Quế Thuận (Quảng Nam): Đột phá đầu tư hạ tầng để xây dựng NTM
Dù là xã còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng một cách trọng điểm. Nhờ đó đã giúp cho địa phương này ngày càng phát triển đi lên, góp phần tạo diện mạo mới ở khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) một cách hiệu quả.
Nhiều công trình, dự án được đầu tư
Trao đổi với NTNN, ông Phan Duy Thanh – Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết, là xã có điểm xuất phát thấp và khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, qua khảo sát đánh giá thì Quế Thuận mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, qua công tác vận động tuyên truyền, bà con nhân dân trong xã không những tích cực tham gia đóng góp ngày công, mà còn đóng góp về vật chất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình thiết yếu…
Cơ sở hạ tầng xã Quế Thuận được xây dựng đồng bộ đã đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ và nhân dân.
“Là xã còn khó khăn về cơ sở hạ tầng nên khi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quế Thuận xác định xây dựng hạ tầng thiết yêu là mục tiêu quan trọng để làm động lực cho phát triển KT-XH và xây dựng NTM. Chính vì vậy, trong những năm qua, Quế Thuận đã dành hàng tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, các tuyến đường giao thông, cơ sở vật chất, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây mới và nâng cấp khang trang.” – Ông Thanh chia sẻ.
Đến nay, Quế Thuận đã xây dựng được hơn 10 km đường trục xã, liên xã; bê tông hóa gần 5km đường ngõ, xóm; 2,84km kênh mương nội đồng, xây mới 2 trạm bơm ở thôn Phước Thượng và Phú Dương… Hàng loạt tuyến đường liên xã, 4 tuyến ĐH, ĐT cũng được UBND huyện, tỉnh đầu tư góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất một cách hiệu quả.
Giao thông được đầu tư đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất một cách hiệu quả.
Theo ông Thanh, ngoài các dự án về đường giao thông nông thôn, trường học, các công trình hạ tầng thiết yếu khác đã được đầu tư. Trong đó, điểm nhấn là công trình trụ sở làm việc của UBND xã vừa được khởi công xây dựng đã tạo thêm không khí sôi nổi cho cán bộ và nhân dân trong xã.
Đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân
“Trụ sở UBND cũ trước đây đã được xây dựng hơn 20 năm, hạng mục công trình cấp 4, phòng ốc thì ít và đã xuống cấp. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân và cán bộ hưu trí cũng như lãnh đạo xã kiến nghị các cấp đầu tư xây dựng trụ sở mới, nhưng đến tháng 8.2018 UBND huyện mới thống nhất chủ trương xây dựng dự án và giao cho UBND xã làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ, trong đó UBND huyện hỗ trợ vốn đối ứng 3,6 tỷ, nguồn còn lại xã tự lo từ nguồn khai thác quỹ đất và các nguồn khác…” – Ông Thanh chia sẻ.
Video đang HOT
Dự án trụ sở UBND xã có tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ, trong đó UBND huyện hỗ trợ vốn đối ứng 3,6 tỷ, nguồn còn lại xã tự lo từ nguồn khai thác quỹ đất và các nguồn khác…
Ông Thanh cho biết thêm, sau khi có sự thống nhất về chủ trương, địa phương đã lập phương án, dự toán và thiết kế dự án trình các cấp thẩm định, phê duyệt và tổ chức đấu thầu theo quy định. Quá trình triển khai thi công, UBND xã đã thành lập Ban giám soát cộng đồng (6 người), thuê đơn vị kiểm toán, giám soát độc lập cho dự án..
“Theo hồ sơ thiết kế, dự án được khởi công vào cuối tháng 4.2019 và hoàn thành vào tháng 12.2019. Đơn vị trúng gói thầu xây lắp là liên doanh Công ty TNHH một thành viên Quảng Phú và Công ty TNHH Phú Hương, với tổng vốn 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng đơn vị thi công đã nỗ lực thi công và chỉ sau hơn 3 tháng thực hiện khối lượng công việc đã đạt hơn 80%. Hiện nay đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục còn lại và dự kiến bàn giao dự án vào đầu tháng 10.2019 tới…” – Ông Thanh thông tin.
