Quảng Ninh đóng cửa 15 cửa hàng ‘chỉ bán cho người Trung Quốc’
15 điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị đóng cửa, do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Ngày 31/3, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) có công văn yêu cầu 15 điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc trên địa bàn đóng cửa, dừng ngay toàn bộ hoạt động kinh doanh trước 13h cùng ngày.
Trong số này có 8 điểm bán hàng vừa bị Sở Du lịch Quảng Ninh thu hồi văn bản công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các điểm còn lại chưa được công nhận.
UBND TP Hạ Long cho biết, việc dừng hoạt động các điểm bán hàng trên là do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách. Các tiểu chuẩn này được quy định trong Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đoàn khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ của Quảng Ninh. Lý do khác là điểm bán hàng không có văn bản công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Một địa điểm chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc bị dừng hoạt động. Ảnh: Minh Cương
TP Hạ Long cũng đề nghị ngành điện, nước phối hợp cùng UBND các phường thực hiện dừng cấp điện, nước cho các điểm bán hàng nói trên trước 15h cùng ngày; yêu cầu các phường khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình sử dụng đất, công trình xây dựng trên đất tại các điểm cho các công ty thuê để mở điểm bán hàng.
Công an TP Hạ Long được giao tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các xe khách chở khách du lịch vi phạm dừng, đỗ sai quy định, đặc biệt tại các khu vực có 15 cơ sở kinh doanh, bán hàng phục vụ khách du lịch Trung Quốc nêu trên.
Video đang HOT
Cửa hàng xây dựng trái phép bị nhà chức trách TP Hạ Long phá dỡ chiều 30/3. Ảnh: Minh Cương
Trước đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh của báo chí về “Bí mật sau những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc”.
Cụ thể, một số điểm bán hàng ở thành phố Hạ Long được cho là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi hệ thống đón khách du lịch đường bộ Trung Quốc với giá tour 0 đồng. Báo chí gọi các điểm bán hàng này là “bí mật” bởi du khách Trung Quốc tấp nập nhưng người Việt không thể vào được. Doanh thu mỗi đoàn khách vào đạt hàng trăm triệu đồng, được chia cho các bên liên quan, nhưng rất khó để cơ quan thuế kiểm soát…
Về việc này, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh xử lý nghiêm các vi phạm nếu có; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng quyết định.
Theo một số người dân địa phương, gần đây các “tour 0 đồng” hoạt động nhộn nhịp ở Quảng Ninh sau thời gian bị chấn chỉnh, ngăn chặn. Cụ thể, công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách đi tour Hạ Long với giá 0 đồng, rồi bán lại cho công ty lữ hành Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, thời gian tham quan bị rút ngắn, khách được đưa vào các cửa hàng mua sắm với giá rất đắt đỏ. Các cửa hàng này sẽ trả hoa hồng cho các doanh nghiệp lữ hành đã có “công” đưa khách đến. Quy trình này diễn ra khép kín, các cửa hàng không cho khách lẻ, người Việt vào mua nên khó bị các cơ quan phát hiện.
Hồi 2016, một doanh nghiệp ở Hạ Long chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc từng bị phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng USD và nhân dân tệ.
Minh Cương
Theo VNE
Cửa hàng 'chỉ bán cho người Trung Quốc' tăng cường cảnh giới
Các cửa hàng "bí mật với người Việt" ở Quảng Ninh những ngày này chỉ đưa đón khách bằng cửa sau và luôn có 3-4 người cầm bộ đàm cảnh giới.
Ngày 30.3, một số cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc nằm trên quốc lộ 18A (phường Hà Khẩu, Hạ Long) và khu Vườn Đào (Bãi Cháy)... vẫn tấp nập khách bên trong. Khi khách Việt tiến vào, bảo vệ cửa hàng chặn lại từ xa với lý do "không phải khách theo đoàn của công ty quen biết đã đặt trước đó".
"Cửa hàng này chỉ đón khách Trung Quốc còn khách Việt Nam, Nga, Nhật... không được vào. Bên trong bán các loại hàng như chăn, ga, gối, đệm... giá rất cao, không có tiền mà mua đâu", bảo vệ này nói và cho biết thêm chủ cửa hàng là người Trung Quốc.
Tại điểm bán hàng khác ở phường Hùng Thắng (Hạ Long), một phiên dịch tiếng Việt cho hay người giới thiệu sản phẩm là người Trung Quốc, "nhiều sản phẩm giá hơn 100 triệu đồng nên không bán cho người Việt".
Một cửa hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc ở Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương.
Theo những người dân sống xung quanh, hai ngày qua lượng khách đến mua hàng ở những điểm này có dấu hiệu bớt sôi động so với những ngày trước. Nếu trước đây chỉ có 1-2 bảo vệ trông xe thì nay ngoài bảo vệ, cửa chính luôn có 3-4 người cầm bộ đàm. Thấy bóng người lạ, bộ đàm lập tức hoạt động, việc đón khách gần như dừng lại.
Một số cửa hàng "chuyên biệt" kiểu này có cửa chính ở mặt quốc lộ, phố lớn và cửa phụ trổ ra phố nhỏ sau lưng. Những ngày trước, khách vào ra ở cửa chính bình thường thì nay các đoàn hầu hết đi bằng cửa phụ - nơi được che bạt, ngụy trang như nhà dân. Mỗi khách ra vào được phát một chiếc thẻ để nhận biết của công ty nào.
Xe khách lớn hạn chế đậu ở bãi xe cửa trước như thường lệ mà nối đuôi nhau đậu ở khu đất trống gần lối ra cửa sau.
Một cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực quản lý du khách Trung Quốc ở Móng Cái cho hay, "các cửa hàng chỉ phục vụ một loại khách chuyên biệt không hẳn vi phạm pháp luật, họ thậm chí có thể trực tiếp đăng ký kinh doanh", tuy nhiên đây lại là nơi tạo nguồn thu chính nuôi hệ thống đón khách du lịch Trung Quốc đường bộ, hãng lữ hành núp bóng hình thức "tour 0 đồng" để trốn thuế.
Sau khi bị "bán sang tay" từ công ty này sang công ty kia, khách bị rút bớt địa điểm tham quan, bị ép vào các cửa hàng mua sắm với giá đắt. Ước tính, mỗi đoàn khách ra vào có thể mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng. Các cửa hàng này sẽ trả hoa hồng cho doanh nghiệp có "công" dẫn khách. Quy trình diễn ra khép kín, "cách ly" mọi khách lẻ và người Việt nên khó bị phát hiện. Do đó nguồn ngoại tệ dễ dàng rơi vào tay chủ cửa hàng mà địa phương không thu được thuế.
Các đoàn khách Trung Quốc ra vào một cửa hàng "bí mật" ở Hạ Long bằng cửa sau được ngụy trang bởi các miếng bạt che. Ảnh: Minh Cương.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng: "Tour 0 đồng là cách kinh doanh không bình thường, tạo sự không minh bạch". Ông cũng phản đối việc phân biệt đối xử khi bán hàng.
Ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, đoàn liên ngành đã đi kiểm tra và phát hiện vi phạm ở một số cửa hàng. "Chúng tôi đang hoàn hiện hồ sơ để xử phạt. Khi có quyết định chính thức chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí", ông Huy nói.
Trước đó, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh xác minh, xử nghiêm các vi phạm liên quan hành vi chỉ bán hàng cho người Trung Quốc. Năm 2016, một cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc ở Quảng Ninh đã bị phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hoá bằng nhân dân tệ và USD.
Không chỉ Việt Nam, từ đầu năm 2015 đến nay, ngành du lịch Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... cũng phải đối diện với vấn đề "tour 0 đồng". Các công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách du lịch với giá 0 đồng. Khách chỉ phải trả tiền vé máy bay, còn tiền ăn ở, tham quan được miễn phí. Đến điểm tham quan, họ bị chuyển cho những công ty mang danh "đối tác" của công ty lữ hành ban đầu.
Du khách bị cắt giảm thời gian nghỉ tại khách sạn, ăn những bữa đơn giản và rẻ tiền, liên tục bị ép vào các cửa hàng mua sắm với giá gấp nhiều lần thị trường. Các công ty này giao dịch bằng ngoại tệ và có một hệ thống phân phối "khép kín" từ nhà hàng, khách sạn, vận tải... do người Trung Quốc "núp bóng" điều hành. Thái Lan ước tính nước này thiệt hại 9 tỷ USD mỗi năm vì các "tour 0 đồng".
Theo Minh Cương (VNE)
Phó thủ tướng yêu cầu dừng thi công dự án FLC Hạ Long Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Quảng Ninh bị yêu cầu dừng thi công để đánh giá tác động môi trường, sau một số sự cố tràn bùn đất xuống khu dân cư. Bùn đất từ Dự án khu nghỉ dưỡng tràn xuống chân đồi. Ảnh: Minh Cương. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh...