Quê nhà khấp khởi mong vợ Donald Trump thành đệ nhất phu nhân
Người dân thị trấn quê nhà ở Trung Âu của Melania Trump mong chồng bà chiến thắng, để sử dụng danh tiếng của siêu mẫu này thúc đẩy du lịch.
Ứng viên tổng thống Donald Trump và vợ Melania. Ảnh: Reuters
Tòa lâu đài từ thời trung cổ Sevnica tọa lạc trên một đỉnh đồi ở thung lũng hạ Sava, Slovenia, bao quanh là vùng quê trù phú và những vườn nho. Khung cảnh cổ tích ở quốc gia nhỏ bé Trung Âu với dân số vẻn vẹn hai triệu người này là nơi Melania Trump, người vợ của tỷ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ, đã sống thời thơ ấu, theoIBTimes.
Người dân vùng này đang theo dõi sát sao cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ, khi ông chồng tỷ phú của siêu mẫu 45 tuổi này vừa giành được thắng lợi trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ hôm 8/3. Một số hãng truyền thông Slovenia dự đoán bà sẽ trở thành “đệ nhất phu nhân tương lai” của nước Mỹ.
Với hy vọng danh tiếng của Melania sẽ giúp thị trấn quê nhà phát triển kinh tế, người dân Sevnica đang thảo luận ý tưởng xây dựng một viện bảo tàng vinh danh bà. Tuy nhiên, những phát biểu gây chia rẽ của Donald Trump về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ – Mexico lại khiến họ liên tưởng đến thực tế khó khăn tại Slovenia. Nước này đã xây dựng hàng rào biên giới để hạn chế người nhập cư trong cơn khủng hoảng di dân châu Âu.
Nếu tỷ phú Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, thì bà Melania, tên thời con gái là Melanija Knavs, sẽ trở thành đệ nhất phu nhân thứ hai sinh ra bên ngoài nước Mỹ trong gần 200 năm qua, sau vợ của tổng thống John Quincy Adam – Louisa, người sinh ở London.
Thị trấn Sevnica có dân số khoảng 5.000 người và nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất. Truyền thông địa phương và khu vực đã liên tục đăng tải thông tin về bà trong những tuần gần đây, gồm công bố tiểu sử chưa chính thức của bà bằng tiếng Anh, phim tài liệu, và những bức ảnh về thị trấn và nhà bố mẹ bà.
“Donald Trump được công nhận là một nhà kinh doanh rất thành đạt. Đối với chúng tôi, ông ấy luôn là một người mạnh mẽ và thẳng tính”, Srecko Ocvirk, thị trưởng khu tự trị Sevnica nói. “Ông ấy là một ứng viên tổng thống nổi bật với những quan điểm thẳng thắn”.
Slovenia, nước có chung đường biên giới với Italy, Áo, Hungary và Croatia, đã xây dựng một hàng rào dây thép gai với Croatia hồi năm ngoái trong nỗ lực nhằm phong tỏa tuyến đường quan trọng ở khu vực Balkan mà người tị nạn thường sử dụng để đi vào Đông Âu. Đã có hơn 500.000 người tị nạn đi qua Slovenia kể từ tháng 10 năm ngoái, 460 người nộp đơn tị nạn và chỉ 10 đơn được chấp nhận, theo Reuters.
Video đang HOT
Những cuộc biểu tình phản đối tại các trung tâm tị nạn ở quốc gia nhỏ bé này đã gia tăng trong những tuần gần đây. Thủ tướng Slovenia Miro Cerar cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể sụp đổ nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết. Hồi cuối tháng hai, chính phủ Slovenia tuyên bố chỉ 580 người tị nạn được phép nhập cảnh mỗi ngày.
