Quanh thông tin vụ truyền bá oan hồn ở chùa Ba Vàng: Đâu là sự thật?
Trước một số thông tin về việc chùa Ba Vàng lan truyền câu chuyện vong báo oán để thu tiền trục lợi, mỗi năm thu lên tới cả trăm tỷ đồng, UBND tỉnh Quảng Ninh vào cuộc. UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc số 1710 ngày 20/3 gửi UBND TP. Uông Bí yêu cầu làm rõ thông tin.
Hình ảnh được cho liên quan dịch vụ thỉnh vong tại chùa Ba Vàng
Kiểm tra làm rõ
UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND TP Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở VHTTDL, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ những thông tin phản ánh. Trong trường hợp phản ánh là đúng sự thật, đề nghị có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, thông tin cho báo chí biết về kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3.
Liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, lãnh đạo Sở cho biết Sở phối hợp với thành phố Uông Bí lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin. Lãnh đạo UBND TP Uông Bí lập đoàn kiểm tra trong ngày 20/3 để làm rõ thông tin được phản ánh. Theo đó, người dân từng phản ánh hoạt động của chùa Ba Vàng về truyền bá vong báo oán, oan gia trái chủ, giải nghiệp, tuy nhiên chưa nhận được thông tin về chuyện thu tiền.
Trên một số phương tiện thông tin đại chúng như Youtube, người xem dễ dàng tìm được nhiều video phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), Chủ nhiệm CLB Cúc vàng-Tập tu lục hòa thuộc chùa Ba Vàng giảng về chuyện vong hồn, oan gia trái chủ, muốn thoát khỏi bệnh tật và vận hạn phải giải trừ nghiệp. Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, chùa Ba Vàng lâu nay thành nơi để “thỉnh vong”, rồi khi “vong lên” người tham gia sẽ bị đòi tiền. Muốn khỏi bệnh tật hoặc tai ách, những người tham gia lễ thỉnh vong này phải làm lễ tại gia, tu thân và nộp tiền có khi lên tới cả chục triệu đồng.
Ai trục lợi?
Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông cho biết: từng biết việc chùa Ba Vàng truyền bá về vong, oan hồn nhưng không biết có chuyện thu tiền công đức. “Giáo hội sẽ xem xét, nếu nghi lễ nào không đúng đắn sẽ chấn chỉnh”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói. Vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định giáo lý nhà Phật không có chuyện gọi vong.
TS Nguyễn Văn Vịnh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục phân tích không chỉ người Việt mà nhiều tộc người đều có tục đồng cốt, gọi vong. Hình thức này theo quan niệm để người sống liên lạc với người đã mất trong gia đình, thậm chí liên lạc với thần linh và nhân thần. Tuy nhiên đây là phong tục dân gian, lịch sử văn hóa các dân tộc không bao giờ ghi nhận như hiện tượng chính thức, thậm chí nhiều khi coi đây là mê tín dị đoan, lợi dụng thần thánh. “Bản chất con người rất lạ, càng lâm lý kỳ bí càng sợ hãi. Chúng ta không biết có đời sống tâm linh hư truyền, huyễn hoặc này có thật không, tuy nhiên khi nó bị đẩy lên quá thì lại là câu chuyện khác”, TS Vịnh nói.
“Không có chuyện vong báo oán, đó là bịa đặt”, PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo nói. Phật giáo khuyên con người sống thiện hướng thiện. Ông cho rằng, bỏ tiền ra để hóa giải nghiệp chướng, hay để vong không báo oán là hành vi mù quáng. Nếu thu tiền để giải trừ vong đòi nợ theo PGS.TS Chu Văn Tuấn chính là hành vi thương mại hóa bất chính, đánh vào tâm lý của con người để trục lợi, thậm chí lừa đảo.
