Quay quắt vùng hạn miền Trung
Hàng chục ngàn hộ dân; hàng ngàn gia súc, gia cầm; hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại nhiều tỉnh miền Trung đang quay quắt trong khô hạn.
Nông dân bất lực nhìn lúa chết cháy.
Đồng khô, ruộng cạn
Chiếc chậu tắm màu đỏ dành cho trẻ em để bên cạnh phuy nước vừa được chiếc xe ba gác chở nước ở đâu đó về đổ đầy. Anh Nguyễn Minh Quang (30 tuổi), thôn Phú Tân 1, xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bế con gái 3 tuổi đứng vào trong chậu múc từng ca dội xuống. Thoáng chốc, nhanh như “dòng nước chảy”, 4 ca nước bé gái đã tắm xong. “Số nước vừa được dùng để tắm sẽ dành để giặt quần áo và tưới cây”, anh Quang nói.
Nhà anh Quang có hai giếng đào sâu 10 m và 16 m, thì cả hai đã trơ đáy. Đã gần 3 tháng nay, giếng không có mạch nước. “Nhà có 8 nhân khẩu, một xưởng nhuộm và dệt chiếu, nên lượng nước càng được “ngốn” nhiều hơn, trung bình nhà tôi mua khoảng 10 xe nước/tháng, mỗi xe 2 khối, giá 70.000 đồng/xe, vị chi tiền nước hết 700.000 đồng”, anh Quang cho biết.
Thấy nhà anh Quang có khách và cứ “săm soi” xuống đáy giếng, bà Nguyễn Thị Vân, hàng xóm tưởng có cán bộ đến đánh giá tình hình, nên vội chạy qua góp chuyện: “Chúng tôi phải đi mua nước ngọt để nấu ăn và giặt giũ từ lâu rồi. Một xe nước xài được 3-4 ngày. Đó là dùng tiết kiệm, chứ xả láng thì 1-2 ngày là lại phải mua. Nhà tôi có 6 người, nhiều hôm không dám giặt đồ, trời nóng mồ hôi rít rịt mà không dám tắm”.
Chiều nhá nhem, chúng tôi theo chân chiếc ba gác của ông Trần Đình Nam chuyên chở nước đến bán cho các hộ dân tại xã An Cư. Điểm đến lần này của ông Nam là nhà ông Lê Văn Tùng ở tận cuối làng. Hằng ngày, không kể sáng, trưa, chiều hay tối, ông Nam cùng với đội quân chở nước khoảng 15 xe luôn rong ruổi trên đường làng của huyện Tuy An khi dân cầu cứu nước. Dẫu vậy, nước không phải khi nào cũng có, phải chờ nước ngấm về giếng từ 1-2 tiếng mới bơm đầy một thùng để tiếp tế cho dân. Vì vậy mà nhiều nhà dân định lượng nhu cầu dùng nước để “đặt hàng” trước 2-3 ngày.
Trong những ngôi nhà, người không đủ nước sinh hoạt, gia cầm, gia súc thiếu nước uống, cây cối ngã màu, lúa trên đồng thiếu nước cháy khô. Đứng giữa đám ruộng đã chết cháy hoàn toàn, lão nông dân có hơn 40 năm gắn bó với ruộng đồng Hoàng Đình Tráng mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen sạm đã hằn sâu những vết nhăn, ái ngại cho biết: “Nhà tôi có 1 ha lúa thì hạn đã thiêu cháy hơn 9.000 m2. Những năm trước, hạn nhưng có nước mương về, nước giếng khoan không hụt, mùa này nước mương không về, khoan 10 giếng thì cả 10 không có mạch nước nên đành bất lực nhìn lúa chết khô”.
“Tình hình chung là mất trắng. Hạn khốc liệt đúng dịp lúa làm đòng nên hạt lép dần rồi chết khô”, ông Hải, hàng xóm của ông Tráng, chua chát nhìn cánh đồng lúa mênh mông màu cỏ cháy.
Video đang HOT
Ông Trần Quốc Sách, Chủ tịch UBND xã Tây Hòa cho biết, vụ hè thu toàn xã sản xuất 867 ha lúa, thì đã có tới 730 ha thiếu nước tưới. Không chỉ thế, xã này còn có 1.220/3.890 hộ thiếu nước sinh hoạt, chiếm gần 90% số hộ thiếu nước toàn huyện Tây Hòa.
Phía trên huyện Tây Hòa là huyện Sông Hinh và Sơn Hòa – hai huyện miền núi là vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh Phú Yên, diện tích mía đã chết khô hơn 70%. Còn trên những cánh rừng, đã có gần 3.000 ha rừng bị chết do nắng hạn kéo dài, trong đó 180 ha là rừng trồng ven biển, hơn 40 vụ cháy đã xảy ra, thiệt hại hơn 500 ha rừng trồng.
Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các địa phương miền Trung triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng, vật nuôi và cả nước phòng cháy, chữa cháy. Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trích thêm kinh phí dự phòng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15 lít nước/ngày để sinh hoạt.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo cảnh sát phòng cháy chữa cháy dùng xe chuyên dụng, xe chở nước của bộ đội, xe bồn tưới cây của các công ty môi trường đô thị chở nước cấp cho những hộ dân không còn tìm được nguồn nước để sinh hoạt. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 57 tỷ đồng chống hạn, trong đó hơn 1,3 tỷ đồng để cấp nước cho dân”.
