Quốc gia NATO bác bỏ khả năng gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine
Thủ tướng Giorgia Meloni tuyên bố Italy sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, bác bỏ thông tin trước đó cho rằng Rome đang chuẩn bị gửi một số chiến đấu cơ cũ để hỗ trợ lực lượng Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp báo chung ngày 21/2. Ảnh: Reuters
Theo đài RT (Nga), bà Meloni đã đưa ra tuyên bố trên tại cuộc trao đổi với Tồng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Kiev hôm 21/2.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên tờ La Repubblica, cho rằng Italy sẵn sàng gửi 5 máy bay chiến đấu tấn công mặt đất AMX cũ cho Ukraine, bà Meloni khẳng định: “Hiện tại, việc cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev chưa được đưa ra trên bàn thảo luận. Quyết định này phải được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế”.
Thay vào đó, bà Meloni cho biết Italy đang thảo luận về gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine – bao gồm một số hệ thống phòng không, chẳng hạn bệ phóng tên lửa đất đối không SAMP/T, có khả năng được cung cấp với sự phối hợp của Pháp.
Trong khi Thủ tướng Meloni đã tiết lộ một số thông tin về lô vũ khí sắp viện trợ cho Ukraine, cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani cho biết Italy sẽ gửi hệ thống phòng không mới đến nước này “trong vòng vài tuần”. Chính phủ Italy cũng đã thông qua sắc lệnh tiếp tục hỗ trợ quân sự cho đến năm 2023, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí vô thời hạn cho Ukraine.
Mặc dù Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây gửi máy bay chiến đấu đến nước này, nhưng đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào chấp thuận. Một số thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chẳng hạn Ba Lan và Slovakia, đã đề xuất gửi những chiếc MiG-29 cũ thời Liên Xô trong kho vũ khí của họ đến Ukraine, nhưng vẫn chưa có nước nào tiến hành chuyển giao. Ba Lan kêu gọi Mỹ nên là quốc gia dẫn đầu “liên minh rộng lớn hơn” gồm các quốc gia cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev.
Mặc dù Ba Lan là một trong những quốc gia có tiếng nói nhất trong việc yêu cầu đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu cho nước láng giềng, nhưng Tổng thống Andrzej Duda gần đây nhận thấy rằng Warsaw sở hữu chưa tới 50 chiếc máy bay chiến đấu trong kho. Điều này có nghĩa rằng nếu gửi chiến đấu cơ cho Kiev, Warsaw sẽ không còn chiếc nào dự phòng.
Video đang HOT
Về phần mình, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Meloni, ông Zelensky thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài “có quyền có lập trường của riêng mình”, đề cập đến việc Italy từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng đã ký kết tuyên bố chung tái khẳng định “sự ủng hộ dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, trong khi Rome cam kết sẽ thúc đẩy “hỗ trợ chính trị và vật chất mạnh mẽ, hiệu quả cho Ukraine” trong số các đồng minh NATO và châu Âu.
Vào đầu tháng 2, ông Viktor Bondarev, cựu Tư lệnh Không quân Nga và Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh, nói rằng các hệ thống phòng không của Nga có thể phá hủy tất cả máy bay chiến đấu của phương Tây chỉ trong 2 – 3 tháng nếu chúng được chuyển giao cho Ukraine.
“Hệ thống phòng không của chúng tôi hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ quét sạch tất cả nguồn cung của Ukraine trong vòng 2 – 3 tháng. Họ cần phải học cách vận hành chúng nhưng việc này sẽ mất khoảng 6 – 12 tháng”, ông Bondarev trả lời câu hỏi liệu phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể ảnh hưởng ra sao đến tình hình xung đột.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài, gây thêm nỗi thống khổ cho người dân, cũng như tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Quan chức Mỹ: Nga thử tên lửa SARMAT lúc Tổng thống Biden ở Ukraine, nhưng thất bại
Theo hai quan chức Mỹ, Nga đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong khi Tổng thống Joe Biden đang ở Ukraine ngày 20/2, nhưng thất bại.
Vụ thử tên lửa SARMAT của Nga năm 2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Theo kênh CNN, một quan chức Mỹ cho biết Nga đã thông báo trước cho nước này về vụ thử tên lửa thông qua các đường dây giảm xung đột. Một quan chức khác nói vụ thử tên lửa này không gây rủi ro cho Mỹ và Mỹ không coi vụ thử là điều bất thường hay động thái leo thang.
Cụ thể, Nga đã thử tên lửa hạng nặng SARMAT mà phương Tây gọi là Satan II. Đây là tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Mặc dù thử thất bại SARMAT ngày 20/2 nhưng Nga đã từng thử nghiệm thành công tên lửa này trước đây mà mới nhất là vào tháng 4/2022, chỉ vài tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
SARMAT lần đầu tiên ra mắt vào năm 2016, có tầm bắn vượt 11.000 km. Tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng 100 tấn và sẽ thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M Voevoda.
Năm 2022, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng tên lửa SARMAT sẽ khiến những người đang tìm cách đe dọa Nga phải suy nghĩ.
Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc khi đó là ông John Kirby gọi cuộc thử nghiệm năm 2022 là có tính chất thường lệ và đó không phải là điều ngạc nhiên. Mỹ không coi đó là mối đe dọa đối với Mỹ hoặc các đồng minh.
Trong khi đó, thời điểm thử nghiệm SARMAT ngày 20/2 cho thấy rằng Mỹ và Nga đã liên lạc qua một số kênh khác nhau vào đầu tuần này để giảm xung đột. Các quan chức Mỹ cũng đã thông báo cho Nga trước vài giờ vào tối 19/2 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thủ đô Kiev của Ukraine.
Tuy vậy, theo đài RT, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov cho biết Nga đã không đưa ra đảm bảo an ninh nào cho Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev.
Sau chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Mỹ, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm đạn cho hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống tăng Javelin trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất trị giá 460 triệu USD.
Tổng thống Biden (trái) và Tổng thống Ukraine tại Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Về chiến dịch quân sự ở Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng Nga đã thua về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật.
Tuy nhiên, trong Thông điệp Liên bang đọc 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Nga không thể bị đánh bại trên chiến trường.
Ông cáo buộc phương Tây đang tìm cách khiến Nga thất bại chiến lược, loại bỏ Nga mãi mãi, chuyển xung đột cục bộ sang giai đoạn đối đầu toàn cầu.
Theo ông Putin, mục đích đằng sau chính sách chống Nga của phương Tây là bắt đầu cuộc chiến ở châu Âu và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.
Tổng thống Nga khẳng định: "Sự tồn vong của Nga đang bị đe dọa. Chúng tôi hiểu và sẽ phản ứng tương xứng".
Trong diễn biến liên quan Nga - Mỹ, tuần trước, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga đã bay gần Alaska hai lần trong nhiều ngày, buộc lực lượng Mỹ phải điều động các máy bay chiến đấu để đáp trả.
Máy bay Nga vẫn ở bên ngoài không phận có chủ quyền của Mỹ và Canada, nhưng đã bay vào hoặc gần Khu vực nhận dạng phòng không của Alaska.
Mỹ nhấn mạnh rằng họ không coi các chuyến bay của Nga là hành động khiêu khích hay đe dọa, cũng như không cho rằng có liên quan đến các vật thể trên không xung quanh Alaska và Canada gần đây.
Đức, Italy bình luận về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine Báo La Repubblica hôm 20/2 đưa tin Chính phủ Italy đang bí mật xem xét các phương án gửi máy bay quân sự tới Kiev. Trong khi đó, Đức cho hay nước này không sở hữu những loại chiến đấu cơ mà Kiev yêu cầu viện trợ. Máy bay ném bom chiến đấu AMX A-11 Ghibli của Không quân Italy. Ảnh: Wikipedia Italy...