Quảng Ngãi: Tàn sát cổ thụ bán cho thương lái Trung Quốc
Công an huyện Minh Long (Quảng Ngãi) cho biết đang điều tra làm rõ vụ xe đầu kéo chở 4 cây trâm với số lượng hàng chục m3 gỗ chở sang Trung Quốc bán bị công an huyện tạm giữ.
Trước đó, ngày 20/7, tại tỉnh lộ 625, thuộc xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long, lực lượng CSGT Công an huyện trong lúc kiểm tra phát hiện xe đầu kéo biển số 76C-00.693 do tài xế Trần Văn Sáu (32 tuổi, ngụ thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) điều khiển từ hướng xã Long Môn theo tỉnh lộ 625 xuống đường Quốc lộ 1A.
Những cây trâm cổ thụ dài gần 20m
Xe đầu kéo thùng phía sau phủ bạc quá khổ. CSGT ra tín hiệu dừng xe, qua kiểm tra phát hiện xe vi phạm không có sổ kiểm định, trên xe chở 4 cây gỗ cổ thụ nhội (còn gọi cây trâm). Trung bình mỗi cây cổ thụ có có chiều dài gần khoảng 15m. Có cây đường kính gốc trên 2m và có độ tuổi gần trăm năm tuổi.
Tổng khối lượng 4 cây trên 21 mét khối gỗ. Qua kiểm tra hồ sơ khai thác, vận chuyển cây cổ thụ, phát hiện còn thiếu một số giấy tờ liên quan. Ông Vy Thành Thái – ở phường Nghĩa Chánh, Tp Quảng Ngãi đã đến Công an huyện Minh Long thừa nhận là chủ số gỗ trâm trên.
Ông Thái trình bày, đã mua 4 gỗ trâm trên của người dân ở xã Long Môn. Rồi thuê xe ô đầu kéo chở bán lại cho các thương lái bán sang Trung Quốc.
Được biết, ngày 15/6/2012, ông Đinh Văn Ló, ở làng Trê, xã Long Môn được UBND huyện Minh Long có công văn đồng ý cho phép khai thác 9 cây gỗ nhội (trâm) trên một diện tích đất lâm nghịêp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xe đầu kéo chở gỗ bị tạm giữ
Video đang HOT
Ngoài ra, UBND huyện Minh Long còn cho phép ông Ló và 4 hộ dân khác ở thôn làng Trê khai thác trên 20 chục cây gỗ nhội và cây ké khác.
Ông Thái cho hay, ông Đinh Văn Ló đã bán lại số cây gỗ trâm cho mình. Tuy nhiên, ông Thái không trình được giấy tờ mua bán số gỗ trên cho Công an huyện Minh Long.
Được biết, số cây trâm này được khai thác tận gốc để thuận tiện đưa qua Trung Quốc trồng sống. Các đối tượng đã sử dụng nhiều máy đào, hạ cây, trung chuyển ra đường mất nhiều ngày trời.
Trước đó, năm 2011, trên địa bàn huyện Minh Long, lực lượng chức năng đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ chặt gỗ trâm đem bán đi Trung Quốc. Mọi chuyện tưởng sẽ dừng lại, tuy nhiên từ tháng 6/2012 đến nay, các lái thương xuất hiện lại huỵên miền núi Minh Long lùng sục mua cây trâm bán sang Trung Quốc. Trong số này có cả lái thương người Trung Quốc.
Theo anh T.V.T – một người chuyên tìm cây trâm môi giới cho lái thương, hiện nay bên Trung Quốc đang ráo riết tìm mua cây trâm đem về nước trồng làm cây cảnh.
“Thay vì phải trồng một cây nhỏ dọc đại lộ phải mất hàng chục năm cây mới lớn, họ đi tắt tìm mua cây cổ thụ lớn về trồng” – anh T. cho biết.
Vì sao bên Trung Quốc chỉ tìm mua cây trâm, anh T. giải thích, vì cây trâm 3 lá loại cây cực hút nước và giữ nước. Dù nhổ khỏi mặt đất và cắt trụi rễ, nhưng 50 ngày sau đem trồng lại vẫn sống. Bởi thân cây sẵn có nước nuôi dưỡng không dễ chết.
Theo điều tra được biết, một cây trâm mua tại rừng, rẫy của dân với giá chưa tới 2 triệu đồng. Sau khi khai thác vận chuyển ra đường lộ đã có giá trên 40 triệu đồng một cây. Anh T. cho hay, đấy là chưa kể đến những cây trâm nằm ngoài “sổ đỏ”.
Tuy nhiên, biết đường “lách” thì trong giấy tờ cây vẫn nằm trong “sổ đỏ” của dân. Vì thế mới hiểu tại sao lái thương đổ xô đi tìm mua cây trâm đem bán cho người Trung Quốc.
Theo một số già làng ở xã Long Môn, sở dĩ cây trâm cổ thụ vẫn còn nhiều ở các khu rừng, trong rẫy dân vì gỗ cây trâm người dân không sử dụng. Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ chết vì không còn cây trâm giữ nước.
Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ. Chưa nói đến việc vận chuyển kéo cây trâm cổ thụ ra khỏi rừng sẽ san bằng các loại cây khác. Chính vì thế mỗi khi cây trâm cổ thụ bị bứng đi để lại hàng ngàn cây lớn nhỏ khác chết theo.
Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy. Đặc biệt, việc khai thác những cây ven đường vào mùa mưa bão rất dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Công an huyện Minh Long thông tin, hiện đang tiếp tục tạm giữ xe ô tô và số gỗ trên để làm rõ sự việc.
Ngoài ra, trước tình hình thương lái tìm đến các xã mua cây trâm, công an huyện sẽ kiến nghị chính quyền địa phương có các giải pháp ngăn chặn.
Theo VietNamNet
Đổ xô tận diệt rong mơ
Thời gian trở lại đây, người dân biển Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đổ xô ra biển khai thác rong mơ để bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao. Ham cái lợi trước mắt, người khai thác vô tình làm đảo lộn hệ sinh thái ở vùng biển này.
Có mặt dọc bãi biển xã Vĩnh Thạch vào những ngày này, mới sáng sớm dọc theo bãi biển đã thấy hàng chục người dân tất bật vớt và phơi rong mơ (còn gọi là rau ngoai). Ven bờ biển, lớp lớp cây rong bị sóng giật khi người dân lặn xuống vớt trôi dạt vào bờ biển gây chết úng, bốc mùi tanh nồng, đen ngòm.
Ông Hồ Minh Vừng, Trưởng thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) cho hay: "Rong mơ là loại rau chế biến món ăn được người dân vùng biển biết đến từ xa xưa. Mỗi mùa rau ngoai từ độ tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4, 5. Tuy nhiên khoảng vài ba năm trở lại đây, loài rau này được khắp nơi tìm mua, đặc biệt năm nay có nhiều thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao nên người dân đổ xô ra biển khai thác. Sự khai thác tận diệt, thiếu khoa học đó làm ô nhiễm môi trường và hủy diệt môi sinh".
Bà con hào hứng vì trước mắt có thể sống khỏe với nghề khai thác rong mơ
Rong mơ mọc trên các bãi đá, rạn san hô gần bờ. Người khai thác chờ đến thời điểm con nước hạ thì có thể lội bộ ngập khoảng ngang đầu gối là có thể hái được. Những người mạnh khỏe thì bơi thuyền ra xa hơn, nơi mật độ rong mơ mọc dày đặc hơn, để hái. "Mỗi năm cứ đến mùa cây rong mơ mọc rất nhiều, không tốn công chăm sóc lại bán được giá. Mỗi vụ rong mơ nếu được mùa được giá như năm nay có gia đình thu về hàng chục triệu đồng, khỏe hơn đi làm thuê nhiều", anh Nguyễn Hai phấn khởi cho biết.
Theo ông Hồ Minh Vừng, thôn Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) có gần trăm hộ làm nghề khai thác rong mơ. Theo thời giá hiện tại, 1kg rong mơ phơi qua 1 ngày nắng bán được từ 6 đến 8 ngàn đồng; trung bình mỗi ngày một người khai thác rong mơ có thể kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng. "Tính ra khai thác rong mơ không cần tàu thuyền cỡ lớn, không phải tốn chi phí lớn mà vẫn kiếm được nhiều lời hơn đi đánh cá hoặc lao động chân tay nặng nhọc", chị Hoa - một người dân phơi rong mơ trên bãi biển Vĩnh Thạch cho hay.
Làng biển Vịnh Mốc có 376 hộ gia đình với gần 2.000 nhân khẩu thì trong đó 2/3 làm nghề biển. Thế nhưng theo ông Vừng cho biết, ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt gần bờ với loại tàu thuyền công suất dưới 20CV nên việc thu nhập từ rong mơ đóng vai trò khá lớn trong kế mưu sinh của rất nhiều người. Rong mơ được giá, người dân ồ ạt đổ xô ra biển khai thác. Tuy nhiên cái lợi trước mắt dẫn theo rất nhiều hệ lụy. Bên cạnh môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái cũng bị hủy hoại. "Mùa rong mơ sinh trưởng cũng là lúc nhiều loài cá như chuồn, trích, cá đuối, cá dìa, tôm hùm... đẻ trứng trên lá. Việc khai thác rong vô tình kéo theo hàng triệu triệu trứng cá. Đó là lý do mấy năm trở lại đây vùng biển này mất mùa cá", ông Vừng thở dài.
Theo ông Vừng cũng cho biết thêm: "Nghề vớt rong mơ là kế mưu sinh cứu cánh của nhiều người dân nghèo từ bao đời nay. Nhưng trước việc thương lái tận thu khiến người dân ồ ạt khai thác, chúng tôi đã có báo cáo với Chi cục Thủy sản và cũng mong cơ quan chức năng có biện pháp, hướng dẫn bà con cách khai thác, nhằm hạn chế tối đa sự hủy hoại hệ sinh thái. Cơm áo là cần thiết nhưng khai thác một cách khoa học sẽ đảm bảo được kế mưu sinh bền vững".
Rong mơ là một loại rong biển được sử dụng để chiết xuất keo aginat dùng trong y dược, làm phân bón và thức ăn cho vật nuôi. Rong mơ sinh trưởng từ tháng 3 dương lịch đến tháng 7 hàng năm và tự chết khi mùa mưa bắt đầu. Rong mơ sống từng đám lớn, cao 40-60cm, bám vào đá hoặc san hô, là nơi trú ẩn, kiếm ăn, sinh sản của nhiều loài thủy sản...
Theo Dân Trí
Điều tra vụ thương lái Trung Quốc quỵt nợ Trong số những thương lái Trung Quốc quỵt nợ tiền cua của người dân tại tỉnh Cà Mau, có bà Wang Juan Mei (tự A Kiều, 38 tuổi), một thương lái quốc tịch Trung Quốc đến địa phương thu mua cua và biến mất cùng món nợ hơn 10 tỉ đồng. Theo lời các chủ nợ thì A Kiều không chỉ nợ tiền...