Quảng Ninh: Sự thật tàu du lịch Hồng Long “chém đẹp” du khách
Ngay sau khi có thông tin về việc một đoàn khách 9 người từ tỉnh Đồng Nai đi thăm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) “tố” chủ tàu Hồng Long chặt chém, lừa đảo bằng bữa cơm hơn 8 triệu đồng, UBND TP. Hạ Long đã ngay lập tức vào cuộc, xác minh thông tin…
Tàu Hồng Long bị tố chặt chém khách du lịch.
Cụ thể, theo thông tin của một số cơ quan báo chí, khoảng 9h30, ngày 11.11 anh Nguyễn Đình Tuyên, công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai đi cùng đoàn gồm 9 người đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu du lịch Hồng Long, biển kiểm soát QN – 4266, với giá trọn gói 2,6 triệu đồng. Đến khoảng 11h30, đoàn có nhu cầu ăn trưa và gọi món theo thực đơn gồm cá song, mực ống, thuỷ sâm, cơm rau. Khi tàu gần về đến bờ, đoàn phải thanh toán cho bữa ăn với giá hơn 8 triệu đồng.
Theo anh Tuyên, tàu Hồng Long đã có hành vi chặt chém với giá gấp đôi và lừa đảo. Cụ thể, đoàn của anh uống chưa hết 1 thùng bia Hà Nội nhưng chủ tàu vẫn ghi trong hoá đơn là 31 lon bia với giá 930.000 đồng. Đáng chú ý, khi về đến bờ, qua tìm hiểu mới biết nhà tàu đã lợi dụng việc đoàn không am hiểu về hải sản nên đã trắng trợn thay cá song bằng cá sủ, thuỷ sâm bằng con thưng biển. Số tiền đoàn phải thanh toán cho bữa ăn là 6,4 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn phải thanh toán thêm một hoá đơn gồm công chế biến, đồ tráng miệng, 6 lon bia để hấp hải sản với giá hơn 1,8 triệu đồng. Tổng số tiền đoàn phải thanh toán cho bữa cơm trưa là hơn 8 triệu đồng.
“Khi gọi cà phê tráng miệng, nhà tàu pha loại cà phê Trung Nguyên G7 cho đoàn nhưng hét giá tận 20.000 đồng một ly, trong khi thị trường bán 25.000 đồng một hộp 24 gói. Không những vậy nhà tàu không dưới 5 lần gợi ý đòi tiền típ, để tránh rắc rối chúng tôi phải cho nhà tàu thêm 400.000 đồng nữa”, anh Tuyên chia sẻ với báo chí.
Video đang HOT
Du khách cho rằng đã bị tàu Hồng Long “chém đẹp” khi giá các loại đồ ăn cao hơn nhiều so với ở ngoài thị trường.
Ngay sau khi về đến cảng tàu du lịch Tuần Châu, anh Tuyên đã thông tin vụ việc đến Ban quản lý vịnh Hạ Long. Nhận được thông tin, UBND TP.Hạ Long đã thành lập đoàn thanh kiểm tra những nội dung trên và có kết luận cụ thể như sau:
Vào khoảng 10h ngày 11.11.2017, anh Tuyên cùng đoàn khách gồm 08 người xuống tàu Hồng Long QN-4266 tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu để đi thăm quan vịnh Hạ Long. Trước khi xuống tàu, anh Vũ Xuân Dũng (cùng đoàn với anh Tuyên) đại diện đoàn khách đứng ra giao dịch với bà Nguyễn Thị Bảo Yến trú tại khu 1, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long và thỏa thuận giá thuê tàu đi thăm quan tuyến 2 là 2.600.000đ và giá cả, số lượng một số thực phẩm phục vụ cho ăn trưa trên tàu, anh Dũng đã đồng ý và ký tên vào hóa đơn báo giá.
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra thấy tàu Hồng Long QN-4266 có đầy đủ các điều kiện để vận chuyển khách thăm quan vịnh Hạ Long, trên tàu có niêm yết giá các dịch vụ của tàu và giá niêm yết phù hợp với hóa đơn báo giá cũng như hóa đơn thanh toán cho đoàn khách nêu trên. Duy nhất chỉ có mục “cà phê” là không có trong bảng niêm yết giá.
Vũ Ngọc Anh là điều hành của tàu Hồng Long QN-4266, bà Nguyễn Thị Bảo Yến là người đại diện đứng ra ký hợp đồng vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long với nội dung thuê tàu đi thăm quan tuyến 2 với giá 2.000.000đ và ăn trưa do bà Yến mang xuống tàu nhờ nấu hộ. Sau đó, toàn bộ việc thanh toán do bà Yến đảm nhiệm; thuyền viên, người làm việc trên tàu cũng như chủ tàu và người điều hành tàu không tham gia vào việc thanh toán tiền.
Toàn bộ thực phẩm phục vụ ăn trưa của đoàn khách là do bà Nguyễn Thị Bảo Yến đưa xuống tàu để các nhân viên trên tàu chế biến cho khách nên khi thanh toán đã xuất hiện thêm mục “chế biến hải sản 350.000 đồng”. Đối với phản ánh số lượng thực ph ẩm thực tế thiếu hụt so với số lượng dự toán và thanh toán, không có căn cứ để kết luận do số thực phẩm đã được sử dụng hết.
Bản báo cáo xác minh của Ban Quản lý vịnh Hạ Long được Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh gửi cho Dân Việt.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã liên lạc với anh Nguyễn Đình Tuyên và anh Vũ Xuân Dũng (người thanh toán tiền) được biết anh Tuyên nhận thấy giá đắt và một số mục thanh toán không hợp lý nên phản ánh, bản thân anh Tuyên không biết về thỏa thuận giữa anh Vũ Xuân Dũng và bà Nguyễn Thị Bảo Yến; anh Vũ Xuân Dũng công nhận đã thỏa thuận với bà Yến như nội dung nêu trên nhưng cho rằng số lượng thực phẩm không đủ như ghi trong hóa đơn.
Theo kết quả thanh tra, việc ăn trưa trên tàu của đoàn khách đã được thỏa thuận từ trước về giá cả, chủng loại thực phẩm và đã được hai bên xác nhận; trên tàu có bảng niêm yết giá dịch vụ (thiếu mục cà phê); bà Nguyễn Thị Bảo Yến tự ý thu thêm 350.000 đồng tiền chế biến hải sản ngoài thỏa thuận.
“Sự việc là như vậy, tôi chỉ là người cho thuê tàu, còn mọi việc do bà Yến đứng ra tổ chức, khi có thông tin về việc chặt chém gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Không những thế, trên báo còn đưa thông tin không đúng sự thật là có người xưng là chủ tàu liên tục gọi điện xin được “đàm phán” với mong muốn bỏ qua sự việc và hoàn trả lại đoàn một số tiền, khiến tôi rất bức xúc”, ông Nguyễn Hồng Việt, chủ tàu du lịch Hồng Long cho biết.
Theo Danviet
6 đĩa cơm "chém" 1,2 triệu, chủ quán bị phạt 4 triệu đồng
Đoàn khách vãng lai vào ăn 6 đĩa cơm sườn, trứng chiên, ít rau và 6 ly trà đá đã bị chủ quán tính giá 1,2 triệu đồng. Bức xúc, khách gọi báo cơ quan chức năng và chủ quán bị phạt 4 triệu đồng, yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Sáng 5/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Thành Long - Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - cho biết: "Sau một thời gian xem xét kỹ lại toàn bộ sự việc, UBND huyện đã quyết định xử phạt quán N.C. số tiền 4 triệu đồng. Trước đó, chúng tôi đã yêu cầu chủ quán tạm ngưng hoạt động. Hiện giờ chủ quán đã viết cam kết không tái phạm sự việc".
Lực lượng chức năng xử phạt quán ăn ven đường "chặt chém" khách 4 triệu đồng
Cũng theo ông Long, để chấn chỉnh việc "chặt chém" du khách khi đi qua địa bàn tỉnh Long An, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát và nhận phản ánh của khách hàng. Không chỉ chủ quán, các cơ quan chức năng địa bàn xảy ra sự việc cũng phải xử lý nghiêm.
"Sự việc vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh Long An trong mắt khách du lịch. Do vậy, chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND xã Nhị Thành. Trong xử lý sự việc, chính quyền xã có mặt trực tiếp tại quán nhưng chỉ mang tính chất hòa giải, để khách hàng và chủ quán thỏa thuận giảm giá là không hợp lý. Xã phải lập biên bản, có người làm chứng để ngay thời điểm đó ra quyết định xử phạt", ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Trước đó, khoảng 15h ngày 4/9, 6 thanh niên trên đường về TPHCM đã ghé vào quán N.C. (đoạn gần Cầu Ván, ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) để ăn cơm.
Sau khi ăn 6 đĩa cơm sườn, trứng và ít rau, 6 ly trà đá, đoàn khách bị chủ quán tính 1,2 triệu đồng. Thấy quá vô lý, nhóm thanh niên trên đã thông báo với cơ quan chức năng.
Xuân Hinh
Theo Dantri
Khách Tây khóc nghẹn vì những "quả đắng" khi đến Việt Nam Không ít du khách nước ngoài đã phải bật khóc hay than phiền vì bị mất trộm, bị cướp, bị chặt chém ở Việt Nam. Đây chỉ là những trường hợp hy hữu nhưng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam nếu không được chấn chỉnh. Nữ phượt thủ Anh bật khóc vì bị mất xe đạp...