Quốc hội Australia thông qua gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ
Trong gói hỗ trợ mới nhất, Chính phủ Australia sẽ chi trả một khoản trợ cấp tiền lương cố định 1.500 AUD (885 USD)/2 tuần trong vòng 6 tháng cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Australia đang nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Tối 8/4, Quốc hội Australia đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, quyết định trên được Quốc hội Australia đưa ra trong phiên họp đặc biệt kéo dài cả ngày 8/4. Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội vừa được quốc hội phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh
Trong gói hỗ trợ mới nhất, Chính phủ Australia sẽ chi trả một khoản trợ cấp tiền lương cố định 1.500 AUD (885 USD)/2 tuần trong vòng 6 tháng cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Video đang HOT
Khoản trợ cấp này được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh có doanh số hằng năm dưới 1 tỷ AUD (600 triệu USD) song bị giảm 30% doanh thu, cùng với đó là các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ AUD (600 triệu USD) trở lên nhưng bị giảm 50% doanh thu do dịch bệnh. Trường hợp người lao động có mức lương cao hơn khoản trợ cấp trên, phần chênh lệch sẽ do doanh nghiệp chi trả.
Người lao động làm việc chưa đến một năm tại các doanh nghiệp và người nước ngoài đang tạm trú tại Australia không được hưởng khoản trợ cấp trên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết khoản “trợ cấp giữ việc làm cho người lao động” này sẽ được giải ngân vào đầu tháng 5 tới nhưng bắt đầu được áp dụng từ tháng 3 vừa qua. Tính đến ngày 8/4, đã có gần 750.000 doanh nghiệp Australia đăng ký được tiếp cận gói hỗ trợ nói trên.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố Chính phủ Australia sẽ không thực hiện phương thức miễn dịch cộng đồng, cho dù phải cần ít nhất một năm nữa mới có vắcxin phòng bệnh COVID-19. Bộ trưởng Hunt cho biết, đã có một số ý kiến đề cập tới ý tưởng miễn dịch cộng đồng nhưng chính phủ ngay lập tức bác bỏ khả năng này.
Ông Hunt giải thích: “Miễn dịch cộng đồng có nghĩa là sẽ để 60% dân số Australia nhiễm bệnh COVID-19, tương đương khoảng 15 triệu người. Nếu tỷ lệ tử vong là 1%, sẽ có tới 150.000 người chết. Đây sẽ là một mất mát thảm khốc. Vì vậy, đây không phải là một lý thuyết mà chính phủ hoặc nội các cần phải xem xét đến. Chúng tôi bác bỏ nó.”
Trước đó, Bộ trưởng Hunt khẳng định mục tiêu của chính phủ là giảm số người mắc bệnh xuống mức thấp nhất có thể. Cho đến nay, Australia đã ghi nhận hơn 6.000 người mắc bệnh COVID-19 và 50 người tử vong./.
Nguyễn Minh
Australia khuyên người nước ngoài về nước nếu không thể tự lo được trước dịch Covid-19
Thủ tướng Australia đề nghị những người nước ngoài nếu không thể tự lo cho bản thân trong dịch Covid-19 nên về nước để nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Chính phủ Australia đang bị cộng đồng những người nước ngoài sống tại nước này phản đối mạnh mẽ khi hôm qua Thủ tướng Scott Morrison đề nghị những người nước ngoài nếu không thể tự lo cho bản thân trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tại Australia thì nên về nước để nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, việc đi lại khó khăn do các nước đóng cửa biên giới, nguy cơ lây bệnh và làm cho dịch bệnh khó kiểm soát hơn từ việc đi lại, tuyên bố của Thủ tướng Australia đặt ra câu hỏi về sự nhân đạo và hợp lý trong chính sách của nước này đối với người nước ngoài, mà nhiều phần trong số này đang đóng góp nguồn thu quan trọng vào nền kinh tế Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đang chịu sức ép về yêu cầu cần quan tâm tới người nước ngoài trong đại dịch Covid-19.
Trong phát biểu đưa ra vào hôm qua (3/4), Thủ tướng Australia Scott Morrison nói "những người đang ở Australia dưới nhiều loại hình thức visa khác nhau không bị buộc giữ ở lại", "nếu đang ở trong tình thế không thể tự lo cho cuộc sống thì họ có cách lựa chọn khác là quay trở về nhà". Thủ tướng Scott Morrison cũng cho biết, hiện tại "có không ít người đang ở Australia với visa thăm thân", "thật là tuyệt vời khi có du khách tới thăm vào thời điểm thuận lợi. Tuy vậy, vào thời điểm như hiện tại, nếu các bạn đến Australia để thăm thân thì như tôi đã biết vì nhiều người đã làm vậy, các bạn nên về nhà để đảm bảo rằng các bạn nhận được sự hỗ trợ cần thiết tại đất nước mình".
Với các sinh viên quốc tế đang theo học năm đầu tiên tại Australia, những người đã chứng minh có đủ kinh phí chi trả cho cả năm học, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định "sẽ là không hợp lý nếu những người này không thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra".
Mặc dù thể hiện sự không chào đón với những người nước ngoài tại Australia vào thời điểm hiện tại song vì vẫn cần những người lao động nước ngoài trong một số lĩnh vực như các lao động thời vụ làm công việc hái hoa quả tại các nông trại hay khoảng 20 nghìn sinh viên quốc tế đang học ngành y tá, nên Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính quyền nước này vẫn có những chính sách linh hoạt để tạo điều kiện cho những người này ở lại Australia làm việc.
Tuyên bố của Thủ tướng Australia đang khiến cộng đồng người nước ngoài tại nước này bất bình. Bởi họ đã đến Australia hợp pháp và vào thời điểm không thuận lợi nên về mặt nhân đạo, nhóm này cũng cần được Chính phủ Australia quan tâm. Chưa kể, không ít người nước ngoài đang làm việc tại Australia mà không có quốc tịch, họ cũng đóng thuế đầy đủ, đóng cả tiền vào quỹ lương hưu nhưng khi công việc bị ảnh hưởng thì lại không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nước này. Đối với các sinh viên quốc tế, nhóm đóng góp tới 37,6 tỷ AUD mỗi năm cho nền kinh tế nước này, họ cũng cần được bảo vệ và hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại nước này.
Sự đối xử phân biệt giữa nhóm công dân nước ngoài mà Australia đang cần trong giai đoạn hiện nay như các y tá, sinh viên đang học ngành y tá hoặc các lao động thời vụ với những nhóm lao động mà nước này không thực sự cần thiết vào lúc này đang thể hiện sự không công bằng và không hợp lý của nước này trong giai đoạn vô cùng khó khăn mà không chỉ riêng Australia mà toàn thế giới đang phải đối mặt. Australia cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp để đảm bảo sự nhân đạo và lợi ích hợp lý đối với những người từng được nước này chào đón./.
Việt Nga
Australia hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Chính phủ Australia vừa công bố việc hỗ trợ nghiên cứu "Thay đổi công nghệ ở Việt Nam - Công nghệ đóng góp như thế nào vào năng suất và tăng trưởng kinh tế" trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation. Sau khi hoàn thành, nghiên cứu trị giá 500.000 AUD sẽ đưa ra các mô hình để đánh giá tác động của nghiên...