Di dân thường đi theo tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp và các nước Balkan để đến Đức. Đồ họa: AFP
Ilija Tomanic Trivundza, giáo sư khoa truyền thông và thông tin liên lạc ở Đại học Ljubljana, nơi bà Melania Trump từng theo học, cho rằng những tuyên bố của ông Trump về di dân “làm liên tưởng đến cuộc khủng hoảng di dân và sự nổi lên của tư tưởng dân túy cánh hữu tại châu Âu và Slovenia”.
Người quản lý lâu đài Sevnica, Rok Petancic, cho rằng khủng hoảng tị nạn là vấn đề chính trị quốc tế chính của Slovenia. “Tôi không đồng tình với những bình luận cực đoan của ông ấy”, Petancic nói về Donald Trump và cho rằng thành công của bà Melania Trump nên được nhìn nhận tách biệt khỏi cuộc hôn nhân của bà.
Petancic mô tả Sevnica là thị trấn giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, nhưng cũng đang trải qua vấn đề giống phần đông các nước châu Âu là thanh thiếu niên chuyển tới những thành phố lớn hơn để kiếm việc làm.
Khung cảnh thị trấn Sevnica, nơi bà Melania sống thời thơ ấu. Ảnh:Sevnica Municipality
Slovenia có tỷ lệ thất nghiệp 9%, theo thống kê của Ủy ban châu Âu. Khi còn sống tại đây, bà Melania Trump đã chuyển từ thị trấn Sevnica đến thủ đô Ljubljana, nơi bà khởi nghiệp làm người mẫu. Năm 1996, bà chuyển đến Mỹ. Bà gặp ông Trump năm 1988 và họ kết hôn năm 2005.
Bà Melania đã phải đối mặt với câu hỏi liên quan đến việc bà là người nhập cư. Hồi tháng một, người dẫn chương trình “Chào buổi sáng Joe” của đài MSNBC Mika Brzezinski đã hỏi về hành trình của bà tới nước Mỹ, quan điểm của chồng bà về việc xây một bức tường cao dọc biên giới Mexico và ngăn chặn người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ.
“Tôi tuân thủ theo luật pháp. Đó là điều đương nhiên. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cư trú bất hợp pháp tại đây. Tôi tuân thủ theo đúng quy trình và được luật pháp cho phép”, bà Trump nói trong một cuộc phỏng vấn. Là một người mẫu, bà Trump nằm trong số trường hợp được cấp visa H1B đặc biệt. Visa này cho phép bà đến Mỹ làm việc dễ dàng hơn, một đặc quyền mà hầu hết những người nhập cư gốc Tây Ban Nha ông Trump thường nhắc tới không được hưởng.
Ocvirk nói ông thấy tự hào mỗi khi bà Melania Trump nhắc tới Slovenia. Gia đình tỷ phú Trump đã tặng một xe cứu thương và trang thiết bị y tế cho bệnh viện nhi ở Sevnica cách đây vài năm, nhưng Ocvirk nói họ chưa đến thăm thị trấn suốt thời gian qua.
“Từ Sevnica, chúng tôi thấy rất tự hào khi một quý bà sinh ra ở thị trấn này giờ tham gia định hình chính sách cho một trong những những quốc gia quyền lực nhất thế giới”, Ocvrik nói.
Tuy nhiên, các cuộc tranh luận trên truyền thông ở Slovenia những tuần gần đây tập trung vào việc liệu bà Melania có đóng vai trò đủ lớn trong chiến dịch tranh cử của chồng bà hay liệu bà có tự hào với xuất thân Slovenia hay không, Trivundza nói. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Melania cho biết bà nói được tiếng Anh, Italy, Pháp và tiếng Đức, nhưng lại không nhắc đến tiếng Slovenia.
Tuy ông Trump có những tuyên bố gây tranh cãi, các cư dân Sevnica đang hy vọng hình ảnh bà có thể thúc đẩy du lịch. Petancic cho biết nếu được đi bỏ phiếu, ông sẽ không bầu cho Donald Trump hay ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, bởi theo ông, không ai chứng tỏ được là một lãnh đạo mạnh mẽ và tích cực mà nước Mỹ cần. Nhưng chính ông là người đề xuất xây một bảo tàng vinh danh bà Trump, một ý tưởng được hội đồng thành phố ủng hộ.
