“Quay cuồng” cảnh học online trong gia đình 8 người con ở Hà Nội: Đứa mượn điện thoại, đứa đi học nhờ, đứa tranh thủ học ké khi anh chị được ra chơi
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng chị Hồng, anh Trường không thể mua điện thoại cho đủ 6 người con học online trong lúc TP. Hà Nội đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
6 người con đang học online nhưng đứa mượn điện thoại, đứa đi học nhờ
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu năm học mới 2021-2022, nhiều tỉnh thành đã áp dụng việc tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải nhất trong việc học online là tình trạng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị cho việc học.
Không máy tính hay điện thoại thông minh khiến nhiều học sinh, phụ huynh thậm chí là cả giáo viên lâm vào “thế bí” khi không biết làm cách nào để con em mình có thể đảm bảo kiến thức trong thời gian ở nhà chống dịch.
Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng và anh Đỗ Công Trường (trú tại thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hiện, gia đình anh chị có 6 người con cùng học online ở nhà.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hồng kể, 2 vợ chồng chị sinh được 8 người con (1 người đã mất khi mới sinh được 22 ngày), đứa lớn đang theo học lớp 10 tại một trường cao đẳng dạy nghề ở trung tâm Hà Nội còn bé út năm nay 4 tuổi.
Trong 7 người con, chỉ riêng có đứa con út đang học mẫu giáo nên được nghỉ học do dịch bệnh. Còn lại 6 người con, đứa nhỏ nhất học lớp 2, rồi đến lớp 3, lớp 4, lớp 7, lớp 9, lớp 10 vẫn đang phải học online.
Ngôi nhà của gia đình vợ chồng anh Trường, chị Hồng
Trong 6 người con đang học online, chỉ có 3 người con gái lớn có điện thoại học tại nhà
“Mùng 2/9 vừa rồi, các trường thông báo về việc chuẩn bị đến ngày 6/9 các con sẽ học online nên gia đình phải sắm điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet để các con theo học. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn cộng thêm thất nghiệp do dịch Covid-19 nên đến ngày đi học các con vẫn chưa đủ máy tính, điện thoại”, chị Hồng kể.
Theo chị Hồng, trong số 6 người con thì chỉ có 3 đứa có điện thoại học online, 3 đứa còn lại phải đi học nhờ nhà người quen hoặc tranh thủ giờ ra chơi của các chị để học ké vào.
Bé trai duy nhất học lớp 3 phải học ké tiết vào mỗi giờ ra chơi của các chị
Khi không có điện thoại thì chỉ biết nô đùa quanh nhà
Video đang HOT
Đứa con gái út lên 4 tuổi đang ở nhà nghỉ học do dịch Covid-19
“Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, thầy hiệu trưởng trường THCS Tân Phú đã nhờ bác bảo vệ mang vào nhà tôi 1 chiếc điện thoại thông minh để cho các con mượn theo học. Cộng với việc 2 vợ chồng tôi có 2 điện thoại là được 3 chiếc. 3 chiếc này là để cho 3 chị học lớp 7, lớp 9, lớp 10 học.
Còn 2 cháu lớp 2 và lớp 4 thì một cháu đi học nhờ nhà hàng xóm, một cháu học nhờ nhà người thân, bé trai học lớp 3 không có điện thoại tranh thủ các chị nghỉ giải lao giữa tiết thì vào học…”, chị Hồng tâm sự.
Bản thân người mẹ sinh 8 con biết việc không đủ điện thoại cho các con học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình theo học sau này nhưng do hoàn cảnh gia đình lúc này đang khó khăn nên không biết làm thế nào. “Giữa lúc dịch bệnh thực sự chúng tôi không đủ tiền để mua điện thoại cho các con. Hai vợ chồng vay mượn hàng xóm, anh em cũng nhiều rồi” , chị Hồng buồn bã nói.
Với thu nhập ở mức bình thường, chồng làm xây dựng cho các nhà dân, vợ đi thầu sơn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), khi chưa có dịch Covid-19, hai vợ chồng có thể lo đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình 9 người.
Chị Hồng nhiều lúc cũng chạnh lòng vì không thể lo đủ cho các con
Thế nhưng, kể từ khi có dịch, công việc 2 vợ chồng bị đình trệ nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn bởi việc lo cho các con ăn, sinh hoạt trong ngày là vô cùng tốn kém.
” Chi phí trung bình cho 1 ngày ăn của cả nhà khoảng 200 nghìn đồng, cộng thêm việc học hành của các con, ma chay, đình đám, thăm hỏi người ốm đau, bệnh tật cả nhà cũng lên đến hơn 10 triệu/tháng, đấy là đã tiêu vô cùng tiết kiệm. Nhiều lúc không đủ, chúng tôi lại phải vay mượn khắp nơi để lo cho các con”, chị Hồng kể.