Phật giáo có quan niệm về luân hồi nghiệp báo, làm việc xấu tạo quả xấu. Tuy nhiên PGS.TS Tuấn giải thích, tinh thần Phật giáo quan niệm con người có thể thay đổi được nghiệp nhiều hay ít, dựa vào tích đức, hành thiện chứ hoàn toàn không phải việc bỏ tiền ra là được bình an. Việc này cũng giống như người dân gần đây đua nhau dâng sao giải hạn, tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi dựa trên niềm tin mù quáng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Vịnh nói, Phật giáo là học thuyết vô thần, chủ yếu khuyên con người giải thoát bằng trí tuệ và trí huệ, tức dùng trí tuệ vượt qua hết tăm tối u mê. Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo chính tông không có chuyện bói toán, xem ngày xem giờ, dâng sao giải hạn hay gọi vong.
“Phật giáo du nhập địa phương phải hòa nhập tín ngưỡng bản địa để hoằng dương phật pháp, tuy nhiên đó chỉ là cách thức hoằng dương không có nghĩa ghép tất cả vào thành ra hổ lốn. Không riêng chùa Ba Vàng, gần đây nhiều nơi coi Phật giáo đồng nghĩa tất cả sinh hoạt tâm linh, theo đó nhà sư cũng xem ngày giờ, cúng tế, gọi vong, dâng sao giải hạn. Tôi cho rằng việc thu tiền này là hiện tượng núp bóng, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo trục lợi bất chính. Hành vi này làm ô danh Phật pháp, đáng bị lên án bởi tất cả chính sách tôn giáo, Phật giáo đều không có chuyện đó”, TS Vịnh nói.
Coi việc gọi vong, đồng cốt là văn hóa dân gian và nguyện vọng của người dân, các chuyên gia nghiên cứu lưu ý như vậy mức chi phí không cao, thường mang tính chất tự nguyện kiểu “tiền đèn dầu”. Vì vậy cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, sự lên tiếng của dư luận để người dân hiểu rõ hơn, tìm ra cách điều chỉnh hành vi này.
Chùa Ba Vàng sẽ sớm thông tin về vụ việc
Đại diện chùa Ba Vàng cho biết sớm có cuộc gặp gỡ để thông tin chính thức tới các cơ quan truyền thông. Trên kênh thông tin của CLB Cúc vàng-Tập tu lục hòa trước đó cảnh báo hiện tượng một số người giả danh số điện thoại của bà Phạm Thị Yến, cho số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền với lí do bà Yến làm lễ cho. Ban Quản trị của CLB cảnh báo điều đó, công khai số điện thoại của phật tử Phạm Thị Yến, đồng thời lưu ý bà không dùng tài khoản ngân hàng cá nhân nào.
Theo trithuctre
Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ
Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra.
Muốn thoát nạn thì buộc phải "trả nợ" cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Hoạt động này đã công khai diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).
Hoạt động gọi vong tại chùa Ba Vàng diễn ra nhiều năm qua.
Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ
Đến chùa để... thỉnh vong
Ngày mồng 8 âm lịch hàng tháng thường là ngày bận rộn nhất tại chùa Ba Vàng. Không chỉ diễn ra khóa tu "Bát quan trai giới", mồng 8 cũng là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu.
Đã thành lịch cố định, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày, tại chùa Ba Vàng sẽ diễn ra lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. 3h sáng hôm ấy, 6 chiếc xe khách khổ lớn mang theo hơn 200 con người thuộc một hội nhóm có tên Trúc Thanh rời Hà Nội, theo Quốc lộ 18A tiến về Quảng Ninh.
Trên suốt hành trình, có những người dắt díu theo con nhỏ, có những người lưng còng tóc bạc, nhưng gần như không ai có thể rời mắt khỏi một màn hình lớn gắn trên trần xe.
Ảnh chụp màn hình đoạn clip bà Yến giải thích nguyên nhân vụ thảm án.
Trong đoạn clip được dàn dựng công phu, bà Phạm Thị Yến (SN 1970) ngồi trên ghế cao, giọng đều đều nhưng diễn cảm, đang giải thích cho những người phía dưới về nguyên nhân của nhiều sự vật hiện tượng dưới góc nhìn tâm linh, trong đó có cả vụ thảm án đau lòng nữ sinh giao gà tại Điện Biên, gây rúng động dư luận gần đây.
Bà này nói: "...Cho nên nguyên nhân chính không phải là nguyên nhân đi ship hàng mà khiến bị hiếp như vậy. Mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp...
Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ 2 là về mặt thân thể trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Nên bạn ấy bị quả báo".
Ngồi chờ vào phòng thỉnh vong tại chùa Ba Vàng.
7h15, đoàn xe chầm chậm tiến vào bãi đậu. Trong khuôn viên khổng lồ giữa chừng núi, cả 7 bãi đậu xe đã chật kín. Hàng vạn người vội vã tràn vào khoảng sân chính qua các lối đi được bố trí xung quanh.
Nhưng rất nhiều người đã không vào chính điện, mà di chuyển thành dòng về phía một khu nhà rộng tách biệt còn đang thi công dang dở. Trên sảnh khu nhà có một tấm biển nhỏ nền vàng chữ đỏ: Nơi thỉnh giải nghiệp.
Từ nhiều năm nay, khách đến nơi này dù muốn hay không, đều được khuyến khích tìm hiểu về "nghiệp", "tiền kiếp", "vong", "thỉnh vong" hoặc "oan gia trái chủ"...
Giữa sân chùa, một mô hình cao hơn 2m được dựng lên mô phỏng trang fanpage facebook mang tên Chùa Ba Vàng với hàng ngàn "like" để mọi người có thể dễ dàng chụp ảnh check-in.
Các kênh truyền thông của chùa Ba Vàng rất chuyên nghiệp.
Trên các bàn nước được bố trí xung quanh các lối qua lại, là tập dày tờ rơi mang tên "Các kênh thông tin chính của chùa" được thiết kế chuyên nghiệp, trong đó in sẵn các địa chỉ internet mà khi truy cập vào, chủ yếu là các clip có nội dung tương tự như những gì đã phát trên chuyến xe đêm.
Thậm chí, nhiều nhân sự của chùa Ba Vàng cũng sẵn sàng "mở mang kiến thức" cho du khách bằng gợi ý tận tình: Vào trang fanpage Chùa Ba Vàng chưa? Theo dõi trang facebook của cô Phạm Thị Yến chưa? Kết bạn Zalo với cô Yến chưa?...
Ngoài ra, để tăng thêm sức ảnh hưởng, nhà chùa cũng phát hành rồi cung cấp miễn phí nhiều tựa sách mà trong đó nhấn mạnh vai trò của bà Yến cùng những quan niệm về vong hồn, ma quỷ của bà này.
Vong cứ lên là... đòi tiền
8h30 sáng tại khu nhà chưa hoàn thiện, cả ngàn người vẫn đang miệt mài chờ đợi. Người thì nằm ngồi vật vạ, kẻ thì túm năm tụm ba thì thào những câu chuyện ma mị.
Chiếc máy bấm số thứ tự đã nhả quá số 300 nhưng vẫn còn 2 hàng rất dài nữa chưa đến lượt. Trong khi đó, dòng người từ các bãi đậu xe vẫn không ngừng kéo tới. Ai cũng muốn có mặt trước khi thời điểm phát số kết thúc, lúc 9h.
Chiếc máy bấm số của nhà chùa và số thứ tự 888 của một người đến thỉnh.
Thông thường, để đến được căn phòng cuối - nơi các oán hồn được thỉnh lên để "nói chuyện phải quấy", thì người đi thỉnh buộc phải trải qua cả chục khâu bước ngặt nghèo.
Đầu tiên, trong phòng chờ, người thỉnh phải xem đi xem lại cả chục lần những clip có nội dung truyền bá về oán hồn. Sau đó phải đặt bút ký hàng loạt cam kết, bị khám kỹ càng, bị yêu cầu phải bỏ lại toàn bộ thiết bị điện tử có khả năng ghi âm, ghi hình ra ngoài khu vực thỉnh vong.
Ngoài ra, người thỉnh cũng buộc phải đọc kinh nhiều lần, phải cung cấp CMND bản gốc để thể hiện sự thành tâm chân thực nhất... Nhiều cảnh cáo đã được phát: "Chỉ một gợn không thành tâm thì chẳng đời nào vong lên".
"Vong" nhập vào một nhân sự của nhà chùa rồi phán về kiếp trước rồi sau đó đòi tiền để hóa giải.
Ở một lối ra nhỏ, đã lác đác có những người thỉnh xong. Qua trao đổi, phóng viên liên tục nghe kể lại những câu chuyện dị thường.
Một người phụ nữ bị đau xương khớp, đi thỉnh thì được báo là do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.
Một người phụ nữ khác kinh doanh ế ẩm đi thỉnh thì được biết do 36 kiếp trước tạo ác nghiệp nên kiếp này vong phá không cho làm, muốn yên ổn thì phải cúng dường (công đức) 6,8 triệu đồng.
Hai mẹ con người Bắc Ninh vừa ra khỏi phòng thỉnh vong.
Ngồi trên chiếc ghế băng kế bên, 2 mẹ con đến từ Bắc Ninh thì lại khá trầm tư. Họ kể rằng bà mẹ bị ung thư vú, nghe mách ở chùa Ba Vàng có phép thỉnh vong có thể chữa trị được nên vào mạng tìm hiểu.
Theo tài liệu hướng dẫn, người mẹ đã tự tu trước ở nhà 7 ngày còn cô con gái thì không. Đến ngày, 2 người đến từ rất sớm, lấy 2 số khác nhau và cùng đăng kí thỉnh vong để hóa giải bệnh tật cho người mẹ. Nhưng kết quả vốn được nói trong 2 phòng kín tách biệt nhau, lại không trùng khớp.
Với cô con gái, vong ngất ngư kể 96 kiếp trước là dân đen, còn bà mẹ cô là quan chuyên ức hiếp, khép tội oan nên kiếp này theo báo oán. Muốn hóa giải phải cúng dường 11,2 triệu đồng.
Nhưng với bà mẹ, vong lại nhận mình là của cô em gái ruột từ 42 kiếp trước. Do bà mẹ không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng.
Trước sự lệch lạc thông tin như vậy, trong khi cô con gái còn lưỡng lự thì bà mẹ vội xua đi: "Phải tin chứ. Mỗi người có phải chỉ một oán hồn theo đâu. Bao nhiêu kiếp trước mình làm điều ác bị tích vào nên giờ mới phát bệnh như vậy...". Rồi bà cho biết, sẽ trả nợ cho vong để... giải trừ bệnh tật.
Clip: Tận thấy những chuyện hoang đường quanh dịch vụ gọi vong ở chùa Ba Vàng
Theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4 - 5.000 người tham dự. Do mỗi lần chỉ được trình bày đúng 1 vấn đề nên không ít người chọn phương án đi lại nhiều lần.
Thực tế ghi nhận, lượng người bị vong "đòi nợ" ít hơn 5 triệu đồng là không nhiều trong khi những người bị đòi từ 7 đến 15 triệu đồng lại khá phổ biến. Đáng chú ý, phần đa đều tỏ thái độ sẵn sàng trả tiền chỉ mong được yên ổn. Bản thân 4 PV của Báo Lao Động, trong quá trình nhập vai cũng bị vong "vòi" tổng cộng 26,5 triệu đồng.
Theo LĐO
"Gọi vong" ở Ba Vàng: Bà Phạm Thị Yến là ai? Bà Phạm Thị Yến là ai mà có thể thu hút hàng chục ngàn người đến chùa Ba Vàng để "thỉnh vong", "giải oán" mỗi năm? Sau khi theo dõi phóng sự: "Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỷ" đăng tải trên Lao Động sáng 20.3.2019, nhiều bạn đọc thắc mắc về vai trò của bà...