“Chúng ta phải xây dựng một cái gì đó ở đây để thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, nhưng phải có nội dung tích cực, không phải là câu chuyện liên quan đến chính trị mà là về bà Melania và cuộc đời cùng thành công của bà với tư cách người mẫu, chứ không phải vợ của một chính trị gia. Hy vọng điều này sẽ thúc đẩy kinh tế và thu hút khách du lịch. Đó là mong ước của tôi”, Petancic nói. “Về mặt này, tôi mong ông Trump sẽ giành chiến thắng”.
Duy Sơn
Theo VNE
Tổng thống Obama: Đừng lôi Donald Trump ra mà đổ lỗi cho tôi!
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng chính đảng Cộng hòa đã dung dưỡng cho Donald Trump tiến lên, còn đem chuyện này ra mà đổ lỗi cho ông là "hoang đường".
Tổng thống Obama bảo rằng đem chuyện ứng viên tổng thống Trump ra mà đổ lỗi cho ông là "hoang đường"- Ảnh: Reuters
Phát biểu hôm 10.3, ông Obama nói ông chẳng liên quan gì đến sự "lớn mạnh" của ứng viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, tỉ phú Trump: "Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho tôi đủ thứ chuyện, nhưng đổ lỗi về điều họ đã chọn ai đại diện cho đảng của họ là hoang đường".
Nhân cơ hội có phóng viên hỏi có phải ông đã làm cho chính trường Mỹ chia rẽ hay không, Tổng thống Obama nói đảng Cộng hòa cùng với báo chí cánh hữu đã cố tình dựng nên một quan niệm rằng hễ cái gì ông làm là cần phải chống lại, "rằng hợp tác hay thỏa hiệp là phản bội".
Ông Obama nói tiếp: "Điều các anh đang thấy trong đảng Cộng hòa là lúc nào cũng cố hết sức để tạo ra một môi trường thích hợp cho những người như Donald Trump tồn tại".
Được biết ông Trump hôm 8.3 lại vừa thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở 3 bang nữa, củng cố mạnh mẽ thêm cho vị trí số 1 của ông trong cuộc đua trở thành ứng viên duy nhất của Cộng hòa để tranh cử tổng thống Mỹ. Hiện nhiều lãnh đạo của đảng Cộng hòa đang tìm mọi cách để chặn đường Trump, sợ rằng một ứng viên "phi truyền thống", chuyên gây sốc, đi ngược lại các chính sách chung của nước Mỹ như Trump sẽ dễ dàng bị ứng viên Dân chủ hạ gục. Nhưng nhiều nhà phân tích chính trị nhận định rằng đã quá muộn để đảng Cộng hòa trở tay.
Cho đến nay, chưa ai có thể chặn đà tiến của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Sau chiến thắng hôm 8.3 qua, ông Trump kêu gọi các lãnh đạo Cộng hòa đoàn kết lại mà ủng hộ ông: "Thay vì chống đối, họ nên chấp nhận".
Quay lại với Tổng thống Obama, ông phát biểu rằng dẫu ứng viên Trump liên tục bị chỉ trích vì các phát biểu "khiêu khích", thật ra chính sách của ông ta về các vấn đề như nhập cư cũng chẳng khác gì các ứng viên Cộng hòa khác như ông Ted Cruz hay Marco Rubio.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Thắng liên tiếp ba bang, Donald Trump vượt qua rào công kích Chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại ba trên 4 bang hôm 8/3, ứng viên Donald Trump đã thực sự bứt phá và cho thấy sự bất lực của lãnh đạo đảng Cộng hòa trong việc cản đường ông. Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tranh luận của đảng Cộng hòa ngày 10/3. Ảnh: Reuters Với việc...