Quốc gia nhỏ hưởng lợi từ lệnh trừng phạt dầu lửa Nga của Mỹ
Quyết định của Washington cấm nhập khẩu dầu của Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phải tranh giành nguồn cung dầu thô nặng mới.
Theo trang tin Oilprice.com ngày 19/4, Ecuador, quốc gia Nam Mỹ đã phải vật lộn trong hơn một thập kỷ để vực dậy ngành công nghiệp dầu mỏ nổi tiếng của mình, có tiềm năng cung cấp loại dầu trên cho Mỹ. Nước này cũng đã bắt đầu cải tổ ngành công nghiệp dầu mỏ, nhưng sẽ cần đầu tư đáng kể để tận dụng cơ hội này.
Quyết định của Washington cấm nhập khẩu năng lượng của Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine đã mở ra cơ hội cho Ecuador, nước có trữ lượng dầu hơn 8 tỷ thùng, có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Moskva để lại. Kể từ năm 2021, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã xem xét liệu Ecuador có thể cung cấp dầu thô nặng mà nhiều cơ sở của họ có thể nhập khẩu hay không.
Theo Bloomberg, các nhà lọc dầu Mỹ Valero và Marathon, cũng như Shell đã tổ chức cuộc họp với công ty dầu khí quốc gia của Ecuador là Petroecuador, chịu trách nhiệm hơn 75% sản lượng dầu mỏ của quốc gia Mỹ Latinh này, để đảm bảo nguồn cung dầu thô cho hoạt động của họ. Những sự kiện này mang đến sự lạc quan cho Chính phủ Ecuador rằng cuối cùng họ sẽ có thể thu hút được nguồn vốn nước ngoài cần thiết để hồi sinh ngành công nghiệp dầu khí đang ốm yếu của mình. Đây là một bước đi quan trọng để tái thiết nền kinh tế đang nợ nần chồng chất của Ecuador, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Video đang HOT
Trước đây, sự can thiệp quá sâu của chính phủ và tình trạng tham nhũng, đặc biệt là trong thập kỷ cầm quyền của cựu Tổng thống Rafael Correa, cùng với môi trường pháp lý không thuận lợi là những yếu tố cản trở đầu tư nước ngoài tại Ecuador. Điều đó dẫn đến việc các hoạt động thăm dò và phát triển cũng như bảo trì và tân trang cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng không được đầu tư trong một thời gian dài, do đó tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất dầu khí. Sự suy giảm liên tục trong lĩnh vực năng lượng của Ecuador đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nghèo nàn vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này.
Tuy nhiên, giá dầu thô tăng cao gần đây cùng với cải cách ngành đang diễn ra và nhu cầu ngày càng tăng đối với xăng dầu đang tạo điều kiện cho Ecuador. Kể từ năm 2018, Chính quyền Ecuador đã bắt tay vào thực hiện một loạt cải cách ngành đầy tham vọng nhằm xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ nước này sau một thập kỷ bị lãng quên. Điều này bao gồm những thay đổi quan trọng đối với một số quy định để các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia vào lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ.
Một cải cách quan trọng khác là sự ra đời của các thỏa thuận chia sẻ sản xuất, được gọi là PSA, thay cho các hợp đồng dịch vụ phí cố định được đưa ra một thập kỷ trước đó. Các thỏa thuận dịch vụ phí cố định là một rào cản lớn đối với các công ty dầu mỏ muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, vì chúng buộc họ phải chịu mọi rủi ro về thăm dò và sản xuất để đổi lấy một khoản phí cố định mà Quito trả cho mỗi thùng dầu thô được sản xuất.
Ngoài ra, các hợp đồng đó ngăn cản các nhà tìm kiếm, khai thác tiếp cận các khoản cho vay dựa trên trữ lượng, hạn chế cơ hội của họ để có được nguồn vốn đáng kể cần thiết cho các hoạt động thăm dò và phát triển. Tình hình vốn đã nghiêm trọng, đã trở nên trầm trọng hơn do giá dầu thô lao dốc mạnh vào cuối năm 2014 và bắt đáy xuống dưới 30 USD/thùng vào đầu năm 2016.
Do đó, các khoản thanh toán từ các thỏa thuận dịch vụ phí đã trở thành gánh nặng tài chính đáng kể vì chúng bị chậm hoặc thậm chí không thực hiện được. Những khoản thanh toán quá hạn đó khiến Quito gánh khoản nợ ước tính từ 300 triệu đến 1 tỷ USD hàng năm, tiếp tục đè nặng lên một quốc gia vốn đã mắc nợ nặng nề, nơi nợ chính phủ đã hơn 45% GDP vào cuối năm 2018 và tiếp tục tăng lên sau đó.
Vì vậy, việc đưa ra PSA là một bước quan trọng giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của Ecuador có thể tái đầu tư. PSA cũng giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ Ecuador vào thời điểm quan trọng khi Quito đang chìm trong nợ nần do chính phủ buộc phải đảm bảo các khoản vay bổ sung do thiệt hại kinh tế vì đại dịch COVID-19. Một biện pháp quan trọng khác là Ecuador đã rút khỏi OPEC vào đầu năm 2020, do đó quốc gia Nam Mỹ giàu dầu mỏ này không phải tuân thủ hạn ngạch sản xuất của OPEC.
