Quốc gia tiếp theo trục xuất lao động Triều Tiên
Angola đã chấm dứt tất cả hợp đồng với một công ty xây dựng của Triều Tiên và yêu cầu các lao động Triều Tiên về nước theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các công nhân Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Trong báo cáo đệ trình ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần đây, Angola cho biết nước này đã thông báo cho phía Triều Tiên từ tháng 11/2017 về quyết định chấm dứt tất cả hợp đồng của các dự án xây dựng với công ty Triều Tiên Mansudae Angola.
“Với việc chấm dứt các hợp đồng này, Tập đoàn Mansudae Angola đã dừng tất cả hoạt động tại Angola từ ngày 13/11/2017, đồng thời tất cả công nhân và nhân viên của tập đoàn này đều được yêu cầu rời khỏi lãnh thổ Angola”, báo cáo của Angola cho biết.
Angola cho biết nước này đã tiến hành khảo sát để xác định số lượng công dân Triều Tiên cũng như tình trạng nhập cư của họ tại Angola, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan tuân thủ nghiêm ngặt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên. Angola thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên từ năm 1976.
Động thái trên của Angola được đưa ra nhằm tuân thủ Nghị quyết 2371 do Hội đồng Bảo an thông qua vào tháng 8 năm ngoái nhằm trừng phạt Triều Tiên sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này. Nghị quyết bao gồm việc cấm các nước thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài nhằm hạn chế nguồn thu tài chính của chính quyền Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
Hồi tháng trước, Bộ Lao động Mông Cổ cho biết hơn 1.000 lao động Triều Tiên tại Mông Cổ sẽ phải về nước trước khi kết thúc năm 2017 do giấy phép lao động kéo dài 1 năm của họ sẽ không được gia hạn. Tại Qatar, hợp đồng lao động của 650 công nhân xây dựng Triều Tiên sẽ hết hạn trong năm nay, trong khi 500 lao động Triều Tiên tại Ba Lan cũng sẽ không được phép gia hạn giấy phép lao động mới.
Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 100.000 người lao động Triều Tiên ở nước ngoài và lực lượng này sẽ gửi khoảng 500 triệu USD về nước mỗi năm. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Triều Tiên sẽ thu từ 70-90% thu nhập hàng tháng (khoảng từ 300-1.000 USD) của các lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Hai quốc gia có số lượng công dân Triều Tiên làm việc nhiều nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cách Triều Tiên kiếm hàng chục triệu USD từ châu Phi
Triều Tiên được cho là đang kiếm hàng chục triệu USD từ các dự án xây dựng ở nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có nhiều nước là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Các công nhân Triều Tiên (Ảnh: NK News)
Ông Hugh Griffiths, cán bộ điều phối của Nhóm chuyên gia về Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc - cơ quan giám sát việc thực thi các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng kiếm được lượng tiền "rất lớn", lên tới hàng chục triệu USD, từ các dự án xây dựng ở nhiều nước châu Phi.
Công ty quốc doanh Mansudae thuộc quyền quản lý của chính phủ Triều Tiên đang thực hiện hàng loạt hợp đồng xây dựng tại các nước như Namibia, Botswana, Angola, Zimbabwe và Senegal.
"Chỉ riêng công ty Mansudae đã triển khai hàng loạt dự án xây dựng lớn tại 14 nước châu Phi là thành viên của Liên Hợp Quốc. Công ty này xây dựng mọi công trình, từ nhà máy chế tạo vũ khí cho tới dinh tổng thống hay nhà chung cư. Người Triều Tiên có thể kiếm tiền từ xa như vậy", ông Griffiths cho biết.
Tại Namibia, Mansudae xây dựng dinh tổng thống và tượng đài nhà lập quốc Sam Nujoma trước Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Windhoek. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Namibia Netumbo Nandi-Ndaitwah cho biết mọi công trình của Triều Tiên tại nước này hiện đã bị đình chỉ và tất cả các công nhân xây dựng Triều Tiên cũng bị yêu cầu rời khỏi Namibia theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
"Tất cả các hoạt động (xây dựng của Triều Tiên) đều được nhất trí triển khai từ trước khi Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh trừng phạt. Nhưng khi có lệnh trừng phạt, chúng tôi phải thực thi và dừng tất cả các hợp đồng với Triều Tiên", Phó Thủ tướng Nandi-Ndaitwah cho biết thêm.
Tượng đài tổng thống đầu tiên của Namibia Sam Nujoma do Triều Tiên xây dựng tại Windhoek (Ảnh: Getty)
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng áp lệnh trừng phạt đối với các hoạt động xây dựng tượng đài của công ty Mansudae, cũng như Tập đoàn Thương mại Phát triển Mỏ Triều Tiên (KOMID) vì hợp tác với Mansudae tại Namibia vào năm 2009.
Nghị quyết trừng phạt mới nhất do Hội đồng Bảo an thông qua ngày 11/9 đã cấm các quốc gia thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Hiện có khoảng 100.000 công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, mang về 5 tỷ USD mỗi năm cho Bình Nhưỡng.
Theo nghị quyết này, những người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài có thể tiếp tục công việc của họ cho đến khi giấy phép làm việc hiện tại của họ ở nước đó hết hạn. Một số nguồn tin phương Tây cho biết số tiền do nguồn lao động ở nước ngoài mang về có thể được Triều Tiên sử dụng để nuôi chương trình vũ khí gây tranh cãi.
Hiện người lao động Triều Tiên tại khu vực Trung Đông cũng đang lần lượt hồi hương trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên bắt đầu đưa các công nhân tới làm việc tại các công trường xây dựng ở vùng Vịnh từ giữa thập niên 1990. Đây được xem là nguồn thu tài chính lớn cho chính quyền Triều Tiên trong những năm vừa qua.
Thành Đạt
Theo USA Today
Thành phố giáp biên Trung Quốc chật vật vì các lệnh trừng phạt Triều Tiên Những cửa hàng vắng khách, những doanh nghiệp làm ăn bết bát với bầu không khí ảm đạm đã bao trùm lên thành phố Đan Đông nằm bên bờ sông Áp Lục - nơi ngăn cách biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) Từ...