‘Quên’ 3,5 tỷ trong két, PVTrans nguy cơ mất trắng 15 tỷ tiền cho thuê tàu
Sau vụ việc Bộ Công an vào cuộc tìm chủ nhân số tiền 3,5 tỷ đồng bỏ quên trong két sắt của Tổng công ty CP Vận tải dầu khí ( PVTrans), đơn vị này lại đứng trước nguy cơ mất trắng 15 tỷ tiền cho thuê tàu.
Tháng 9/2019, Văn phòng Ban Tài chính kế toán Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVTrans) sắp xếp lại chỗ làm việc thì bất ngờ phát hiện có một túi giấy bọc kín bên trong có 3,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo PVTrans đã lập biên bản về vụ việc này. Nội dung biên bản thể hiện, việc có thông tin nghi vấn, số tiền 3,5 tỷ có thể là của Oceanbank (ngân hàng trước đây PVTrans có giao dịch) hỗ trợ cán bộ nhân viên PVTrans đi tham quan, nghỉ mát. Do Tổng công ty không có chủ trương nên số tiền này không sử dụng mà vẫn để nguyên.
PVTrans đã lập biên bản về sự việc
Nội dung biên bản còn thể hiện việc PVTrans thống nhất chủ động nộp số tiền 3,5 tỷ đồng về tài khoản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), để PVN tổng hợp, nộp thu hồi về cơ quan chức năng.
Bộ Công an và PVN sau đó đã vào cuộc tìm kiếm chủ nhân số tiền “bỏ quên” hàng tỷ đồng.
Công văn số 5188/C03-P15 ngày 24/10/2019 của cơ quan CSĐT gửi PVN đã xác định, PVTrans là đơn vị được Oceanbank chi tiền chăm sóc khách hàng.
Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2014, rất nhiều đơn vị thành viên trong PVN khi giao dịch gửi tiền tại Oceanbank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền chăm sóc khách hàng. Nhiều đơn vị đã nộp lại vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra theo quy định của pháp luật.
PVN sau đó có công văn số 443/DKVN-PC&Ktr, yêu cầu PVTrans kiểm tra, làm rõ số tiền 3,5 tỷ đồng trên, đồng thời nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra, nếu có cơ sở xác định đây là tiền Oceanbank gửi PVTrans.
Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an và PVN đã mời người viết đơn tố cáo đến làm việc, cung cấp thêm chứng cứ để phục vụ cho quá trình điều tra.
Video đang HOT
Nguy cơ mất trắng 15 tỷ tiền cho thuê tàu
Trong năm 2011 và 2012, PVTrans đã ký hợp đồng cho đối tác nước ngoài là công ty Aavanti Shipping & Chartering Ltd (Aavanti) thuê tàu PVT Eagle và tàu PVT Sea Lion thuộc sở hữu của PVTrans.
Các hợp đồng được ký ngày 20/10/2011, 17/1/2012, 16/03/2012, 7/5/2012 và 26/4/2012.
Tàu AURORA do PVTrans sở hữu. (Ảnh: PVTrans)
Trong quá trình thực hiện hợp đồng đã phát sinh số tiền cước lưu tàu, Aavanti phải trả cho PVTrans 420,4 nghìn USD, số tiền lãi phát sinh cho khoản tiền này ước tính khoảng 245,9 nghìn USD (số tiền lãi này tính 6,5%/ năm cho khoảng thời gian từ khi phát sinh nợ cho tới nay).
Tổng số tiền nợ kể cả lãi phát sinh là 666,3 nghìn USD (khoảng 15,6 tỷ đồng).
Sau khi phát sinh số tiền nợ này, PVTrans đã giao cho công ty CP Vận tải xăng dầu Phương Nam (công ty con của PVTrans) thu hồi công nợ của Aavanti.
Tuy nhiên, sau gần 6 năm thu thập thông tin và tìm hiểu đối tác, ngày 12/6/2017, công ty Phương Nam có công văn báo cáo kèm văn bản trả lời của công ty luật Haridass Ho& Partners do công ty này thuê, thông báo kết quả của việc thu hồi số công nợ trên.
Kết quả điều tra tài sản của Aavanti do công ty Luật Haridass Ho& Partners cung cấp ngày 5/6/2017 cho thấy, không có bất kỳ tài sản nào của Aavanti tại Hongkong và Singapore, cũng như không tìm thấy Aavanti có đăng ký là chủ sở hữu bất cứ con tàu nào.
Ngoài ra, theo báo cáo điều tra các giao dịch tài chính, Aavanti là công ty TNHH có vốn chủ sở hữu đăng ký là 1 dollar Hongkong (khoảng 3.000 đồng).
Công văn cũng thể hiện việc tiếp cận với người đại diện của Aavanti là không thể, bởi tất cả mọi liên lạc phải thông qua công ty thư ký. Công ty thư ký từ chối tiết lộ mọi thông tin về Aavanti.
Công ty Phương Nam đưa ra nhận định, muốn đưa vụ việc này ra khởi kiện trọng tài, thì bảng chi tiết pháp lí dự kiến mất khoảng 390 nghìn USD.
Luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, PVTrans có nguy cơ mất trắng hơn 15 tỷ đồng. Nguyên nhân do lãnh đạo PVTrans thiếu trách nhiệm khi đàm phán giao dịch với đối tác khách hàng.
“Có thể PVTrans đã không kiểm tra về năng lực tài chính và khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác khách hàng, trong khi đây là những việc làm quan trọng trong mọi giao dịch kinh doanh với bất kỳ đối tác khách hàng nào trên thị trường trong nước và quốc tế.
