Quầy đồ miễn phí tại Mỹ: ‘Để người khó khăn biết họ không đơn độc’
Một gia đình Mỹ truyền cảm hứng cho dân mạng khi dựng quầy đồ miễn phí để chia sẻ nhu yếu phẩm cùng mọi người trong mùa dịch.
Nhằm chung tay giúp đỡ cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, gia đình Terry Uribe Gall (Mỹ) đã dựng một quầy đồ miễn phí trước nhà. Đồ hộp, bánh kẹo được để trên bàn với lời nhắn: “Hãy lấy thứ bạn cần. Chia sẻ nếu bạn có thể ủng hộ thêm. Chúng ta cùng nhau vượt qua”. Quầy hàng mở 24/24.
Nhiều người bất ngờ khi ở đây phát tặng cả giấy vệ sinh – thứ người dân đổ xô đi mua và nhanh chóng cháy hàng khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ. Hành động đẹp của gia đình Terry nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng. Không chỉ có người lấy đồ cần thiết, nhiều người khác cũng mang theo đồ để quyên góp vào quầy hàng.
Trước đó, nhiều người cho rằng quầy miễn phí sẽ sớm phải dẹp vì hết đồ, song mọi người đều bất ngờ khi ngày càng có nhiều đồ được quyên tặng. Không chỉ đồ hộp, bánh kẹo, giấy vệ sinh, cư dân còn đem đến rau củ tươi và góp cả tiền.
Nhiều chiếc bàn được kê thành hàng dài trước nhà. Tuy nhiên vì không thể bảo quản được đồ tươi sống như rau hay thịt, gia đình Terry đã nhắn mọi người chỉ tặng đồ khô và các đồ dùng cần thiết.
Video đang HOT
Gia đình còn đầu tư mua cả một chiếc lều “xịn xò” để che chắn, giúp đồ ăn giữ được chất lượng tốt hơn.
“Bạn và gia đình thật hào phóng”, “Cả bạn và những người ủng hộ đều quá tuyệt vời. Trân trọng tấm lòng ấy”, “Cảm ơn bạn, cảm ơn những người hàng xóm, những người qua đường đã ủng hộ” – nhiều dân mạng bày tỏ.
“Tôi không đăng những hình ảnh này lên để được khen ngợi, tôi chỉ muốn truyền cảm hứng cho mọi người để có thêm những hành động nhân văn, để những người khó khăn biết rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Terry nhắn nhủ.
Đinh Phạm
Bà ngoại U70 cách ly con cháu, sống một mình giữa nhà vườn
Hôm trước tôi đi tái khám ở một bệnh viện, thấy không yên tâm nếu về nhà, tôi chọn cách đi thẳng xuống vườn, tự cách ly.
Gia đình tôi ở Q.12, TP.HCM. Nhà có 6 người, các con tôi vẫn phải ra ngoài làm việc, đám cháu nghỉ học ở nhà. Tôi phải đi tái khám giữa lúc dịch COVID-19 căng thẳng. Từ bệnh viện về, tôi không vào nhà, lỡ mình có mầm bệnh thì sao. Thôi thì gia đình tạm chia đôi nẻo vậy.
Thấy bà già U70 là tôi sống xa nhà trong những ngày giãn cách xã hội này, con cháu rất lo lắng. Nhưng chúng tới thăm, tôi không cho lại gần. Nhớ hôm tôi mới về đây, hàng xóm nghe tiếng xe tôi chạy vào cổng, bèn hỏi với qua:
- Mới lên hả dì Ba?
- Dạ, em tự đi cách ly theo lệnh Thủ tướng.
- Ờ, giờ cả xóm mình cũng ai ở yên nhà nấy hết hà.
Lo nhiễm bệnh cho con cháu, tôi về vườn sống một mình
Ôi! Cái xóm nhỏ của tôi, trước giờ láng giềng ngày thăm hỏi, chuyện trò mấy lượt. Nhà ai cũng có sân vườn rộng cỡ ngàn mét hơn, để tiện việc qua lại, vườn nhà này trổ cửa hông, cửa sau thông với vườn kia.
