Quốc hội Anh nghiêng về phía không ‘cấm cửa’ tỉ phú Donald Trump
Các dân biểu Anh gọi ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump là “kẻ ngốc”, là “ông hề”, là “kẻ mị dân”, kẻ gây nguy hiểm cho công chúng. Nhưng Quốc hội Anh đã nghiêng về phía không cấm ông Trump vào Anh.
Ông Donald Trump “sở hữu” một loạt phát ngôn khiến cộng đồng nổi giận – Ảnh: Reuters
Sau phiên tranh luận kéo dài 3 giờ đồng hồ hôm 18.1, “không cấm” là khuynh hướng của các dân biểu Anh mặc dù người ta không nghe thấy một tiếng bênh vực nào với chính trị gia chuyên phát ngôn gây sốc này. Các ông nghị, bà nghị nước Anh đã tìm đủ ngôn từ “xấu xí” nhất để mô tả ông tỉ phú đang muốn ngấp nghé cái ghế tổng thống Mỹ. Chẳng hạn dân biểu Tulip Siddiq gọi ông Trump là “một gã độc hại, ăn mòn” làm kích động căng thẳng giữa các cộng đồng.
Dân biểu Jack Dromey thì tuyên bố: “Trong cuộc khủng hoảng căng thẳng hiện nay, IS cần Donald Trump và Donald Trump cần IS… Ông ấy cứ tha hồ làm một kẻ ngốc. Nhưng ông ấy không thể tự do làm một kẻ ngốc nguy hiểm trên đất nước chúng ta”.
Nhưng cũng có những tiếng nói khác, dẫu không bênh vực ông Trump nhưng không đồng tình việc cấm ông này vào Anh. Báo New York Times dẫn lời bà Naz Shah, một dân biểu ở Bradford West – nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông đúc – gọi ông Trump là kẻ mị dân “cố làm thỏa mãn nỗi sợ hãi của mọi người” nhưng đồng thời tuyên bố bà muốn mời ông Trump đến khu vực của bà mà ăn cà ri.
Các dân biểu Anh trong phiên tranh luận hôm 18.1 – Ảnh: AFP
Hay dân biểu Paul Flynn cũng nói rằng thay vì cấm ông Trump vào nước Anh, hãy mời ông ta đến và yêu cầu ông thử tìm xem có “khu vực bất khả xâm phạm” nào hay không.
Video đang HOT
Được biết trước đó, ông Trump từng khiến dân Anh nổi giận khi tuyên bố rằng tại London và nhiều nơi khác ở Anh tồn tại những khu vực cực đoan đến độ cảnh sát cũng không dám bén mảng vào.
Đây là chỉ là một trong vô vàn tuyên bố gây sốc của chính trị gia tỉ phú, trong đó đỉnh điểm là tuyên bố nước Mỹ nên cấm cửa người Hồi giáo, khiến dân Anh nổi giận kiến nghị cấm cửa ông Trump vào Anh. Lá thư kiến nghị đã được 570.000 người Anh ký tên vào, dẫn tới buổi tranh luận kể trên của Quốc hội nước này.
Thực ra thì Quốc hội Anh không nắm quyền cấm hay không cấm ông Trump. Kết quả buổi tranh luận không hề có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Chính vì vậy mà không có một cuộc bỏ phiếu nào được tiến hành. Quyền đó nằm trong tay Bộ trưởng Nội vụ nước Anh, bà Theresa May. Bà có thể cấm một ai đó bước vào Anh dựa trên tiêu chí không tốt cho lợi ích công. Chính quyền Anh từng tuyên bố rằng quyền cấm cửa đó “rất nghiêm trọng và sẽ không được dùng đến một cách tùy tiện”.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Quốc hội Anh lên lịch tranh luận cấm cửa ông Donald Trump
Trong khi ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ thì Quốc hội Anh đã sắp sẵn lịch vào ngày 18.1 để tranh luận về khả năng cấm cửa ông Trump vào Anh.
