Quây Sơn – dòng sông ân tình
Sinh ra và lớn lên ở miền biên viễn huyện Trùng Khánh, vùng đất non nước hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh, nơi có thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky, hồ Bản Viết… nhưng trong tôi, Quây Sơn là dòng sông gần gũi, thân thương, gắn bó nhất với biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Dòng sông Quây Sơn chảy qua xã Ngọc Côn (Trùng Khánh). Ảnh: Thế Vĩnh
Quây Sơn là con sông chảy bao quanh những dãy núi đá vôi hùng vĩ của huyện Trùng Khánh, có lẽ vì vậy mà người ta gọi tên sông là Quây Sơn. Quây Sơn mùa nào cũng đẹp, đẹp ở dòng chảy uốn lượn hiền hòa với màu xanh ngọc bích, đẹp ở cả dòng chảy dữ dội khi mạnh mẽ vượt qua những con thác ghềnh tạo thành những mini thác: Phia Siểm, Cò Là, Thoong Gót… Mùa lũ về, sông chở nguồn phù sa trĩu nặng tưới tắm cho những cánh đồng lúa quê tôi. Xuân, hạ, thu, đông, dòng sông đều mang nguồn nội lực bền bỉ giống như bản tính của con người nơi đây, hiền hậu, rắn rỏi, phóng khoáng. Con sông trở thành người bạn tâm tình gắn bó với đất và người Trùng Khánh một cách tự nhiên, bình thản đến lạ lùng.
Video đang HOT
Sông Quây Sơn chảy trên lãnh thổ Việt Nam với chiều dài gần 50 km, bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc). Sông chảy vào lãnh thổ Việt Nam lần lượt qua các xã: Ngọc Côn, Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy của huyện Trùng Khánh. Tại thôn Bản Giốc, con sông chảy qua nhiều ghềnh cao, thác dữ tạo thành dòng thác hùng vĩ nhất Việt Nam – Thác Bản Giốc. Từ đây, con sông trở thành ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và nước bạn Trung Quốc. Sông tiếp tục chảy qua xã Minh Long, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, rồi lại chảy vào trấn Thạc Long lãnh thổ Trung Quốc. Với chúng tôi, Quây Sơn là dòng sông quê hương ân tình, trở thành người mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.
Quây Sơn cũng là dòng sông cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng lúa xanh bát ngát ẩn mình dưới chân núi đá vôi của huyện Trùng Khánh. Những “cọn nước” dọc ven bờ sông đêm ngày miệt mài quay đưa nước về ruộng đồng đã góp phần mang lại cho quê tôi mùa màng bội thu, người dân no ấm. Dòng Quây Sơn chảy êm ả từ bao đời mang trong mình sức sống diệu kì, trở thành biểu tượng cho sự tươi đẹp và trù phú. Từng hạt gạo trắng mẩy, tròn đều no nước là tặng phẩm của đất mẹ thiên nhiên ban thưởng cho người dân cần cù, chăm chỉ quê tôi. Khẩu Phjẩng (Nếp Ong) là nông sản nổi tiếng hạt to tròn, dẻo thơm, là nguyên liệu làm các loại bánh, đặc biệt bánh chưng ngày Tết dâng cúng ông bà tổ tiên. Nếp Ong còn tạo ra món xôi ngũ sắc đẹp mắt khi kết hợp với các loại lá rừng được người dân làm trong dịp lễ Thanh Minh. Nếp Ong trở thành đặc sản mà người dân quê tôi vô cùng tự hào, làm nên thương hiệu mà bất cứ khách du lịch nào ghé qua cũng muốn thưởng thức và mang về làm quà.
Dòng sông Quây Sơn còn là nơi gắn bó với những sinh hoạt hằng ngày của người dân. Vào mùa đông, những thanh niên mang can, đôi thùng ra gánh nước về trữ trong các ang, bể xi măng lớn. Dưới những bụi tre ven bờ, bến sông là nơi nghỉ ngơi thư giãn sau một ngày làm đồng vất vả, bờ sông còn là nơi giặt giũ, địa điểm tâm tình, nơi người dân rằm tháng 7 tụ tập nhổ lông vịt dịp lễ Vu Lan, đãi đỗ, gạo dịp Tết cổ truyền. Con sông quê với dòng chảy bất tận đã trở thành nguồn nước thiêng của đồng bào người Tày dùng trong thời khắc đêm giao thừa dâng cúng tổ tiên cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Với lưu lượng nước lớn, lòng sông sâu, chảy qua nhiều khe núi đá, Quây Sơn ban tặng cho quê tôi nguồn thủy sản dồi dào. Nức tiếng nhất là cá Dầm – loài cá quý hiếm, trắng thơm, chắc thịt. Người xưa kể lại, dọc bờ sông Quây Sơn có nhiều cây Trầm Hương quý, rễ cây ăn sâu vào hai bên bờ, loài cá Dầm đã ăn rễ đó nên thịt có vị thơm ngon khác lạ. Từ đó cá Dầm còn có tên gọi khác là cá Trầm Hương. Cá Pác Mu (cá mõm lợn, cá Anh Vũ) cũng là loại cá ngon. Đây là loài cá sống ở vùng nước trong, chảy xiết, trong những hang đá sâu nước lạnh. Vì vậy, việc bắt được loài cá này là cả một kỳ công của người dân chài. Ở quê, người dân đánh bắt cá để cải thiện cuộc sống hằng ngày, họ mang ra chợ bán để trang trải cuộc sống. Đánh bắt cá đêm trở thành nghề tay trái mưu sinh của những người đàn ông chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Chiều chiều, các anh trai làng lại hò nhau giăng lưới. Họ trèo bè men theo những rặng tre ven sông giăng câu thả lưới. Lũ trẻ chúng tôi chăn trâu tụm năm tụm bảy reo hò cổ vũ náo nhiệt cả một khúc sông dài. Cất lưới trở về, các anh bao giờ cũng để dành phần tôm cá, chúng tôi ngồi cùng nhau nhóm lửa nướng cá tại bãi bồi ven sông. Những đứa trẻ mặt mũi lem nhem chia nhau từng phần đầu cá, đuôi tôm ngày ấy giờ đã trưởng thành. Kí ức của những buổi chiều chăn trâu, thả diều, nướng cá trở thành câu chuyện của chúng tôi mỗi dịp trở về đoàn tụ.
Không chỉ là con sông gắn bó máu thịt với người dân quê, Quây Sơn còn là dòng sông có tiềm năng phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Dòng sông bốn mùa hiền hòa chảy với sắc xanh ngọc bích nép mình dưới những chân núi đá vôi sừng sững. Có chỗ sông ẩn mình dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc sông như dải lụa mềm mại vắt ngang qua những cánh đồng lúa chín vàng Phong Nặm, Ngọc Côn, Chí Viễn… Xa xa là những bãi bồi xanh mướt với đàn trâu, đàn ngựa thong dong gặm cỏ… Tất cả tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Không chỉ mang vẻ đẹp nên thơ, Quây Sơn còn thể hiện ở vẻ đẹp mạnh mẽ khi dũng mãnh vượt qua những chặng sông gập ghềnh, hiểm trở kiến tạo nên những con thác nhỏ: Phia Siểm, Cò Là, Thoong Gót… Đặc biệt là khung cảnh hùng vĩ của thác Bản Giốc nằm trên địa phận xã Đàm Thủy. Ngày nay đến Trùng Khánh, du khách có thể lựa chọn các homestay, farmstay của người dân bản địa dọc bên bờ sông. Một số khúc sông là nơi trải nghiệm các hoạt động chèo thuyền Kayak, Ván sup của các bạn trẻ. Một số homestay còn cung cấp thêm dịch vụ cho thuê xe đạp và ca-nô trên sông phục vụ nhu cầu ngắm cảnh. Picnic cắm trại ở những bãi bồi xanh mướt cũng là một gợi ý thú vị dành cho du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên xứ sở.
Quây Sơn là dòng sông đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ của chúng tôi. Vào những đêm trăng sáng, lũ trẻ chúng tôi theo chân các cô bác cười nói rôm rả đi bắt ốc. Nước sông mát rười rượi mau chóng xua tan cái nóng oi ả của đêm hè. Câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa tôi được nghe kể vào những đêm trăng ấy là hình ảnh của cô Tấm dịu dàng mò cua xúc tép, là chú Cuội ngồi gốc cây đa, là những câu chuyện giàu bản sắc của dân tộc Tày gắn liền với con sông mang sắc màu huyền thoại, hấp dẫn chúng tôi đến kì lạ. Những căn nhà nằm lúp xúp bên bờ sông hiền hòa. Chiều chiều, tôi theo bố chèo mảng ra sông lùa vịt. Tôi thích nhất những lần theo mẹ mang trứng ra chợ xã bán. Từng quả trứng to tròn bán đi là phần tiền mẹ dành dụm mua quần áo mới cho tôi dịp tết đến xuân về. Vào những ngày hè nóng nực, bến sông là địa điểm tắm mát lí tưởng. Lũ trẻ chúng tôi cả trai lẫn gái hơn chục đứa ríu rít trốn nhà rủ nhau ra sông ngụp lặn, vẫy vùng, mải mê quẫy mình trong dòng nước trong vắt suốt những trưa hè oi nực. Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế trôi nhanh như dòng nước Quây Sơn không trở lại. Chúng tôi trưởng thành rồi lập nghiệp, mỗi đứa một phương nhưng những kỉ niệm hồn nhiên thời niên thiếu ngày đó chính là kí ức tuổi thơ tươi đẹp nhất mà chúng tôi từng cùng nhau dìu dắt đi qua.
Dòng Quây Sơn trữ tình, dòng sông tâm hồn trở thành chứng nhân lịch sử bồi dưỡng, tưới mát những kí ức cội nguồn tươi đẹp, nâng bước chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.
Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao - danh lam thắng cảnh kỳ thú
Trùng Khánh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho điều kiện khí hậu lý tưởng, phong cảnh thiên nhiên trữ tình nên thơ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia; bên cạnh cảnh quan sinh thái lưu vực sông Quây Sơn, hồ Bản Viết...
huyện còn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 63 km, là thị trường du lịch đầy tiềm năng.
|
Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) thu hút khoảng 50.000 lượt du khách/năm. |
TUYỆT TÁC THIÊN NHIÊN
Lần đầu tiên, Hoàng Thúy Hà, Phóng viên Báo Nhân dân Cuối tháng được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn vẻ đẹp nên thơ và hùng vĩ của thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (một trong những thác nước đẹp vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á) và động Ngườm Ngao (một hang động lớn, do sự phong hóa lâu đời của đá vôi đã tạo nên những nhũ đá phản chiếu lung linh trước ánh sáng...) ngỡ ngàng thốt lên: Tuyệt đẹp, một vẻ đẹp kỳ ảo. Sau chuyến đi này tôi sẽ vận động các bạn đồng nghiệp hướng về vùng biên giới thân thương này.
Thác Bản Giốc, cách thành phố Cao Bằng 89 km. Thác có độ cao 53 m, rộng 300 m, chia thành 3 tầng, với nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Nhánh bên phải dòng nước đổ thẳng xuống vực; nhánh bên trái dòng nước hạ dần thành 3 bậc nối tiếp nhau. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi, tạo thành những màn bụi nước trắng xóa như dải lụa bay ngang lưng chừng núi, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Từ xa du khách đã nghe thấy tiếng nước chảy ầm ào vang động cả một vùng rộng lớn. Giữa thác có mô đá rộng xẻ dòng thác thành 3 luồng nước như 3 dải lụa trắng. Vào những ngày hè, không khí ở đây mát mẻ; sau những cơn mưa, ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua làn hơi nước tạo thành dải cầu vồng lung linh, huyền ảo làm say đắm lòng người.
