Quê con, mùa bão nổi…
Con vẫn luôn tự hào vì được mang trong mình dòng máu của con người miền Trung. Mảnh đất quanh năm lam lũ với những bộn bề lo toan, khốn khó… hết chống chọi với nắng gắt hanh khô, rồi lại gồng mình lên đương đầu với thiên tai bão lũ…
Những ngày này trời đang vào mùa mưa, bão lũ dồn dập kéo về mảnh đất nơi con sinh ra như muốn thử thách cái tính bền bỉ, vững chãi; như muốn thử lòng cái nết chịu thương chịu khó của những con người ở nơi đây…
Quê con ơi…
Con vẫn nhớ như in những cánh đồng lúa trổ bông ngập chìm trong vùng nước trắng. Bao công sức, bao giọt mồ hôi chát mặn nước mắt, người dân nghèo quê con đem thổi vào những hạt thóc trổ cây, những cánh đồng hoa màu chỉ chờ đến mùa gặt… Giờ đây, nhìn bát cơm của mình đang xuôi theo con nước mùa bão nổi, quê con ngậm đắng vào lòng, biết trách ai đây…
Nhìn cơn mưa xối xả, mưa trắng trời, trắng đất ngoài kia… mỗi đợt mưa rơi là mỗi lần quê con phải oằn mình lên để tránh lũ. Gió gào thét từng cơn, đập vào từng thanh cửa gỗ; hàng cây đổ xào xạt, nghiêng ngả theo từng đợt gió nổi; đêm hun hút bão về như muốn nuốt lấy cả quê con…
Video đang HOT
Rồi hình ảnh những con sông dữ tợn lên vì nước vẫn ám ảnh con khi cơn bão đi qua. Còn đâu con sông yên bình vắt ngang lũy tre buổi trước. Nước chảy ồ ạt, dồn dập, cuốn hết tất cả mọi thứ trôi theo dòng lũ. Tiếng trẻ con khóc thét, tiếng người lớn buồn rầu nhìn ngôi nhà mình tan hoang theo từng bước bão…
Từ ánh đèn dầu leo lắt trong những căn nhà tạm bợ trông ra, chỉ thấy quê con mênh mông một biển nước. Mỗi năm, bao lần bão quét, khúc ruột miền Trung lại thương tổn, đau đớn thêm bấy nhiều lần…
Có đứa trẻ mắt buồn nói mất cha… Có người mẹ già khóc gào tên con trong mắt bão… Có đôi vợ chồng nhìn đàn con nheo nhóc, đưa mắt nhìn ngôi nhà mất mái đã cuốn theo dòng lũ trôi…
Con ước một lần ông trời thương lấy mảnh đất miền Trung… Đừng để nắng cháy khét da, đừng để lũ về quê con lại đói…
Đêm nay, bão lại về…
Đứng ở một thành phố khác trông ngóng về quê hương mùa bão, chỉ mong trời nhẹ bớt mưa, gió bớt mạnh, đường bớt ngập, sông bớt đầy cho quê con được bình yên. Chỉ mong người quê con mạnh mẽ, để qua bão lũ, con vẫn được thấy những nụ cười sáng, lấp lánh sau những nếp da nhăn…
Con thương lắm, quê con ơi!
Theo Gocyeuthuong
Ta chợt bỏ quên...
Cuộc sống cuốn con người đi theo dòng đời hối hả, đôi khi, ta đánh mất mình bởi những giây phút vội vàng...
Giữa đô thị ồn ào và phồn hoa, giữa nhịp sống náo nhiệt và vội vã, ta đi tìm riêng một khoảng lặng bình yên... Những con đường vào tiết trời se lạnh, rùng mình trong hơi sương mỏng mảnh. Hàng cây già nua trút lá, cố nép mình trong vạt nắng cuối mùa nhàn nhạt, giăng giữa lòng phố buồn tênh. Mùa đông đã đến từ lúc nào.
Đâu đó, nơi góc phố, người phụ nữ bán hàng rong nép mình vào ngôi nhà cao tầng tránh gió rét và hơi sương lạnh buốt. Đôi mắt nhắm hờ, khe khẽ bên vành nón úp ngược đặt trên thúng cam bán dở, trên khuôn mặt vẫn còn nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, một giấc ngủ trưa vội vã giữa dòng người tấp nập... lặng yên!
Ở một con hẻm nhỏ, bóng dáng người thợ sửa xe đạp trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt mỗi người qua đây. Chỉ có một thùng đồ nghề nho nhỏ, không biết bác đã ngồi nơi đây, dưới gốc sấu già này bao nhiêu năm. Dáng người thô kệch, chiếc lưng hơi gù, bàn tay đen nhẻm lấm lem vết dầu, người thợ sửa xe đạp giản dị ấy chăm chỉ hàng ngày, cần mẫn với công việc của mình dù nắng mưa hay giá rét. Trên khuôn mặt gầy guộc in hằn những vết nhăn của thời gian, nguyên vẹn nụ cười và ánh mắt thật hiền lành, dễ mến.
Một cuốn sách nào đó từng viết: "Khi ra đường, nếu nhìn thấy một người công nhân, trên áo, trên tay, trên mặt lấm lem những vết bụi bặm, vôi vữa, sơn dầu... bạn đừng nghĩ đó là vết bẩn mà hãy nghĩ đó là dấu vết của lao động, của sự chăm chỉ và cần cù, những dấu vết ấy bao giờ cũng đáng được tôn trọng.". Chúng ta từng nhìn rất nhiều "dấu vết" từ khi thơ bé của những người thân xung quanh mình nhưng vô tình ta lãng quên và đôi lúc vẫn thốt lên những lời nói khó chịu, kèm theo cái nhăn mặt tức giận khi lỡ rây một vết bẩn nào đó trên áo. Có khi nào ta chợt nhận ra, ta từng quên...
Ừ thì... đôi lúc, ta chợt bỏ quên ánh nhìn sau nếp nhăn in hằn dấu vết tuổi già của ông lão bán than đầu ngõ, ánh mắt khắc khổ như cầu ơn của cụ bà bán hàng rong ven đường, cái nhìn đăm chiêu của đứa bé đánh giày trong công viên buổi sáng sớm, lời mời chào của cô hàng quà vẫn đi qua nhà mỗi chiều... Ta bỏ quên những thứ ấy, đến với những thứ sạch sẽ, bóng loáng và giả tạo.
Đôi khi, ta nhìn cuộc sống của những con người ấy tầm thường, vô vị như bao công việc lao động chân tay khác nhưng đôi lúc, ta trở mình và bất giác nhận ra có một góc bình yên trên những khuôn mặt ấy. Đó là nụ cười hồn nhiên, không vương vấn chút ưu tư, phiền muộn. Ánh mắt ấy chân thật ấm áp và đôi lúc ta tự hỏi mình:"Đã khi nào ta bình yên như thế? Sống và tồn tại?". Đã bao giờ ta hỏi: "Liệu ta sống hay chỉ là đang tồn tại?".
Theo Gocyeuthuong
Tủi hổ khi nghe mẹ chồng liên tục đay nghiến "ăn cơm trước kẻng" Tôi biết bố mẹ nào cũng yêu thương con cái. Nhưng nếu giờ tôi ép mẹ chồng thì sau này tôi còn khốn khổ hơn. Bởi vậy tôi chấp nhận sinh con xong mới cưới. Tôi và anh đã có một tình yêu nồng nàn, hạnh phúc. Cả hai đứa đầu xác định sống bên nhau trọn đời nên chuyện vượt rào cũng...