Giờ thì mọi cánh cửa đều đóng chặt, chúng tôi chỉ lớn tiếng gọi nhau, chuyền qua bụi sả, mấy trái chanh hay nhánh gừng trao đổi để nấu nước uống.
Tôi nấu nước lá thơm uống, tăng sức đề kháng, chống cảm cúm theo cách cổ truyền
Mỗi lần đưa "quà" sang, tôi đều dặn hàng xóm: "Phơi nắng lát hãy đem vô nghen". Hàng xóm cười: "Ờ, nắng Củ Chi, "cô Vy" nào sống nổi chứ".
Sáng ra bên này treo hàng rào trái bầu, bên kia máng sẵn túi rau dền, rau ngót. Có khi kèm mấy trái ổi, lê ki ma, khế ngọt, chuối nàng tiên..
Hàng xóm treo đồ tặng nhau qua bờ rào, thực hiện cách ly tuyệt đối
Thì ở đâu mọi người cũng đang cách ly hết sức đoàn kết, tương trợ nhau. Trong khó khăn mới nhận ra tình người còn đẹp lắm!
Một mình một cõi vườn xanh. Tôi vừa cách ly, vừa chăm vườn và trồng rau mang về tiếp tế cho con cháu để chúng khỏi phải đi chợ mỗi ngày. Rau dền Nhật đủ nấu nồi canh, sâm đất ăn mát lành, khế chua ngâm đường phèn pha nước ấm, cho thêm vài lát gừng để trị ho. Ngải cứu, hương nhu, ngũ trảo, lá bưởi, sả vừa làm nồi xông giải độc cơ thể, vừa lấy nước tẩy mùi cho gian nhà. Chuối ra nải liên tục, mít thì lủng lẳng trên cành.
Niềm vui vườn tược khiến tôi không cô đơn
Ngày ngày nhổ cỏ, tưới cây, tự xa tin tức trên các trang mạng xã hội cũng là cách giảm căng thẳng và bớt sợ hãi dịch bệnh
Tôi trở lại làm nông dân trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội
Cây khế lủng lẳng trái vàng, vừa hái, tôi vừa nhớ con cháu
Mỗi lần về Q.12 thăm nhà, trên xe tôi treo lủ khủ rau trái thu hoạch trên vườn. Chất vội xuống ngay cổng rồi tôi bấm điện thoại gọi con cháu ra nhận. Hai bên đều khẩu trang kín mít. Trong nhà chuyển ra đường sữa, gạo mắm muối, cá thịt chà bông, đồ hộp đã mua sẵn từ trước để đưa tôi. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng xong thì tạm biệt liền để bà đi... cách ly.
Ai đó hỏi tôi có cần thiết phải kỹ đến thế không? Tôi chỉ biết cười: "Sao lại không, nhà mỗi người mỗi việc, gặp gỡ, giao tiếp trong những môi trường khác nhau, dù hết sức hạn chế và vô cùng cẩn thận, nhưng vẫn không thể chủ quan, nên chúng tôi thống nhất cách ly nhau ít ngày".
Vì quá yêu thương nhau nên đành tạm xa nhau vậy. Hy vọng sau đại dịch này gia đình tôi nhận được "bằng khen tự giác cách ly". Còn phần thưởng trước mắt là khu vườn được chăm sóc thường xuyên nên cây cối tốt tươi, chi chít quả. Biến nguy thành cơ là vậy đó!
Trần Ngọc Ánh
(ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM)
Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên và không nên ăn Bệnh nhân ung thư nên ăn cá 3-4 lần/tuần, ăn các loại rau như giá đỗ, cà rốt, cà chua, rau ngót..., lựa chọn dầu thực vật hoặc mỡ cá. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian...