“Quên” mất lao động người khuyết tật là lãng phí lớn
Theo tiến sĩ Gyorgy Sziraczki, Trưởng đại diện Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì lực lượng lao động là người khuyết tật (NKT) có thể đóng góp 3% GDP cho đất nước. Nhưng ở Việt Nam lại “quên mất” lực lượng lao động này.
NKT có thể đóng góp 3% GDP
Ngày 14/12, tại chương trình Cà phê Sáng với chủ đề “Thúc đẩy NKT hòa nhập – phát triển doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ILO và Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức, tiến sĩ Gyorgy Sziraczki nhận định: “ILO ước tính Việt Nam mất 3% GDP vì người khuyết tật phải đứng ngoài thị trường lao động. Đó là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn”.
Theo các chuyên gia, cộng đồng NKT là lực lượng lao động rất lớn (Ảnh: Thương Thương)
Theo tài liệu của ILO, ở Việt Nam có gần 7 triệu NKT nhưng rất ít người ở độ tuổi lao động có được việc làm và thu nhập ổn định. Rất nhiều người nằm ngoài thị trường lao động chính thống do phân biện đối xử, thái độ tiêu cực và giả định chưa đúng về khả năng của họ. Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng NKT ở Việt Nam có thể lên đến 30%.
Theo ông Gyorgy Sziraczki, những NKT có thể và luôn mong muốn được trở thành một thành viên có ích cho xã hội. Tuy nhiên, đa phần họ đang phải đối mặt với những rào cản khi tiếp cận với những khóa đào tạo nghề, việc tuyển dụng cũng như khi tham gia vào những hoạt động của xã hội. Do đó, việc gỡ bỏ rào cản để tạo cơ hội cho NKT tiếp cập công việc là điều rất quan trọng.
Ông Gyorgy Sziraczki nói: “Thực ra có rất nhiều NKT giỏi. Họ có thể làm nhiều việc mà người không khuyết tật không thể làm, những việc người không khuyết tật làm được họ cũng có thể làm. Việc doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT có nhiều điểm lợi vì họ gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự đa dạng trong lao động, khai thác thế mạnh của họ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.
Tạo việc làm cho NKT không tốn kém
Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp ngại tuyển dụng NKT là vì họ nghĩ tạo nên môi trường thuận lợi để NKT làm việc là rất tốn kém. Bà cho rằng: “Đó là quan niệm sai lầm, không hề có tốn kém ở đây, nếu có thì cũng rất ít”.
Bà nêu ví dụ: “Nếu tòa nhà trụ sở của bạn cao, bạn có thể bố trí NKT làm việc ở tầng trệt. Để NKT đi lại được bằng xe lăn, bạn chỉ cần sắp xếp vật dụng gọn gàng để lối đi rộng đủ lọt chiếc xe lăn là được… Những điều chỉnh ấy hầu như không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp”.
Duy, một thanh niên khuyết tật nặng phải di chuyển bằng xe lăn điện cho biết: “Khi nhận em vào làm việc, công ty cũng không tốn kém sửa đổi gì vì không gian công ty khá phù hợp cho em hoạt động, chỉ cần chỉnh sửa lối lên để em có thể chạy thẳng xe vào nhà. Em làm ngành công nghệ thông tin nên hiệu quả làm việc cũng như mọi người, không bị hạn chế do dạng tật của em là vận động”.
Video đang HOT
Nếu được tạo điều kiện và cho họ cơ hội, NKT vẫn có thể lao động và đóng góp cho xã hội (Ảnh: Thương Thương)
Đại diện 1 công ty may mặc ở Bình Dương cho biết họ cũng chẳng tốn gì thêm khi tuyển NKT vào làm việc, chỉ cần bố trí NKT làm ở các khâu không cần đi lại, không phải sử dụng các nút điều khiển bằng chân là phù hợp, NKT có thể làm rất tốt.
Anh Lê Đức Hiền, Chủ tịch hội NKT Tương trợ vươn lên (Đồng Nai) cho biết ở tỉnh anh có những doanh nghiệp tuyển hàng ngàn lao động là NKT, có khi tuyển không ra người. Theo anh, cái khó của NKT là đi lại, nếu công ty nào có chỗ cho NKT ở lại gần công ty thì sẽ dễ dàng tuyển dụng và đem lại hiệu quả cho công ty hơn. Vì thực tế trong những ngành lao động hay biến động nhân sự như may mặc thì tuyển NKT là lợi thế vì NKT rất gắn bó với công việc.
Bà Võ Thị Hoàng Yến cho rằng: “Điều quan trọng là bạn muốn tuyển nhân sự làm những công việc gì và cho NKT cơ hội. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ mà công ty yêu cầu thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể sa thải họ như bao lao động khác. Cái chính là hãy cho NKT cơ hội và tạo điều kiện để họ tiếp cận cơ hội đó!”.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Chủ tịch nước "sánh bước yêu thương" cùng người khuyết tật
Sáng 1/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo và hơn 6.000 người dân TPHCM đã tham gia chương trình đi bộ gây quỹ từ thiện "Sánh bước yêu thương" nhằm hưởng ứng ngày khuyết tật thế giới 3/12.
