Quay lưng với nông sản Mỹ, Trung Quốc trông chờ vào những quốc gia nào?
Các mặt hàng Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu của Mỹ như tôm hùm, thịt lợn, lúa mì và đậu tương đều giảm mạnh, buộc các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác.
Trung Quốc dù gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung nhưng quyết tăng thuế mạnh các mặt hàng nông sản Mỹ.
Theo SCMP, đầu mùa hè năm nay, một nhóm quan chức Mỹ ở Maine đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp tôm hùm truyền thống của bang.
“Một trong những nạn nhân đầu tiên của việc Trung Quốc tăng thuế đáp trả Mỹ chính là tôm hùm đến từ Maine”, các nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Maine nói.
Nửa đầu năm 2017, Trung Quốc mua lượng tôm hùm trị giá 128,5 triệu USD của Mỹ. Con số này tăng 168% trong cùng kỳ năm 2018. Nhưng các đòn thuế đã khiến thị trường tôm hùm gần như đóng băng, sản lượng tôm hùm xuất sang Trung Quốc sau đó đã giảm 80%.
Trung Quốc không từ bỏ tôm hùm mà thay vào đó là khỏa lấp chỗ trống của tôm hùm nhập khẩu từ Canada. Sản lượng tôm hùm Canada xuất sang Trung Quốc nửa đầu năm 2019 đã bằng cả năm 2018, theo AP.
Canada trở thành thị trường tiềm năng vì tôm hùm ở đây khá tương đồng với tôm hùm đến từ Maine, Mỹ.
Video đang HOT
Sau đòn thuế mới của cả Mỹ và Trung Quốc vào ngày 1.9, tôm hùm Maine xuất sang Trung Quốc bị đánh thuế 45%, càng mở ra thị trường kinh doanh tiềm năng mới ở Canada.
Đậu tương, lúa mì và thịt lợn cũng nằm trong danh sách tăng thuế mới của Trung Quốc. Với quốc gia có 1,4 tỷ miệng ăn, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tăng cường tìm kiếm các thị trường mới.
Đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc bị đánh thuế 33%, trong khi mức thuế Trung Quốc áp đặt với các đối tác khác ở Brazil và Argentina chỉ là 3%. Điều này đồng nghĩa, Brazil đang chiếm trọn hoạt động xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc, tăng 77% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018/2019.
Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trực tiếp có mặt tại Argentina để đánh giá thị trường và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, các nông dân trồng lúa mì ở Mỹ đang dần đánh mất thị trường Trung Quốc vào tay các nông dân Canada. “Canada chiếm hơn 60% tổng sản lượng lúa mì Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài trong năm 2018/2019, tăng 32% so với cùng kỳ”.
Lúa mì của Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế đến 90% trong khi thịt lợn cũng bị đánh thuế 72%, dù vào thời điểm này Trung Quốc đang khan hiếm thịt lợn nghiêm trọng.
Trong tuần cuối tháng 8, Mỹ chỉ xuất sang Trung Quốc 6.900 tấn thịt lợn, trong khi con số này vào cùng kỳ năm 2018 là 19.484 tấn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tích cực mua thịt lợn từ các nước châu Âu hơn là Mỹ, đặc biệt là Tây Ban Nha và Đức.
Nếu như hàng hóa Mỹ bị đánh thuế mạnh ở Trung Quốc, các sản phẩm tương tự ở các quốc gia khác thậm chí còn nhập vào Trung Quốc với giá rẻ hơn nhờ ưu đãi.
Theo thống kê hồi tháng 6, Trung Quốc tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức khoảng 20%. Nhưng điều khiến nông dân Mỹ điêu đứng là việc Trung Quốc còn giảm thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác ngoài Mỹ.
Theo Danviet
Ông Trump hành động sau khi TQ giáng đòn mạnh nhất khiến nông dân Mỹ điêu đứng
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trợ giúp các nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng cả ngành nông nghiệp Mỹ đang "đứng ngồi không yên" vì những tổn thất sâu rộng.
Ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân Mỹ.
Theo SCMP, Trung Quốc hôm 6.8 tuyên bố ngừng mua mọi mặt hàng nông sản Mỹ, giáng đòn mạnh vào những người nông dân Mỹ, bởi thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức tuyên bố trên Twitter rằng ông cam kết hỗ trợ nông dân Mỹ, bên cạnh khoản tiền 28 tỷ USD mà ông Trump cấp cho nông dân Mỹ trong 2 năm qua.
"Giống như 2 năm qua, các nông dân tuyệt vời của chúng ta biết rằng Trung Quốc sẽ không thể làm hại họ vì Tổng thống luôn đứng về phía họ và làm những điều mà các tổng thống khác không làm", ông Trump viết. "Và tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong năm tới nếu cần thiết!"
Ông Trump được đa số nông dân Mỹ bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2016 và đáp lại điều này, ông Trump rất quan tâm đến những khó khăn của nông dân khi mất thị trường quan trọng là Trung Quốc.
Trong khi đó, nông dân ở Brazil, Argentina và nhiều nước khác đang được hưởng lợi khi Trung Quốc quay sang họ để mua đậu tương. Nông dân ở Brazil đang không ngừng cải tạo đất để trồng thêm đậu tương đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc.
Giới quan sát nói những ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Mỹ khi Trung Quốc ngừng toàn bộ giao dịch là rất lớn, có tác động sâu rộng trong thời gian dài.
"Trung Quốc có thể dễ dàng tìm kiếm thị trường mới thay thế và điều đó không hề tốt một chút nào với nông dân Mỹ, Juan Luciano, giám đốc điều hành công ty nông sản Archer Daniels Midland ở Mỹ nói.
Zippy Duvall, chủ tịch liên đoàn nông nghiệp Mỹ, nói nông dân "cảm ơn" vì sự trợ giúp của chính quyền Donald Trump cho đến nay, nhưng "các nông dân biết sự trợ giúp không thể kéo dài mãi".
Roger Johnson, chủ tịch của Hội Nông dân Quốc gia Mỹ, thì cho rằng "nông dân Mỹ không thể chịu được tình cảnh này thêm nữa".
Năm 2017, nông dân Mỹ xuất khẩu giá trị hàng hóa lên tới 19,5 tỷ USD sang Trung Quốc. Con số này đã giảm mạnh còn 9,1 tỷ USD vào năm 2018 và đang có xu hướng rơi xuống con số 0.
Năm ngoái, chính quyền Donald Trump đã hỗ trợ 12 tỷ USD cho nông dân Mỹ. Ông Trump đã chuẩn bị thêm 16 tỷ USD nữa trong năm nay và cam kết hỗ trợ thêm trong năm tới.
Theo Danviet
Từ câu chuyện nông sản đến "cuộc chiến" của Mỹ đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, tưởng chừng đã hạ nhiệt sau cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản hồi tháng trước, lại "nóng" lên sau tuyên bố của ông Trump rằng Trung Quốc đang khiến Mỹ thất vọng vì không giữ lời hứa....