Quế Long vững thời chiến, mạnh thời bình
Thời chiến, người dân Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) anh dũng giữ từng tấc đất của làng. Trong mưa bom bão đạn, cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn, song nhờ làn gió nông thôn mới, Quế Long đã có sự đổi thay diệu kỳ.
Đầu tư mạnh hạ tầng nông thôn
Những ngày này, về Quế Long chúng tôi được tận mắt ngắm những con đường được trải bê tông phẳng lỳ, chạy tuốt từ nhà ra cánh đồng. Người nông dân không còn phải lo cảnh đường sá lầy lội, sản xuất mất mùa như trước đây nữa.
Nhiều công trình trường học, trạm y tế ở xã Quế Long được đầu tư xây dựng mới khang trang. Ảnh: Đ.N
Ông Đỗ Đình Hùng – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để có được bộ mặt như ngày hôm nay, giai đoạn 2011-2015, địa phương đã đầu tư trên 55 tỷ đồng cho hạ tầng. “Là xã nghèo nên việc quan tâm đầu tư hạ tầng luôn được chính quyền xã và người dân quan tâm. Nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của cấp trên, xã đã bê tông hóa gần 29km đường giao thông các loại, đạt tỷ lệ gần 78%. Trong đó, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 6/6km, đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn được cứng hóa, bê tông hóa 22,74km, đạt tỷ lệ 84,22%…” – ông Hùng chia sẻ.
“Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, Quế Long đã hỗ trợ cho người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất và chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, ngoài làm lúa, trồng keo, trên địa bàn xã có hàng chục mô hình kinh tế gia trại, trang trại chăn nuôi gà tre, heo, chăn nuôi bò lai Sind cho thu nhập cao”. Ông Hồ Anh Trung
Cảm nhận được sự đổi thay của làng quê nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bà Nguyễn Thị Tài – Trưởng thôn Trung Thượng cho hay, lúc trước, hầu hết đường sá của thôn là đường đất, vào mùa mưa nhân dân đi lại rất cực khổ, việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Từ năm 2011 đến nay, địa phương phát động thực hiện chương trình xây dựng NTM và được người dân tham gia rất nhiệt tình. Nhiều hộ sẵn sàng hiến đất, tham gia ngày công để làm đường. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tuyến đường trong thôn đã được trải bê tông phẳng lỳ, nhà cửa hai bên đường cũng được bà con đầu tư sửa sang, xây mới sạch đẹp, khang trang…
Video đang HOT
Quyết tâm về đích trong năm nay
Trò chuyện với phóng viên, ông Hồ Anh Trung – Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết, trước đây Quế Long là xã nghèo nhất nhì huyện Quế Sơn, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quế Long đã có những thay đổi ngoạn mục.
“Thành quả lớn nhất Quế Long gặt hái được trong xây dựng NTM chính là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM. Đặc biệt, những năm gần đây đời sống của nhân dân đã được nâng lên đáng kể, từ chỗ thu nhập hơn 13,5 triệu đồng người/năm, nay đã đạt gần 26,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31% (không kể 122 hộ chính sách)…” – ông Trung phấn khởi nói.
Được biết, từ năm 2011 đến nay Quế Long đã đầu tư xây dựng 18 công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM. Qua điều tra đánh giá, Quế Long đã hoàn thành 17/18 tiêu chí NTM (trong đó, do xã nằm gần chợ Đông Phú nên không cần đầu tư chợ). Xã chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là hệ thống chính trị, hiện đang chờ kết quả đánh giá của huyện. Nếu đạt được tiêu chí trên, Quế Long sẽ cơ bản đạt chuẩn NTM trong năm 2016.
Theo Danviet
Tam Đảo "chạy nước rút" về đích
Huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hiện mới có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), song 4 xã còn lại đều đạt từ 12 - 16 tiêu chí và đang "chạy nước rút" để về đích vào cuối năm nay. Như vậy, Tam Đảo sẽ trở thành huyện thứ hai của Vĩnh Phúc về đích NTM sau huyện Yên Lạc.
Xây dựng NTM gắn với du lịch, dịch vụ
Những ngày này, đến Tam Đảo, đi đâu cũng thấy người dân nói chuyện về xây dựng NTM. Từ làng trên, xóm dưới, nhà nhà thi nhau dọn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, khơi thông cống rãnh, tham gia góp công làm kênh mương, bê tông đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa... Không khí xây dựng NTM tại đây sôi động, khẩn trương như một đại công trường.
Đường giao thông nối từ TP.Vĩnh Yên về khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên đã được đầu tư
khang trang, rộng rãi. Ảnh: Việt Tùng
Ông Lưu Đức Long - Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, thế mạnh của huyện là phát triển du lịch và nông nghiệp hữu cơ, sạch với 2 khu du lịch nổi tiếng là Tam Đảo và Tây Thiên. Trong những năm gần đây, 2 khu lịch này đã được đầu tư rất bài bản, trong đó Tây Thiên đã được xếp hạng Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan mỗi năm.
Tuy nhiên, theo ông Long, việc phát triển mạnh du lịch, dịch vụ đã kéo theo vấn đề ô nhiễm rác thải. Đây là một trong những khó khăn mà lãnh đạo huyện đang rất đau đầu để tìm ra giải pháp. Một vấn đề nữa là làm sao để quản lý tốt chất lượng sản phẩm du lịch và chấm dứt nạn chèo kéo, chặt chém khách tham quan.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo Phòng TNMT huyện xây dựng kế hoạch, lên phương án xử lý các "điểm đen" ô nhiễm rác thải, xây thêm điểm tập kết rác; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời thành lập các tổ, đội thu gom rác ở các thôn. Theo đó, ít nhất mỗi thôn có từ 1-2 tổ, đội thu gom rác, trung bình mỗi tuần thu 1-2 lần. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng được siết chặt, nhờ đó tình trạng ô nhiễm môi trường đã được khống chế, hiện các xã đã cơ bản đạt tiêu chí này.
Bên cạnh đó, để xử lý một số bất cập tồn tại trong việc phát triển du lịch, dịch vụ, ông Ngô Hữu Mai - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Đảo cho biết, chủ trương của huyện là làm sao phát triển hài hòa giữa du lịch, dịch vụ và xây dựng NTM.
"Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo du lịch hè, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Tam Đảo đến với nhân dân cả nước; quản lý chặt dịch vụ du lịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các đơn vị kinh doanh; tăng cường công tác an ninh trật tự và an toàn giao thông, đặc biệt là đối với dịch vụ xe ôm, bán hàng rong để tránh tình trạng chèo kéo khách, đảm bảo các hoạt động kinh doanh lành mạnh" - ông Mai cho hay.
"Chạy nước rút" về đích
Trường Mầm non Hợp Châu đạt chuẩn Quốc gia năm 2015. Ảnh: Việt Tùng
Sau 5 năm xây dựng NTM, diện mạo NTM huyện Tam Đảo đã có nhiều đổi thay, trong đó 4 xã (Bồ Lý, Hồ Sơn, Hợp Châu và Minh Quang) đã đạt chuẩn NTM.
Toàn huyện đã cứng hóa được gần 300km đường giao thông nông thôn; 17/40 trường đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp học. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng đi vào chiều sâu.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch, an toàn được đẩy mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 6%; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, 4 xã là Tam Quan, Đại Đình, Đạo Trù và Yên Dương cũng đã cơ bản đạt từ 12 - 16 tiêu chí, dự kiến cuối năm nay sẽ về đích.
Theo ông Long, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân. "Theo kế hoạch, chỉ còn 5 tháng nữa, 4 xã còn lại sẽ về đích NTM. Hiện tại có xã còn tới 7 tiêu chí chưa đạt như xã Tam Quan, nhiệm vụ rất nặng nề. Song tôi hy vọng với sự chung tay của cả lãnh đạo và người dân, nhiệm vụ này sẽ sớm đạt được" - ông Long nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Quang Đạt - Chủ tịch UBND xã Tam Quan cho biết, là một trong các xã nghèo của huyện nên Tam Quan có xuất phát điểm rất thấp. Hiện xã còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm chợ, giao thông nông thôn, y tế, môi trường, văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa và giáo dục. "Quả thực chúng tôi đang gặp khó ở những tiêu chí cần nhiều kinh phí. Chúng tôi đang cố gắng vận động nội lực, phát huy sự đóng góp của người dân, song bên cạnh đó, xã cũng rất cần sự hỗ trợ của huyện trong việc thực hiện các tiêu chí "cứng", cần nhiều tiền. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đấu giá đất, với giá trị ước đạt khoảng vài chục tỷ đồng. Có nguồn vốn này, tôi tin xã sẽ về đích đúng hẹn" - ông Đạt chia sẻ.
Ông Đào Xuân Định - Chủ tịch UBND xã Hợp Châu, xã đã về đích từ năm 2014 chia sẻ kinh nghiệm: "Thấu hiểu được mục đích của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên sau khi về đích, chúng tôi vẫn đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cụ thể, tiêu chí y tế đã tăng từ 73% năm 2014 lên 98% (năm 2015); thu nhập tăng từ 23 triệu đồng/người/năm, lên 25 triệu đồng/người/năm (2015). Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù áp dụng theo tiêu chí mới, nhưng xã vẫn giảm từ 3,53% xuống còn 3,3%. Ngoài ra, năm 2015 xã có thêm Trường Mầm non Hợp Châu đạt chuẩn quốc gia và xây thêm 1 nhà văn hóa cho thôn Đồi Thông".
Theo Danviet
Tạo tiền đề thuận lợi cho nông thôn mới Dự án Di dân Tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La không chỉ hoàn thành vượt mức tiến độ trước thời hạn 3 năm mà còn góp phần tích cực, tạo những tiền đề thuận lợi cho quá trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian qua. Cửa nhà vững chãi, hạ tầng đầy đủ Dự án di...