Các em nhỏ tham gia chương trình trong vòng tay Chủ tịch nước
Mở đầu chương trình mang đậm ý nghĩa nhân văn này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các cán bộ cấp cao và người dân thành phố mang tên Bác được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc do người khuyết tật biểu diễn, chứng kiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thành phố đóng góp những "đồng tiền công đức" trong chương trình "Heo đất yêu thương".
Linh mục Phan Khắc Từ, Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật (VTEKT) chia sẻ: "Các em cần chúng ta bảo vệ sự sống khi mà các em không thể tự sống đó là trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ bị bại não, bị xương thủy tinh, trẻ em bị ung thư. Các em cần chúng ta giúp sức để các em được đến trường trên đôi nạng, trên chiếc xe lăn, được bạn cõng vào lớp học vì gia đình quá nghèo. Các em cần có việc làm, cần một con đường để bước vào đời. Các em khuyết tật tài năng thì cần được bảo trợ để thăng tiến".
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - gửi lời động viên, lời chúc sức khỏe và những điều tốt đẹp nhất đến những người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật sống khỏe mạnh, hội nhập tốt với xã hội.
"Hiện tại, bên cạnh chúng ta có hơn 6 triệu người khuyết tật trên cả nước cần được giúp đỡ. Cơ thể không lành lặn, mắt có thể không nhìn thấy, tai không thể nghe, nhưng trái tim, trí tuệ của người khuyết tật vẫn luôn sáng người. Hãy trao cho người khuyết tật những cơ hội tình thương, họ sẽ sống bình thường như chúng ta", bà Hồng nhấn mạnh.
12 gương mặt tài năng của trẻ em khuyết tật Việt Nam nhận phần thưởng cao quý từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng 12 phần thưởng cao quý cho 12 tấm gương tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật các vùng miền khắp cả nước. Các em là những tấm gương tiêu biểu do Quỹ Vì trẻ em khuyết tật chọn trong chương trình học bổng "Hỗ trợ tài năng khuyết tật Việt Nam".
Sau chương trình khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn người đẩy xe lăn cho người khuyết tật, người sáng mắt dắt tay người mù cùng sánh bước yêu thương là một minh chứng hùng hồn cho sự cao đẹp và là thông điệp kêu gọi xã hội hãy cùng sánh bước yêu thương người khuyết tật.
Đoàn người đi bộ sánh bước với người khuyết tật trên "cung đường yêu thương" ven hồ Bán Nguyệt với hơn 6.000 "hoa hướng thiện" trên tay mỗi người, hành trình qua cầu "Ánh sao nhân ái" để bước vào "công viên nghị lực sống".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhiều cán bộ cao cấp khác hòa cùng 1.000 em học sinh ngồi viết thư, ghi lời cầu chúc, ước nguyện cho người khuyết tật Việt Nam trong "Vườn hoa hướng thiện". Hơn 5.000 hoa hướng thiện được người dân viết lời yêu thương, chia sẻ ước nguyện sẽ được gửi đến tận tay của người khuyết tật.
Trong ngày hội "Sánh bước yêu thương" còn có nhiều hoạt động khác vì người khuyết tật như: triển lãm về 100 tấm gương khuyết tật Việt Nam, đêm nhạc "Ngôi sao yêu thương" tại sân khấu Lan Anh với sự biểu diễn của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng nhằm gây quỹ giúp đỡ tài năng khuyết tật Việt Nam.
Được biết, chương trình "Sánh bước yêu thương" sẽ hành trình qua 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Quảng Trị trong năm 2014 để gây quỹ giúp đỡ các trẻ em khuyết tật tại đây.
Một số hình ảnh tại chương trình mà PV Dân trí ghi lại:
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Linh mục Phan Khắc Từ, Giám đốc Quỹ vì trẻ em khuyết tật
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi thăm sức khỏe, động viên các gương mặt tài năng của trẻ em khuyết tật Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (bên trái) và bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đẩy xe lăn cho các gương mặt tài năng khuyết tật Việt Nam
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết thư, ghi lời chúc, ước nguyện cho người khuyết tật Việt Nam
Các bạn học sinh và những lá thư tạo nên "Vườn hoa hướng thiện" ấm áp tình yêu thương.
Công Quang - Quốc Anh
Theo Dantri
Độc đáo đám cưới rước dâu toàn bằng xe 3 bánh Màn rước dâu "độc, lạ" bằng đoàn xe ba bánh được trang trí nơ, bong bóng trong đám cưới của chú rể Đình Trí và cô dâu Thảo Phương đã gây sự chú ý cho nhiều người đi đường. Ngày 6/10, đám cưới cô gái khuyết tật Thảo Phương và chú rể Đình Trí đã thu hút sự chú ý của người dân...