Quảng Ngãi: Ra quân dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần”
“ Tử tế với Sa Cần” được phát động từ tháng 7/2019 với kênh lan tỏa chính là mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều cá nhân cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.
Sáng 4/8, tại thôn Hải Ninh (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần” chính thức ra quân.
Tặng quà cho người dân sống gần cửa Sa Cần và sông Trà Bồng
Nhân dịp này, ban điều hành dự án đã tặng quà cho 400 hộ dân ven sông Trà Bồng và cửa biển Sa Cần, mỗi hộ 2 thùng đựng rác và cây hoa giấy. Đồng thời tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác khó phân hủy; cách tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy để ủ làm phân bón. Từ đó, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi “đầu độc” sông, biển của người dân.
Sau lễ ra quân, hàng trăm đoàn viên, thanh niên và các tình nguyện viên tiếp tục tổ chức dọn rác khu vực bờ biển Sa Cần.
Các tình nguyện viên tham gia dọn rác tại bờ biển
Em Mai Quang Anh – đoàn viên thanh niên ở thôn Hải Ninh cho hay: “Lâu nay sống chung với rác thải nên bây giờ có dự án này mọi người rất vui mừng. Nhân lễ ra quân, em cũng góp tay nhặt rác, mong bãi biển sẽ nhanh trở lại sạch đẹp”.
Trong khuôn khổ ngày ra quân, ban điều hành dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần” còn tổ chức 2 trận bóng đá giao hữu ngay trên bờ biển vừa được dọn sạch.
Một khu vực bờ biển đã sạch rác
Video đang HOT
Theo thông tin từ ban điều hành dự án, “Tử tế với Sa Cần” được phát động từ tháng 7/2019 với kênh thông tin chính là mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều cá nhân, tổ chức. Hiện tại dự án đã huy động đủ số lượng quà tặng cho bà con. Ban điều hành đang lập hồ sơ để xin kinh phí của tỉnh để gây quỹ cho dự án nhằm duy trì hoạt động cải tạo môi trường về sau, bao gồm: Lắp camera giám sát, chi phí thu gom rác ở cửa biển Sa Cần thường xuyên, chi phí xây dựng lò đốt rác.
Trong tháng 8/2019, các giai đoạn còn lại của dự án “Tử tế với Sa Cần” sẽ tiếp tục được triển khai. Trong đó, giai đoạn 2 có nội dung chính là thực hiện 400 giờ làm sạch bờ sông, bờ biển, nhặt rác và phân loại từ trên bờ cho đến vùng đất biển khi thủy triều rút xuống (trong phạm vi dự án); ở giai đoạn 3, các hội, đoàn thể ở thôn tự lập kế hoạch tổng dọn vệ sinh cửa biển Sa Cần thường xuyên, nguồn rác tái chế từ các hộ gia đình gom lại bán gây quỹ cộng đồng bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng.
Sa Cần là nơi có phong cảnh hữu tình, nhưng hơn 20 năm qua, cửa biển Sa Cần bị ô nhiễm nặng nề và là nơi “tập kết” rác thải từ nhiều nguồn. Không chỉ dừng lại ở hành động dọn rác, dự án “Tử tế với Sa Cần” có mục đích chính là thay đổi nhận thức và hành động của người dân, đối xử tử tế với môi trường bằng cách xây dựng thói quen phân loại rác thải tại nguồn và ngưng đổ rác thải ra môi trường.Đây là giải pháp lâu dài giúp bảo vệ môi trường bền vững; ngăn chặn rác thải, nhất là rác thải nhựa đổ ra biển.
Theo Bienphong
400 giờ đồng hành cùng "Tử tế với Sa Cần"
Sáng 4-8, tại Nhà văn hóa thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã diễn ra chương trình "Tử tế với Sa Cần" với 400 giờ đồng hành làm sạch bãi biển Sa Cần.
Dự án cộng đồng "Tử tế với Sa Cần" do nhóm bạn trẻ tình nguyện Quảng Ngãi thực hiện. Dự án được phát động trên mạng xã hội đã thu hút rất đông mọi người hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa. Dự án có sự phối hợp tổ chức của UBND xã Bình Thạnh.
Chương trình "Tử tế với Sa Cần" đã huy động 400 thùng rác gia đình, 400 vỏ thùng sơn tái sử dụng, 400 bộ tài liệu hướng dẫn phân loại rác, 400 cây xanh cho người dân trong vùng dự án để hưởng ứng tham gia phong trào chống rác thải nhựa... Đặc biệt là 400 giờ làm sạch bãi biển Sa Cần, từ ngày 4-8 đến ngày 31-8.