Theo Ngân hàng Thế giới, lợi nhuận do sản xuất xăng dầu tạo ra chiếm 6,7% GDP của Ecuador năm 2019. Dầu thô cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ecuador, chiếm gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu trong cùng năm. Những con số đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành dầu khí, khi giá tăng cao hơn đáng kể, như một nguồn thu quan trọng của Chính phủ Ecuador vốn đang thiếu tiền mặt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã buộc Quito phải đảm bảo hơn 7 tỷ USD cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khiến nền kinh tế suy giảm 7,8% trong năm 2020, làm tăng thêm gánh nặng tài chính của Ecuador.
Tóm lại, việc thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động của ngành đang đè nặng lên khả năng của Ecuador trong việc tăng cường sản xuất và xuất khẩu dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Mỹ. Do đó, để đạt mục tiêu sản xuất dầu 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hiện nay, Eucuador sẽ cần phải đầu tư đáng kể, đặc biệt là việc nâng cấp đường ống dẫn dầu thô, đại tu và thay thế cơ sở hạ tầng dầu khí cũ kỹ của họ.
Giới đầu tư nước ngoài quan tâm về tương lai lực lượng lao động Việt Nam
Đánh giá của Việt Nam về xu hướng việc làm trong tương lai và sự chuẩn bị của Việt Nam cho lực lượng lao động thế nào để đón đầu các xu hướng việc làm như vậy là vấn đề mà giới kinh doanh quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Singapore Apex 2022 (SABS 2022) diễn ra từ ngày 22 - 25/3 tại khu triển lãm và hội nghị Marina Bay Sands, Singapore.
Đại sứ Mai Phước Dũng trả lời câu hỏi tại phiên thảo luận ngày 23/3. Ảnh: Lê Dương/PV TTXVN tại Singapore
Phiên thảo luận ngày 23/3 với chủ đề "Tìm hiểu tương lai việc làm và kỹ năng tại ASEAN để nắm bắt cơ hội kinh doanh" có sự tham dự của các diễn giả đến từ các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN gồm Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, Đại sứ Indonesia Suryo Pratomo và Đại sứ Philippines Joseph Del Mar Yap.
Đại sứ Mai Phước Dũng cho biết Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, các tập đoàn đa ngành trong nước cũng đang ngày càng lớn mạnh. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ năng cao và có đào tạo ở Việt Nam ngày càng lớn. Hiện tại, cơ cấu lao động đang dịch chuyển theo hướng thay đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ, tạo ra thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội.
Về xu hướng việc làm trong tương lai, Việt Nam hiện có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề hoặc nhân sự quản lý bậc trung và cao trong các ngành như điện tử và bán dẫn, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, năng lượng và kinh tế biển. Chẳng hạn trong ngành năng lượng, nhu cầu về lao động lành nghề trong ngành năng lượng xanh đang tăng lên với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp này tại Việt Nam trong những năm gần đây và thời gian tới.
Về sự chuẩn bị của Việt Nam, Đại sứ Mai Phước Dũng cho biết lực lượng lao động Việt Nam được các công ty nước ngoài đánh giá cao về khả năng làm việc, nhanh nhạy trong học hỏi và nắm bắt kỹ năng mới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với các thử thách để có được một lực lượng lao động có tay nghề đủ lớn để đáp ứng nhu cầu cao cho tiến trình phát triển kinh tế tại Việt Nam trong tương lai. Tới nay, lao động có tay nghề chỉ chiếm 26,1% lực lượng lao động và 73,9% còn lại là không qua đào tạo có bằng cấp.
Vì thế, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới của Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cho sự phát triển trong trung và dài hạn. Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có 75% lực lượng lao động đã qua đào tạo trong đó 40% được đào tạo có chứng chỉ. Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm 96% số các công ty tại Việt Nam và tuyển dụng 47% lực lượng lao động.
Chia sẻ quan điểm về việc ASEAN nên có hợp tác thế nào về vấn đề việc làm và kỹ năng trong tương lai, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng ASEAN hiện có cơ chế họp Bộ trưởng Lao động ASEAN diễn ra hai năm một lần, đã đang được triển khai rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua, với những nỗ lực chung trong các lĩnh vực như hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng, công nhận kỹ năng, tăng năng suất lao động.
Tiềm năng hợp tác vẫn còn nhiều để đảm bảo cả khu vực chuyển đổi nhịp nhàng trong lĩnh vực này. Các nền kinh tế phát triển hơn có thể đi đầu trong các sáng kiến về nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo tài năng tương lai của khu vực, tăng cường thể chế và cơ sở hạ tầng cho đào tạo và dạy nghề trong khu vực, trong khi các nền kinh tế phát triển thấp hơn có thể đóng góp thông qua cung cấp lực lượng lao động dồi dào và tạo điều kiện cho sự dịch chuyển tự do của lao động kỹ năng trong nội khối.
Các sự cố tràn dầu trong 2 năm qua gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường Venezuela Viện Khoa học Vật lý, Toán học và Tự nhiên Venezuela ngày 16/2 công bố báo cáo cho biết các sự cố tràn dầu xảy ra liên tiếp trong năm 2020 và 2021 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới môi trường của nước này. Các vụ tràn dầu liên tục ở Venezuela từ năm 2020 đến năm 2021 đã gây ra thiệt...