Quốc hội Crimea bỏ phiếu nhất trí sáp nhập vào Nga
Căng thẳng trên bán đảo Crimea được cho là sẽ gia tăng sau khi Quốc hội Crimea bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Nga. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga và phương Tây vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
An ninh tại Crimea hiện do các quân nhân không đeo phù hiệu đảm nhiệm
Tổ chức sớm trưng cầu dân ý
Với 78 phiếu thuận, 8 phiếu trắng và không có phiếu chống, Quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea ngày 6-3 đã bỏ phiếu nhất trí tách khỏi lãnh thổ Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga, đồng thời lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế tự trị của bán đảo vào ngày 16-3, thay vì ngày 30-3 như thông báo trước đó. Phó Thủ tướng Crimea, Rustam Temirgaliev cho biết, trong cuộc trưng cầu dân ý này, người dân Crimea sẽ quyết định về việc Crimea vẫn thuộc Ukraine hay trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Theo nghị sĩ Crimea, Sergey Shuvainikov, người dân Sevastopol cũng sẽ tham gia bỏ phiếu mặc dù thành phố này được hưởng quy chế đặc biệt và không thuộc Crimea.
Video đang HOT
Sau khi quyết định sáp nhập vào Nga được công bố, hàng nghìn người dân đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Crimea đã reo hò chào đón thông tin trên. Khu tự trị này hiện có 60% người sắc tộc Nga sinh sống, và từng là một phần lãnh thổ của Nga cho đến khi được sáp nhập vào Ukraine năm 1954 theo quyết định của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Trong khi đó, hãng tin Ria Novosti cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp hội đồng an ninh liên bang để thảo luận về quyết định sáp nhập vào Nga của Quốc hội Crimea.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 5-3, ông Putin nói rằng Nga không xem xét sáp nhập Crimea, nhưng người dân bán đảo này có thể tự quyết định tương lai của họ. Chủ tịch Quốc hội Crimea, Volodymyr Konstantynov hôm 5-3 cũng cho biết, bán đảo này sẽ thiết lập các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh riêng. Trong khi đó, Chính phủ lâm thời Ukraine tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý trên là bất hợp pháp. Một tòa án ở Kiev cũng đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Crimea giữa lúc căng thẳng gia tăng tại bán đảo bên bờ Biển Đen này.
EU nhóm họp khẩn cấp
Ngày 6-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về các biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao chống lại Nga. Chính quyền Mỹ cho biết, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga trong đó có cấm cấp thị thực hay đóng băng tài sản của các quan chức Nga và các cá nhân bị cáo buộc “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Giữa lúc căng thẳng tại Crimea chưa có dấu hiệu dịu bớt, tờ Hurriyet Daily News dẫn các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính quyền nước này đã “bật đèn xanh” cho tàu chiến hải quân Mỹ qua eo biển Bosphorus để tiến vào Biển Đen. Tuy nhiên, tờ báo này không nói rõ tên của tàu chiến này.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen cảnh báo, tổ chức này sẽ xem xét lại toàn bộ mối quan hệ hợp tác với Nga, đồng thời tạm ngừng các cuộc tiếp xúc với nước này nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Nga sẽ phải chịu hậu quả cho hành động tại Crimea. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích hành động của NATO và Tổ chức Hợp tác an ninh và kinh tế châu Âu (OSCE) vì không giúp tạo ra môi trường đối thoại và hợp tác xây dựng để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hôm 5-3, ông Lavrov cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris (Pháp) nhưng các bên không đạt được kết quả nào, mà chỉ nhất trí giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đối thoại.
Theo ANTD
Bán đảo trù phú thành điểm nóng
Cộng hòa tự trị Crimea, nằm trên bán đảo Crimea có phong cảnh đẹp như tranh với nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga bằng eo biển hẹp Kerch.
- Cuối thế kỷ 18, sau nhiều cuộc chiến đẫm máu với Đế chế Ottoman, Crimea thuộc về lãnh thổ của Nga. Đến năm 1954, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Sergeyevich Khrushchyov, người gốc Ukraine đã chuyển quyền sở hữu Crimea từ Nga sang Ukraine.
- Người gốc Nga chiếm hơn 58% dân cư ở Crimea, trong khi người Ukraine chỉ chiếm 24% và 12% là người thiểu số Tatars. Với diện tích 26.200km2, dân số khoảng 2 triệu người, tiếng Nga được coi là ngôn ngữ chính thức tại bán đảo này.
- Từ năm 1996, hiến pháp Ukraine quy định Crimea có chế độ cộng hòa tự trị, nhưng khẳng định vẫn phải tuân theo hiến pháp Ukraine. Crimea có quốc hội và chính quyền riêng.
- Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, một số cuộc thăm dò tại Crimea cho thấy đa số người dân ở đây muốn sáp nhập trở lại với Nga, song các cuộc trưng cầu dân ý chính thức đã không được tiến hành.
- Hạm đội Biển Đen của Nga đã đóng căn cứ tại thành phố Sevastopol của Crimea, và duy trì hiện diện tại đây suốt hơn 230 năm qua.
- Năm 1997, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận để Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Sevastopol cho tới năm 2017. Đến năm 2010, dưới thời Tổng thống Vichtor Yanukovich, hai bên đã ký thỏa thuận gia hạn việc thuê căn cứ này tới năm 2042.
- Trong một quyết định mới nhất chính quyền Crimea đã quyết định tiến hành trưng cầu ý dân vào ngày 30-3 tới về kế hoạch hoàn thành quy chế tự trị và mở rộng quyền tự quyết của nước cộng hòa tự trị này. Sau khi cáo buộc phe đối lập ở Kiev đã tiếm quyền một cách vi hiến, chính quyền Crimea đã đề nghị Nga đưa quân tới hỗ trợ để bảo đảm an ninh tại đây.
Theo ANTD
Quân Nga đã chiếm đóng một loạt vị trí quan trọng tại Crimea Hãng thông tấn Interfax của Nga cho biết, sau sân bay Belbek, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát thêm một sân bay quân sự ở khu vực phía Đông bán đảo Crimea, đồng thời các binh sĩ hạm đội biển Đen của Nga đang canh giữ các vị trí quan trọng trên bán đảo Crimea. Interfax dẫn một nguồn tin...