Ký ức những lần vượt cạn của người phụ nữ 31 tuổi
Trong ký ức của người phụ nữ 31 tuổi, việc sinh nhiều con cùng một lúc khiến vợ chồng chị cũng phải chịu những lời đàm tiếu không tốt. “Nhiều lúc người ta bảo nhà mày nghèo sao còn đẻ lắm thế, đẻ lắm như vậy lấy tiền đâu mà nuôi chúng nó”, chị Hồng nói.
Nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, 2 vợ chồng không ngừng cố gắng để có thể lo cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi theo chị, con cái là của trời cho, nhiều người ước mong còn không được nên 2 vợ chồng nếu có đẻ được bao nhiêu sẽ vẫn đẻ tiếp.
Chị Hồng nhớ lại, khi các con còn nhỏ thì rất vất vả. Năm 2017, khi đó mới sinh được 14 ngày chị đã ra quận Nam Từ Liêm để làm sơn, phụ sơn. Khi đó công trình đang thi công nhà 3 tầng, tôi vẫn leo phăm phăm 3 tầng ráo, nhiều người còn không biết mới sinh con xong.
Sinh bé thứ 8 sau 14 ngày chị đã phải đi làm
Giờ đây, 4 người con gái đã lớn và hiểu chuyện nên phụ giúp 2 vợ chồng chị rất nhiều, sáng đứa lớn dậy sớm lo cơm cho cả gia đình còn 3 đứa tiếp thì gọi các em dậy ăn sáng, đánh răng, rửa mặt, nếu bố mẹ có đi làm xa về nhà đến bữa đã có cơm, canh.
Sinh tới 8 người con thì có 6 đứa chị đẻ ở trạm xá còn 1 bé đẻ rơi ở nhà vào đúng đêm giao thừa năm 2016, 1 bé sinh tại Bệnh viện Việt Đức. Chị Hồng cho biết, sở dĩ sinh tận 8 người con bởi đa phần sát ngày sinh, chị mới biết mình bụng mang dạ chửa.
Bởi vậy, gia đình quyết không bỏ mà giữ con. Như vậy trung bình 1,5 năm, chị Hồng lại đẻ một đứa. Do sinh con liên tiếp cuộc sống lại khó khăn nên có bé chỉ 2 tuần tuổi chị đã tập cho con ăn bột dặm và khoảng 1 tháng sau đã cho ăn cháo.
Trong những lần vượt cạn, lần khó khăn nhất chính là lúc sinh bé thứ 6 năm 2014 (đang học lớp 2). Ngày đấy, theo giấy siêu âm chỉ còn 3 ngày nữa sinh thì chị bất ngờ toàn thân da chuyển màu vàng như nghệ, khó thở. Sau đó, chị được gia đình chuyển đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ thông báo chị bị thiếu hồng cầu, máu loãng nếu đẻ thì không giữ được mẹ.
“Lúc này, bác sĩ bảo gia đình làm giấy cam kết bởi đẻ có thể tử vong. May mắn, khi vừa ký giấy xong thì tôi cũng đẻ xong, 2 mẹ con khoẻ mạnh và được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị…”, chị Hồng thở phào khi nhớ lại giây phút đó.
Vợ chồng chị Hồng sẽ cố gắng làm việc để nuôi các con lên người
Sau thời gian dài nằm Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán chị Hồng mắc bệnh viêm gan E là căn bệnh hiếm gặp thời đấy. Điều trị bệnh khỏi được 60 – 70% thì chị xin về nhà vì lúc này không còn tiền để có thể tiếp tục chữa bệnh, tất cả vốn liếng 2 vợ chồng dành dụm đều đã chi tiêu hết và phải vay thêm 2 bên nội ngoại.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng chị Hồng vẫn luôn lạc quan, thậm chí bây giờ nếu mang bầu chị vẫn sẵn sàng đẻ tiếp bởi gia đình chị quan niệm “con cái là của trời cho”. “Vợ chồng tôi mong mỏi nhất đó là các con khoẻ mạnh, bình an. Còn lại cuộc sống của các con chúng tôi sẽ cố gắng lo đủ”, chị Hồng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, gia đình chị Hồng và anh Trường thuộc diện hộ cận nghèo tại địa phương. Trong năm vừa rồi, gia đình chị này được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với người thất nghiệp vì Covid-19.
“7 người con của gia đình chị Hồng đi học cũng được nhà trường, giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ. Mỗi khi có mạnh thường quân về giúp đỡ, gia đình này đều được ưu tiên”, vị Chủ tịch UBND xã Tân Phú thông tin.
Những người trẻ mang nỗi buồn Covid-19
Những ngày giãn cách, Trần Thu Hồng cảm thấy mất khả năng kiểm soát cuộc đời, mọi thứ đột ngột đứng yên một chỗ, hoặc nếu có, chuyển động cũng rất chậm.