Một tin vui, đó là Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm (huyện Tây Hòa) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai, có dung tích 34,8 triệu m3. Khi hoàn thành, công trình sẽ cấp nước tưới cho 2.000 ha lúa, 500 ha mía, 800 ha nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng, kết hợp giảm lũ cải tạo môi trường sinh thái.
Giải pháp căn cơ
Hạn hán lịch sử là cụm từ mà chính quyền và người dân trên dải đất miền Trung những ngày qua thường nhắc đến. Đa phần ý kiến các chuyên gia, chính quyền địa phương và người dân đều có chung nhận định, nguyên nhân hạn hán là do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm làm biến đổi dòng chảy và chặn dòng về hạ du…
Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, toàn vùng miền Trung đã xây dựng được 43 hệ thống công trình thủy lợi lớn nhỏ, với 2.400 hồ chứa, đập dâng, phục vụ tưới cho khoảng 1,2 triệu ha diện tích lúa, màu cả năm; cấp, tạo nguồn cho nuôi trồng thủy sản khoảng 40.000 ha; cấp, tạo nguồn cho dân sinh, công nghiệp khoảng gần 1 tỷ m3/năm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu có chiều hướng ngày càng cực đoan, nhiệt độ toàn cầu nóng lên, làm tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt đối với nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp (ngành chiếm 70 – 75% tổng nhu cầu sử dụng nước).
“Năm 2019, một số địa điểm ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiệt độ lên trên 40 độ C, kéo dài nhiều ngày, khiến dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoản 20 – 60% dung tích thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ bị cạn nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một giải pháp tổng thể phát triển thủy lợi đã được đề ra đồng bộ tại các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó tập trung hoàn thiện các hồ chứa nước; hệ thống kênh dẫn; đập ngăn mặn, chặn dòng. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các công trình thủy lợi mới nhằm đáp ứng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Cùng với đó, phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khuyến khích trồng rừng chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đề nghị các địa phương tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với tình hình thực tế. Sau vụ hè thu này, Cục Trồng trọt sẽ định hướng và đề nghị các địa phương đánh giá lại những diện tích thường xuyên ảnh hưởng bởi hạn hán, chuyển đổi sang cây ngắn ngày, chuyển đổi sang cây ăn quả, kết hợp tưới tiết kiệm.
Hà Minh
Theo Dautu
Bắc Bộ và Trung Bộ giảm nhiệt, Nam Bộ mưa lớn diện rộng
Bắc Bộ và Trung Bộ mưa rào rải rác khiến nền nhiệt trong tuần giảm nhẹ, dao động 32-35 độ C. Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn cục bộ kéo dài đến hết ngày 30/8.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tuần này, Bắc Bộ mưa dông vài nơi, ban ngày trời nắng với mức nhiệt cao nhất phổ biến 32-35 độ C. Đêm 26-27/8, nhiệt độ giảm nhẹ xuống còn 31-33 độ C do xuất hiện mưa dông rải rác. Mưa có khả năng kéo theo lốc, sét và gió giật mạnh.
Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu cần đề phòng sạt lở đất.
Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông. Mưa kèm theo dông lốc chủ yếu xuất hiện vào chiều tối và kéo dài đến hết ngày 30/8, nhiệt độ khu vực giảm xuống mức 32-35 độ C.
Mưa lớn cũng xuất hiện cục bộ tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ từ ngày 27/8 đến 30/8. Dù vậy, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa vẫn gặp tình trạng suy giảm lượng dòng chảy, thiếu hụt so với trung bình năm. Mực nước tại các hồ chứa thủy điện ở mức thấp, một số hồ xuống xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết.
Tình hình hạn hán, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh miền Trung tiếp tục diễn ra ở một số nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi, đặc biệt từ Quảng Nam đến Phú Yên. Độ mặn trung bình vùng hạ lưu các sông ở mức cao hơn trung bình năm cùng kỳ.
Bắc Bộ và Trung Bộ đón mưa rải rác vào tuần tới khiến nhiệt độ giảm nhẹ xuống mức 32-35 độ C. Ảnh: Việt Hùng.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa lớn cục bộ xuất hiện vào chiều và tối từ nay cho tới 30/8. Mưa dông có khả năng kéo theo lốc, sét và gió giật mạnh. Trong tuần, các sông ở Tây Nguyên được dự báo xuất hiện một đợt lũ.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mực nước thượng nguồn sông Mekong đang ở mức thấp hơn trung bình năm 3 đến 5 mét. Lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn 40-50% so với trung bình năm. Hiện, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều và ở mức thấp hơn trung bình năm 1-1,6 mét.
Về thời tiết biển, vùng biển phía nam (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) đang có gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, mưa rào và dông kèm theo gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng cũng dự báo một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông trong ngày 28-29/8.
Dự báo thời tiết Hà Nội trong 5 ngày 26-30/8. Ảnh: Mỹ Hà.
Theo New zng.vn
Phú Yên chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu Phú Yên đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy ... Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đặc điểm...