Một ứng viên tổng thống Mỹ không giống ứng viên tổng thống cho lắm! - Ảnh: AFP
Lịch tranh luận xem có cấm ông Trump hay không là phản ứng của Quốc hội Anh sau khi thư kiến nghị cấm cửa ông này vào Anh đã được 560.000 người ký, vượt xa hạn mức 100.000 chữ ký để được quốc hội xem xét. Ngược lại, thư kiến nghị chống lại việc cấm ông này vào Anh đến nay chỉ mới thu hút được 40.000 chữ ký, theo báo The Washington Post hôm 5.1.
Buổi tranh luận của Quốc hội Anh sẽ được truyền hình trực tiếp trên mạng.
Chủ tịch Ủy ban kiến nghị của Hạ viện Anh, bà Helen Jones cho biết buổi tranh luận là cơ hội để các quan điểm khác nhau được bày tỏ. Tuy nhiên, bất kỳ một kết luận nào của quốc hội cũng sẽ không có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.
Nhưng cứ theo logic thông thường, áp lực từ đông đảo công chúng và quan điểm của quốc hội chắc chắn sẽ là ý kiến tham khảo quan trọng để Bộ Nội vụ Anh hành động. Bộ này nắm quyền cấm những người nước ngoài vào Anh vì những hành động không thể chấp nhận hay có khuynh hướng cực đoan. Trước đây, một số người Mỹ phát ngôn chống Hồi giáo từng bị cấm vào Anh.
Thư kiến nghị cấm cửa ông Trump được đông đảo người dân Anh ký tên sau khi ông tỉ phú giàu sụ đang làm mưa làm gió trên chính trường Mỹ liên tục nói những lời miệt thị người Hồi giáo, không những khiến cộng đồng Hồi giáo đông đảo khắp thế giới nổi giận mà những người thuộc tôn giáo khác cũng phản đối gay gắt.
Quay lại với những "mắc mứu" liên quan đến nước Anh, ông Trump từng nói rằng nhiều khu vực ở London đầy những kẻ Hồi giáo cực đoan, đến cả cảnh sát cũng sợ hãi không dám bén mảng tới.
Phản ứng lại, Sở cảnh sát London ra tuyên bố bảo rằng ông Trump "sai bét".
Thị trưởng London, ông Boris Johnson, một nhân vật sáng giá cho chức Thủ tướng Anh nhiệm kỳ tới, cũng lên tiếng: "Lý do duy nhất khiến tôi không muốn bén mảng tới một số nơi ở New York là vì sợ rủi ro chạm trán... Donald Trump".
Thủ tướng Anh David Cameron còn mạnh miệng hơn, tuyên bố những phát ngôn của ông Trump là "gây chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm". Một loạt chính khách nổi tiếng khác ở Anh đã lên tiếng việc ủng hộ cấm ông Trump.
Các cuộc biểu tình chống ông Donald Trump diễn ra ở khắp nơi trên đất Mỹ - Ảnh: Reuters
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Anh - đồng minh lâu năm và thân cận của Mỹ - quyết định cấm cửa ông Trump và sau đó ông này trở thành tổng thống Mỹ?
Viễn cảnh một nhân vật đầy tranh cãi với những lời miệt thị phụ nữ, đạo Hồi và hàng loạt phát ngôn gây sốc khác trở thành tổng thống Mỹ nghe vẫn cứ như chuyện hài cho tới giờ phút này. Nhưng cứ tính bằng thước đo cho tới giờ phút này thì Donald Trump vẫn đang là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Cộng hòa, thu hút tỉ lệ người ủng hộ cao nhất giữa tất cả những ứng viên khác.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Mảnh ghép hoàn hảo của Donald Trump Cứ 4 năm, đến mùa bầu cử là chính trường nước Mỹ lại sôi động không kém gì giới showbiz. Và từ khi ông Donald Trump khởi động chiến dịch trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa thì 'sàn diễn' ấy lại càng hấp dẫn. Với ông Donald Trump Tin tức về tỉ phú bất động sản này phủ sóng...