2021 đáng lẽ là một năm đầy triển vọng với Hồng nhưng Covid-19 đã khiến mọi thứ lỡ dở. Hai chuyến du lịch bị hủy, thẻ bơi bỏ xó, việc học thạc sĩ cũng lùi vô hạn vì cô cho rằng học online không hiệu quả. Trong căn nhà nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội, cô gái 25 tuổi không thể đưa ra bất cứ dự tính nào, dù trước đây tự nhận mình là người sống có kế hoạch.
Cả ngày quẩn quanh, những suy nghĩ tiêu cực tìm đến, kích động nỗi lo âu mà Hồng từng mất hơn một năm điều trị. Cô lo không bắt kịp bạn bè đồng lứa vì đã ra trường muộn mà hiện không thể tăng tốc. Cô lo không thể đạt được những thành tựu nên có ở tuổi 25, ví dụ độc lập tài chính và ra ở riêng. Nỗi lo lớn đến mức chỉ cần thấy con dao hay cái cốc là Hồng tưởng tượng ra cảnh con dao, cái cốc ấy rơi xuống, đâm vào chân mình.
"Mình sợ lại tái phát bệnh rối loạn lo âu. Nỗi sợ ấy khiến sự lo lắng thêm trầm trọng, tạo thành một vòng luẩn quẩn mà không biết giải quyết thế nào", cô gái chia sẻ. Để trấn an bản thân, Hồng tự nhủ mình đã thoát khỏi một lần, lần này sẽ thoát ra tiếp và lao vào công việc, có khi tới 14 giờ mỗi ngày.
Đại dịch khiến số người gặp vấn đề về tâm lý tăng lên, phần lớn ở độ tuổi dưới 30. Ảnh: Straitstimes
Hồng không phải trường hợp duy nhất gặp vấn đề tâm lý mùa dịch. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên ĐH Thái Nguyên, Covid-19 được coi như một cơn sang chấn tập thể, nghĩa là ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt tinh thần.
Trạng thái hoang mang vô định, không biết ngày nào thoát ra được hay mọi thứ đột ngột bị dở dang như Trần Thu Hồng là phổ biến nhất, bà Nhung cho biết.
Tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ tâm lý cho người dân và tiếp nhận trung bình 15-30 ca mỗi ngày, bà Nhung nhận thấy mỗi độ tuổi lại gặp phải những khó khăn khác nhau. Ví dụ, học sinh, sinh viên lo việc học online, không biết bao giờ được quay trở lại trường và gặp bạn bè. Người già lo về các vấn đề bệnh nền có sẵn và dễ nhiễm virus. Lao động tự do đối mặt với nỗi lo mất việc, gánh nặng chi phí nếu phải cách ly hoặc băn khoăn về thời điểm, điều kiện đi làm lại.
Các nghiên cứu khắp thế giới chỉ ra, giãn cách xã hội do Covid-19 tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Ở Hàn Quốc thậm chí còn phát sinh thuật ngữ "nỗi buồn Corona" để chỉ tình trạng trầm uất do Covid-19.
"Nó khiến cả những người khỏe mạnh cũng mệt mỏi", tiến sĩ triết học người Đức gốc Hàn Byung-Chul Han của Đại học Nghệ thuật Berlin nhận định. Trong bài báo "Virus của sự mệt mỏi" trên trang The Nation hồi tháng 4, , ông cho rằng virus khắc sâu những khủng hoảng sẵn có, đẩy chúng ta xa khỏi nhau và khiến con người càng cô độc trong thời đại mà mạng xã hội vốn đã làm mất đi kết nối.
Khủng hoảng vì cô độc và mất kết nối, như Byung-Chul Han miêu tả, là thứ Vũ Thu Giang nữ nhân viên văn phòng sống tại quận Tây Hồ gặp phải. "Hóa ra, được ngồi cạnh đồng nghiệp cũng đủ đem tới niềm vui", cô gái 26 tuổi rút ra kết luận sau vài đợt giãn cách xã hội.
Hướng nội, ít nói và thích một mình, nên Giang chưa từng nghĩ có ngày mình thấy trống trải đến thế. Nhằm xua đi nỗi cô đơn, Giang gọi điện cho bạn bè từ đông sang tây. Ban ngày, cô gọi điện cho các bạn ở Việt Nam. Đến đêm, tới lượt các bạn bên Mỹ. Giang muốn "cứ lúc nào thức là có bạn bên cạnh".
Cơn thèm giao tiếp khiến lịch sinh hoạt của Giang bị đảo lộn. Thay vì ngủ lúc 22h như trước, cô thức đến 2 - 3h sáng để được trò chuyện. Sáng hôm sau, Giang không thể bắt đầu công việc lúc 8h như quy định mà chỉ tỉnh táo từ chiều trở đi. Cô đôi khi ngủ gật, thậm chí không biết mình đang làm gì và quên mất nhiệm vụ được giao.
