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; kịp thời ban hành cơ chê, chính sách hô trơ nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và người dân trong viêc nghiên cứu sáng chế, ứng dụng, sáng kiến cải tiến khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Bộ Khoa học – Công nghệ cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam; tăng cường cơ chế quản lý, bảo đảm an toàn thiết bị khoa học, công nghệ, nhất là các thiết bị, vật liệu có chứa chất phóng xạ
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận được nhắc vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng mục tiêu, yêu cầu; chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Luận cũng được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt, tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới kỳ thi, bảo đảm tổ chức kỳ thi ổn định trong những năm tiếp theo, giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội.
P.Thảo
Theo Dantri
Đại biểu chất vấn Thủ tướng về Biển Đông
"Nội dung 8 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ rất rộng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội. Trong số đó cũng có vấn đề liên quan đến Biển Đông" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ngày 4/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn từ ngày 11-13/6, gồm: Bộ trường NNPT&NT, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Trong danh sách Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn gồm Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, Quốc hội đã chính thức chọn được 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn hay chưa?
Theo quy trình lựa chọn, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí, chính thức chọn ra 4 Bộ trưởng bao gồm: Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, một số Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan giải trình làm rõ những vấn đề cùng 4 Bộ trưởng trên.
Việc lựa chọn 4 Bộ trưởng trên căn cứ theo phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu từ cao xuống thấp. Lựa chọn này cũng dự theo nguyên tắc phải đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội, trong nhóm này có 3 Bộ trưởng thuộc lĩnh vực kinh tế, còn Bộ trưởng thuộc lĩnh vực xã hội được đại biểu lựa chọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh Việt Hưng)
Căn cứ theo phiếu thăm dò xin ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng nào được đề xuất thêm trả lời chất vấn nhiều nhất?
Không có nhiều phiếu đại biểu đề xuất thêm Bộ trưởng trả lời chất vấn. Người cao nhất trong số đó có 6 phiếu, như vậy theo danh sách gợi ý của Ủy ban Thường vụ đề xuất như vậy là rất ít.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng sắp hết, quan sát cho thấy có một số Bộ trưởng chưa lần nào đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao. Tại sao Quốc hội không đề xuất những Bộ trưởng này mà lại đưa những Bộ NN&PTNT, Giáo dục và Đào tạo đã xuất hiện nhiều lần, tiếp tục ra trả lời chất vấn kỳ này?
Một nguyên tắc rất quan trọng, phải có đại biểu gửi câu hỏi chất vấn thì mới đưa Bộ trưởng ra trả lời chất vấn. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao hay có nhiều vấn đề nhưng họ không nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu thì không có cơ sở mời Bộ trưởng đó trả lời chất vấn được.
Nhiều đại biểu cho rằng, nếu định chất vấn Bộ trưởng nào thì không nhất thiết họ phải gửi văn bản đề nghị, còn nếu đã có văn bản đề nghị trả lời thì không nhất thiết họ lại phải chất vấn trên hội trường nữa. Do vậy, theo đại biểu nếu căn cứ 3 tiêu chí lựa chọn phải có văn bản gửi câu hỏi đến Bộ trưởng mới được lựa chọn trả lời chất vấn là chưa phù hợp?
Ngay đầu kỳ họp đã thiết kế mẫu để xin ý kiến đại biểu đăng ký nêu vấn đề cần chất vấn. Khi Quốc hội làm việc được khoảng 10 ngày thì đoàn thư ký tổng hợp lại những là phiếu mà đại biểu nêu vấn đề chất vấn. Kiểm phiếu không thấy đại biểu nào đặt câu hỏi liên quan đến các Bộ trưởng trên.
Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 8 câu hỏi chất vấn. Xin ông cho biết, những câu hỏi gửi đến Thủ tướng tập trung chủ yếu vào vấn đề gì, có câu hỏi nào liên quan đến Biển Đông hay không?
Nội dung 8 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ rất rộng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội. Trong số đó cũng có vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Thủ tướng thường ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời trước Quốc hội. Nhưng một số đại biểu cho rằng, khi có những vấn đề nóng được đại biểu, cử tri lo lắng, người đứng đầu Chính phủ trả lời thì tốt hơn. Theo ông Thủ tướng có nên đăng đàn tại kỳ họp này không?
Chúng tôi rất mong Thủ tướng trả lời, nhưng trong thiết kế ghi rõ Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Phó Thủ tướng. Như vậy, những câu hỏi gửi đến Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời. Với cá nhân tôi rất mong Thủ tướng trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội.
Được biết sau khi thăm dò đại biểu, Quốc hội sẽ thống nhất với Thủ tướng mới đưa ra những vấn đề chất vấn. Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề nghị Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp trong kỳ này hay không?
Quốc hội có đề nghị Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn nhưng vẫn mở ngoặc đơn, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng trả lời.
Trong khi kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành 3 ngày chất vấn - trả lời chất vấn các Bộ trưởng, vậy tại sao kỳ này chỉ dành 2,5 ngày?
Theo thông lệ thiết kế, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn - trả lời chất vấn, trong đó 2 ngày dành cho các Bộ trưởng, nửa ngày còn lại dành cho Thủ tướng Chính phủ. Riêng kỳ họp thứ 8, do rà soát lại việc giám sát, trả lời chất vấn, thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng từ kỳ họp thứ 6, 7 và 8 nên dành thêm một ngày nữa để một người trong thành viên Chính phủ báo cáo những việc Bộ trưởng đã làm.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong
Theo Dantri
Bắt đầu 3 ngày chất vấn Thủ tướng và 4 bộ trưởng Ngày 17-19/11, Bộ trưởng Công Thương, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh - Xã hội lần lượt đăng đàn trước Quốc hội và Thủ tướng sẽ chốt lại phiên chất vấn. Chiều 15/11, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. So với năm 2013, danh sách lần này có thêm 4 vị mới. Sáng 17/11,...