Quảng trường, tượng đài nghìn tỷ thi công 8 năm vẫn dở dang, hoang phế
Diện tích rộng 34,23ha, tổng mức đầu tư 1.543 tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành, quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế sẽ là trung tâm văn hóa cộng đồng của tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau 8 năm xây dựng công trình “khủng” này vẫn đang dở dang, lổn nhổn mặt bằng, um tùm cỏ dại, nhiều hạng mục đã xong nhiều năm phơi mưa nắng nhanh chóng xuống cấp…
Được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2009, dự án Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh. Công trình nằm tại phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình với diện tích quy hoạch 34,23ha, tổng mức đầu tư là 1.543 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác.
Dự kiến khi đưa vào sử dụng, quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế sẽ là khu trung tâm văn hóa cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hóa của tỉnh Ninh Bình; góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh Ninh Bình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Đến nay, sau 8 năm xây dựng, dự án quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế vẫn chưa thể hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được chủ đầu tư cho biết là do khó khăn về nguồn vốn cũng như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cũng vì thế, mà dự án này “treo” 8 năm qua, bị bỏ hoang giữa thành phố, cây cỏ mọc um tùm, mặc nắng mưa hủy hoại.
Từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình 2 lần thay chủ đầu tư nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành đúng tiến độ. Khi mới có quyết định đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư, đến tháng 11/2013, UBND thành phố Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư, tiếp tục thực hiện dự án.
Đại diện UBND thành phố Ninh Bình cho biết, công tác GPMB được triển khai thực hiện từ năm 2010 với tổng số 181 hộ gia đình bị ảnh hưởng thuộc tổ dân phố Mía Đông, phường Ninh Khánh. Sau nhiều năm, đến nay công tác GPMB vẫn đang được đơn vị này… gấp rút thực hiện.
Đến nay, vẫn còn 1 hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, di dời để GPMB phục vụ dự án. Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, hộ dân không chịu di dời với nhiều lý do như: Đòi hỏi được hưởng quyền lợi ngoài chính sách quy định, yêu cầu thỏa thuận mức bồi thường, không chịu đối thoại…
Trước đó, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế từng gây nhức nhối tại Ninh Bình. Các hộ dân không chấp nhận việc di dời, giải tỏa đã có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nới. Sau 7 năm GPMB, đến ngày 16/8/2017 còn lại 3 hộ không chấp hành, đến ngày 15/9/2017 còn lại 2 hộ và đến nay còn lại 1 hộ. Ngày 26/9 tới thành phố Ninh Bình sẽ tổ chức cưỡng chế hộ dân này.
Video đang HOT
Để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục trong dự án nhằm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt (968 – 2018), UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo sát sao, giải quyết dứt điểm công tác GPMB để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện công trình 1.500 tỷ đồng này vẫn còn nhiều ngổn ngang.
Diện tích đất GPMB của 181 hộ dân sát Quốc lộ 1 hiện như một “bãi chiến trường”, nơi giải tỏa được đã san lấp; nơi đang giải tỏa thì như đống đổ nát, lổn nhổn gạch đá, bê tông, sắt thép… Có chỗ chưa san lấp ao hồ, rác thải vẫn còn lênh láng khắp nơi. Nhiều người dân thấy cảnh trên lắc đầu ngao ngán, chưa biết bao giờ “công trình trọng điểm” này mới có thể đưa vào sử dụng.
Ông Đinh Văn Thứ cho biết thêm, từ khi UBND thành phố tiếp nhận dự án gặp phải nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là khó khăn về nguồn vốn và công tác GPMB. Vì thế, việc hoàn thành dự án đúng theo tiến độ đề ra là rất khó khăn.
Người đứng đầu thành phố Ninh Bình hứa sẽ cố gắng để dự án sớm hoàn thành. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Dân trí, cả dự án rộng 34,23ha này vẫn còn nhiều ngổn ngang. Nhiều hạng mục thi công rồi bỏ dở có dấu hiệu xuống cấp. Diện tích đất rộng hơn 34ha như một bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm…
“Trung tâm văn hóa cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hóa của tỉnh Ninh Bình; góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của Ninh Bình” hiện nhiều nơi vẫn còn rất nhếch nhác, rác thải xây dựng, sinh hoạt vương vãi khắp nơi. Điểm nhấn của dự án là tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế bị xuống cấp, đã nhiều lần được sửa lại.
Nhiều hạng mục vừa thi công xong đã xuất hiện những vết nứt “không đáng có”. Những hạng mục được xây dựng bằng đá xanh nguyên khối nhưng do không được duy tu, bảo dưỡng đã có dấu hiệu xuống cấp sau thời gian để phơi nắng phơi mưa.
Hàng cột đèn chiếu sáng trơ trọi trong khuôn viên quảng trường. Nhiều người dân khi được hỏi về dự án nghìn tỷ này không khỏi xót xa khi số tiền lớn đầu tư xây dựng rồi để nắng mưa hủy hoại.