PVTrans cũng thiếu trách nhiệm và không thường xuyên đôn đốc trong việc thu hồi công nợ, để một số tiền lớn công nợ kéo dài tới gần 10 năm dẫn tới mất khả năng thu hồi”, luật sư Minh nhận định.
Bộ Công an và PVN vào cuộc làm rõ 3,5 tỷ đồng của OceanBank bị "bỏ quên" tại PVTrans
Thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin cơ quan Công an phát hiện Tổng CTCP vận tải dầu khí (PVTrans) là một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí (PVN) nhận tiền lãi ngoài của lãnh đạo ngân hàng Đại Dương nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ việc này.
Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã mời người viết đơn tố cáo đến làm việc, cung cấp thêm chứng cứ cho cơ quan chức năng.
Biên bản xác nhận khoản tiền 3.5 tỷ đồng bị "bỏ quên" tại PVTrans
Cụ thể, từ ngày 19/02/2020 đến nay Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an và PVN đã nhiều lần mời người đứng đơn tố cáo các vi phạm của ông Phạm Việt Anh - Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí đến cung cấp tài liệu. Một trong những nội dung quan trọng mà PVN và cơ quan Công an hết sức quan tâm là việc PVTrans đã lập biên bản giao nộp "vật chứng" là 3,5 tỷ đồng tiền "chăm sóc khách hàng" của ngân hàng OceanBank.
Vụ việc này được hé lộ từ việc ngày 05/11/2019 PVTrans đã lập biên bản giao nộp 3,5 tỷ đồng về tài khoản của PVN để cơ quan này chuyển số tiền trên đến tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cũng theo biên bản này thì trước đó, cơ quan CSĐT đã có văn bản gửi PVN xác định PVTrans nằm trong danh sách các doanh nghiệp đã nhận tiền "chăm sóc khách hàng" của ngân hàng OceanBank.
Nội dung biên bản do chính PVTrans lập có nội dung cụ thể như sau: "Sau khi rà soát về việc có ai bỏ quên, thất lạc khoản tiền 3,5 tỷ đồng tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9/2019, chúng tôi đã cùng họp, thảo luận và thống nhất nội dung báo cáo tập đoàn về kết quả xác minh rõ thêm nguồn gốc số tiền này như yêu cầu của công văn số 443/ĐK/VN-PC&KTr ngày 1/11/2019 của Tập đoàn kèm theo kiến nghị việc nộp số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT...
Kết quả rà soát trong giai đoạn vừa qua cho thấy số tiền 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán vào ngày 30/9/2019 không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thuộc PVTrans, cũng không phải của cá nhân, cán bộ PVTrans nào thất lạc bỏ quên tại nơi làm việc...
Liên quan đến vụ án Oceanbank, trong giai đoạn 2011-2014 rất nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn dầu khí giao dịch tiền gửi tại OceanBank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền chăm sóc khách hàng và nhiều đơn vị đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT theo quy định của pháp luật.
Đối với PVTrans, công văn số 5188/C03-P15 ngày 24/10/2019 của cơ quan CSĐT gửi PVN đã xác định cũng là đơn vị được OceanBank chi tiền chăm sóc khách hàng. Việc nhận tiền chăm sóc khách hàng của PVTrans nêu trên liên quan đến nguyên một cán bộ PVTrans mà thời gian qua cơ quan CSĐT vào PVTrans làm việc thì cán bộ đó do có vấn đề về sức khỏe nên thường vắng mặt tại văn phòng. Hiện cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc nói trên.
Tổng hợp các kết quả rà soát tại chỗ và các thông tin có liên quan nêu trên, PVTrans có cơ sở xác nhận, 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9/2019 chính là số tiền hỗ trợ khách hàng của OceanBank đối với PVTrans mà cá nhân nêu trên đã nhận nhưng vẫn để nguyên chưa sử dụng.
Đối với việc này, trong suốt thời gian trước đó, người này không báo cáo cho lãnh đạo PVTrans để đơn vị biết kịp thời báo cáo và nộp khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan CSĐT. Vì vậy, nay căn cứ theo hướng dẫn của cơ quan CSĐT, số tiền này cần được chủ động nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT...
Được biết, trước đó một số đơn vị thành viên của PVN cũng với hành vi tương tự đã bị Cơ quan CSĐT (CO3) Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã khởi tố, bắt giam do có hành vi vi phạm pháp luật, thỏa thuận, móc ngoặc với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt tiền của OceanBank.
TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh bổ nhiệm người thân vào vị trí chủ chốt?
TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh còn bị tố cáo là bổ nhiệm nhiều người thân vào quản lý các vị trí chủ chốt của PVTrans như sau: ông Phạm Tuấn Anh (em ruột) đang là phó GĐ phụ trách PVTrans Hà Nội, bà Mai Thị Hoài Hương (em vợ củaTGĐ PVTrans Phạm Việt Anh) đang giữ chức Giám đốc PVTrans OFS...
PVTrans là một Tổng công ty có 51% vốn nhà nước và được hưởng lợi rất lớn từ sự hỗ trợ dịch vụ , hỗ trợ giá cước từ Tập đoàn Dầu khí Việt nam, từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn ( như Tổng Cty : PVEP, BRS, PVOIL, PVGAS...
Tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề xảy ra tại PVTrans, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Sỹ Thanh- chủ tịch HĐTV PVN nhưng chưa nhận được sự phản hồi.
QUỲNH TRANG
Ông Đinh La Thăng và điểm trùng hợp trong 2 vụ án khi ưu ái cho PVC So sánh nội dung trong kết luận điều tra vụ Ethanol Phú Thọ thấy hành vi của bị can Đinh La Thăng có điểm trùng hợp trong một vụ án được xét xử trước đó. Ông Đinh La Thăng trong vụ án xử năm 2018 (ảnh TTXVN). Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra...