Quảng Ninh kiến nghị Bộ TN&MT sớm xử lý 6.700 lít dầu độc
Liên quan đến vụ 6.700 lít dầu biến thế có chứa chất PCB – một hợp chất hữu cơ khó phân hủy và độc hại được xếp ngang hàng với chất độc da cam/dioxin hiện đang nằm tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong hôm nay (18/8), phía tỉnh Quảng Ninh sẽ có văn bản gửi Bộ TN&MT kiến nghị biện pháp xử lý.
Khoảng 6.700 lít dầu biến thế có chứa chất PCB đang nằm tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh. (Ảnh: VTV News)
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua tìm hiểu của đơn vị này, hiện nay tại Việt Nam đã có nhà máy xi măng Holcim ở Kiên Giang có thể tiêu hủy được dầu biến thế chứa chất độc PCB. Tuy nhiên, việc vận chuyển từ Quảng Ninh vào đến Kiên Giang làm sao tránh bị rò rỉ chất độc dọc đường đi lại cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn việc tiêu hủy chiếc máy biến thế cũ có chứa dầu độc vẫn chưa có hướng thực hiện vì ở Việt Nam vẫn chưa có công nghệ xử lý.
Ban đầu, do máy biến thế có dầu chứa chất độc PCB vượt ngưỡng cho phép nên phải hút dầu ra chờ tái xuất sang Hàn Quốc. Phía cung cấp máy vẫn không nhận lại nên lô hàng này đã nằm ở cảng Cái Lân suốt gần 7 năm nay.
Bạch Hoàn
Theo_VTV
7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc: Chưa có hướng xử lý
7.000 lít dầu trong máy biến thế đang nằm cách mực nước của vịnh Hạ Long chỉ chừng 200 mét suốt gần 7 năm qua, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi để xử lý. Vịnh Hạ Long đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng.
Video đang HOT
Nhập về thì dễ, xuất lại bị từ chối
Tháng 11/2007, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin đã nhập về lô hàng gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc. Lô hàng này nhằm phục vụ việc lắp đặt thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định. Tuy nhiên khi hàng về đến cảng Cái Lân, các cơ quan chức năng phát hiện 1/3 số máy được nhập về có chứa PCB trong dầu. Do PCB là chất thải độc hại, chất hữu cơ khó phân hủy nên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tái xuất "hoàn trả" về nước xuất khẩu.
Tuy nhiên công ty này không thể tái xuất lô hàng độc hại về lại Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại. Trước tình trạng đó, ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin vì đã vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Những container đựng những phuy dầu được dán cảnh báo cực độc nằm trong cảng Cái Lân suốt 7 năm qua.
Như vậy doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính; còn lô hàng độc hại mà doanh nghiệp đã "lỡ nhập" thì vẫn bị bỏ mặc bên bờ vịnh Hạ Long, mặc cho ngành môi trường địa phương nơm nớp lo sợ về nguy cơ tràn dầu, rò rỉ ra môi trường. Đặc biệt những container dầu nguy hại này chỉ cách bờ vịnh Hạ Long chừng 200 mét.
Thực tế cho thấy, 7 năm qua, chịu tác động của thời tiết, lô hàng đã bị gỉ sét nhiều. Khi mùa mưa bão đến, nước mưa lẫn vào dầu biến thế, tình trạng rò rỉ dầu biến thế nhiễm PCB đã xảy ra tại khu vực lưu trữ ở Cảng Cái Lân.
Xung quanh vấn đề này, giới chuyên gia về môi trường thể hiện bức xúc: Đây là lô hàng thải có chứa chất độc hại mà các nước phát triển phải mất nhiều tiền để xử lý, tránh nguy cơ tác động đến môi trường. Thế mà doanh nghiệp của ta lại bỏ cả đống tiền ra mua về, "bức hại" đất nước mình. Việc họ không chấp nhận cho doanh nghiệp Cửu Long tái xuất trở lại lô hàng nguy hại này là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là câu chuyện đáng buồn cho nhận thức về môi trường của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Vịnh Hạ Long chờ "chết"?
Dư luận đang nóng lên bởi tình trạng 7.000 lít dầu chứa chất cực độc bị "vứt vạ vứt vật" ngay bên bờ Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Nhà chức trách địa phương bày tỏ sự lo sợ về nguy cơ dầu tràn xuống vịnh, bức tử môi trường của di sản thế giới.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Danh Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường Quảng Ninh - cho biết, do số lượng dầu nhiễm PCB tại Cảng Cái Lân quá lớn, lại đang được để ngay sát vịnh Hạ Long nên tiềm ần một nguy cơ đe dọa môi trường nghiêm trọng. Nếu không may một phần hoặc tất cả số lượng PCB này tràn xuống biển thì vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng.
7.000 lít dầu chứa chất cực độc đang được tỉnh Quảng Ninh bảo vệ nghiêm ngặt.
Về phương án vận chuyển và tiêu hủy số hóa chất độc hại này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container nói trên về kho lưu giữ an toàn của Công ty tại Hải Phòng. Bên cạnh đó Sở cũng gửi công văn lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có hướng dẫn công ty này vận chuyển, xử lý lô hàng trên. Kiến nghị là vậy nhưng hiện này vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào được ban hành.
Được biết để tiêu hủy lô hàng nguy hiểm này, hiện cả nước chỉ có một đơn vị ở Kiên Giang có đủ công nghệ tiêu hủy PCB. Tuy nhiên, việc vận chuyển cả một khối lượng lớn dầu nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đến nơi tiêu hủy cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhiều khả năng khó thực hiện được.
Trách nhiệm của doanh nghiệp Cửu Long rất mờ nhạt. Mới đây, một động thái tích cực nhất của các bên liên quan mang tính chất tình thế là tổ chức đóng gói và bảo quan lại lô hàng độc rồi... để yên tại chỗ.
Qua đó, số lượng dầu nhiễm PCB lấy ra từ máy biến thế chứa đầy 34 phuy, trong đó 33 phuy 200 lít và 1 phuy 100 lít. Thân máy biến thế, toàn bộ lượng gạch lát nền và cát xung quanh khu vực đã được đào lên để khoanh vùng nguy hại.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc lưu trữ, bảo quản các phuy dầu này cũng không theo một quy chuẩn nào vì không nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Việc bảo quản mới dừng ở mức đảm bảo kín, container có khung khỏe và có chuông báo cháy, báo nổ. Mùa mưa bão sắp đến, không ai dám chắc lô hàng độc hại này không bị tràn ra môi trường, chảy lan xuống Vịnh.
Quảng Ninh kêu cứu, Hải Phòng chưa biết gì!
Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long - chủ của lô hàng trên - là doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Hải Phòng. Vì thế tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất phương án yêu cầu doanh nghiệp chuyển lô hàng trên ra khỏi vị trí nhạy cảm để bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh cũng đã có ý kiến với Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng phối hợp xử lý.
Giải pháp chuyển lô hàng này về trụ sở doanh nghiệp tại Hải Phòng nhiều khả năng không được thành phố Hải Phòng chấp nhận.
Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, hiện 7.000 lít dầu đã được đóng gói đưa vào 2 container ngăn rò rỉ. Tỉnh đã có chỉ đạo và yêu cầu đơn vị có lô hàng này phải phải xử lý bằng cách, một là lên phương án để vận chuyển về kho của doanh nghiệp, hai là lên phương án để xử lý sớm. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy trình hướng dẫn của Bộ Tài nguyên & Môi trường nên chưa biết khi nào sẽ xử lý dứt điểm được lô hàng.
Ông Hậu khẳng định: Quảng Ninh với trách nhiệm bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn về vấn đề môi trường tại đây.
PV Dân trí liên hệ với ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng để tìm hiểu về sự phối hợp giải quyết với Quảng Ninh nhưng ông Sản khẳng định, ông chưa nắm được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc này.
Thu Hằng
Theo Dantri
"Chỉ điểm" cho em trai giả cảnh sát bắt hàng lậu Chỉ là kẻ bán vé số song Nguyễn Thị Phượng lại biết được nhiều đối tượng chuyên buôn lậu nên đã "chỉ điểm" cho em trai mình cùng 4 kẻ khác giả làm cảnh sát kinh tế, chặn xe chở hàng lậu lúc đêm tối, "làm luật" 98 triệu đồng cùng 18 thùng rượu ngoại. Tang vật vụ án. (Ảnh minh họa) Ngày...