Quê chồng…
Buổi chiều ở quê chồng tôi người ta thường ra ngồi trước nhà hóng mát, chuyện trò với nhau. Tôi, con gái thành phố, từ nhỏ đến lớn ra vô trong một ngôi nhà, trước đụng đường phố, sau đụng tường, nên lần đầu tiên tôi về thăm quê chồng thấy cái gì cũng lạ, cũng hay!
Quê chồng tôi là một làng nhỏ thuộc một tỉnh ven biển miền Trung đầy gió Lào và nắng. Thức ăn quanh năm chỉ có cá và mắm (tự muối). Ở vùng đất chỉ toàn cát và cát này, đặc biệt chỉ có khoai mì là được trồng nhiều và phát triển tốt. Khoai mì quê chồng tôi củ nào củ nấy to và rất ngon. Quê nghèo, nhà cũng không khá giả, mẹ chồng tôi tận dụng, canh tác trồng đủ thứ rau trong vườn để giảm thiểu số tiền phải đi chợ hàng ngày.
Hôm đó chúng tôi về muộn, nhà không có thức ăn gì. Để nấu một nồi canh, mẹ chồng tôi ra vườn quơ một nhoáng đủ thứ loại rau canh, tôi thấy bà múc một muổng mắm cái (mắm nêm) bỏ vào nồi và nấu với rau. Hồi đó, tôi không ăn được món canh này, nhưng cả gia đình chồng ai nấy đều khen ngon, nhất là chồng tôi, anh luôn miệng kêu: “Đã thèm quá!”. Sau này, đi nhiều nơi, tôi thấy món lẩu mắm ở trong các nhà hàng bây giờ dường như là “khúc biến tướng” của món canh rau với mắm cái của mẹ chồng tôi. Khi được bày biện trên bàn, với các thứ thịt, cá và những dĩa rau mùng tơi, rau cải ngộn lên, món lẩu mắm trông nó sang hơn món ăn quê mùa mà thôi!
Sau này quen dần, tôi đi đi, về về thăm quê chồng mỗi năm vào dịp tết hay hè.
(ảnh minh họa)
Buổi chiều ở quê chồng tôi người ta thường ra ngồi trước nhà hóng mát, chuyện trò với nhau. Tôi nhớ cũng lần đầu tiên ấy, có một gánh hàng rong đi qua và và dừng lại trước ngõ. Có mấy cô gái xúm đến, chuyện trò rôm rả, ăn quà. Tò mò tôi hỏi cô em chồng người ta bán món gì? Cô em chồng kéo tôi ra, giới thiệu món “đặc sản” chỉ có ở đây mới có: bột lọc. Mà đúng là đặc sản thật, lần đầu tiên tôi thấy một món bột lọc độc đáo như vậy. Bột mì tinh được làm từ khoai mì “đặc sản”, khuấy lên, trắng trong, múc ra thành từng chén bằng cỡ chén cơm được sắp sẵn trên sàng. Chị bán hàng lấy từng chén, chan mắm nêm vào rồi đưa cho khách. Thú thật hồi ấy, tôi không tài nào ăn được, nhưng nhìn quanh thấy ai cũng xắn từng miếng ăn ngon lành.
Sau này quen dần, tôi đi đi, về về thăm quê chồng mỗi năm vào dịp tết hay hè. Gần hai mươi năm là con dâu quê nghèo miền Trung nắng gió, mỗi lần về, tôi lại thèm ăn món bột lọc chan mắm nêm đặc sản, hay món canh rau nấu với mắm cái của mẹ chồng tôi. Mắm nêm bà tự tay muối, con nào con nấy chín đỏ au mà không hề bỏ chút màu nào, mắm còn nguyên con cá làm cho nồi canh rất ngọt nước. Mắm nêm ăn với bột lọc thì pha chế công phu lắm, tỏi, ớt giã nhuyễn, đường, chanh pha vào nước mắm nêm nguyên chất, chắt lấy từ trong vại sành rất sạch sẽ, không sợ đau bụng.
Cha mẹ chồng tôi giờ đã khuất núi, các em chồng tôi lần lượt bỏ quê về phố, ngôi nhà nhỏ ngày ấy đã sang tay người chủ khác, tôi chẳng còn nơi để về mỗi dịp tết hay hè nữa. Và tôi cũng chẳng tài nào có thể tự tay mình muối được một hủ mắm nêm như mẹ chồng tôi ngày xưa. Mỗi lần nhớ đến mẹ, chồng tôi lại thèm món ăn nhà nghèo hồi đó: canh rau nấu với mắm cái.
Đối với riêng tôi, trong ký ức không bao giờ quên dáng mẹ chồng gầy guộc, đứng đón vợ chồng tôi cùng các cháu từ ngoài ngõ, rồi thoắt cái thấy bà trên nhà, liền đó thấy bà xuống bếp, bước nhanh ra vườn, tay quơ vội một rổ rau canh, lúi húi trong gian bếp nhỏ múc một thìa mắm cái bỏ vào nồi canh. Khói bếp buổi chiều bay lên quyện trong gió phảng phất một mùi nồng nồng, cay cay!
Theo Eva