Quốc đảo cự tuyệt cáp quang biển Trung Quốc
Đảo quốc Nauru đang đàm phán kết nối tuyến cáp quang biển với nhà mạng Australia sau khi từ chối đề xuất của Trung Quốc.
Các nguồn tin ngày 24/6 cho biết Nauru lập kế hoạch rải đường cáp quang tới Quần đảo Solomon, cách đó khoảng 1.250 km. Tuyến cáp quang này sau đó sẽ kết nối với Hệ thống Cáp quang biển Coral, mạng lưới dài 4.700 km nối Australia với Quần đảo Solomon và Papua New Guinea.
Australia tài trợ phần lớn kinh phí xây dựng tuyến cáp quang biển Coral, tập đoàn Vocus có trụ sở tại Sydney là đơn vị thi công. Tuyến cáp quang Coral được hoàn thành năm 2019 nhằm ngăn đề xuất mang tính cạnh tranh từ Huawei Marine, nay là HMN Tech.
Các nguồn tin cho biết kế hoạch rải cáp quang mới của Nauru cần được sự đồng ý của Australia và Quần đảo Solomon. Chưa rõ Nauru có yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Australia hay chỉ cần nước này cho phép tham gia tuyến cáp quang biển Coral.
Quốc đảo Nauru. Ảnh: Guardian .
Một nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán giữa Nauru và các nước liên quan đang ở trong “giai đoạn đầu”. Nguồn tin còn lại cho biết các quan chức Nauru, Australia và Quần đảo Solomon cùng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham gia cuộc đàm phán này.
Chính phủ Nauru, Australia và Quần đảo Solomon chưa bình luận về thông tin, trong khi đại diện ADB cho biết không tham gia đàm phán.
Quốc đảo Nauru, có mối quan hệ chặt chẽ với Australia, đã đình chỉ cuộc đấu thầu thi công cáp quang do Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn đầu hồi đầu năm nay do lo ngại hợp đồng sẽ được trao cho HMN Tech, sau khi công ty Trung Quốc này nộp hồ sơ dự thầu với giá thấp hơn đối thủ 20%. WB cho biết Nauru đã tiếp cận với ADB để tìm giải pháp thay thế.
Nauru là nước đầu tiên bày tỏ quan ngại về gói thầu cáp quang biển của HMN Tech dành cho nước này cùng Liên bang Micronesia và Kiribati, do WB công bố năm 2020. Mỹ sau đó cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương rằng gói thầu của HMN Tech có nguy cơ làm tổn hại an ninh khu vực.
Trung Quốc bác thông tin cho rằng nước này lợi dụng hệ thống cáp quang thương mại, với khả năng truyền tải lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh, phục vụ cho các hoạt động gián điệp.
Video đang HOT
“Các doanh nghiệp Trung Quốc luôn duy trì thành tích tốt về an ninh mạng. Cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp là vô căn cứ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ngày 24/6.
Quan hệ giữa Nauru và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi quốc đảo ở trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan, trong khi Trung Quốc coi hòn đảo là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần.
Trong một diễn đàn của khu vực Thái Bình Dương năm 2018, tổng thống Nauru khi đó là Baron Waqa chỉ trích phái viên Trung Quốc “rất xấc xược” và là “kẻ bắt nạt” sau một cuộc tranh cãi giữa quan chức hai nước.
Hệ thống cáp quang biển tại Thái Bình Dương. Đồ họa: Reuters .
Australia tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương thông qua gói tài trợ hạ tầng trị giá 1,5 tỷ USD và cùng các thành viên khác trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đối phó việc Trung Quốc mở rộng lợi ích tại khu vực. Australia là một phần quan hệ đối tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản nhằm tài trợ một tuyến cáp quang biển cho Palau, một quốc đảo Thái Bình Dương khác.
Mỹ gây sức ép lên chính phủ nhiều quốc gia để buộc họ loại Huawei và các công ty Trung Quốc khỏi hoạt động cung cấp thiết bị liên lạc nhạy cảm, cáo buộc các doanh nghiệp này có thể giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Giới chức và các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc bác thông tin này.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước khẳng định các công ty nước này “có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an ninh mạng” và họ cần được “tham gia vào một môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử”.
Mỹ cảnh báo quốc đảo Thái Bình Dương về công ty Trung Quốc
Mỹ cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương mối đe dọa an ninh từ một công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án lắp cáp dưới biển.
Huawei Marine, gần đây đã được thoái vốn khỏi Huawei Technologies và hiện thuộc sở hữu đa số của một công ty Trung Quốc khác, đã nộp hồ sơ dự thầu cùng Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở tại Pháp, một phần của Nokia Phần Lan và NEC của Nhật Bản, cho dự án East Micronesia Cable trị giá 72,6 triệu USD, các nguồn giấu tên hôm nay cho biết.
Dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ và được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc tới các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati. Các nguồn tin cho biết Mỹ hồi tháng 7 gửi công hàm cho FSM, bày tỏ quan ngại chiến lược về dự án vì Huawei Marine và các công ty Trung Quốc khác "được yêu cầu hợp tác với cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh".
Sơ đồ cáp ngầm ở Thái Bình Dương. Đồ họa: TeleGeography, WB .
Động thái này diễn ra sau cảnh báo trước đó cho Micronesia và các cơ quan phát triển của chính phủ Nauru, một đồng minh ở Thái Bình Dương của Đài Loan, về việc Huawei Marine tham gia dự án.
Chính phủ FSM nói rằng họ đang thảo luận với các đối tác song phương trong dự án, "một số đã đề cập nhu cầu đảm bảo cáp không ảnh hưởng đến an ninh khu vực". Theo Hiệp định Hiệp hội Tự do, một thỏa thuận đã có hàng thập kỷ giữa Mỹ và các lãnh thổ ủy thác cũ ở Thái Bình Dương, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ FSM.
Một phát ngôn viên chính phủ Nauru cho biết hồ sơ dự thầu đang được kiểm tra và các bên liên quan đang giải quyết "các vấn đề kỹ thuật, hành chính" để đảm bảo tiến độ dự án mà không cần trình bày chi tiết.
Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Các nguồn tin cho biết Kiribati, quốc đảo thứ ba tham gia dự án, xem việc Huawei Marine tham gia đấu thầu là có lợi. Quốc đảo này năm ngoái cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc.
Chính phủ Kiribati cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Một phát ngôn viên của WB cho biết việc đấu thầu đang tiếp tục và không thể "đưa ra nhận xét cụ thể về quy trình vào lúc này", trong khi ADB chuyển câu hỏi đến WB.
Cáp dưới biển, với dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh, đã nổi lên như một lĩnh vực ngoại giao nhạy cảm ở Thái Bình Dương do vai trò trung tâm của chúng trong liên lạc quốc tế. Giá thầu Huawei Marine đưa ra thấp hơn các đối thủ hơn 20%, theo hai nguồn tin. Dựa trên cơ sở chi phí thuần túy, Huawei Marine có lợi thế thắng thầu.
Thông thường, các quốc gia liên quan dự án sẽ thành lập các ủy ban đánh giá đấu thầu. Cơ quan phát triển xem xét các khuyến nghị của ủy ban để đảm bảo nhà thầu được lựa chọn tuân thủ các chính sách và thủ tục của cơ quan.
Dự án còn phức tạp hơn nữa bởi dự kiến kết nối với cáp ngầm HANTRU-1, được sử dụng chủ yếu bởi chính phủ Mỹ và kéo dài tới tận đảo Guam, nơi đặt các khí tài quan trọng của Mỹ.
Huawei Marine hiện phần lớn do Hengtong Optic-Electric, thuộc Tập đoàn Hengtong sở hữu. Washington vẫn tiếp tục cảnh báo các quốc gia Thái Bình Dương không nên hợp tác với công ty này trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng.
Máy bay của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Pohnpei ở Kolonia, Liên bang Micronesia năm 2019. Ảnh: Reuters .
Huawei Technologies, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu, đã phải đối mặt với nhiều vòng trừng phạt của Mỹ và bị cáo buộc rằng các sản phẩm của họ có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Chính phủ Trung Quốc và Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Huawei Marine và Hengtong hiện chưa trả lời các câu hỏi. Một đại diện cho mảng kinh doanh ở đảo Thái Bình Dương của Huawei Tech cho biết dự án cáp không phải một phần của hoạt động kinh doanh.
Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei Marine vào "Danh sách thực thể", được biết đến như danh sách đen, để hạn chế việc bán hàng hóa và công nghệ của Mỹ cho công ty. Bộ Thương mại hiện không nói rõ liệu việc thay đổi quyền sở hữu của Huawei Marine có giảm tình trạng này hay không.
Vào năm 2018, Australia phần lớn chi trả cho hệ thống cáp Internet dưới biển cho các nước láng giềng ở Thái Bình Dương, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, ngăn chặn các kế hoạch của đối thủ từ Huawei Marine, khi đó thuộc sở hữu đa số của Huawei Technologies.
Australia khi đó bày tỏ lo ngại rằng tuyến cáp, với điểm kết thúc ở Sydney, có thể gây rủi ro an ninh trong tương lai nếu xâm nhập vào mạng lưới truyền thông của Australia.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa phản ứng về những thông tin này.
Dự án cáp viễn thông dưới lòng Thái Bình Dương có nguy cơ 'chìm' Dự án quy mô của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập đường dây cáp viễn thông tại Thái Bình Dương đã gặp chướng ngại để hiện thực hóa khi Mỹ cảnh báo việc góp mặt của một công ty Trung Quốc đem đến rủi ro an ninh. Phi cơ chở cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo qua Micronesia. Ảnh: Reuters...