Hàng trăm người dân có mặt tại Nhà văn hóa Hải Ninh để nhận thùng rác và tham gia 400 giờ đồng hành "Tử tế với Sa Cần". Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ngay từ khi mới khởi động, dự án đã thu hút hàng ngàn người dân và các tình nguyện viên tham gia. Trong buổi ra quân sáng 4-8, rất đông lực lượng quân dân, bộ đội, đoàn xã, các bạn trẻ tình nguyện viên và hàng ngàn người dân địa phương tham gia dọn sạch bãi biển.
Trong chương trình "Tử tế với Sa Cần", ban điều hành dự án đã cấp phát găng tay, bao lưới, nước uống, khuyến khích không sử dụng đồ dùng nhựa trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Phát tặng hoa giấy và thùng đựng rác cho bà con các thôn nằm trong vùng bãi biển Sa Cần, xã Bình Thạnh. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Một cụ già mang những cây hoa giấy và thùng sơn cũ về dựng rác tại nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Chị Trần Thị Chung (thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh) chia sẻ: "Bãi biển Sa Cần trước kia rác chồng chất từng lớp, mỗi năm một nhiều, bây giờ các bạn trẻ ra quân cùng đồng hành người dân để dọn sạch bãi biển nên người dân xóm làng rất mừng. Người người, nhà nhà trong thôn đều tham gia".
Chị Đỗ Thị Tình (thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh) vui mừng khi thấy bãi biển đang trở lại như xưa. Chị nói: "Phải rất lâu rồi, cư dân nơi đây mới thấy lại bãi biển phủ cát mịn, chiều chiều có thể ra dạo biển, trẻ con làm sân đá bóng trên bãi, người lớn uống trà nói chuyện".
400 giờ đồng hành dự án "Tử tế với Sa Cần" vì bãi biển sạch, đẹp và không có rác thải nhựa. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Ông Nguyễn Duy Khắc, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, cho biết: "Bãi biển Sa Cần vốn rất đẹp, từ năm 1990 trở về sau này thì bắt đầu rác đổ về bãi biển, những năm gần đây thì ô nhiễm nặng nề từ chất thải sinh hoạt, công nghiệp, rác thải nhựa từ trên sông Trà Bồng theo dòng nước tấp về biển Sa Cần. Xã đã cố gắng tuyên truyền, ra quân dọn dẹp bãi biển nhưng không thể giải quyết triệt để rác thải".
Ông Khắc cho rằng, quá trình dọn rác bãi biển Sa Cần ngoài nổ lực và ý thức của người dân xã Bình Thạnh thì các xã dọc sông Trà Bồng ở phía thượng nguồn cần hạn chế rác thải nhựa vứt xuống sông.
"Sông Trà Bồng này đổ ra cửa biển Sa Cần, khi rác thải không đổ ra biển được thì lại tấp vào bờ biển Sa Cần, năm này qua năm khác, gây ô nhiễm nghiêm trọng"- ông Khắc nói.
Trong suốt quá trình thực hiện "Tử tế với Sa Cần", người dân xã Bình Thạnh rất quan tâm và có những hành động thu gom, xử lý rác bãi biển.
Người dân Sa Cần dù dọn dẹp nhưng lượng rác đổ về lớn mỗi ngày do tình trạng xả rác ra sông Trà Bồng của người dân sống dọc sông phía thượng nguồn đổ về
Rác thải là tấm lưới, vải, đồ dùng nhựa, tấm xốp, đồ dùng nệm...
Bộ đội biên phòng tham gia cùng người dân ven biển Sa Cần
Có những khối sắt lớn trôi vô bãi biển được lấy lên
Đoàn viên thanh niên, dân quân địa phương tham gia làm sạch biển Sa Cần
NGUYỄN TRANG
Theo SGGP
Người mẹ trẻ ở Điện Biên mất tích bí ẩn từng bỏ nhà đi 2 lần Theo thông tin của gia đình tới cơ quan công an, trước đây Huyền từng gặp tai nạn, nên đầu óc ít nhiều bị ảnh hưởng. Liên quan đến sự việc một người phụ nữ trẻ sống tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đột nhiên mất tích một cách bí ẩn, sau nhiều ngày tìm thấy tại...