Chưa kể, Giang thấy áp lực khi ở nhà 24/7 với bố mẹ. Bố Giang thường mở cửa phòng con bất thình lình. Thấy con gái 9h mới dậy, ông kết luận cô lười biếng. Thấy con vừa làm vừa nói chuyện với bạn, ông mắng cô ham chơi. Giải thích không được, Giang tránh mặt gia đình bằng cách trốn trong phòng và hạn chế ăn cơm cùng. Nhưng càng thế, cô càng thấy đơn độc.
Giới trẻ được cho là có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt lại trở thành nhóm đối tượng chịu tác động tâm lý nặng nề nhất do Covid-19.
Báo cáo tháng 6/2020 của CDC Mỹ cho thấy đại dịch làm tăng tình trạng lo âu, trầm cảm và tăng lạm dụng chất hướng thần, nghiêm trọng nhất là độ tuổi 18 - 24. Ở Pháp, khảo sát trên 30.000 người vào năm ngoái cho thấy giới trẻ xếp hạng thấp nhất về sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu khác do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện năm 2020 tại 112 quốc gia, cảnh báo hai phần ba thanh niên từ 18 đến 29 tuổi có nguy cơ bị lo âu và trầm cảm.
Tiến sĩ Nhung cũng ghi nhận điều tương tự. Trong số những ca được bà hỗ trợ tâm lý mùa dịch, 60% là người từ 18 đến 30 tuổi. "Hầu hết chia sẻ đến từ các bạn trẻ cảm thấy mất phương hướng, mất mát tình cảm, không cảm nhận mình đang sống hay cảm giác tù túng do phải tuân thủ các quy định giãn cách", chuyên gia cho biết.
Theo bà Nhung, có ba lý do khiến giới trẻ Việt Nam dễ bị tác động bởi dịch bệnh. Đầu tiên, dịch bệnh kéo đến đột ngột nên họ chưa kịp thích ứng. Thứ hai, giới trẻ là nhóm đối tượng nhiều năng lượng, thích "bay nhảy" và đang có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội trong thời điểm quan trọng để hình thành bản sắc. Thứ ba, thế hệ Y và thế hệ Z đều là thế hệ đang đi làm hoặc đi học nên dễ nảy sinh mâu thuẫn nếu phải ở nhà quá lâu hay phải chịu sự kiểm soát hàng ngày của bố mẹ, người thân.
"Hãy ngủ đủ giấc, ăn uống đúng bữa và đủ chất, thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bạn hãy chấp nhận các suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và tập trung vào những thứ làm được ở thời điểm hiện tại để kiểm soát những lo lắng về tương lai", tiến sĩ Nhung khuyên và khuyến cáo thêm, khi thấy các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, mọi người đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.
Chiều 14/8, Phạm Nguyên Quân ra hành lang đi dạo cho khuây khỏa. Dù vẫn buồn vì mất hai người bạn thân trong tháng 8 vì Covid-19 nhưng anh tự nhủ mình cần mạnh mẽ để hỗ trợ con nhỏ mà hai bạn để lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với Phạm Nguyên Quân, 28 tuổi, ở TP HCM, giải pháp chính là cố gắng rút ra bài học từ nỗi buồn. Chỉ trong tháng 8, chàng trai làm nghề thiết kế ở quận 12 mất hai người bạn do dịch bệnh. "Họ đều chưa tới 30 tuổi, từng đầy sức sống nhưng đã bị dịch quật ngã", Quân nói.
Việc không thể nhìn mặt bạn lần cuối cùng khiến Quân day dứt. "Covid-19 có thể đi qua, nhưng hệ quả do nó để lại còn mãi", anh giãi bày. Một tuần trở lại đây, anh tự nhủ mình phải mạnh mẽ không chỉ cần tiếp tục cuộc đời của mình, Quân còn muốn hỗ trợ gia đình hai người bạn kia bởi họ đều để lại con nhỏ.
Quân cũng nhận ra Covid-19 đưa con người trở về những giá trị căn bản. Thay vì mải chạy đua cơm áo gạo tiền, anh dặn bản thân phải biết quan tâm gia đình, bạn bè hơn để "nhỡ có chuyện gì thì không phải hối tiếc như bây giờ".
"Chúng ta đâu cần xe sang hay đồ đẹp, chỉ cần một cuộc sống tử tế", Quân nói.
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Vụ học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong trong giờ học online: Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng Ngày 10/9, học sinh lớp 5 tại trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) được xác định là đã tử vong do bị điện giật trong một giờ học trực tuyến. Sáng ngày 10/9, một bé trai 10 tuổi (đang học lớp 5) ở trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) đã tử vong thương tâm do bị điện giật. Nhân chứng thuật...