Hàng cây hoa sứ được trồng với số tiền không hề nhỏ nhưng do không được chăm sóc chu đáo, nhiều cây đã chết chỉ còn lại gốc khô chỏng chơ.
Lối vào quảng trường và tượng đài vẫn còn ngổn ngang đất đá và nhiều loại rác thải khác.
Nhiều hạng mục trong khuôn viên quảng trường được sửa sang lại nhưng cũng không thể hết được những nơi bị xuống cấp nặng.
Thái Bá
Theo Dantri
Bệnh viện 2.700 tỷ vi phạm môi trường: UBND tỉnh phạt "con đẻ"
Chủ đầu tư dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình vừa bị UBND tỉnh này phạt 400 triệu đồng vì thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xây dựng. Điều đặc biệt, việc UBND tỉnh Ninh Bình quyết định phạt chính "con đẻ" của mình khiến đơn vị này đang loay hoay tìm nguồn nộp phạt.
Như Dân trí đã đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định xử phạt Ban quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình số tiền 400 triệu đồng. Đơn vị nhận phạt là chủ đầu tư dự án Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Quyết định xử phạt nêu rõ, dự án Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Đồng thời, đình chỉ hoạt động xây dựng đối với dự án điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình để khắc phục các lỗi vi phạm.
Quyết định xử phạt được ký từ cuối tháng 6/2017, tuy nhiên đến nay đơn vị bị xử phạt là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình vẫn đang loay hoay tìm nguồn vốn để nộp phạt.
Chủ đầu tư dự án bệnh viện sản Nhi Ninh Bình bị phạt 400 triệu vì thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình thừa nhận việc không biết lấy đâu ra 400 triệu để nộp phạt theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình. Vị này cho biết thêm, Ban do UBND tỉnh thành lập và trực thuộc UBND tỉnh.
Việc UBND tỉnh Ninh Bình xử phạt "con đẻ" số tiền 400 triệu đồng khiến đơn vị này đang không biết lấy tiền đâu nộp vào kho bạc, loay hoay tìm nguồn nộp. Nhiều phương án cũng được lãnh đạo Ban này tính toán tuy nhiên đều không phù hợp.
"Việc lấy tiền ngân sách để nộp phạt thì không thể được, lấy tiền lương của anh em trong Ban để nộp phạt lại càng không được. Cán bộ, nhân viên trong ban số ít là công chức, còn lại là hợp đồng nên đồng lương cũng rất thấp. Những năm gần đây các dự án gặp khó khăn nên đời sống của anh em cũng chịu tác động chung. Vì thế không thể lấy lương của anh em trong Ban nộp xử phạt được. Việc lấy tiền đâu để nộp phạt là rất khó cho anh em chúng tôi trong thời điểm này", một lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình nói.
Được biết, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Đinh Văn Điến cũng đã tổ chức cuộc họp bàn cách giải quyết việc lấy tiền đâu để nộp phạt sau quyết định xử phạt 400 triệu đồng đối với "con đẻ" của mình. Tuy nhiên, cũng chưa tìm được giải pháp và cách xử lý hợp lý.
Bị UBND tỉnh phạt, "con để" là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình đang loay hoay tìm nguồn nộp phạt.
"Chưa nộp phạt, chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước nên đến nay chúng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Dự án vẫn đang dừng thi công chờ ĐTM và chờ nguồn vốn", vị lãnh đạo BQL cho biết thêm.
Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình là chủ đầu tư đương nhiên về nguyên tắc phải nộp phạt theo quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Ninh Bình. Nếu không có nguồn tiền để nộp phạt thì UBND tỉnh Ninh Bình phải có trách nhiệm "xử lý" vì là đơn vị chủ quản của Ban này.
"Sau khi UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc nộp phạt thì áp dụng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa có hiệu lực) để xác định lỗi, trách nhiệm của người thi hành công vụ, gây ra hậu quả. Từ đó xác định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả tiền cho Nhà nước", Luật sư Huế nói.
Cũng theo luật sư Huế, ngoài ra còn phải xem xét đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì nếu BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình không được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ ĐTM, thì dự án sẽ tiếp tục "đắp chiếu", gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước và mất niềm tin của người dân.
Dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình được đầu tư nguồn vốn là 2.700 tỷ đồng hiện đang "đắp chiếu" vì thiếu ĐTM và "đói" vốn.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh được thành lập theo Quyết định 356/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình do ông Đinh Văn Điến - Chủ tịch UBND tỉnh ký, trên cơ sở kiện toàn, đổi tên và ban hành lại chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh Ninh Bình.
Ban có chức năng giúp UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng của chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng đô thị và một số dự án khác do UBND tỉnh quyết định đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư về các hoạt động của mình; quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành khi được người quyết định đầu tư giao.
Thái Bá
Theo Dantri
Bệnh viện 2.700 tỷ thiếu đánh giá tác động môi trường: Phạt 400 triệu Sau 8 năm xây dựng, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án này số tiền 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - vừa ra quyết định xử phạt Ban quản...