Đánh giá về tiến độ cũng như chất lượng các hạng mục của dự án, đại diện chủ đầu tư cho hay, quá trình triển khai thi công, Ban giám soát cộng đồng, đơn vị tư vấn và giám soát đã kiểm tra từng hạng mục rất kỹ lưỡng, đơn vị thi công triển khai ngày đêm nên tiến độ thực hiện khá nhanh, nhưng chất lượng luôn đảm bảo…
“Từ nguồn kinh phí nông thôn mới và huy động các nguồn vốn khác đã được UBND xã Quế Thuận tập trung đầu tư các công trình, dự án. Nhờ đó, bộ mặt mới cho địa phương ngày càng thay đổi và đáp ứng được nhu cầu phát triển và nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, sắp tới trụ sở mới UBND xã được đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm nhiều động lực mới để Quế Thuận phát triển đi lên…” – Ông Thanh phấn khởi nói.
Theo Danviet
10 năm, nông thôn Việt Nam đã thay đổi ra sao?
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vượt xa những nghi ngại ban đầu, nông thôn Việt Nam đã có những đổi thay mạnh mẽ cả về chất và lượng, nhiều nơi đã thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
50,01% xã về đích nông thôn mới
Phát biểu tại Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Nam Định tổ chức tại Nam Định ngày 17/7/2019, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khi mới thực hiện chương trình cách đây 10 năm, nhiều ý kiến còn hoài nghi về sự thành công của chương trình.
Toàn cảnh hội thảo Lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
"Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân đã mang lại những đổi thay mang tính toàn diện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xóa tan những hoài nghi về những mục tiêu đặt ra ban đầu của chương trình - ông Cường nói.
Đến nay sau gần 10 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM và 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có hơn 4.900 số xã đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 50,01% số xã cả nước, về trước 1 năm so với mục tiêu đề ra của chương trình đến năm 2020.
Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, nhân thức về nông thôn mới được tăng cường, đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình đến điều kiện nhà ở. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần từ 2010 đến 2018. Kết quả giảm nghèo đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn giảm nhanh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đến nay, qua kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy khoảng 84,78% số hộ nông dân hài lòng về xây dựng NTM, có thể thấy đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với chương trình.
Điều đáng ghi nhận là, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đã mang lại những đổi thay mang tính đột phá cho ngành.
Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh; công nghiệp dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD.
Khu dân cư kiểu mẫu của xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định).
Nếu như năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến nay đã có 10 nhóm. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á và đã xuất khẩu thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng chỉ ra một số mặt hạn chế cơ bản của chương trình XDNTM như: Đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững. Tỷ lê tái nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, bình quân 5,1% số hộ thoát nghèo, thậm chí có nơi trên 50% tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
Những ngôi nhà khang trang ở huyện Nam Trực (Nam Định).
Kết quả XDNTM chưa thực sự bền vững. Khoảng các chênh lệch về kết quả xây dựng giữa các vùng, miền còn khá lớn. Vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao.
Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn; tệ nạn xã hội gia tăng, công tác đảm bảo an ninh trật tự còn nhiều hạn chế, xuất hiện nguy cơ xung đột xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường...
Nhà văn hóa xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định) được xây dựng trên sự đồng thuận của người dân.
Đảm bảo vai trò chủ thể của nông dân
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong vòng 10 -15 năm tới, quá trình chuyển đổi của nông nghiệp, nông thôn phải tránh được nguy cơ tụt hậu. Mục tiêu trong tương lai phải đảm bảo vai trò chủ thể thực sự của người dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực và cơ hội tham gia, hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước; cư dân nông thôn có thu nhập ổn định; ngành nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế;...
"Cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị đánh giá. Chủ động phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của người dân" - ông Cường nói.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh lương thực cho nhóm nghèo; phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững. XDNTM phải gắn chặt với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; XDNTM cần gắn chặt với bảo vệ môi trường.
"Trong thời gian tới, chúng tôi mong nông thôn Việt Nam sẽ phát triển hài hòa, văn minh nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, là những miền quê sáng, xanh, sạch, đẹp, thanh tao và đáng sống" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ hy vọng.
Theo Danviet
10 năm nông thôn mới, thu nhập của nông hộ đạt 130 triệu đồng Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cuộc sống của người dân nông thôn đã có những thay đổi đáng kể. Theo Bộ NNPTNT, quá trình triển khai chủ trương, chính sách trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn...