Quốc gia đạt kỷ lục tiêm vaccine Covid-19 nhờ ‘nhìn xa’
Chỉ một tháng sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Chile đã bắt đầu đàm phán với các công ty sản xuất vaccine.
Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, tình hình Chile vô cùng ảm đạm. Đây là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới, với các phòng chăm sóc tích cực trên toàn quốc gần như chật kín.
Chính phủ cũng không thể kiểm soát được sự lây lan của virus, dù đã áp đặt các biện pháp hạn chế như lệnh phong tỏa bắt buộc. Họ hứng chỉ trích vì năng lực truy vết và cách ly yếu kém.
Tuy nhiên, ngay lúc đó, một nỗ lực khác của giới chức Chile đang được tiến hành song song mà ít người biết đến. Đó là quá trình chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Bộ trưởng Khoa học Chile Andres Couve cho biết sau khi bắt đầu tiến hành đàm phán với các công ty vaccine từ tháng 4/2020, đến tháng 5, một nhóm chuyên gia và quan chức đã đệ trình kế hoạch lên Tổng thống Sebastian Pinera.
Kế hoạch bao gồm lộ trình về cách sử dụng mạng lưới thỏa thuận thương mại của đất nước, cùng những mối liên hệ trước đây với các hãng dược phẩm, để có vaccine ngay sau khi chúng được phát triển. Một khuyến nghị khác là đưa Chile trở thành một phần của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại thành phố Santiago, Chile, hôm 3/2. Ảnh: AP .
Mối liên hệ với Trung Quốc được tạo dựng từ rất lâu trước đó đã giúp thúc đẩy nỗ lực này. Tháng 10/2019, nhà sinh hóa học người Chile Alexis Kalergis tới Bắc Kinh cùng hai đồng nghiệp để dự một hội nghị quốc tế về miễn dịch học. Tại đây, Kalergis đã gặp gỡ các chuyên gia thuộc hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac.
Nhà sinh hóa học Chile đã trao đổi với phía Sinovac về công việc nghiên cứu vaccine. Vì vậy, khi Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 1/2020 rằng họ xác định được một chủng virus mới, mà sau đó lây lan khắp toàn cầu trong vòng vài tuần, Kalergis biết rằng ông cần liên hệ với các đồng nghiệp tại Sinovac.
“Dựa trên kinh nghiệm, mối liên hệ và sự quan tâm mà chúng tôi đã bày tỏ, chúng tôi bắt đầu các cuộc thảo luận với Sinovac”, Kalergis, giám đốc Viện Miễn dịch học và Liệu pháp miễn dịch Milenio tại Đại học Công giáo Chile, cho biết.
Sau khi trao đổi với các đồng nghiệp tại Sinovac vào tháng 1 và tháng 2/2020, Kalergis trình bày lại những thông tin chi tiết cho Hiệu trưởng Đại học Công giáo Chile Ignacio Sanchez, nói thêm rằng chúng cần được chuyển đến chính phủ.
Video đang HOT
Sanchez sau đó gặp gỡ Bộ trưởng Y tế và Ngoại trưởng Chile, kêu gọi đàm phán sớm với Sinovac cũng như các hãng dược phẩm khác, đồng thời để Chile là nơi tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Các bộ trưởng nhất trí và chính phủ bắt đầu liên lạc ngoại giao.
Đến tháng 6/2020, sớm hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác, Chile đã ký hợp đồng với Sinovac. Công ty Trung Quốc đã đồng ý cung cấp một lô hàng sớm ngay khi vaccine được cấp phép, Kalergis cho hay.
Rodrigo Yanez, quan chức phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế của Chile, trưởng đoàn đàm phán về vaccine với các công ty, cho biết ngay từ đầu họ đã nhận thức được rằng cần làm việc cùng lúc với những hãng dược phẩm khác nhau. “Chúng tôi đã xem xét nhiều phương án và không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ông nói.
Chile là một phần trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của Sinovac, bắt đầu từ tháng 12/2020 với sự tham gia của 2.300 nhân viên y tế. Chính phủ chỉ cho biết thử nghiệm đạt kết quả tốt, không công bố chi tiết. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này còn là nơi thử nghiệm các loại vaccine của hãng dược phẩm Anh – Thụy Điển AstraZeneca, tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson và công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc CanSino. Các kết quả này cũng không được tiết lộ.
Chile nhận được những liều vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 12/2020 từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, gồm khoảng 21.000 liều. Tuy nhiên, số lượng này ít hơn so với cam kết trước đó.
Công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ngay lập tức được tiến hành. Đến cuối tháng 1, Chile nhận được 4 triệu liều vaccine đầu tiên từ Sinovac, tạo điều kiện tăng tốc tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu được triển khai từ tháng 2, và gần như ngày nào Chile cũng tiêm được hơn 100.000 liều mỗi ngày. Con số đó đã tăng hơn gấp ba vào tuần trước.
Hôm 10/3, Chile đạt kỷ lục toàn cầu với 1,3 mũi tiêm/100 dân mỗi ngày, tiếp đó là Israel với 1,04 liều , theo dữ liệu của Our World in Data, dự án kết hợp giữa các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và tổ chức phi lợi nhuận Phòng Thí nghiệm Thay đổi Dữ liệu Toàn cầu.
Với hơn 25% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, quốc gia 19 triệu dân đang dẫn đầu công tác tiêm chủng tại Mỹ Latinh, chỉ đứng sau Israel, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Anh nếu xét trên toàn cầu. Các nước cùng khu vực là Brazil và Argentina mới tiêm được lần lượt 4% và 3% dân số.
Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết nước này đã đảm bảo được 35 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 15 triệu người, đồng thời giúp đỡ các quốc gia khác. Hồi đầu tháng, giới chức Chile quyên góp 20.000 liều vaccine Sinovac cho Paraguay và số lượng tương tự cho Ecuador.
“Chile đã lập kế hoạch tốt và sử dụng một cách sáng suốt các nguồn lực để ký thỏa thuận song phương với một số nhà sản xuất”, Jarbas Barbosa, phó giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ, nhận xét hồi tuần trước.
Đây không phải lần đầu tiên Chile tiến hành một chương trình tiêm chủng thành công. Từ tháng 3 đến tháng 4 năm ngoái, chính quyền nước này đã tiêm phòng cúm cho 8 triệu người.
Mario Patino, 75 tuổi, là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac hồi tháng 2 tại điểm tiêm chủng ở Lo Prado, khu dân cư nghèo ở thù đô Santiago.
“Mọi thứ đều hoàn hảo, nhanh chóng, dịch vụ xuất sắc, tổ chức bài bản. Vaccine giúp tôi thấy yên tâm hơn”, Patino cho hay.
Nỗi sợ vaccine đe dọa cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc
Nỗi lo ngại về an toàn vaccine của người dân khiến Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu dân trước 11/2.
Mục tiêu tiêm chủng này được Trung Quốc đưa ra vào tháng 12/2020, trong nỗ lực giành thế chủ động trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Dù đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhiều người cho rằng nó không quá sức đối với quốc gia đã kiểm soát đại dịch tốt hơn hầu hết quốc gia khác.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine lại là lĩnh vực bộc lộ thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến. Tính tới 22/2, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc chỉ là 2,89 trên 100 người, khoảng 40,5 triệu liều, theo nhóm giám sát chiến dịch triển khai vaccine của Bloomberg. Trong khi đó, tỷ lệ này của Mỹ là 19,33 trên 100 người, khoảng gần 65 triệu liều.
Với tốc độ hiện tại, một phân tích của Bloomberg dự đoán Trung Quốc phải mất hơn 5 năm để đạt miễn dịch cộng đồng cho đất nước khoảng 1,4 tỷ dân, trong khi Mỹ mất khoảng 11 tháng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho một người đàn ông ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: AP.
Adam Minter, biên tập viên của Bloomberg, cho rằng vấn đề về sản xuất và ngoại giao vaccine là hai yếu tố khiến Trung Quốc chưa thể hoàn thành mục tiêu tham vọng đã đặt ra. Tuy nhiên, Minter nhận định yếu tố quan trọng hơn là những lo ngại lâu nay của người dân Trung Quốc về độ an toàn và tác dụng phụ của vaccine.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ nhân viên trong các công ty Trung Quốc quan tâm tới tiêm chủng chỉ dao động từ 30% tới dưới 50%.
"Để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc cần phải khuyến khích nhiều công dân vượt qua nỗi sợ của họ", Minter nhận định.
Người Trung Quốc không phải lúc nào cũng ngại ngần với vaccine. Các chiến dịch tiêm chủng của chính phủ từ thập niên 1950 đã được chấp thuận rộng rãi, chủ yếu là vùng nông thôn thường bị bệnh truyền nhiễm tấn công.