Cách thác Bản Giốc 3 km là động Ngườm Ngao, với chiều dài trên 2.000 m. Ngườm Ngao có vẻ đẹp kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những lớp thạch nhũ muôn hình kỳ thú làm cho du khác thỏa trí liên tưởng về rừng cây, con vật, ruộng tiên, giường tiên, bông sen đá..., tất cả tạo cho động một không gian huyền ảo, được thiên nhiên bài trí hài hòa đến hoàn hảo giữa đá và nước.
Với vẻ đẹp tuyệt tác được thiên nhiên ban tặng, từ năm 1997, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh Quốc gia. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, cùng với sự quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh, huyện, khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Anh Nguyễn Văn Thanh, du khách đến từ tỉnh Thái Bình cho rằng: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao là điểm du lịch lý tưởng. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, đường nội vùng du lịch chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu du khách. Nếu được đầu tư và khai thác tốt, nơi đây sẽ thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan.
KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH - DỊCH VỤ
Đồng chí Mông Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Bên cạnh tiềm năng về cảnh quan, Trùng Khánh có đường biên giới dài 63,2 km, tiếp giáp với 2 huyện Tịnh Tây, Đại Tân của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Huyện đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đến nay du lịch - dịch vụ đã có những tiến bộ đáng kể. Theo nội dung Hội đàm hợp tác phát triển du lịch đã ký kết ngày 24/9/2013 giữa huyện Trùng Khánh (Việt Nam) và huyện Tịnh Tây (Trung Quốc), 2 huyện thống nhất bước đầu cho khách du lịch từ huyện Tịnh Tây vào huyện Trùng Khánh, đi thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và ngược lại trong ngày qua Cửa khẩu Pò Peo, xã Ngọc Côn (Trùng Khánh). Nếu khai thác hiệu quả chính sách này sẽ thu hút nhiều khách du lịch.
Động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). |
Đến nay, huyện đã thực hiện hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 206. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư khu du lịch thác Bản Giốc, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Cuối năm 2012, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã khởi công Dự án Sài Gòn bản giốc Resort Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc. Tháng 6/2013, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam khởi công Dự án xây dựng chùa Phật tích Trúc Lâm, Bản Giốc, dự kiến hoàn thành trong năm 2014... Các dự án hoàn thành sẽ mở ra triển vọng cho tỉnh và huyện Trùng Khánh khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, phấn đấu đạt 50.000 lượt khách đến tham quan/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã có trên 38.800 lượt khách đến tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Phấn khởi trước đổi thay của quê hương, khi tiềm năng, thế mạnh đang được khai thác, phát huy hiệu quả, chị Phương Thị Cưu, xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy chia sẻ: Nhớ lại những năm trước đây, đường sá đi lại khó khăn, các dịch vụ ăn uống chưa có nên khách đến tham quan lác đác vài người/ngày. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đến nay hạ tầng cơ sở khu du lịch bước đầu đã mở rộng khang trang, thu hút nhiều du khách đến tham quan danh thắng. Thời gian tới, gia đình tôi tập trung nguồn lực mở rộng kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện Trùng Khánh đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp đường vào động Ngườm Ngao; đường tuần tra biên giới từ Cửa khẩu Pò Peo đến xã Đàm Thủy. Hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Tập trung phát triển khu vực du lịch - dịch vụ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiềm năng của huyện. Tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 15%, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch tập trung ở khu vực thị trấn, trung tâm cụm xã; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu du lịch vệ tinh ngoài khu vực thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. |
Động Ngườm Ngao - điểm du lịch ngày hè lý tưởng Cách thành phố Cao Bằng 89 km là Khu du lịch thác Bản Giốc - thác nước đẹp và hùng vỹ, lớn thứ tư thế giới, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Cách thác 3 km là động Ngườm Ngao với thế giới nhũ đá nhiều hình dáng, được mệnh danh là hang động đẹp nhất nước. Theo nghiên cứu của các...