Trong thập niên 1970, việc đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nông thôn đã mang lại kết quả ấn tượng: tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm 77% trong thập kỷ đó và bệnh sởi giảm 60%. Tới năm 2019, tỷ lệ tiêm phòng cơ bản cho trẻ em Trung Quốc đã vượt 90%, thuộc tốp cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, những thành công đó không thể xua tan hết lo ngại của người dân về vaccine, sau các vụ bê bối vaccine trong thập kỷ qua. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đóng cửa một cơ sở sản xuất vaccine trái phép hoạt động từ năm 2011 và bán ra thị trường khoảng hai triệu liều không được bảo quản đúng cách. Cuộc khảo sát được tiến hành hai tháng sau đó phát hiện 16% phụ huynh Trung Quốc không muốn tiêm chủng cho con vì bê bối này.
Hai năm sau, nhà sản xuất vaccine Changsheng bị cáo buộc làm giả dữ liệu về vaccine phòng bệnh dại và bán các liều vaccine phòng ho gà, uốn ván và bạch hầu không hiệu quả. Công ty này bị phạt 9,1 tỷ nhân dân tệ (1,34 tỷ USD), với hơn 40 quan chức chính phủ, bao gồm 7 quan chức cấp tỉnh, bị kỷ luật ở các hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, hậu quả của bê bối này chưa chấm dứt ở đó. Một khảo sát được thực hiện sau đó cho thấy 70% người được hỏi cho biết không còn tin tưởng vào tiêm chủng và hơn 50% không hài lòng với phản ứng của chính phủ.
Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy chương trình phát triển vaccine Covid-19 như bằng chứng cho thấy ngành dược phẩm nước này đã đạt tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên, rất ít bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc sẵn sàng đón nhận vaccine.
Mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra hầu hết phụ huynh Trung Quốc vẫn lựa chọn tiêm cho con các loại vaccine miễn phí được chính phủ khuyến nghị, 74% phụ huynh vẫn lo ngại về tác dụng phụ, 64% lo lắng về độ an toàn và 54% hoài nghi về tính hiệu quả của chúng.
Những lo ngại đó có thể đã chuyển sang vaccine Covid-19, theo Minter. Biên tập viên của Bloomberg cho hay khảo sát của Ipsos năm ngoái chỉ ra Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ dự định tiêm vaccine Covid-19 cao hơn bất kỳ nước nào. Nhưng Abram Wagner, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Michigan, người nghiên cứu về thái độ chần chừ với vaccine ở Trung Quốc, cho biết ông không ngạc nhiên khi điều đó không thể chuyển thành tỷ lệ tiêm chủng cao ở Trung Quốc.
"Họ sẽ nói 'tôi muốn tiêm vaccine' khi tham gia khảo sát, nhưng mọi thứ sẽ khác khi vaccine Covid-19 thực sự được cung cấp", Wagner nói.
Một yếu tố có thể gây ra nỗi sợ là những thông tin gần đây về vaccine Covid-19 giả. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPP) giữa tháng này cho biết đã phá đường dây bán 58.000 liều vaccine giả. "Chỉ riêng thông tin này cũng đủ khiến một số người Trung Quốc cảm thấy do dự trước lọ thuốc và kim tiêm", Minter viết.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không "tụt hậu" lâu trong cuộc đua tiêm chủng, nếu lãnh đạo nước này thể hiện quan điểm ủng hộ vaccine mạnh mẽ hơn, như công khai việc tiêm chủng của họ, theo Minter.
"Đây sẽ là một con đường dài để xây dựng niềm tin vào vaccine cũng như vào các công ty vaccine từ lâu được nhà nước bảo vệ", Minter nhận định. "Đây là bài toán xây dựng lòng tin mà giới tinh hoa Trung Quốc thường không thực hiện. Nhưng giữa đại dịch, nó đáng để thử".
Pfizer thử liều vaccine COVID thứ ba, tăng miễn dịch gấp 20 lần phòng biến chủng mới Mặc dù liệu trình 2 liều vaccine COVID-19 của Pfizer đã đạt hiệu quả phòng bệnh tới 95%, hãng vẫn đang xem xét việc tiêm liều thứ ba liệu có thể giúp ích trong đối phó các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Doses of the Pfizer-BioNTech coronavirus vaccine at CHIREC Delta Hospital in Brussels on Feb. 3.Yves Herman / Reuters file Theo NBC...